Monday, December 23, 2024
HomeBLOGĐẤU TRANH TRONG TRẠI GIAM CÁI TÀU-CÀ MAU

ĐẤU TRANH TRONG TRẠI GIAM CÁI TÀU-CÀ MAU

Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải)

NHẬP TRẠI
Ngày 30/3/2009

Xe của trại tạm giam Chí Hoà đến cổng trại Cái Tàu Cà Mau khoảng 1h chiều, trong khi tay an ninh và nhóm công an trại giam đi cùng đang làm thủ tục với trại giam Cái Tàu, tôi ngồi một mình với mấy túi nilon đựng đồ và cái chiếu trước cổng trại. Lúc này tù bắt đầu xuất trại đi làm, hai cánh cổng trại mở lớn cho thấy phía trong là một sân đất rộng, phía ngoài hai bên có trồng cây, tù nhân đang xếp hàng dài chờ xuất trại. Ai cũng đen cháy, khắc khổ, bộ đồ tù nhuốm màu đất phèn bạc phếch, có người chỉ mặc bộ đồ lót của tù để đi làm. Ai đi qua cũng nhìn tôi, thỉnh thoảng có người hỏi vội :
Ở đâu xuống vậy ? Mấy số ?
Chí Hoà – Sài Gòn xuống.
Mấy số?
Tôi lắc đầu, tôi không hiểu “mấy số” là gì. Sau này mới biết là họ hỏi có bao nhiêu người cùng chuyến với tôi vì thấy cái xe tù chở tôi là loại lớn để chở khoảng 30 người.

Phân trại K1 trại giam Cái Tàu – Cà Mau.

Phân trại K1 trại giam Cái Tàu – Cà Mau.

….Khi tù nhân đã xuất trại đi làm hết, hai cánh cổng lớn đã khép lại họ mới làm thủ tục để tôi nhập trại.

Tay cán bộ trực trại kêu hai tù trật tự đến xét đồ của tôi, hai người tù trải cái chiếu của tôi ra và đổ tất cả đồ đạc lên đó, họ cầm từng thứ lên nắn, vuốt xem có giấu vật gì trong đó không, những món đồ khám xong họ để qua một bên, nhưng có một vài món đồ họ lại để riêng ra một chỗ khác. Tôi chăm chú quan sát họ làm, chừng 15′ sau họ nhét đồ đã khám vào một cái túi nilon rồi bảo tôi xách đi vào trại. Tôi nhìn số đồ đạc mà họ đã để riêng ra nhưng không bỏ vào túi cho tôi, hỏi :
– Còn những món đồ này thì sao?
Tay tù trật tự trả lời vô tư :
– Đồ này không được mang vào trong trại.
– Vậy các anh xử lý những món đồ này của tôi thế nào?
– Bỏ đi thôi. Một tù trật tự trả lời tỉnh queo.
Tôi nhìn sang tay cán bộ trực trại hỏi :
– Cán bộ xử lý đồ đạc của tôi thế nào?
Anh cán bộ trực trại thoáng chút bối rối :
– Thì quy định của trại không được mang vào, anh chấp hành đi.
Tôi kết luôn :
– Cán bộ lập biên bản đi. Ghi rõ từng món đồ của tôi, vì sao không được mang vào? Xử lý ra sao? Tại sao ở trại tạm giam tôi được xài những đồ này mà tới trại giam tôi lại không được xài?
Tay cán bộ chưa nói thì một tay tù trật tự đã phán :
– Quy định không cho mang vào thì bỏ chứ lập biên bản gì!
Tôi nhìn thẳng vào tay tù trật tự hỏi :
– Đây có phải là cơ quan của công an không?
Hắn còn đang ngập ngừng chưa hiểu, tôi nói luôn :
– Nếu tôi đang đứng ở ngoài đường mà bị thằng ăn cướp giật đồ chạy mất thì tôi chịu, vì nó hành xử theo lối ăn cướp. Còn ở đây là trại giam của công an, thu của tôi dù một viên thuốc, một tờ giấy cũng phải lập biên bản nêu rõ lý do thu giữ, biện pháp xử lý ra sao, tình trạng tài sản của tôi thế nào, căn cứ pháp lý nào để làm việc đó. Đồ đạc của tôi mà các anh tự ý gạt qua một bên rồi lấy ngang nhiên vậy sao được, có khác gì ăn cướp. Tôi không vào trại chừng nào chưa giải quyết xong.
…..
Tay cán bộ trực trại nói với hai tù trật tự :
– Xem đồ đạc của anh ấy cái nào cho vào được thì cho vào đi.
Thế là hai tù trật tự bỏ hết chỗ đồ còn lại vào trong túi của tôi, chỉ chừa lại cái sô nhựa nhỏ màu đỏ. Mấy hôm sau, tôi thấy nó được xài dưới tổ bếp

