Wednesday, February 5, 2025
HomeBLOGDI TẢN (phần 3)

DI TẢN (phần 3)

Huỳnh Ngọc Tuấn 

KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY 30- 4, MỜI CÁC BẠN ĐỌC LẠI TÁC PHẨM “DI TẢN”. VÌ TÁC PHẨM NÀY MÀ TÔI BỊ VC BỎ TÙ 1O NĂM.

Hôm nay, Tín đến trường thấy nhiều người vây quanh một bản thông báo dán ở cổng. Nội dung: vì tình hình an ninh, nhà trường tạm đóng cửa, chờ thông báo mới. Đẩy nhẹ nhàng cánh cổng sắt khép hờ, anh vào trong sân trường. Sân trường vắng vẻ, trở nên rộng hơn và thật lạnh lùng. Những bồn cỏ xanh hơn mọi ngày vì thiếu đi những bàn chân dẫm đạp. Tín đi lang thang trên sân trường, mắt nhìn lên những tán cây phượng. Những con chim nhỏ dạn dĩ và thản nhiên tìm mồi. Lơ lửng trước mắt Tín là mấy con sâu nhỏ treo mình bằng những sợi tơ mỏng manh. Ở gần đó, mấy cô gái quấn quít bên nhau, họ nói chuyện nho nhỏ và chậm rãi, không như mọi ngày họ cười và tranh nhau nói.

Tín trải bước chậm rãi từ hành lang này sang hành lang khác, nhìn vào từng phòng, tất cả đều yên tĩnh, không giống với cái yên tĩnh khi làm bài, cái yên tĩnh trong suốt trống rỗng, đơn điệu. Bước lên từng bậc cầu thang – cái cầu thang rộng và thoáng mà họ vẫn hay xô đẩy nhau chạy ào xuống mỗi khi tan học. Tín vẫn như nghe ở đâu đây rất gần và rất thật cái trách móc nhẹ nhàng của các cô gái bị va phải. Đây là lớp học của Tín, anh bước vào, căn phòng yên tĩnh lạnh lẽo. Hai dãy bàn ghế im lìm ngay ngắn. Ngồi vào chỗ của mình, Tín buồn rười rượi. Ở kia là chỗ của Tường, của Lộc, của Hưng, của Hoàng.

Tín điểm từng chỗ ngồi và hình dung từng người vẫn ngồi ở đó. Đâu rồi tiếng cười đùa, đâu rồi ánh mắt thân thương, đâu rồi những tà áo trắng mượt mà, những chiếc lưng thon thả, những mái tóc như mây bồng bềnh. Chiếc bảng đen vẫn còn những dòng chữ nghịch ngợm của ai đó viết vào một buổi chiều nào đó rất gần đây khi tan học. Buồn bã đứng dậy, anh ra ngoài lan can nhìn xuống sân trường. Những chiếc ghế đặt ngay ngắn dưới tán cây xanh mượt. Tín hình dung những chiếc lá trên ấy bây giờ cô đơn vì không còn hơi ấm của các cô các cậu. Bước xuống từng bậc thang…thẫn thờ, vì chẳng có lý do gì để vội, chẳng có ai để nghịch. Đối với tuổi học trò, không có gì khủng khiếp bằng điều đó. Tín lại lang thang trên sân trường, nhìn từng gốc cây, anh thấy những tên người khắc trên đó….Họ là những người đã học ở đây, đã tốt nghiệp ra trường. Trong số họ, có người hiện nay đang giữ một chức trách, một nhiệm vụ nào đó, có người đã có gia đình, con cái. Họ khắc vào thân cây những kỷ niệm và nỗi buồn của tuổi học trò. Nhưng đó là nỗi buồn êm ả trong hạnh phúc, trong thành đạt. Tín ước ao mình được như họ.

Dừng lại trước một thân cây lớn, anh chọn một chỗ thật đẹp và kín đáo, tỉ mỉ khắc tên mình vào đó… Không hiểu rồi trong năm tháng rộng dài nó sẽ ra sao? Cuộc đời nhiều đổi thay, hiện tại nhiều bất trắc.

– Đẹp lắm!

Tín giật mình quay lại, Sơn – một người bạn cùng lớp đã ở đó tự bao giờ. Tín cảm thấy bớt cô đơn. Bình thường anh thấy Sơn lặng lẽ và có vẻ u uất. Người thanh niên này đầy nhiệt huyết nhưng quá khích, tính cách xa lạ với Tín, anh nhìn thấy Sơn với nụ cười rạng rỡ và mãn nguyện.

Tín hỏi:
– Gia đình bình yên chứ?
Sơn không trả lời mà hỏi lại
– Còn mày, tâm trạng thế nào?
– Không được tốt lắm.

