VOA
Quyết định xử phạt ông Đỗ Mạnh Hùng 200 ngàn đồng vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, khiến nhiều người phẫn nộ.
Sự phẫn nộ bùng lên, loang ra, trải rộng từ mạng xã hội đến hệ thống truyền thông chính thức vì mức phạt quá nhẹ. Nhiều người bày tỏ sự bất bình kèm mỉa mai rằng mức phạt ấy giống như khuyến khích sàm sỡ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm phụ nữ.
Chuyện ông Hùng tấn công người phụ nữ giữ cửa thang máy cho ông đi ra, dùng vũ lực dồn người phụ nữ vào góc thang máy để hôn cô, bất kể cô kháng cự mãnh liệt, song ông Hùng chỉ bị phạt 200 ngàn đồng – chắc chắn chỉ có ở Việt Nam!
Chẳng riêng nạn nhân, thân nhân của cô mà không ít người bảo rằng họ thất vọng vì danh dự, nhân phẩm quá… rẻ. Khi chế tài… nhẹ nhàng như thế, rõ ràng danh dự, nhân phẩm của mọi người, đặc biệt là phụ nữ nhẹ như bấc trong mắt những kẻ bất lương.
Chỉ bất bình và lo ngại danh dự, phẩm giá của chính mình, mẹ mình, vợ mình, chị em mình, con cháu mình cũng sẽ bị xâm hại như thế là… SAI. Tại sao Công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chỉ phạt ông Hùng 200 ngàn đồng?
Đơn giản vì các qui phạm pháp luật nhằm chế tài những cá nhân “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” đặt định mức phạt chỉ như vậy.
Mức phạt đó là một trong những bằng chứng hết sức rõ ràng cho thấy, trong nhận thức của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, tầm vóc của danh dự, nhân phẩm công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở mức nào!
Chẳng riêng danh dự, nhân phẩm vốn… trừu tượng, những thứ cụ thể hơn như sức khỏe, tính mạng, tài sản công dân cũng rất rẻ. Vì quá rẻ nên môi sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, trật tự xã hội mới trở thành vấn nạn trầm kha.
Công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cũng như đang và chắc chắn sẽ còn được hưởng thứ “đặc quyền” hiếm có: “Được” thưởng thức cảm giác bất an với mức độ càng ngày càng cao, trước đủ thứ rủi ro từ đủ mọi góc độ, có thể xâm hại danh dự, nhân phẩm, hủy hoại sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình, cũng như thân nhân của mình bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu và không thể… đón đỡ.
Dẫu cũng có hệ thống dân cử (như quốc hội, hội đồng nhân dân đủ cấp), hệ thống hành pháp (chính phủ, các ủy ban nhân dân), hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, công an) trải dài từ trung ương đến địa phương, chưa kể hệ thống chính trị (đảng CSVN, các đoàn thể, hội,…) trải rộng khắp mọi lĩnh vực nhưng cam kết bảo hộ các quyền căn bản của một con người chỉ nằm trên giấy.
Hệ thống dân cử, hệ thống hành pháp có thể nhận ra ngay lập tức nguy cơ, cũng như hậu quả của những thông tin, ý kiến “bôi nhọ lãnh đạo” hoặc tiết lộ “sức khỏe lãnh đạo”,… để nỗ lực sửa luật, bổ sung các qui phạm pháp luật để hệ thống tư pháp có cơ sở diệt trừ tận gốc hành vi này để “răn đe, phòng ngừa” chung.
Còn đặt định những giải pháp buộc hệ thống hành pháp, hệ thống tư pháp phải nỗ lực hơn nữa để việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản công dân hữu hiệu như thiên hạ thì không. Cho nên “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” mới phạt… 200 ngàn đồng.
***
Hai từ “tiện dân” tưởng đã “mồ yên, mả đẹp” cùng với sự cáo chung của hình thái quân chủ chuyên chế trong tiến trình phát triển chung của nhân loại nhưng tưởng thế là… sai!
Cho dù Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam minh định, Việt Nam đã đoạn tuyệt với não trạng “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo chết mà còn sống là… bất trung), quan không còn như… cha mẹ (dân chi phụ mẫu) nhưng hãy nhìn vào thực tế tại Việt Nam, đối chiếu với thiên hạ, ngẫm nghĩ một chút, ắt sẽ thấy công dân rõ ràng vẫn cứ là… tiện dân – thành phần dù muốn hay không cũng chỉ có thể tự xếp mình vào nhóm mạt hạng.
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.