RFA
Chính quyền Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động trong Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/07 hàng năm, được nói là để tri ân những người có công với cách mạng và đất nước. Nhân ngày Thương binh liệt sỹ năm nay, các cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam chia sẻ về ngày lễ vinh danh chính họ như thế.
Chỉ là tuyên truyền
Truyền thông trong nước đăng tải thông tin các cơ quan bộ, ngành, tỉnh, thành ở Việt Nam tổ chức những hoạt động nhân ngày Thương binh Liệt sỹ lần thứ 71, 27 tháng 7 năm 2018. Đơn cử như Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức buổi gặp mặt tri ân công chức là thương bệnh binh, thân nhân gia đình thương binh liệt sỹ hay Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều chương trình nghê thuật, nhân kỷ niệm “50 năm chiến thắng Đồng Lộc”, mà được nói để bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng đối với những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, đổ xương, máu vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Ngoài ra nhân dịp ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm, nhiều sinh hoạt, hoạt động ở các địa phương được tổ chức để vận động cho Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, biểu dương các thương phế binh vượt qua nghịch cảnh “tàn nhưng không phế” và kêu gọi xã hội cùng chung tay làm những việc thiết thực để hỗ trợ các bà mẹ anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ…Một nữ cựu quân nhân, cô Lê Mỹ Hạnh cho RFA biết nhận xét của cô về những việc làm tri ân thương binh liệt sỹ của Chính quyền Việt Nam:
Thực ra trong lãnh vực này, mình đã từng là người trực tiếp đi làm việc cùng đoàn với những ông tướng và một đơn vị để tri ân nhân ngày 27 tháng 7, thì mình thấy hoàn toàn là hình thức và gần như là có sự kinh doanh trên thân xác của những người đã nằm xuống. Họ nhận những nguồn tiền hỗ trợ, nhưng thực tế đến tay những gia đình thương binh liệt sỹ rất ít
-Nữ cựu quân nhân Lê Mỹ Hạnh
“Thực ra trong lãnh vực này, mình đã từng là người trực tiếp đi làm việc cùng đoàn với những ông tướng và một đơn vị để tri ân nhân ngày 27 tháng 7, thì mình thấy hoàn toàn là hình thức và gần như là có sự kinh doanh trên thân xác của những người đã nằm xuống. Họ nhận những nguồn tiền hỗ trợ, nhưng thực tế đến tay những gia đình thương binh liệt sỹ rất ít.”
Lên tiếng với RFA, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngữ nói rằng ông không lấy làm hạnh phúc qua những việc làm tri ân đó:
“Họ làm tượng trưng vài hoạt động với tính chất tuyên truyền, chứ làm gì có chuyện họ làm tốt. Họ nói thế thôi. Họ lợi dụng tên mình để ăn tiền ngân sách, chứ có gì đâu. Bà Nguyễn Kim Ngân (Chủ tịch Quốc hội Việt Nam) đi thăm mấy chỗ và nói nghe cảm động lắm, mà tôi đây bị chính quyền cướp hết đất và nhà trong suốt 15 năm nay tôi vẫn chưa kiện được.”
Thực tại đắng cay
Không chỉ mỗi một cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngữ phải sống trong hoàn cảnh mất đất, mất nhà, mất ruộng vườn mà rất nhiều trong số giới cựu chiến binh bị buộc phải trở thành dân oan ngay trên từng tấc đất mà chính họ đánh đổi bằng xương máu của mình để gìn giữ. Các tượng đài nghìn tỷ vinh danh bà mẹ Việt Nam anh hùng được dựng lên song song với hình ảnh các bà mẹ anh hùng đầu bạc trắng, móm mém khóc gào bất lực trước lực lượng cưỡng chế hùng hậu vô cảm như những con rô-bốt, chỉ biết thi hành theo mệnh lệnh cấp trên. Những nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc được thần thoại hóa bên cạnh những hoàn cảnh duyệt xét công lao của họ đầy nhiêu khê, như trường hợp của bà Trần Thị Xanh, bị thương hồi tháng 6 năm 1967 và chết vào tháng 5 năm 1983 do vết thương tái phát; nhưng hơn 33 năm để được xét duyệt thành liệt sỹ.
Trong tháng 7 năm 2018, một cuốn sách viết về sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở đảo Gạc Ma năm 1988, Trường Sa lần đầu tiên được xuất bản; hơn bao giờ hết công chúng tại Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ anh dũng này và một đại lễ cầu siêu cho 64 chiến sĩ Gạc Ma cùng tử sĩ Hoàng Sa được tổ chức vào sáng ngày 25 tháng 7, thế nhưng không mấy ai biết được suốt 30 năm qua cuộc sống của các cựu chiến binh Gạc Ma như thế nào. Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo chia sẻ:
“Chỉ có một số ít gia đình có cuộc sống đầy đủ, còn hầu hết cuộc sống của chúng tôi hiện nay hết sức khó khăn. Về sức khỏe thì có rất nhiều người bị bệnh tật, có một số đã chết, người còn sống thì một số mắc bệnh hiểm nghèo và số còn lại thì sức khỏe cũng đã yếu. Gia đình các liệt sĩ thì bố mẹ cũng đã rất già yếu, rất là thương.”
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 99/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và có hiệu lực từ ngày 27 tháng 8 năm 2018. Nghị định mới này được cho là nỗ lực của Chính quyền Việt Nam trong chính sách trợ cấp cho các cựu quân nhân, thế nhưng một số những cựu chiến binh mà chúng tôi tiếp xúc lại tỏ ra phẫn uất vì họ cho rằng họ không thể sống với số tiền lương đó, như cựu chiến binh Trần Duy Thọ:
Chúng tôi đi chiến đấu bảo vệ đất nước nhưng lại không được chính quyền địa phương cấp ruộng. Đó là điều hết sức vô lý, phi lý và bất công của chế độ Cộng sản. Tôi lên án chế độ này. Tất cả mọi người đều có ruộng, riêng thương binh hạng 1 chúng tôi không có ruộng. Họ bảo rằng chúng tôi ăn lương rồi thì không được chia ruộng
-Cựu chiến binh Trần Duy Thọ
“Chúng tôi đi chiến đấu bảo vệ đất nước nhưng lại không được chính quyền địa phương cấp ruộng. Đó là điều hết sức vô lý, phi lý và bất công của chế độ Cộng sản. Tôi lên án chế độ này. Tất cả mọi người đều có ruộng, riêng thương binh hạng 1 chúng tôi không có ruộng. Họ bảo rằng chúng tôi ăn lương rồi thì không được chia ruộng.”
Qua mạng xã hội, trong những ngày người dân Việt Nam hướng lòng về những người lính đã ngã xuống vì lý tưởng quốc gia độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ và công bằng, không ít cư dân mạng là thân nhân các gia đình liệt sỹ chia sẻ nỗi đắng cay khi nhìn thấy một sự thật quá phủ phàng và đau lòng như Facebooker Rê Lê Đình đăng tải status “Sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha mẹ và các anh mình là một thế hệ đau khổ, tan nát gia đình để mong muốn tự do, dân chủ, dân giàu, nước mạnh, là một thế hệ theo vận nước vận nhà, nhưng chưa hưởng được gì cả. Còn bây giờ là một thế hệ thừa hưởng từ người chiến thắng lại quá nhiều chiến thắng về vật chất và quyền hành, thậm chí ăn công của người chiến thắng. Thật đáng trách”.
Trao đổi với RFA, một số cựu chiến binh Việt Nam bày tỏ họ sống trong tâm trạng day dứt, dằn vặt vì đã tuyệt đối tin tưởng và trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam để rồi giờ đây không ít người trong số họ là nạn nhân của các cuộc chiến quyền lực không tiếng súng giữa những nhóm lợi ích. Tuy vậy, các cựu chiến binh chúng tôi tiếp xúc cho biết dù sức mòn, lực cạn nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng đất nước Việt Nam tươi đẹp theo đúng nghĩa “độc lập-tự do-dân chủ” mà họ từng hoài vọng.