22/11/2018
————————————
Tiếp Theo phần 9.
Nguyễn Cảnh Nga ngồi nghe và lật lật tìm trên tài liệu. Anh ta chỉ vào một đoạn được đánh dấu trong một văn bản và lên giọng kẻ cả :
– Anh xem đây ! Thông tư 37 – BCA ghi rõ, không nhận tội thì phải giam riêng. Anh không nhận tội đúng không? Có văn bản đàng hoàng người ta mới làm, chứ sai gì!
Tôi nhìn theo ngón tay của Nguyễn Cảnh Nga và rướn người lên, cố đọc nội dung đoạn văn bản một cách chăm chú.
Dù tôi đăm đăm nhìn như muốn chụp lại cả đoạn văn bản đó, tôi vẫn nhận thấy Nguyễn Cảnh Nga quan sát phản ứng của tôi. Tôi ước thầm, giá mà tôi chụp được hình hoặc lấy được một tờ văn bản chứa đựng nội dung, bằng chứng vi phạm nhân quyền này để trao cho cộng đồng quốc tế. (*)
Vẫn với giọng kẻ cả, Nguyễn Cảnh Nga hỏi tôi:
– Anh nghĩ sao ?
Quả là hắn quá coi thường tôi! – Tôi thầm nhủ và bất ngờ phản đòn:
– Anh đưa toàn bộ nội dung này vào quyết định trả lời khiếu nại cho tôi, đóng dấu và ký tên vào.
– Nói thẳng cho anh biết luôn, thông tư này vi phạm Luật Thi hành án hình sự. Điều 38 trong Luật Thi hành án hình sự quy định hình thức kỷ luật cao nhất chỉ bị biệt giam 10 ngày. Thông tư là văn bản dưới luật lại cho phép biệt giam 3 tháng. Là người kiểm sát việc tuân theo pháp luật của trại giam, anh tuân thủ luật hay thông tư? Nếu thông tư có nội dung trái luật, anh phải chấp hành văn bản của cấp cao hơn, đó là luật, chứ không thể làm theo thông tư được.
Ngưng lại lấy hơi, tôi nói tiếp:
– Đó là chưa kể trại giam vô cớ ban hành quyết định giam riêng tôi 3 tháng mà không có bất kỳ biên bản vi phạm nào. Anh cho tôi một bản photo của thông tư này.
Nguyễn Cảnh Nga giật mình và giãy nảy :
– Không được! Văn bản này tôi không photo cho anh được.
Tôi nghiêm giọng:
– Tại sao lại không được? Trại giam dùng nó làm căn cứ để ra quyết định biệt giam tôi 3 tháng. Vậy mà tôi không được biết căn cứ pháp lý đó sao? Hay là các anh tự in nội dung văn bản này để lừa tôi, tước đoạt quyền lợi hợp pháp của tôi?!
Tôi nói khá lớn, khiến Nguyễn Cảnh Nga vội đứng lên, bước đến cửa cái và khép nó nhỏ bớt lại.
Thái độ kẻ cả ban đầu của Nguyễn Cảnh Nga biến mất. Anh ta ngồi vào bàn và đóng tập hồ sơ lại, chuyển đề tài sang hướng khác.
Nga bắt đầu biện bạch:
– Tôi vẫn chưa tìm thấy quyết định giam riêng anh ở đâu. Tôi đã hỏi BGT trại giam nhưng các ông ấy nói không có.
Tôi điên tiết lên :
– Ông vào khu an ninh hỏi anh em trong đó xem có hay không? Cả phó giám thị Thái Văn Thuỷ và an ninh trại cùng vũ trang, hùng hổ vào khu an ninh rầm rộ, tập hợp hết tù nhân ở đó để đọc quyết định biệt giam tôi. Sau đó đẩy tôi vào buồng biệt giam, vậy mà bây giờ nói không có. Ông nói năng nghe lạ quá! Ông có ý thức ông là người thi hành công vụ không? Ông lãnh lương mỗi tháng để làm gì? Ông có biết mỗi tháng ông cầm lương về lo cho gia đình là của ai không?
Nga lúng túng rồi hỏi lại:
– Vậy khi BGT đọc quyết định, họ có trao cho anh một bản không? Anh có quyết định đó không?
Tôi cố hết sức dằn xuống vì sức lực không còn bao nhiêu:
– Pháp luật quy định là như vậy, nhưng có bao giờ họ trao quyết định cho chúng tôi. Họ dùng sức mạnh đẩy tôi vô buồng biệt giam bất chấp phản ứng của tôi.
Ngưng lại lấy hơi, tôi hít thật sâu vào và tiếp:
– Ngay đơn khiếu nại của tôi gửi VKS, luật quy định 24 giờ họ phải giao tới Viện Kiểm sát. Tôi hỏi anh họ đã làm đúng chưa?
– Anh nghĩ xem, nếu anh bị họ đẩy vào buồng biệt giam như tôi, rồi anh viết đơn khiếu nại, anh sẽ gửi đơn đó như thế nào? Có phải anh cũng đưa đơn cho chính những kẻ đã đẩy anh vào buồng biệt giam và chờ họ chuyển đi? Nếu họ không chuyển thì sao? Lấy gì để bảo đảm rằng họ sẽ chuyển? Cơ chế nào để giám sát họ? Như vậy làm sao tù nhân chúng tôi tiếp cận được công lý? Anh nhận được đơn của tôi từ ngày nào? Tại sao luật quy định anh phải giải quyết sau ba ngày làm việc mà hôm nay anh mới vào giải quyết? 37 ngày rồi. Anh trả lời đi!
Tới đây thì tôi thở dốc, vì vừa mệt vừa phẫn nộ dồn nén bấy lâu nay.
Nguyễn Cảnh Nga chống đỡ yếu ớt và cố tỏ ra thân thiện :
– Tôi mới nhận được mấy ngày nay là xuống làm việc với anh ngay, anh thấy đấy! Hôm nay thứ bảy mà tôi cũng vào làm việc với anh để giải quyết khiếu nại. Những vấn đề anh nêu chúng tôi sẽ ghi nhận. Đến giờ tôi chưa tìm thấy quyết định giam riêng anh, chỉ thấy một cái quyết định chuyển buồng.
Tôi rủa thầm trong bụng:
– Mẹ kiếp ! Bọn này đúng là một lũ lươn lẹo! Chuyển buồng cần quái gì phải có quyết định!
Nga chuyển sang đề tài khác.
Hắn vờ hỏi tôi, án còn mấy năm, đã được giảm án lần nào chưa v.v…
Tôi rất buồn cười về những “bài vở” quen thuộc của Nguyễn Cảnh Nga.
Tôi nhớ lại, hồi bị giam chung với tù hình sự, cứ mỗi năm sắp đến đợt giảm án và đặc xá vào dịp lễ 2-9, tù nhân lại bàn tán rôm rả về chuyện chạy bao nhiêu cho một vé giảm án hoặc đặc xá; phải hội đủ những điều kiện gì; những cửa nào phải chung chi để báo cho người nhà lo.
Trong “cái mâm” ăn chia đó, ngoài trại giam và toà án còn có Viện Kiểm sát mà tất nhiên Nguyễn Cảnh Nga với tư cách là trưởng phòng kiểm sát giam giữ, nhất định không vắng mặt. Những tên Cộng Sản tàn bạo, chúng bằng đủ mọi cách để xúm lại bâu quanh “cái mâm xương máu” của người tù như thế đấy!
Nghĩ tới đó, tôi cười nhạt:
– Tù chính trị như tụi tôi làm gì có quy định giảm án hay đặc xá. Tôi theo dõi từ năm 2009 đến nay chỉ thấy cái văn bản của Hội đồng tư vấn đặc xá nó ngồi cả lên luật đặc xá.
– Anh thấy mỗi năm nó ra một quy định khác nhau mà có quy định nào tuân theo luật đặc xá đâu?! Nó chỉ tạo thêm rào cản, điều kiện để quan chức kiếm chác.
– Anh cứ xem những quy định đặc xá của tù chính trị và tù ma tuý là biết sự phân biệt đối xử thế nào.
Nga ngượng nghịu chuyển đề tài.
Trong khi nói chuyện Nga hớ ra một câu :
– Hôm trước… tôi xuống trại, thấy anh đang nằm gác chân đọc sách…
Tôi chụp liền:
– Hóa ra anh đã xuống một lần mà không giải quyết khiếu nại của tôi!
Nga vội vã chống chế :
– Hôm đó tôi chưa nhận được đơn khiếu nại của anh.
Tôi nhắc Nga phải trả lời nội dung khiếu nại của tôi về việc trại giam không tuân thủ pháp luật, không chuyển đơn của tôi đúng thời hạn.
Nguyễn Cảnh Nga cầm chiếc điện thoại mạ vàng lên bấm bấm rồi vừa huơ chiếc điện thoại lên vừa nói:
– Hôm nay tôi đã vào đây giải quyết khiếu nại của anh. Anh còn bằng chứng gì cứ nộp cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ ra quyết định trả lời khiếu nại và gửi cho anh.
– Hôm nay anh ăn uống trở lại nhé! Anh đồng ý không? Anh cam kết sẽ ăn trở lại nhé!
Tôi thừa biết Nga đang ghi âm bằng chiếc điện thoại kia. Hắn ta muốn đạt được một bằng chứng là tôi đồng ý ăn trở lại.
Tôi nghĩ mục đích của tôi là yêu cầu Viện Kiểm sát vô trại 6 giải quyết khiếu nại của tôi đã đạt rồi, phần còn lại là kết quả giải quyết khiếu nại cụ thể phải chờ khi chúng ban hành quyết định, lúc đó sẽ tính tiếp. Nhưng riêng việc trại giam phải giấu quyết định giam riêng tôi và việc Nguyễn Cảnh Nga không dám công khai thông tư 37-BCA cho thấy tôi đã đạt thắng lợi ngoài những điều tôi mong đợi.
Cân nhắc nhanh trong đầu, tôi đồng ý ăn trở lại.
Buồn cười nhất là Nga còn cố hỏi thêm một lần nữa để ghi âm cho chắc (!)
Buổi làm việc kết thúc.
Tôi chầm chậm bước ra ngoài cửa ngồi nhìn mấy con cá bơi dưới hòn non bộ trước của phòng làm việc, chờ tay quản giáo.
Y Don đợi tôi ở ngoài, khi thấy Nguyễn Cảnh Nga đi ra liền đến gặp nói chuyện.
Tôi biết chuyện của Nga và Y Don không ngoài chuyện giảm án. Cũng có thể Nga thông qua Y Don để hỏi về tôi, về tình hình trong khu an ninh.
Quản giáo và Y Don đưa tôi về khu an ninh.
Trong khu anh em đã lấy cơm và đang ăn.
Quản giáo bảo Phương đi lên nhà bếp lấy cháo về cho tôi.
Lát sau, Nguyễn Cảnh Nga vào cùng với một số công an vũ trang, Nga yêu cầu kiểm tra và lập biên bản toàn bộ đồ đạc của tôi trong buồng số 4 một lần nữa.
Tất cả đồ đạc và số liệu vẫn như ngày 26/7 hôm qua.
Tôi lại cẩn thận gạch những khoảng trống, ghi số liệu bằng chữ rồi ký xuống dưới cả biên bản và phụ lục liệt kê đồ đạc.
Như vậy, chỉ với số it đồ đạc tôi được mang vào buồng biệt giam đã có tới 3 biên bản được lập, một cái kiểm kê đồ đạc lúc đưa vào buồng biệt giam, một cái kiểm kê chiều ngày 26-7-2013 theo quyết định của tổng cục 8, một cái trưa nay do Viện Kiểm sát Nghệ An lập.
Chỉ cần chênh lệch vài món đồ, chúng sẽ sử dụng các biên bản này để bôi xấu người tù chính trị.
Vạch trần thủ đoạn này để nói rõ:
Những người tù chính trị tuyệt thực không nhận cơm trại nhưng ăn thực phẩm gia đình gửi vào, chẳng qua là luận điệu đểu giả của an ninh và tuyên giáo cộng sản cùng đám dư luận viên sau này (vì thời tôi ở tù chưa có dư luận viên).
Những ai còn mơ hồ và vô tình tiếp tay cho chúng nên hiểu rõ, đừng coi thường các thủ đoạn đê tiện của nhà tù và an ninh cộng sản. Các anh em đấu tranh cũng nên tường tận những thủ đoạn này để ứng phó cho tốt.
Sau khi kết thúc kiểm tra phòng giam, quản giáo kêu tôi và Phương chuyển sang buồng số 5.
Tôi sang buồng số 5 quan sát, trong khi Phương chuyển đồ của tôi và phương từ phòng số 4 qua.
Phần sàn rửa và vệ sinh phía cuối buồng giam đã được sửa lại.
Đặc biệt, đoạn vách ngăn giữa chỗ tắm rửa vệ sinh và sàn ngủ bị đập bỏ gần hết, thấp khác thường.
Cả dãy buồng giam 5 phòng đều có vách ngăn cùng một kiểu, cùng một độ cao. Do đó, khi người tù nhân tắm, những người ở chung buồng không nhìn thấy phần dưới cơ thể.
Nhưng vách ngăn phòng này đã bị đập quá thấp, quản giáo từ ngoài sân nhìn qua cửa sổ có thể thấy phần dưới cơ thể người đứng tắm.
Đập một đoạn tường gạch 10 phân, dài 2 m và trát vữa lại chỉ hơn 1 giờ là xong. Không hiểu sao chúng đập phá cả ngày vậy?
Quả đáng ngờ! Tôi bèn nhìn kỹ khắp phòng xem còn chỗ nào có dấu xây dựng mới hay sửa chữa:
– Ồ! Đây rồi !
Vừa thốt lên, tôi vừa tiến tới ngay phía trên bể chứa nước, sát góc tường bên phải. Nới đó có một chỗ mới trám lại tường và quét vôi lại, chồng lên lớp vôi cũ bẩn. Trong phần vôi mới đó, tôi phát hiện có một lỗ nhỏ như lỗ kiến mới đục.
– Ha ha ! – Tôi cười lớn với phát hiện của mình.
Thì ra đó là loại loại camera lỗ kiến gắn ở buồng giam tôi tại khu A-B trại tạm giam Chí Hoà!
Loại camera này, thoạt nhìn bên trong phòng, chỉ thấy như một lỗ kiến, nhưng bên ngoài tường là cả một cái hộp chứa camera và nguồn adapter nối vào điện lưới.
Loại camera này góc mở rộng, nhưng vì bức vách ngăn giữa chỗ đi vệ sinh và sàn ngủ tạo ra một chỗ khuất, làm chúng không kiểm soát được, nên mới đập nó thấp đi một cách bất thường như vậy.
Tôi cầm cây chổi và leo lên thành bể nước, đập cây chổi vào đó mấy lần. Mục đích hành động này để chúng hiểu, tôi nhanh chóng phát hiện mấy trò mèo mửa .
Tôi định khi nào khoẻ sẽ dùng kem đánh răng bít lại.
Đầu giờ chiều, Nguyễn Cảnh Nga và tay trợ lý lại vào khu an ninh.
Y Don đưa tôi lên phòng quản giáo làm việc với tay trợ lý của Nga. Anh ta cũng tên Việt Phương.
Việt Phương nói :
– Tôi vào gặp anh để nhận những bằng chứng khiếu nại mà anh muốn bổ sung. Anh có tài liệu gì liên quan đến khiếu nại cứ nộp cho tôi. Tôi lập biên bản ghi nhận.
Buổi trưa, tôi đã tranh thủ viết liệt kê một số sự kiện trích từ nhật ký viết hàng ngày. Nên bây giờ tôi đưa ngay cho Việt Phương.
Lúc này, chỉ có tôi và Việt Phương trong buồng quản giáo. Phương nhìn tôi có vẻ thiện cảm, rồi nói:
– Tụi tôi cũng chẳng muốn làm việc này. Ăn cơm chúa phải múa tối ngày thôi. Nhà anh có quen với BBC và RFA à ?
Tôi đáp:
– Khi còn ở ngoài tôi đã quen hết rồi. Cả VOA và nhiều báo khác nữa.
Việt Phương có vẻ hơi ngạc nhiên nhưng tôi hiểu ngay rằng những báo mà Việt Phương hỏi tới đều đã đăng tin về tôi.
Việt Phương nhận giấy tờ và viết một bản biên nhận vào ngay trong cuốn tập của tôi, sau đó ký tên xuống dưới.
Sau khi làm việc xong, Việt Phương kêu quản giáo và Y Don đưa tôi vào phòng số 5 và đóng cửa lại.
Chiều muộn, Nguyễn Cảnh Nga lại vào và tôi hỏi:
– Bao giờ anh giải quyết khiếu nại của tôi? Anh nói không thấy quyết định biệt giam tôi mà sao cứ đóng của nhốt tôi trong buồng?
Nga đáp:
– Anh cứ bình tĩnh, tôi đang làm việc với trại, sẽ giải quyết việc của anh sớm.
Tôi la lớn :
– Một là có biệt giam hay không ? Hai là phải mở cửa ra. Chứ không có kiểu vừa biệt giam vừa chối.
Nga quay đi ra ngoài khu an ninh.
