Người nào đến nhiệm kỳ của mình cũng muốn để lại dấu ấn. Tất cả các dấu ấn họ để lại không ngoài các dự án. Dự án nào cũng liên quan đến cắt đất, đốn cây. Ai cũng hô hào “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Chỉ có hậu thế mới thực sự thấm thía thế nào là môi trường sống “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà tiền nhân để lại.
CÓ HỒ LA NGÀ 3 THÌ KHÔNG CẦN HỒ KA PÉT
I. HỒ CHỨA NƯỚC LA NGÀ 3
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã có các công văn gửi Chính Phủ xin thu hồi hoặc di dời thuỷ điện La Ngâu về sau hồ chứa nước La Ngà 3 (https://vneconomy.vn/binh-thuan-quyet-di-doi-hoac-thu-hoi-du-an-thuy-dien-la-ngau.htm)
Xác định La Ngà 3 là “công trình chiến lược đa mục tiêu” (https://binhthuan.gov.vn/4/469/52723/608264/kinh-te-xa-hoi/du-an-ho-chua-nuoc-la-nga-3-cong-trinh-chien-luoc-da-muc-tieu.aspx)
Được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia (https://snnptnt.binhthuan.gov.vn/…/du-an-ho-la-nga-3…)
Và mong muốn được đưa vào xây dựng càng sớm càng tốt (https://danviet.vn/du-an-ho-thuy-loi-la-nga-3-o-binh-thuan-dan-mong-som-xay-dung-20230221110424594.htm).
Về dung tích và kỳ vọng
“Hồ La Ngà 3 có dung tích 470 triệu m3 nước, với nhiệm vụ đảm bảo cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615 ha thuộc tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận. Hồ cũng cung cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 34MW (dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm” (https://danviet.vn/du-an-ho-thuy-loi-la-nga-3-o-binh-thuan-dan-mong-som-xay-dung-20230221110424594.htm).
Về vị trí
Hồ La Ngà 3 nằm ở xã La Ngâu giáp với xã Mỹ Thạnh nơi bố trí xây dựng hồ Ka Pét. Mỹ Thạnh lại giáp với xã Hàm Thạnh nơi đã có hồ Sông Móng dung tích hữu ích 34 triệu m3.
Như vậy 3 xã La Ngâu, Mỹ Thạnh, Hàm Thạnh liên tiếp giáp nhau có 3 hồ chứa nước lớn. Khoảng cách các hồ chỉ trong khoảng trên dưới 10 km.
Sau hồ Sông Móng liên tiếp là hồ Ba Bàu, hồ Đu Đủ, hồ Tân Lập, khoảng cách cũng khoảng 10 km nối tiếp. giữa các hồ. Tỉnh Bình Thuận đã có 49 hồ chứa nước.
Từ công suất của hồ La Ngà 3 với dung tích 470 triệu m3, cung cấp nước không chỉ cho Nam Bình Thuận mà cho cả Đồng Nai lẫn Bà Rịa – Vũng Tàu, lại nằm phía thượng lưu cạnh hồ Ka Pét dung tích 51 triệu m3, thì hoàn toàn không cần phải xây dựng hồ Ka Pét. Nước hồ La Ngà 3 thừa đủ để cung cấp cho dân và cây trồng vùng hồ Ka Pét. Ngay phía dưới lại đã có hồ Sông Móng và một chuỗi các hồ liên hoàn.
Với Bình Thuận, hãy nghĩ đến hồ La Ngà 3 mà bỏ đi hồ Ka Pét. Phỏng vấn người dân quanh vùng Mỹ Thạnh đang thiếu nước tưới cho thanh long và cây trồng, thì hiển nhiên họ muốn có nước nên ủng hộ xây dựng hồ chứa nước. Nhưng nước đến từ Ka Pét hay La Ngà 3, họ đều chào đón như nhau.
II. ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Lướt qua “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) của Dự án hồ chưa nước Ka Pét đăng trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTN&MT) thì giật mình (https://monre.gov.vn/VanBan/Pages/ChiTietVanBanDuThao.aspx).
Nếu “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét được BTN&MT thông qua thì thật sợ hãi. Sợ hãi không chỉ về khía cạnh dự án, mà sợ hãi về năng lực của BTN&MT. Sao mà không sợ hãi, khi Bộ KH&CN và Học viện Quân y còn bị công ty Việt Á “qua mặt” với một hậu quả khủng khiếp.
Vì rằng, giá trị của bạn, trình độ của bạn, trí tuệ của bạn sẽ được đánh giá qua người bạn chọn làm cố vấn. UBND tỉnh Bình Thuận là chủ đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã chọn Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam làm đơn vị tư vấn. Vậy thì Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam sẽ xác định giá trị của Dự án hồ chứa nước Ka Pét về cơ sở khoa học, về hiệu quả kinh tế, và về an toàn môi trường. Đến lượt mình, Dự án hồ chứa nước Ka Pét có chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận lại xác định giá trị các công trình thuỷ lợi tương tự của tỉnh đã gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường mà được BTN&MT thông qua. UBND tỉnh Bình Thuận đã có 49 công trình hồ chứa nước được xây dựng, chắc là hồ chứa nước nào cũng đã phải được BTN&MT phê duyệt ĐTM.
Cho nên, đơn vị tư vấn mà UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam sẽ xác định cả năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường nếu BTN&MT thông qua “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hồ chứa nước Ka Pét”.
Trong ĐTM ghi rõ thông tin của đơn vị tư vấn như sau:
Tên đơn vị tư vấn: Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam.
– Địa chỉ liên hệ: 793/28/1/18 Trần Xuân Soạn, khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Vị trí của công ty cũng nói lên một phần giá trị công ty. Đơn vị tư vấn có một địa chỉ phải đi qua nhiều ngõ ngách.
Còn danh sách những người tham gia thực hiện đánh giá môi trường gồm:
– Hồ Nguyễn Trí Mẫn Thạc sỹ địa chất, Chủ biên
– Phạm Đức Trí Thạc sỹ Khoa học môi trường
– Đặng Thị Mỹ Lan Thạc sỹ quản lý môi trường
– Đỗ Ngọc Anh Dũng Thạc sỹ quản lý môi trường
– Nguyễn Thái Vũ Kỹ sư môi trường
– Đào Nguyên Khôi Tiến sỹ môi trường, thủy văn, sinh thái
– Phạm Thị Hiền Cử nhân khoa học môi trường
– Ngô Văn Hưng Kỹ sư thuỷ lợi.
Nhìn vào đơn vị tư vấn là biết mức độ tin cậy khoa học của “Đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét. Một dự án như hồ chứa nước Ka Pét liên quan đến 680 ha rừng tự nhiên và hệ sinh thái Nam Bình Thuận thì Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam không đủ năng lực khoa học để kết luận về tác động môi trường.
Đánh giá tác động môi trường Dự án hồ chứa nước Ka Pét liên quan đến phá bỏ 680 ha rừng tự nhiên cùng biến đổi hệ sinh thái phải là công việc của một viện nghiên cứu khoa học uy tín hay tập thể các nhà khoa học của một trường đại học. Một công ty tư nhân nhỏ bé không đủ năng lực để đảm đương một trọng trách lớn như vậy.
Trong toán học có nguyên tắc “vi phạm tiên đề”. Như khi phát hiện đề bài ra sai thì không cần phải giải. Đơn vị tư vấn đã đưa “Dự án hồ chứa nước Ka Pét” vào tình thế “vi phạm tiên đề”. Những người làm khoa học thực thụ sẽ không tin tưởng vào tính khoa học của Dự án.
Vì “vi phạm tiên đề” nên mới chỉ lướt qua mà cũng nhận thấy những điều sau.