Sơn rảo bước rất nhanh trên sân trường hoang vắng, Tín đi sau cho kịp Sơn để nghe nó nói một cái gì đó. Bất ngờ, nó dừng lại trách anh:
– Trông mặt mày ủ rủ như đưa đám? Sao mà nhu nhược thế!

Tín phân trần với một chút nỗi niềm muốn chia sẻ:
– Mày không thấy chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, số người chết ngày càng nhiều, cầu cống, đường sá, sân bay, công sở bị phá hoại và sụp đổ đó sao? Nhà trường thì đóng cửa, bạn bè ly tán, mày không cảm nhận điều gì sao?

Sơn cười thản nhiên:
– Có cuộc sinh đẻ nào mà không đau đớn! Cách mạng mà sợ hy sinh thì làm sao mà làm cách mạng được. Mày thật ấu trĩ.
– Mày so sánh chiến tranh với sinh đẻ hay sao? Mày không thấy sự khác biệt sao? Sinh đẻ là để tạo nên cuộc sống mới, chiến tranh chỉ tạo nên cái chết và sự tàn phá.

Sơn cười có vẻ tự mãn, nhưng nét mặt nó có vẻ ngây thơ. Tín thấy có cái gì đối lập nơi con người nó. Bình thường, nó ân cần và quan tâm đến bạn bè, còn bây giờ nó lạnh lùng và sắc sảo. Tín không biết đâu mới thật sự là con người nó.

Nó giải thích với anh như một người đã nhiều hiểu biết:
– Chiến tranh, cách mạng là để thay đổi xã hội, cái chế độ cũ chết đi, chế độ mới hình thành.

Tín phản bác:
– Nhưng mọi việc đang tốt đẹp, còn tương lai của mình, việc học hành thì sao?
– Chế độ mới sẽ ưu việt hơn chế độ này, còn việc học hành của mình rồi sẽ tiếp tục. Nó nói quả quyết với giọng nhẹ nhàng thân mật. Đôi mắt long lanh rực sáng một niềm hy vọng.
– Một ngày nào đó, tôi và bạn sẽ sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan để du học. Ở đó, nền giáo dục của họ không thua kém gì các nước phương Tây, Nhật Bản.

Tín không tranh luận với Sơn nữa, vì đây là vấn đề của tương lai, mà tương lai thì chưa tới, hơn nữa họ chẳng biết gì về cộng sản.

Tín cười và nói đùa với Sơn:
– Mày nói như mày là cộng sản thật rồi.
– Mày nghĩ về tao thế nào cũng được, tao chỉ muốn điều tốt cho mày, nhưng mày chỉ đựơc một cái đẹp trai thôi, mày còn ngây thơ lắm.

Họ chia tay, anh thấy hình như Sơn đang có một dự định gì đó. Nó muốn nói với anh một điều gì đó nhưng chưa tiện.
Tín biết Sơn là con của một người “nhảy núi” – từ mà người ta dùng để chỉ một người cộng sản miền Nam. Mẹ Sơn bán hàng tạp hoá ngoài chợ, Sơn còn một cô em gái, cảnh nhà cũng bình thường, không đến nỗi nào. Nhưng con người này ngày thường có vẻ an phận, lại chất chứa trong lòng một tham vọng lớn lao.

Chiến sự mỗi ngày thêm ác liệt về cường độ và mở rộng về không gian. Vùng an ninh là vùng lãnh thổ chính phủ Việt Nam Cộng Hoà kiểm soát mỗi ngày càng bị thu hẹp và chia cắt. Gia đình Tín quyết định sửa sang, và mở rộng hầm trú ẩn cho kiên cố và tiện nghi hơn. Ông thợ ở gần nhà được giao phó công việc này cùng ba người thợ phụ việc. Ông thợ xây người gầy, cao, và nhanh nhẹn, khoảng 50 tuổi, trông ông già hơn số tuổi vì khuôn mặt khắc khổ. Có lẽ ông có một tuổi thơ vất vả.

Hầm trú ẩn cũ, nông và hẹp, phần nắp hầm bằng bê tông hơi mỏng. Cha anh sợ không chịu nổi những loại đạn có sức công phá lớn. Tất cả đều phải được sửa lại, rộng hơn, sâu hơn và có sức chịu đựng lớn hơn. Sắt, thép, ximăng, cát sỏi được đổ đầy cả một khoảng sân. Khoảnh sân này, không rộng lắm, khi dọn về đây, lúc ấy Tín mới 12 tuổi, Tín đã trồng trên đó một cây xoài. Bây giờ cây đã khá cao, tán lá đã che mát cả một vùng. Tín vẫn hay ngắm nghía nó hàng ngày vào những buổi sớm mai, hay những buổi chiều tà. Nhà anh trước đây sát cạnh nhà Thương. Tuổi thơ anh phủ đầy bóng lá, hương hoa trong khu vườn yên tĩnh, thơ mộng mà Thương là một nàng tiên bé nhỏ.

Ông thợ nói với cha anh, trong làn khói thuốc lá và thoảng cả mùi rượu:
– Anh quyết định sửa lại hầm là sáng suốt. Chiến sự sẽ ác liệt, và không loại trừ trọng pháo sẽ được sử dụng với mật độ dày đặc.

Ông ta nói chuyện rất sành sỏi và trôi chảy. Tín rất ngạc nhiên về sự am hiểu tình hình của ông ta. Tín phục ông ta và cũng muốn bắt chuyện:
– Chẳng lẽ người ta pháo kích cả vào khu dân cư?
– Không ai cố ý pháo kích vào khu dân cư nhưng khi cần sử dụng hỏa lực áp đảo thì người ta không loại trừ. Hơn nữa, trọng pháo nó đâu có mắt, tên bay đạn lạc là chuyện thường. Chiến tranh khó tránh được thương vong cho nên phải đề phòng. Ông ta nói bằng một giọng sắc lạnh.

Tín hỏi:
– Có lẽ là bác nghe radio nhiều. Thường thì bác nghe đài gì?

Ông ta bình thản nhả khói thuốc và trả lời:
– BBC và đài của phía bên kia.

Cha anh nói:
– Người ta có điều kiện thì người ta đi nước ngoài. Mình nghèo thì chỉ có thể làm thế này thôi. Chỉ mong trời đất che chở cho tai qua, nạn khỏi.

Ông ta nói với vẻ khinh khỉnh:
– Đây là đất nước của mình, tội gì phải đi đâu anh. Thằng Pháp, thằng Mỹ nó đâu có thương dân mình. Chỉ có mình mới thương mình thôi.

Ba Tín chậm rãi ngồi xuống bên chiếc bàn tròn, trên đó để rất nhiều trái cây và nước giải khát cho thợ dùng. Và cũng bằng giọng chậm rãi, ông nói:
– Trong cuộc chiến này, tôi chẳng thấy người ngoại quốc nào giết dân mình, chỉ có mình giết mình là nhiều nhất. Vì cái gì mới được chứ. Tôi thấy cuộc chiến này quá điên khùng.

Mắt ông thợ xây sáng quắt, ông ta linh hoạt hẳn lên vì có đề tài để tranh luận:
– Cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh giải phóng.
– Giải phóng à, tôi không hiểu! Ba Tín nhẹ nhàng phản ứng, nhưng có vẻ cương quyết, vì ba anh tin vào những kinh nghiệm và suy tư của ông.

Ông thợ xây nói và diễn đạt nó bằng bàn tay to và chắc nịch:
– Anh thấy không, nó muốn biến nước ta thành một thứ thuộc địa kiểu mới, và đất nước này là đất nước của những người giàu có. Còn người dân thì có cái gì. Mọi cái đều ở trong tay của bọn tư sản.

Ba anh lặng thinh trước những lời lẽ đầy phẫn uất, và thiên lệch. Chỉ còn lại ông ta tuôn ra những gì ông suy nghĩ và ôm ấp.
– Ở các nước Đông Âu và Liên Xô, nhà máy – xí nghiệp là của công nhân. Người dân là chủ đất nước, công nhân là chủ nhà máy.

Ông ta nói với cái luận điệu giống với Sơn – bạn Tín. Sao họ suy nghĩ giống nhau như vậy! Ai đã nói với họ điều ấy. Tín thoáng hiểu ra: ở miền Nam này, phương tiện thông tin đâu có thiếu. Ba anh mỉm cười:
– Ông này khuynh tả quá nặng rồi. Nhưng tôi khuyên ông, điều gì cũng phải nhìn bằng cái tâm bình thản. Chỉ khi bình thản ta mới sáng suốt và không thiên lệch.

Tín vào phòng của mình, nằm dài, nhìn lên trần. Tín so sánh những gì ông thợ xây và Sơn nói thì ở các nước xã hội chủ nghĩa đúng là thiên đường rồi. Thế nhưng tại sao lại có bức tường Berlin, rồi dòng người tị nạn đi tìm tự do và hạnh phúc. Một bên là lời nói của ông thợ hồ, một bên là lời nói của mẹ Thương – người phụ nữ mà anh thương yêu và kính trọng, một người phụ nữ mẫu mực và nhân hậu. Tín rùng mình khi hình dung đến những thây người rách nát, xanh xao, bê bết máu nằm vắt vẻo trên bức tường Berlin khi cuộc vượt thoát thất bại..X

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular