LUẬT KHOA
Năm 2017 là năm chứng kiến một cơn sốt Hannah Arendt trong xã hội phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017, tác phẩm đầu tay và nổi tiếng nhất của triết gia người Mỹ gốc Đức này, cuốn “The Origins of Totalitarianism” (Về cội nguồn của chủ nghĩa độc tài toàn trị), xuất bản năm 1951, đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ.
Đối với một tác phẩm triết học dài dòng và khô khan, đây là một điều không tưởng. Không chỉ vậy, xuyên suốt năm 2017, các tác phẩm của Hannah Arendt đã thường xuyên được trích dẫn trên các kênh truyền thông và các trang phân tích uy tín trên thế giới. Điều này chứng tỏ rằng những nghiên cứu và bài học mà Hannah Arendt để lại, đặc biệt là những đóng góp của bà về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài toàn trị, vẫn mang đầy đủ giá trị hiện thực trong một giai đoạn đầy biến động của thế kỷ 20, với những thay đổi lớn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hannah Arendt (1906 – 1975) là một triết gia người Mỹ gốc Đức. Bà là một trong những học giả có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong bộ môn khoa học chính trị trong thế kỷ 20. Bà sinh ra trong một gia đình Do Thái Đức, bị buộc phải rời khỏi Đức vào năm 1933 và sống tại Paris, Pháp trong tám năm tiếp theo. Bà di cư đến Mỹ năm 1941 và tham gia giảng dạy ở nhiều đại học Mỹ cho đến khi qua đời năm 1975. Triết học của Hannah Arendt rất đa dạng và không hệ thống – bà viết về rất nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm chủ nghĩa toàn trị, bản chất của tự do, sự suy nghĩ và đánh giá, lịch sử tư tưởng chính trị, v.v.
Chiến lược tẩy não
Chủ nghĩa độc tài toàn trị, theo định nghĩa của Hannah Arendt, là một thể chế chính trị mà trong đó chính quyền áp đặt tư tưởng cũng như đặt ra những quy định mang tính chất ép buộc nhằm mục đích kiểm soát tất cả mọi hành vi trong mọi khía cạnh đời sống của các thành viên trong xã hội, bao gồm cả đời sống riêng tư cũng như đời sống xã hội của họ.
Arendt cho rằng thể chế độc tài toàn trị này khác biệt hoàn toàn với những chế độ độc tài mà lịch sử loài người đã chứng kiến trước đó. Khác biệt nằm ở chỗ chúng được xây dựng trên một nền móng tư tưởng riêng biệt, thường mang tính chất cực đoan, và tư tưởng này thường là của một cá nhân hay một nhóm nhỏ.
Nếu như đối với một chính quyền độc tài truyền thống, quyền lực chính trị tuyệt đối được sử dụng để đẩy các đối thủ chính trị khác ra ngoài vòng luật pháp, và thống trị con người bằng luật pháp chuyên chế, một chính quyền độc tài toàn trị trỗi dậy bằng cách áp đặt tư tưởng của mình lên toàn bộ những thành viên trong xã hội, thống trị họ qua suy nghĩ, và dùng quyền lực chính trị có được để bảo vệ lý tưởng.
Lý tưởng của những nhà độc tài toàn trị thường vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Lý tưởng phát-xít Đức có thể được miêu tả đơn giản như sau: người Đức là một chủng tộc được lựa chọn bởi Chúa Trời.
Đòn tâm lý này thường đạt được thành công trong một xã hội hỗn loạn và mâu thuẫn. Trong cái xã hội như vậy, cuộc sống con người thường đầy ắp khổ đau và bấp bênh về tinh thần. Con người luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, thất vọng và bực bội. Điều này thúc đẩy trong tâm trí của con người nhu cầu đi tìm một lời giải cho những nỗi khổ họ đang gánh chịu. Một câu trả lời đơn giản nhưng cực đoan cho những nỗi khổ đau của con người vì thế có sức hấp dẫn đến lạ kỳ.
Tính đơn giản và cực đoan về tư tưởng mà những kẻ độc tài toàn trị muốn truyền bá, vì thế dễ dàng bén rễ trong tâm trí mọi người, và xây dựng trong họ một niềm tin mù quáng vào những điều mà nhà độc tài toàn trị đang truyền bá.
