(FB Trong Thanh)
1 – Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực lên vùng đặc quyền kinh tế của các láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia… (nhiều nơi cách bờ biển Trung Quốc đến gần 2.000 km).
2 – Mỹ siết chặt hợp tác quân sự với Philippines. Liên minh phòng vệ Mỹ – Phi có bước đột biến với thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ tại Philippines. Washington sẵn sàng đáp trả, nếu Trung Quốc tấn công người và phương tiện của Philippines.
3- Nga có khả năng giảm hiện diện tại BIỂN ĐÔNG do khó khăn tại chiến trường Ukraina, khiến Việt Nam mất một phần chỗ dựa.
¤¤¤¤¤
+ Hai kịch bản chính : Trung Quốc suy yếu sau một cuộc đụng độ với Mỹ hoặc ảnh hưởng Mỹ suy giảm.
Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon (chuyên gia địa chính trị, giảng viên Trường Sư phạm Lyon) :
« (…) Vấn đề đặt ra ở trong vùng hiện nay là Hoa Kỳ có nguy cơ đưa ra một chương trình ngoại giao và chiến lược mới mà trên thực tế sẽ buộc các quốc gia trong khu vực phải thể hiện lập trường. Nếu chiến lược đó dẫn đến hệ quả là gây ra một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung, ví dụ là một cuộc đối đầu trên bộ với giả thuyết là Trung Quốc bị suy yếu, thì có khả năng là những nước thân với Washington nhất sẽ được lợi lớn. Trong bối cảnh đó, lấy ví dụ chiến lược của Việt Nam là xích lại với các nước xa hơn như Ấn Độ, có thể sẽ không phải là một lợi ích địa chiến lược vì Viêt Nam và Philippines phải ý thức được rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện là trọng tâm địa-chính trị chính ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, chí ít là cho thập niên tới (…)
(…) Dĩ nhiên cũng có giả thuyết ngược lại là ảnh hưởng của Mỹ bị giảm. Nhưng như vậy, Việt Nam sẽ không ở thế tốt vì Trung Quốc càng củng cố yêu sách tối đa ở Biển Đông và loại trừ khả năng đàm phán chia sẻ các vùng ảnh hưởng. Do đó, đây là một bối cảnh nhạy cảm, cần một tầm nhìn hiện thực địa-chính trị từ các nước trong vùng, nhất là từ Việt Nam và Philippines. Hai nước cần có chiến lược tăng cường xích lại gần nhau để cố gắng thu được tối đa lợi ích hoặc giảm thiểu tổn thất trong trường hợp xảy ra xung đột ». (« Mỹ – Philippines thắt chặt hợp tác quân sự ở Biển Đông : Tín hiệu tốt hay xấu cho Việt Nam ? ») (1).
+ HỢP TÁC MẬT THIẾT HƠN VỚI LIÊN ÂU là căn bản ?
Nhà nghiên cứu Antoine Bonda (chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp) :
« (…) đây là một cơ hội chưa từng có đối với các nước như Indonesia, Việt Nam để xích lại gần với các quốc gia châu Âu. Đúng là Việt Nam hay Indonesia đã xích lại gần với một số nước trong vùng, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hoặc với Đài Loan mà mỗi đối tác này có ít nhất một chính sách dành cho Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm nhiều hơn và như vậy ASEAN, cũng như các nước thành viên, sẽ có vai trò còn quan trọng hơn trước đây. Từ đó, ASEAN không những có thể tranh thủ được sự cạnh tranh Mỹ-Trung mà còn được hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng lớn của các nước châu Âu đối với khu vực này. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng Indonesia và Việt Nam chẳng hạn, sẽ được hưởng lợi rất nhiều’’ (« Biển Đông : Việt Nam, Philippines sẽ bớt “đơn độc” đối đầu với Trung Quốc? ») (2).
+ Dự đoán về thái độ của Nga :
Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon: « (…) sự phụ thuộc nhau về địa-chính trị với Trung Quốc mà chúng ta đề cập ở trên, cũng như việc Nga phải tiếp tục hưởng sự hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác từ cường quốc láng giềng, có thể dẫn đến việc các nhà lãnh đạo Nga phải hạn chế phản đối và thậm chí im lặng trước hành động của Trung Quốc, bất chấp việc Việt Nam là một nước có lợi cho Matxcơva như chúng ta đã nói (…) » (« Nga sẽ “không” ủng hộ Việt Nam nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông ? ») (3).
+ Một số nước ven Biển Đông gần đây thông báo đàm phán SONG PHƯƠNG với Trung Quốc : Thực hư ra sao ?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt : « … Khai thác chung với Trung Quốc thực chất là khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, mà điều này, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là đặc quyền của quốc gia ven biển đó.
Thực chất có lẽ đây là những tuyên bố mang tính chính trị để có thể giành được những lợi ích từ Trung Quốc. Đương nhiên Trung Quốc cũng biết điều đó và họ rất giỏi chơi bài. Cho nên, nếu những quốc gia như Malaysia hay Philippines muốn “chơi bài” với Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng sẵn sàng chơi, mà Trung Quốc sẽ đạt được những mục tiêu, những lợi ích của họ.
Tổng thống Duterte của Philippines, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đã phải hủy bỏ tất cả những tuyên bố, những chính sách của ông về khai thác chung với Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu của Philippines nói rằng ông Duterte cũng đã vỡ mộng khi thấy Trung Quốc hứa hẹn thì rất nhiều, hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ đôla vào nền kinh tế Philippines, nhưng trên thực tế thì không có bao nhiêu cả. Đó là câu chuyện khiến nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này (…) .” (« Biển Đông: Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc về đàm phán song phương ») (4).
THAM KHẢO
1/ « Mỹ – Philippines thắt chặt hợp tác quân sự ở Biển Đông : Tín hiệu tốt hay xấu cho Việt Nam ? » (27/03/2023) Tạp chí (RFI – Thu Hằng)
2/ « Biển Đông : Việt Nam, Philippines sẽ bớt “đơn độc” đối đầu với Trung Quốc? » (12/04/2023) Tạp chí Việt Nam (RFI – Thu Hằng)
3/ « Nga sẽ “không” ủng hộ Việt Nam nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông ? » (15/05/2023) Tạp chí Việt Nam (RFI – Thu Hằng)
4/ « Biển Đông: Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc về đàm phán song phương » (08/05/2023) Tạp chí Việt Nam (RFI – Thanh Phương)
¤¤¤¤¤