Ngoài sân, anh em đã lấy cơm và đang chuẩn bị ăn chiều. Anh Nghĩa và anh Kim kê cái bàn ăn ngay trước cửa buồng giam tôi.
Khoảng 20 phút sau, Trần Việt Phương đi lấy cháo về và mở cửa buồng giam, Phương bảo :
– Chú ra ngoài ăn uống với anh em, cháu lấy cháo về cho chú rồi.
Tôi bèn tự đi ra ngoài cùng anh Nghĩa và anh Kim ngồi vào bàn ăn.
Nguyễn Cảnh Nga lại vào khu an ninh.
Thấy tôi và anh Nghĩa, anh Kim đang ngồi ăn, hắn liền lấy máy điện thoại ra chụp.
Tôi bảo anh Kim và anh Nghĩa :
– Chắc lại đem mấy cái ảnh này để tuyên truyền đây.
Tôi kể cho hai anh nghe buổi làm việc sáng nay, anh Kim hỏi tôi :
– Viện Kiểm sát hay trại có ra quyết định gì với em không?
Tôi đáp:
– Nó nói không tìm ra quyết định biệt giam em thì làm sao ra được quyết định gì.
– Nếu có quyết định biệt giam, chúng nó phải ban hành quyết định khác, huỷ bỏ quyết định biệt giam 3 tháng kia, rồi mới thả em ra được.
– Bây giờ Viện Kiểm sát nói chưa tìm thấy quyết định biệt giam. Chỉ có quyết định chuyển buồng, làm sao nhốt em được.
Anh Kim vừa cười vừa chửi :
– Mẹ nó! Lúc vào đọc lệnh biệt giam người ta thì hùng hổ lắm, bây giờ thả ra sao im lặng vậy?
Chiều hôm ấy, bàn trà buổi chiều sôi động hẳn lên, thằng Thuận gián điệp cũng đến ngồi cùng bàn, bất ngờ nó giơ tay lên thề và nói :
– Cháu thề từ nay không chống lại anh em dân chủ nữa, nếu cháu có làm gì hại đến anh em dân chủ, trời đánh chết cháu đi.
Chúng tôi cùng cười vang, đời tù ai chả biết câu “tù nói tội nghe, có cave làm chứng”. Nhưng dù sao, nó đã biết sợ và không dám coi thường anh em chúng tôi nữa.
…….
Cuộc chiến của tôi đã khép lại, nhưng cuộc chiến lâu dài trong nhà tù cộng sản vẫn tiếp diễn trên khắp cả nước.
Chúng tôi, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng trải qua nhiều gian khổ với đủ cung bậc cảm xúc.
Hôm nay ở cùng nhau, cùng đâu lưng với nhau trong một trận chiến, ngày mai lại bị chuyển đi một trại tù khác, xa hơn, khắc nghiệt hơn, lại đâu lưng cùng với những bạn tù khác và tiếp tục cuộc chiến của mình…
Chúng tôi đi đến đâu lại có anh em ở đó. Những người cũ lại đón người mới vào, như đón người thân yêu của mình, không phân biệt vùng miền, tổ chức…
Lại cùng chung lưng đấu tranh với bọn cai tù, bảo vệ nhau.
Tôi bồi hồi tưởng nhớ… Chỉ mấy anh em chúng tôi ở trại 6 ngày ấy, bây giờ đã ba phương trời cách biệt… Tôi bị lưu đày, anh Nghĩa ở lại tiếp tục cuộc chiến bên ngoài nhà tù lớn, anh Kim đi tiếp án thứ ba dài tới 13 năm lận…
Mỗi lần nghĩ đến anh Trần Anh Kim, lòng tôi trĩu nặng…
Chúng tôi không chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chọn cùng đi chung một con đường đấu tranh dân chủ, chấp nhận tù đày, góp phần nhỏ bé của mình vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc Việt Nam, như tôi cảm tác trong bài thơ :
Những dòng sông tranh đấu.
**********
Chúng tôi đi ! Hoà cùng dòng sông
Như những hạt phù sa một phần bé nhỏ
Cuộc đời tôi từ nay gắn bó
Với dòng sông tranh đấu của quê hương
Chúng tôi đi vì quyền dân chưa đủ
Dù bị bắt giam trong lao ngục đoạ đày
Những dòng sông vẫn không nghỉ một ngày
Chảy về phía tự do dân chủ.
__________________
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Garden Grove 18-11-2018
2:49 A.M
Bài liên quan
[…] CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần cuối) […]