22-7-2023
Đây là danh sách thứ tự các tỉnh được xếp từ cao xuống thấp theo điểm bình quân thi THPTQG 2023. Nó có thể được gọi là “bản xếp hạng chất lượng giáo dục” trên cả nước. Nhưng đằng sau cái bảng trông rất hiền lành này lại là cả một câu chuyện rất dài và bi ai.
Để dễ hình dung, xin bắt đầu bằng một ví dụ đã quen thuộc với không ít giáo viên đang đi dạy. Đối với khối 12, các kỳ thi thử THPTQG sẽ liên tục được nhà trường tổ chức. Sau khi thi, nếu thấy điểm môn Văn của lớp A nào đó bỗng nhiên bị thấp xuống so với lần thi thử trước hay thấp hơn lớp B, thì giáo viên dạy A có thể bị rút thẻ đỏ, mời ra khỏi lớp, cho giáo viên khác vào thay người. Nhẹ hơn là “nhắc nhở”, phê bình, dọa nạt… công khai trong các cuộc họp hội đồng sư phạm. Từ đây, chúng ta hãy tự mình hình dung ra câu chuyện sau khi có kết quả của kỳ “thi thật”. Nó biến nhà trường thành một đấu trường, và những đợt “chỉnh huấn” kéo dài như bất tận, dù nghỉ hè nhưng không khí trong trường luôn căng thẳng, khiến bao nhiêu người có thể rơi vào trầm cảm…
Tại sao các nhà trường phải làm thế? Chính vì những cái bảng như bên dưới. Nhà nước sẽ đánh giá năng lực của bộ Giáo dục thông qua kết quả của kỳ thi; và tất nhiên Bộ sẽ phải đánh giá các Sở; Sở sẽ đánh giá các trường. Trường còn biết làm gì khác hơn là đánh giá giáo viên? Giáo viên thì tất nhiên không đi thi thay cho học sinh được, nên muốn làm cách nào thì làm, miễn phải có kết quả cao, dẫn đến giáo viên ép học sinh học bằng đủ mọi cách (liên tục giao bài tập, liên tục kiểm tra, liên tục công bố điểm, liên tục phê bình, liên tục mời phụ huynh… đến nỗi học sinh nằm mơ cũng giật mình thon thót). Cho đến khi ra đời những cái bảng như bên dưới.
Khi Bộ Giáo dục vừa công bố điểm thi thì các tờ báo cũng đồng loạt đăng tải “bảng tổng sắp huy chương”, từ bình quân tất cả các môn đến bình quân từng môn một. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đấy, tức một thống kê thuần túy thông tin tham khảo thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng đây nó là “thi đua”, nó là minh chứng của thành tích, năng lực; nó là danh dự, là nồi cơm bát gạo, thậm chí là ghế. Vì thế, một cuộc chiến thật sự đã được phát động, tất cả đều chạy, chạy không ngừng, chạy đến rã rời, chạy đến không kịp ngoái lại để xem mình chạy vì cái gì, và nó có liên quan chi đến giáo dục không… Chỉ cần chạy.
Các nước đều làm thống kê, thậm chí thống kê đủ thứ chuyện trong giáo dục, nó làm thành những cái ngân hàng dữ liệu khổng lồ và vô cùng phong phú về mọi mặt. Nhưng đó chỉ như một kho tài nguyên, ai cần tham khảo hay có nhu cầu gì thì vô đó mà tra cứu, không ai dùng nó để xếp hạng thành tích để làm căn cứ khen chê cất nhắc cả. Vì “thành tích” của họ khác hẳn, không phải chỉ có mỗi con điểm vô hồn của một kỳ thi đầy may rủi, nó còn có cả môi trường (cây xanh) của trường, có lời ăn tiếng nói, có tình hình bạo lực học đường, bình đẳng giới, nghệ thuật, thể thao, v.v., mà trong đó điểm thi chỉ là một, thậm chí là một thứ mà không mấy ai quan tâm đến.
Tôi đã tra tìm và trực tiếp hỏi một số bạn bè đang ở Canada, Mỹ, Nhật, xem có ở đâu làm cái bảng “tổng sắp huy chương” như Việt Nam không. Câu trả lời đều “không”. Những cái ranking của họ khác hẳn, mà thường là do các tổ chức tư nhân thực hiện và dùng vào những mục đích cũng khác hẳn, không hề dính dáng gì đến “thi đua thành tích” cả. Thậm chí họ còn xa lạ, và tỏ ra rất ngạc nhiên ngạc nhiên khi được biết có một nơi trên quả đất đang làm cái việc “xếp loại” rất lạ lùng kia.
Đây là năm thứ 4 bộ Giáo dục thực hiện “xếp hạng” kiểu này. Theo tôi, nó đang tạo ra một cuộc chạy đua rất khốn đốn trong mỗi nhà trường trên cả nước, mà ở đó tất cả đều phải vạ, từ giám đốc sở, đến hiệu trưởng, giáo viên. Nhưng gánh tất cả những ban bệ và con người to tát ấy lại chính là đôi vai nhỏ bé học sinh. Anh tài giỏi tới đâu tôi không cần biết, nhưng học sinh của anh thi không được điểm cao thì nghĩa là anh kém! Trước tình thế bị đe dọa nhãn tiền như thế, còn cách nào khác để không giao chỉ tiêu và ép từ trên xuống, mà cái lớp dưới cùng không phải là những đứa trẻ?
Làm sao lại có thể đánh giá giáo dục một cách thô sơ như thế, chỉ bằng điểm của một kỳ thi? Mà ngay cả cái điểm số cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố không chi phối được, như dân số địa phương, điều kiện kinh tế, thành phần dân tộc, cơ hội tiếp cận, cho đến cả những yếu tố tưởng chừng rất xa như địa hình, khí hậu, văn hóa. Quy giản tất cả vào điểm của một kỳ thi là một cách làm quá thô sơ, gây nên áp lực và nhất là làm lệch lạc mục tiêu con người của giáo dục.
Kỳ thi THPTQG có 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Tốt nghiệp thì chỉ cần đủ điều kiện là được, tuy nhiên vì áp lực thành tích như đã nói trên mà từ giáo viên, nhà trường đến phòng sở đều bắt học sinh phải học nhiều hơn mức cần thiết, cốt để đảm bảo cho cái vị trí an toàn của họ. Nó gây ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu, vô ích chỗ này nhưng có hại đối với chỗ khác.
Một giáo viên cấp 3 tâm sự với tôi: “Bản thân gần hai chục năm đi dạy, tôi chỉ ước một điều: Đừng ép nhau về thành thích nữa, khi đó mỗi ngày đến trường mới thấy vui và nhẹ nhõm. Nhưng có lẽ đây chỉ là ước mơ xa vời…”.
Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải xem xét nghiêm túc việc cải cách: đối với tốt nghiệp phổ thông thì chỉ cần xét học bạ, còn đại học thì giao cho các trường tự tuyển sinh theo cách của họ. Làm như thế sẽ đỡ tốn kém, giảm được áp lực vô bổ mà hiệu quả tuyển sinh lại cao. Trường học hạnh phúc sẽ hoàn toàn không phải là một “ước mơ xa vời” nếu ngành giáo dục thật sự coi đối tượng của mình là học sinh – những con người cần được yêu thương, hoàn thiện, hạnh phúc – chứ không phải nhưng con số vô hồn trong bản báo cáo cấp trên.