TRỞ MẶT VÀ LẬT BÀI NGỬA

Từ hôm vào trại đến nay đã bốn ngày, trại chưa phân công tôi về đội nào cụ thể.
Chiều hôm đó, đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi, lần này anh ta không còn giữ vẻ cởi mở như những lần trước. Anh ta mở đầu với giọng hơi căng :
Anh chuẩn bị đi làm đi, chúng tôi vừa nhận được điện từ Tổng cục về anh.
Làm thì làm, tôi đâu có ngại việc gì !
Tôi hỏi thật anh nhé ! Thực ra anh làm gì mà Tổng cục phải gọi điện xuống lưu ý vậy?
Anh đã hỏi thì tôi cũng lật bài ngửa với anh luôn, tôi là tù chính trị chứ không phải tù kinh tế như anh tưởng, họ ghép tội đó để có cớ bắt giữ tôi thôi. Tôi biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam! Anh lên mạng tìm Blogger Điếu Cày và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ biết. Liên minh châu Âu cũng có nghị quyết yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi.
Chúng tôi sẽ phân công công việc để anh làm, anh chuẩn bị tinh thần đi.
Sẵn sàng thôi, tôi chẳng ngại việc gì cả.
Chiều hôm đó sau khi gặp đại uý Dương Quang Thắng, tôi chuyển buồng sang buồng 12, về đội của “Linh chủ tịch”. Đội của Linh làm công việc vệ sinh trong trại bao gồm chăm sóc cây cảnh, quyét sân trại và đổ rác. Linh đưa tôi về cùng mâm và nằm ngay cạnh Linh. Sáng hôm sau, Linh “chủ tich” phân công tôi quyét nhà hội trường, Linh bảo :
Chú quyét trong này cho mát, làm xong là về nghỉ.
Trưa hôm đó đại uý Dương Quang Thắng vào trại gọi Linh “chủ tịch” lên hỏi phân công tôi làm ở đâu, Linh “chủ tịch” nói đã phân công tôi quyét ở hội trường, đại uý Dương Quang Thắng nói không được, phải phân công chỗ khác. Nhà hội trường sát bên nhà tự quản, nơi mỗi lần quản giáo và trật tự đưa tù nhân lên làm việc ở đây thường đánh đập, tra tấn tù nhân nên đại uý Dương Quang Thắng không muốn tôi nghe và thấy, phải đẩy tôi xa nhà tự quản để họ dễ làm việc.

Thắng cũng vào phòng giam hỏi chỗ tôi nằm ở đâu rôi sắp xếp một chỗ riêng, tôi nằm ngay cửa sổ giữa hai người là Đô què và De Gù. Hai người này đã được đại uý Dương Quang Thắng gọi ra dặn trước, tôi biết họ là anten của Thắng.

Mấy ngày sau có tù nhân ra ngoài lao động mang vào một tờ báo An ninh thế giới, có bài viết về tôi trên trang nhất, nói về việc 145 trung tâm Văn Bút Quốc Tế ký nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải thả Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bài báo có hình và địa chỉ của tôi. Khi tờ báo được chuyền tay trong trại giam, tù nhân ở đây mới biết tôi là tù chính trị, họ cũng bắt đầu gọi tôi là Điếu Cày từ đó.

This Thursday, Oct. 30, 2014 photo Nguyen Van Hai, one of Vietnam’s most prominent dissidents, poses for a photograph during an interview with the Associated Press in Los Angeles after being released from prison and flown to the United States. Hai, who is known as Dieu Cay, was serving a 12-year prison term on charges of spreading “propaganda against the state” through his blogging and citizen media activities. (AP Photo/Richard Vogel)

ĐẤU TRANH
Tôi bắt đầu tìm hiểu và lắng nghe những tù nhân ở đây tố cáo quản giáo và giám thị trại giam vi phạm nhân quyền.

Lần đầu tiên chứng kiến đời sống của tù nhân ở trại giam Cái Tàu này bị giám thị, quản giáo đối xử với tù nhân như súc vật. Với diện tích phòng giam chỉ 6m x 13 m mà trại giam nhốt từ 90-135 người, không có nước tắm rửa, dội cầu…Bạn thử tưởng tượng xem trong cái phòng giam chật chội nóng bức ngột ngạt như vậy mà cả trăm người đi tiêu tiểu không có nước dội ?

Những người bị kỷ luật còn bị đối xử kinh khủng hơn, ba người bị giam chung trong phòng kỷ luật chỉ được 2 lít nước một ngày, một muổng muối hạt trong một tuần, cơm hàng ngày chỉ có canh rau muống lạt dài nửa mét. Một tháng mới được đưa ra hành lang xịt vòi nước cho tắm như tắm heo. Nhiều người mới đi được nửa án kỷ luật (3 tháng) đã phải khênh lên bệnh xá cấp cứu. Tôi cũng đã gặp một tù nhân người Miên mới ra khỏi buồng kỷ luật sau hai án 6 tháng, anh ta ghẻ từ kẽ chân lên tới đỉnh đầu, tóc và râu như người rừng, da dẻ sạm đen và khô quắt. Anh ta sống được qua hai án kỷ luật là một phép lạ. Tôi về buồng lấy cho anh ta chục gói mì và mấy viên thuốc bổ tôi để dành từ SG xuống.

Những tù nhân bị đưa lên làm việc tại nhà tự quản thì đều bị cùm chân vào một thanh cùm sắt dài trước khi làm việc, họ bị đánh đập mà không thể chạy hay chống đỡ. Tôi đã chứng kiến vụ đại uý Phú “ma” đánh tù nhân ngay giữa sân trại có cả ngàn tù nhân chứng kiến.

Tôi nói với các bạn tù rằng : Các bạn vi phạm pháp luật đi tù bị hạn chế một số quyền công dân, nhưng quyền con người thì các bạn còn đầy đủ vì các bạn sinh ra đã là con người, phải đấu tranh để giám thị và quản giáo trại giam tôn trọng quyền con người của các bạn. Đối xử với các bạn như con người.

Một trong những nhu cầu cấp thiết nhất là phải đòi cấp nước đầy đủ cho tù nhân.

Tôi bàn với vài “anh lớn” trong buồng giam về chuyện đấu tranh đòi cung cấp đủ nước, một người nói : đã có người kiến nghị nhưng trại không làm, người lên tiếng bị trù dập chuyển vào K3 xa lắm . Tụi cháu ở ngoài làm chuyện ác, bây giờ lên tiếng không ai ủng hộ, có đứa bị đánh đến chấn thương sọ não, bây giờ sống đời sống thực vật, gia đình nó đi kiện cáo khắp nơi mà không có tờ báo nào đăng tin cả. Thằng cha quản giáo đánh nó là Bình “toyota” thì chuyển đi K khác làm, chẳng hề hấn gì. Đời tù chỉ ngậm ngùi thôi chú ơi!

Tôi nói nếu tôi làm các anh có ủng hộ không ? Có mấy người nói đồng ý ủng hộ, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.

Tôi bắt đầu lên tiếng yêu cầu cung cấp đủ nước cho tù nhân trong các cuộc họp của đội và yêu cầu ghi vào biên bản cuộc họp kiến nghị của tôi. Mặt khác tôi tìm một số anh em tù tin tưởng được nhờ chuyển thông tin ra ngoài, bằng cách khi ra lao động ở ngoài thì gọi về gia đình họ qua điện thoại, nhờ gia đình ghi âm lại rồi kể về những sự đối xử khắc nghiệt của nhà tù cho gia đình nghe, sau đó nghe lại ghi âm đó và đánh máy đưa lên mạng internet. Tôi cho họ cả địa chỉ trang website của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Tôi biết tù hình sự có người đưa được máy vào trại, có người có máy giấu ở ngoài đồng, có người mượn máy của mấy tay công an nghĩa vụ gọi về rồi nạp tiền thẻ vào trả.

BIỆN PHÁP CÔ LẬP ĐIẾU CÀY CỦA NHÀ TÙ

Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải)

Từ khi tôi lên tiếng đấu tranh đòi trại giam phải cung cấp đủ nước Theo Nghị định 113, đại uý Dương Quang Thắng gọi Linh “chủ tịch” và những người ăn cùng mâm với tôi ra đe doạ, nếu còn ăn chung mâm với Điếu Cày sẽ chuyển đi K3 ngay. Linh “chủ tịch” về gặp tôi nói :
Thôi chú cứ ăn riêng đi, mọi thứ cháu lo hết, chỉ là chú không ngồi cùng mâm với tụi cháu thôi, chứ tụi cháu có gì chú có nấy. Chú vì anh em tụi cháu mà bị cô lập thì tụi cháu phải lo cho chú.
Tuấn “phỏng” là đệ tử của Linh “chủ tịch” cũng nói với tôi :
Chú cứ để con lo, đồ ăn con để ở chiếu của chú, chú ăn xong để chén bát chỗ cái cột con đi ngang lấy đi rửa.
Tôi thương Tuấn “phỏng”, nó mồ côi không có ai thăm nuôi, cùng quê Bạc Liêu nên Linh “chủ tịch” cưu mang nó. Sáng nào tôi cũng lấy hai cái bánh mì ở lò bánh mì của Kiệt để hai chú cháu ăn sáng. Từ khi thấy gia đình tôi xuống thăm bị trại không cho gặp, Tuấn “phỏng” nói với tôi :
Chú ơi chú để dành tiền phòng thân khi bọn nó “cô” chú, bọn cháu thiếu thì có thể xin anh em chứ chú thiếu thì không làm thế được.
Anh em cứ lấy sổ của chú mua đi, đừng ngaị, chúng nó không “cô” được chú lâu đâu.
Cháu sợ trại chuyển chú đi K3 nên chú phải thủ nhé.
Buổi tối khi buồng giam đóng cửa, Tuấn “phỏng” lau sạch một đoạn lối đi trước khu vực để cái TV, giăng một sợi dây vải ngang lôi đi, mặc định đó là khu vực cấm. Phía trước sợi dây có một ly cafe và một cái ghế nhựa thấp, đến giờ TV phát tin thời sự thì Tuấn “phỏng” kêu tôi lên ngồi ở chỗ đó để xem thời sự. Hết bản tin thì ai muốn chuyển kênh mới được chuyển.

Chuyện Điếu Cày quyết liệt đòi cấp đủ nước cho tù nhân lan nhanh trong trại, chuyện người nhà Điếu Cày xuống thăm bị trại không cho vào gặp hai tháng liền và cô lập trong trại cũng nhiều người biết. Sau này khi gặp gia đình tôi mới biết trại giam thông báo với gia đình tôi là tôi đánh nhau ở trong trại nên bị kỷ luật không cho thăm gặp và gửi đồ. Tiền gia đình tôi gửi vào thì Thắng chỉ cho nhập vào sổ mua cantin 600 ngàn một tháng, phần còn lại trại giữ khi nào anh chuyển đi trại sẽ trả.

Một buổi sáng tôi đang ngồi nhổ cỏ ở vườn hoa của trạm xá, giờ này tù nhân đã xuất trại đi làm hết nên vắng vẻ, có một tù nhân đến gần đứng xem tôi làm việc, anh ta gọi khẽ :
Chú ơi !
Tôi nhìn lên thì anh ta búng nhẹ ngón tay, một cục giấy rơi ngay trước mặt tôi.
Anh cháu nói gửi chú chút quà, chú giữ mua đồ ăn nhé !
Rồi anh ta quay bỏ đi ngay, tôi nhặt cục giấy cuộn chặt lên mở ra là tờ 200 ngàn tiền mặt. Tôi biết các anh lớn trong trại đã quan tâm và đưa tiền cho đàn em giúp tôi.

Trưa đó tôi về buồng thấy trên chiếu của mình có mấy lon sữa và cá hộp, một cái chén có một khúc cá kho. Tôi hỏi Đô què đồ của ai thì Đô què nói của mấy phòng bên kia, tụi nó qua hỏi chiếu ông Điếu Cày nằm đâu, tui chỉ thì tụi nó để đồ vào đó. Anh em mang cho nhiều đồ tôi bảo Tuấn “phỏng” chia bớt cho anh em cùng phòng ăn với.

Tôi bị trại giam cô lập hai tháng nhưng trong hai tháng bị cô lập tôi sống khoẻ, chẳng hề hấn gì, mấy cái anten trong buồng giam cũng ngại mấy anh lớn điểm mặt nên không dám hó hé.

Khoảng một tháng sau những tù nhân ra gặp gia đình về nói chuyện gia đình họ đã đọc được những tố cáo từ trong tù của họ trên internet, chuyện 3 người chỉ được hai lít nước một ngày thật khủng khiếp.

Khi thông tin lan truyền trên internet trại giam Cái Tàu đã phải khoan thêm hai giếng nữa để cung cấp nước cho tù nhân. Một buổi sáng tôi thấy tù nhân tụ tập xem mấy người tù đang đào đường ống dẫn nước lên, chỉnh van nhánh chia nước vào các buồng giam để nước về được những buồng ở cuối trại. Họ nói với nhau, nếu trại này có mười ông như Điếu Cày thì tốt.

Cái vòi nước yếu ớt ở trong nhà wc đã chứng kiến nhiều cuộc tranh giành của giang hồ, không phải ai cũng đến gần vòi nước mà hút được, phải có số má, phải là người trong mâm của anh lớn mới được, nếu không sẽ nhận một cái ca vào đầu. Tôi không phải “anh lớn” gì, nhưng từ hôm có nước về, mỗi lần tôi mang đồ xuống tắm đều được nhường cái vòi nước. Nhìn anh em đi làm vất vả về có nước xài, có nước dội cầu, lòng tôi cũng thấy nhẹ đi nhiều.

Đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi nói chuyện, anh ta hỏi :
– Anh biết thế lực nào đã đưa thông tin của trại giam lên mạng internet không ?
Tôi nói :
– Tôi ở trong tù đâu có phép thần thông mà tiếp cận được internet, nhưng anh nhớ rằng trại giam với hơn hai ngàn tù nhân thì anh khó mà bưng bít thông tin được.
Anh ta nói đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh ở đây, tôi hiểu rằng họ sắp chuyển tôi đi nơi khác vì các tù nhân hình sự đã bắt đầu nhận ra cách đấu tranh mới có hiệu quả và trại giam muốn tách tôi ra khỏi anh em tù hình sự.

Tôi nhận ra rằng đấu tranh trong tù cần phải làm truyền thông cho tốt, nếu không có truyền thông thì khó mà đạt kết quả.

Sau vụ đòi nước đến vụ đòi tiêu chuẩn ăn của tù nhân và sách báo…Traị Cái Tàu – Cà Mau đã chán tôi rồi.
Ngày 18/8/2009 tôi bị chuyển đến Trại giam K2 Xuân Lộc.

Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular