Manh Dang
24 tháng 3 lúc 21:55
Trước nay, nguyên tắc “Suy đoán vô tội” thường là câu nói cửa miệng, là “bùa chú” độc quyền của các luật sư khi bào chữa trong các phiên tòa hình sự. Thật vậy, cho dù các luật sư, điều tra viên, công tố viên hoặc thẩm phán đều sử dụng chung ngôn ngữ giao tiếp là Bộ luật Tố tụng Hình sự, nhưng hầu như, chúng ta ít nghe các điều tra viên, công tố viên hoặc thẩm phán nói về chúng.
Thế nhưng, xã hội hiện nay đã khác, nhất là sau khi cơ quan điều tra công bố thông tin tha bổng đối với bốn nữ tiếp viên hàng không vận chuyển hơn 11kg ma túy, thì nguyên tắc luật hình sự “Suy đoán vô tội” đã được công chúng công nhiên nhắc đến nhiều hơn.
Khoan nói đến đúng, sai, nhưng bản thân nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được công chúng nhắc đến nhiều hơn cả luật sư là điều hết sức tích cực đối với xã hội. Ít nhất, số đông ấy sẽ buộc các cán bộ điều tra có tư duy “Nhìn đâu cũng thấy tội phạm/suy đoán có tội” phải chùn tay hơn, có khả năng làm giảm oan sai cho người vô tội hơn.
Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được dự liệu tại điều 31 Hiến pháp và điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự, nguyên văn theo Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau :
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Đã có nhiều quy định về thủ tục tố tụng và hình thức phiên tòa hình sự được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn khi nhân danh áp dụng nguyên tắc “Suy đoán vô tội”. Ví dụ, bị can, bị cáo được giữ quyền im lặng và không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình. Bị can, người bị bắt giữ có quyền nhờ luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi cho mình. Hoặc, về trang phục ra tòa của bị cáo, từ chiếc áo kẻ sọc của tù nhân/bị án đã được trả lại thành bộ thường phục của người chưa bị tuyên án có tội. Vành móng ngựa với các song gỗ hình trụ tạo hình như song sắt nhà tù đã được thay đổi thành bục khai báo…[1]
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, “Suy đoán vô tội” nằm trong chương “Những nguyên tắc cơ bản”. Cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của sự “Suy đoán vô tội” trong suốt quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố và xét xử một công dân. Tuy quan trọng như vậy, thực tế, chúng có giá trị như là một “Kim bài miễn tử” không ? Chúng có luôn luôn bó buộc đối với quan điểm buộc tội của các cơ quan tố tụng hay không ? Thì câu trả lời là không!
Vì ba lẽ.
– Thứ nhất, đã bắt giữ thì phải có tội, chỉ nặng hay nhẹ mà thôi. Điều này đã từng được nói công khai tại quốc hội và tự thân điều này đã phủ nhận nguyên tắc “Suy đoán vô tội”.
– Thứ hai, hên xui. Thực thi luật pháp mà cho rằng “hên xui” là phi luật pháp. Nhưng rất tiếc, chúng đang là thực tế tại xứ này thông qua tính hành xử bất nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng.
– Thứ ba, đối với những tội danh cấu thành về phương diện hình thức, hoặc trên cơ sở “Lỗi cố ý”, thì chỉ cần xác định có hành vi mà thôi. Bất kể ý chí chủ quan của người phạm tội là có ý thức phạm tội hay không.
Ba lẽ trên là thực trạng thực thi luật pháp hình sự tại xứ này hiện nay.
Đối với lẽ thứ hai. Chính công chúng đã chứng minh bằng cách trích hàng loạt đường dẫn (link) về các vụ án vận chuyển ma túy mà người vận chuyển khai rằng họ không biết hàng hóa vận chuyển là ma túy. Thế nhưng, có vụ phải lãnh mức án rất nặng như chung thân, tử hình. Nhưng có vụ lại được tha bổng, miễn tố. Nếu tha bổng, miễn tố nhân danh “Suy đoán vô tội” thì chung thân, tử hình nhân danh gì ?
Đối với lẽ thứ ba, dưới đây là án lệ [2] điển hình để minh chứng.
Trong một vụ án hình sự khá nổi tiếng “Hai xác chết trong thùng bê tông” xảy ra ở tỉnh Bình Dương vào tháng 05/2019. Trong số 2 nạn nhân tử vong, thì nạn nhân thứ 2 và bị cáo có quan hệ thân thiết, nhưng vì sự cẩu thả, thiếu hiểu biết của bị cáo về tình trạng sức khỏe của nạn nhân, khiến người này tử vong. Cho dù bị cáo không có hành vi giết người và cũng không có chủ ý giết người (thiếu yếu tố chủ quan – một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm). Theo đó, nếu áp dụng nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, thì không thể cáo buộc tội danh giết người đối với cái chết của nạn nhân thứ 2 được. Thế nhưng, thực tế bên công tố cho rằng bị cáo có “Lỗi cố ý” và cáo buộc tội danh giết người. Sau đó, tòa án đã chấp thuận quan điểm này, tuyên bị cáo có tội phải chịu hình phạt tử hình.
Một vụ án hình sự khác về tội danh “Hiếp dâm người chưa đủ 16 tuổi” ở miền Trung. Sau chầu nhậu, bị cáo và bị hại đi hát karaoke. Tại đó, dù mới lần đầu gặp nhau, hai người đã có cử chỉ quan hệ tính dục đồng thuận, nhưng chưa giao cấu thì bị cơ quan chức năng ập vào. Rủi cho bị cáo, cô gái bị hại chưa đủ 16 tuổi nên bị cáo bị khởi tố hình sự. Cô gái tuy chưa đủ 16 tuổi, nhưng cơ thể rất phát triển, thậm chí như người đã từng sinh nở. Bị hại không nghĩ là cô gái còn quá nhỏ tuổi như vậy và cũng không có ý chí quan hệ tính dục nếu biết tuổi cô ấy. Tương tự như trường hợp trên, thiếu yếu tố chủ quan – một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Thế nhưng, bên công tố cho rằng tội danh cấu thành hình thức, cho nên, có hành vi là có phạm tội mà không cần xét đến yếu tố ý chí phạm tội. Đương nhiên, tòa án chấp thuận quan điểm buộc tội của công tố.
Cho thấy, tuy nguyên tắc “Suy đoán vô tội” được luật pháp đặt để vai trò và vị thế quan trọng, nhưng sự áp dụng chúng trong thực tế thì lại không hề tương xứng như luật pháp quy định hoặc công chúng kỳ vọng.
Trong tình hình đó, đánh giá khả năng diễn tiến của một vụ án, căn cứ vào luật pháp không chưa đủ, mà còn phải căn cứ vào quan điểm, tư duy thực thi luật pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thế nhưng, khi quan điểm, tư duy xử lý luật pháp bất nhất, thì dù đánh giá thế nào đi nữa, chúng vẫn chỉ là một nguồn để công chúng tham khảo.
Tóm lại, cái nguyên tắc “Suy đoán vô tội” văn minh đó, chúng vẫn chỉ là cái bánh vẽ để lũ mông muội chúng ta mơ ước được áp dụng vào… kiếp sau mà thôi. Kiếp này, thôi quên đi.
Hà Tiên, ngày 25/03
Manh Dang
——-//——-
[1] Các thay đổi tiến bộ này đã bị biến tướng trong thực tế
[2] Án lệ : Án đã xử