1. Tài liệu “Đánh giá tác động môi trường” không đủ độ tin cậy về mặt khoa học.
2. Tài liệu có dấu hiệu là sản phẩm của những “thợ viết dự án”, có các phần được “xào nấu” từ các dự án tương tự.
3. Có những mục không được tiến hành trên thực nghiệm nhưng vẫn được ghi trong tài liệu.
Nếu Bộ BTN&MT tổ chức một Hội đồng Khoa học gồm những nhà chuyên môn giỏi trong nước để đánh giá “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét, thì chắc chắn “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét” sẽ bị bác bỏ.
Trong cuộc họp báo chiều 7/9/2023, ông Lê Thanh Sơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho rằng 600 ha rừng bị phá bỏ chỉ chiếm 0,15% và không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên của Bình Thuận. Vậy 1000 dự án 600 ha thì thế nào?
Chính quan niệm chỉ 0,15% bé nhỏ này đã đưa rừng tự nhiên Việt Nam đến tình trạng huỷ diệt hôm nay, làm cho bão lụt, sụt lở, hạn hán, nóng bức hành hạ con người, đưa môi trường sống của con người đến tình trạng tồi tệ. Cũng chính ông Lê Thanh Sơn cho biết cây trồng mới thay thế sẽ đảm bảo chất lượng (https://dantri.com.vn/xa-hoi/quyet-tam-khoi-cong-du-an-ho-ka-pet-giua-nam-2024-20230907110536534.htm).
Vậy thế nào là đảm bảo chất lượng?
Trong báo cáo ĐTM của Dự án hồ chứa nước Ka Pét, cây trồng thay thế là cây dầu. Cây dầu thuộc nhóm V. Trong khi khu rừng Mỹ Thạnh có gỗ từ nhóm I đến nhóm V. Xin lưu ý về gỗ nhóm V:
“Gỗ rất nhẹ, cấp cường độ E. Độ bền uốn va đập rất thấp. Độ bền tự nhiên rất kém. Thích hợp cho công trình xây dựng không yêu cầu chịu lực, làm bao bì hoặc ván khuôn. Nếu gỗ nặng hơn tiêu chuẩn của nhóm thì là gỗ của những loại cây gỗ nhỏ, giá trị kinh tế thấp, hoặc rất khó gia công, khó phơi, sấy, khó bảo quản, loài cây gỗ có nhiều khuyết tật” (https://godaingua.vn/tin-tuc/cac-tieu-chi-phan-hang-nhom-go-tu-nhien-tai-viet-nam-3220/).
Những người ủng hộ hy sinh rừng vì hồ chứa nước đang cố gắng tách biệt 138 ha rừng đặc dụng để nhấn mạnh rằng đây mới là rừng phải bảo vệ. Còn hơn 500 ha rừng tự nhiên kia không đáng bận tâm. Chưa nói đến đa dạng động thực vật mà rừng trồng mới trăm năm sau không có được, cũng như khả năng giữ nước ngầm và chống sạt lở, thì chỉ về gỗ thôi, 500 ha rừng kia có gỗ tốt nhóm II, III. Thay cẩm lai, cam xe bằng cây dầu, rừng Việt Nam mỗi ngày một giảm đi chất lượng, từ nhóm I xuống nhóm V. Chất lượng sống của người Việt Nam cũng giảm theo chất lượng của rừng Việt Nam, từ cấp I xuống cấp V.
Trong sự giảm sút diện tích rừng tự nhiên, dẫn đến tình trạng sạt lở, lũ lụt, thay đổi môi sinh nghiêm trọng như hiện nay thì BTN&MT có trách nhiệm không nhỏ. Các dự án đều phải qua BTN&MT phê duyệt ĐTM. Phá bỏ rừng trong các dự án phải được BTN&MT đồng ý. Hàng trăm dự án trong suốt mấy chục năm qua phá bỏ hàng chục ngàn ha rừng đều có sự phê duyệt ĐTM của BTN&MT.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mới nhận chức từ 22/5/2023. Là một kỹ sư xây dựng, hy vọng ông đánh giá được vai trò của rừng tự nhiên trong bảo vệ môi trường sống.