Ví dụ như lý tưởng của phát-xít Đức về một dân tộc Đức thượng đẳng và người Do Thái là những kẻ ký sinh làm suy nhược nước Đức đã được rất nhiều người Đức ủng hộ. Lý do là bởi khi đó, nước Đức vừa trải qua thất bại trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, phải gánh chịu những mất mát to lớn về người và của, bản sắc dân tộc và niềm tự hào dân tộc bị phá hủy, các cơ quan chính phủ bị mất uy tín, khiến cuộc sống con người vô cùng đen tối và niềm tin của con người rơi vào trạng thái bất ổn. Điều đó tạo điều kiện cho tư tưởng Đức Quốc Xã ăn sâu bén rễ vào mọi thành viên trong xã hội Đức, và dần dẫn tới sự hình thành của chính quyền chuyên chế Đức Quốc Xã.
Một khi mà lý tưởng của những nhà độc tài toàn trị đã hoàn toàn ăn vào tiềm thức của các cá nhân trong xã hội, và đã thành công trong việc xây dựng trong họ một niềm tin mù quáng vào lý tưởng đó, sẽ không còn ai ngăn cản những nhà cầm quyền độc tài ban hành những chính sách chuyên chế, chính sách cực đoan. Bất chấp những chính sách đó có tàn bạo tới đâu, miễn rằng chúng được thực hiện trên danh nghĩa của thứ lý tưởng đã bén rễ trong tâm trí của mọi thành viên trong xã hội thì đều được mặc nhiên chấp nhận. Ví dụ: chính phủ toàn trị Đức Quốc Xã không lấy lý do rằng họ đàn áp người Do Thái để bảo vệ quyền lực của mình mà là để xây dựng một xã hội dựa trên lý tưởng của họ.
Sự tầm thường của cái ác
Trong học thuyết về phán xét và suy nghĩ của mình, Arendt cho rằng lý tưởng của chế độ độc tài toàn trị hoạt động bằng cách bào mòn và phá hủy những tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn chính trị xã hội vốn có trong tiềm thức của mỗi cá nhân.
Mỗi cá nhân trong chúng ta đều có một tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn xã hội riêng biệt được sử dụng để giúp chúng ta có quan điểm cá nhân về những vấn đề xã hội. Lấy ví dụ, trong xã hội văn minh hiện đại của chúng ta, sẽ chẳng có con người tỉnh táo nào chấp nhận hành vi giết người vô nhân tính. Nhưng một khi đã bị bịt mắt bởi lý tưởng, con người đơn giản sẽ trở thành một con rối cho lý tưởng, và họ sẽ răm rắp thực hiện mệnh lệnh của chế độ độc tài.
Đáng sợ hơn nữa, những con người bị bịt mắt bởi lý tưởng đó vẫn sẽ luôn cho rằng suy nghĩ và hành động của bản thân mình là hoàn toàn tự do, hoàn toàn đúng đắn; và sự lệch lạc trong suy nghĩ đó có thể khiến họ thực hiện những hành vi tội ác man rợ một cách hoàn toàn tự nguyện và không mảy may suy nghĩ.
Arendt đã được tận mắt chứng kiến thực tế này khi bà tham dự phiên tòa xét xử Adolf Eichmann, kẻ chịu trách nhiệm trục xuất người Do Thái tới các trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Hungary, gây nên cái chết cho hơn năm trăm ngàn người Do Thái ở đây.
Adolf Eichmann bị cơ quan tình báo Israel bắt và bị đưa ra xét xử tại Jerusalem. Trong phiên tòa, đứng trước bản cáo trạng cho những tội ác ghê rợn vượt xa sức tưởng tượng của con người, Eichmann đã bình thản tự cho bản thân là vô tội, những gì ông ta làm đơn giản chỉ là thực hiện nghĩa vụ của mình, và tuân thủ theo những gì pháp luật nước Đức khi đó yêu cầu ông ta phải làm.
Điều kỳ lạ nhất, Arendt cho rằng con người Eichmann không có gì khác biệt với mỗi chúng ta: bà miêu tả ông ta là một con người hoàn toàn bình thường, tuân thủ luật pháp, sống theo những khuôn khôt mà ông ta cho là đạo đức. Một con người hoàn toàn bình thường, và đã được chứng nhận bởi sáu bác sỹ tâm lý khác nhau về điều này, đã có thể hành động để dẫn tới cái chết của gần năm trăm ngàn người, và không hề có chút mặc cảm tội lỗi nào.
