Năm 1998, khi Internet vào Việt Nam và thế giới đang cảnh báo về sự thoái trào của mô hình bưu điện kiểu cũ, thì Bộ Văn hóa – Thông tin vẫn ra Thông báo số 2327/VHTT-TB để triển khai mô hình bưu điện – văn hóa xã.
Tính đến ngày 11/9/2018, Việt Nam có 11.162 xã/phường/thị trấn, thì có 8.021 điểm bưu điện – văn hóa như vậy, với tổng diện tích đất công được sử dụng là 1.137.268 m2, trung bình 185 m2/1 điểm.
Vì hai chữ văn hóa bị cho thêm này, mà mỗi năm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thua lỗ vài trăm tỷ đồng.
Bưu điện làm nhiệm vụ, dịch vụ của bưu điện cho hiệu quả, chuyên nghiệp đã là tốt rồi, cần gì cưỡng ép thêm văn hóa vào đó.
Mô hình này cũng giống như các thôn văn hóa, khu phố văn hóa, xã văn hóa…
Ví dụ Hà Nội, đã tự tin là thành phố văn hóa, hòa bình… thì đương nhiên các khu phố, các phường xã trực thuộc nó đã là có văn hóa, hòa bình… rồi, cần gì phải treo thêm các tấm bảng khẳng định cho rối mắt. Mà các tấm bảng này thường được in ấn rất cẩu thả, rất xấu.
Xét về việc tiêu tiền công ích, ai nghĩ ra dự án treo các tấm bảng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã phường văn hóa… thật là lợi hại, vì có cớ hợp pháp để tiêu hàng ngàn tỷ đồng.
Giảm bớt bảng hiệu, khẩu hiệu vừa làm tăng thẩm mỹ, an toàn, tầm quan sát cho phố phường, vừa có thêm tiền để làm các công trình phúc lợi xã hội, trong đó có xây nhà hát.
Cưỡng ép dân mất đất Thủ Thiêm phải nhận một nhà hát trong lúc này, thì cũng không khác gì cưỡng ép ngành bưu điện nhận thêm hai từ văn hóa vào 20 năm trước.
Đi ngang qua trụ sở cũ của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM (23 Lê Duẩn, quận 1), nơi tính xây nhà hát, nay thấy logo của một công ty tư nhân đang làm chủ đầu tư ở đó.
Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” của chính phủ có ghi: “Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, 90% – 100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80% – 90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60% – 70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa…”.
Để làm được điều này, chi phí chắc chắn không nhỏ, chỉ mong làm được và mang lại hiệu quả thật sự, nếu không thì sự lãng phí sẽ rất lớn.