Chúng ta đã trải nghiệm tai hoạ kinh hoàng do công ty Việt Á gây ra. Hy vọng rằng BTN&MT sẽ không đi theo vết xe đổ của Bộ KH&CN như trong trường hợp công ty Việt Á.
III. ĐỄ XUẤT XEM XÉT LẠI QUY HOẠCH HỆ THỐNG THUỶ LỢI BÌNH THUẬN
Bộ NN&PTNT và Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hãy xem xét lại quy hoach hệ thống thuỷ lợi tỉnh Bình Thuận với sự có mặt của hồ La Ngà 3. Xây hồ Ka Pét dung lượng 51 m3 không giải quyết xong bài toán tưới tiêu cho Nam Bình Thuận. Xây hồ Ka Pét rồi thì vẫn cứ phải xây dựng hồ La Ngà 3. Nhưng khi đã xây dựng hồ La Ngà 3 thì không cần phải xây hồ Ka Pét nữa.
QH Khoá XV vừa mới thông qua điều chỉnh dự án hồ Ka Pét hôm 22/5/2023 hãy xem xét lại dự án này trong tổng thể hệ thống thuỷ lợi tỉnh Bình Thuân có hồ La Ngà 3 mà tỉnh Bỉnh Thuận đang xin được khởi công càng sớm càng tốt – như là một công trình chiến lược trọng điểm (https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx). Hồ La Ngà 3 là bắt buộc phải có thì hoàn toàn không cần đến hồ Ka Pét.
Không một công ty tư nhân nào, kinh doanh nước, lại đồng thời xây dựng cả hồ La Ngà 3 lẫn hồ Ka Pét để cung cấp nước cho Nam Bình Thuận. Không ai phí phạm tiền bạc và tài nguyên như vậy. Chẳng cần phải chuyên gia thuỷ lợi cũng nhìn rõ điều đó.
Vấn đề thiếu nước của Bình Thuận tồn tại từ lâu. Không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Dự án xây dựng hồ nước nào cũng lấy vấn đề thiếu nước dân sinh ra làm lý do cấp thiết, cứ như là trước đây chưa từng đối mặt. Tại sao có 49 hồ chứa nước rồi mà Bình Thuận cũng chưa giải quyết được vấn đề thiếu nước? Nói như thế, để thấy vấn đề thiếu nước là bài toán phải giải theo thời gian, không phải tức thì. Giải bài toán thiếu nước phải đi đôi với bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống. Rừng bị phá, thì không chỉ hồ cạn nước, mà nước ngầm cũng hết. Lúc đó còn rơi vào tình trạng tệ hại hơn.
Rất thông cảm với lãnh đạo các tỉnh hiện nay. Người nào đến nhiệm kỳ của mình cũng muốn để lại dấu ấn. Tất cả các dấu ấn họ để lại không ngoài các dự án. Hoặc là dự án đầu tư nước ngoài. Hoặc là các công trình giao thông, thuỷ điện, thuỷ lợi, khu xây dựng, khu nghỉ dưỡng… Dự án nào cũng liên quan đến cắt đất, đốn cây. Ai cũng hô hào “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Chỉ có hậu thế mới thực sự thấm thía thế nào là môi trường sống “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà tiền nhân để lại.
Một số lãnh đạo thường lấy “quyết tâm chính trị” làm “vũ khí vô đối”. Họ đặt “quyết tâm chính trị” trên khoa học kỹ thuật, trên cả quy luật thiên nhiên. Như cách ly covid -19 là ví dụ gần nhất. Thiên nhiên không biết đến “quyết tâm chính trị”. Sức mạnh của thiên nhiên thì không “quyết tâm chính trị” nào có thể chống lại được.