Trong tác phẩm “Eichmann in Jerusalem” (Eichmann ở Jerusalem), Arendt nhấn mạnh vào sự tầm thường, sự thiếu chủ đích và mục đích độc ác trong việc thực hiện hành vi của Eichmann. Suy nghĩ của Eichmann đơn giản chỉ là, ông ta phải thực hiện những gì cấp trên yêu cầu ông ta làm; và bởi xã hội Đức chấp nhận những việc ông ta làm, vì thế ông ta không thấy có gì sai trái về mặt đạo đức.
Những giá trị mà Eichmann có là những giá trị mà Đức Quốc Xã nhồi nhét vào đầu ông ta. Nó bóp méo tư tưởng của ông ta tới mức khiến ông ta có thể thực hiện những tội ác vượt xa sức tưởng tượng của một người bình thường.
Hãy luôn nhớ rằng mình tự do
Đứng trước sự tầm thường của cái ác như vậy, vẫn có một thực tế rằng, không phải người Đức nào cũng sẵn lòng thực hiện những hành vi tàn bạo mà chế độ phát-xít yêu cầu.
Ngay cả khi những quy chuẩn đạo đức, quy chuẩn xã hội của chúng ta đã bị phá hủy bởi một thể chế độc tài toàn trị, con người vẫn luôn có thể thay đổi. Trong tác phẩm “Human Condition” (Điều kiện làm người), Arendt cho rằng, mỗi chúng ta khi được sinh ra đều là một khởi đầu mới. Chúng ta không phải bản sao y nguyên của cha mẹ chúng ta. Không giống như các loài động vật khác, những sinh vật mà hành vi đã được lập trình sẵn bởi tạo hóa, không ai có thể biết trước một con người khi mới sinh ra sẽ hành động, suy nghĩ như thế nào khi trưởng thành. Bản chất của con người vì thế là phản tự nhiên.
Mỗi người trong chúng ta đều hoàn toàn có khả năng biến đổi môi trường sống xung quanh chúng ta và làm những gì mà chúng ta muốn. Lý tưởng có thể che mắt con người, có thể tìm cách trói buộc con người, nhưng con người hoàn toàn có thể phá vỡ xiềng xích đó, bởi trong tư tưởng của mình, con người là tự do.
Quan trọng hơn, một khi con người nhận ra rằng họ tự do trong tư tưởng, họ sẽ có khả năng xây dựng lại cho bản thân những giá trị đạo đức mà kẻ độc tài toàn trị đã phá hủy. Và lúc con người hiện thực hóa những giá trị đạo đức thành những giá trị xã hội, đó là lúc mà con người đi tới đỉnh cao của tự do.
Theo Arendt, đó là lúc con người từ kẻ nô lệ trở thành một thành viên của xã hội chính trị.
Những kẻ độc tài toàn trị trói buộc con người bằng cách khiến họ quên đi rằng họ có sự tự do đó. Người Đức đã phải mất một thế hệ mới tìm lại được giá trị tự do trong chính trị. Và Arendt, khi sinh sống và làm việc ở Mỹ, cái nôi của tự do dân chủ, mới nhận ra giá trị của việc có được tự do chính trị.
Vì nhẽ đó, bài học quan trọng nhất mà Arendt để lại cho các thế hệ sau này, là hãy quan tâm đến đời sống chính trị, ngay cả khi bạn không kiếm sống nhờ nó: hãy quan tâm đến chính trị, đến xã hội, và trang bị cho mình một quan điểm độc lập.
Ngày nay, những vấn đề chính trị – xã hội trên thế giới đang vô cùng phức tạp. Ở nhiều quốc gia, vùng miền, những tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan đang tìm cách trỗi dậy. Vì vậy, những nghiên cứu của Hannah Arendt về chủ nghĩa độc tài toàn trị chính là sự cảnh tỉnh quan trọng, để giúp con người bảo vệ tự do và tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Tài liệu tham khảo:
- Hannah Arendt, Standford Encyclopedia of Philosophy.
- Hannah Arendt (1906—1975), Internet Encyclopedia of Philosophy
- Totalitarianism in the age of Trump: lessons from Hannah Arendt, The Guardian.
- Hannah Arendt was the philosopher to reference in 2017, Quarizy.
- Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil, Hannah Arendt.
- The Human Condition, Hannah Arendt
- The Origins of Totalitarianism, Hannah Arendt
- The Portable Hannah Arendt (Penguin Classics)