Wednesday, January 15, 2025
HomeBLOGCơ cấu tổ chức, nhân sự không thể thay đổi dưới thể...

Cơ cấu tổ chức, nhân sự không thể thay đổi dưới thể chế độc đảng!

RFA

Cơ cấu nhân sự

Tại buổi họp quốc hội chiều ngày 9/6 bàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bàn về tiêu chuẩn Đại biểu quốc hội, nhiều ý kiến được đưa ra với mục tiêu nhằm giúp nâng cao chất lượng đại biểu.

Một trong những ý kiến nhắc lại biện pháp nâng cao phần trăm số đại biểu chuyên trách từ 35% lên 40%, cũng như yêu cầu đại biểu cần có kiến thức, chuyên môn, quan tâm tình hình, đặc biệt phải đảm bảo có đủ thời gian nghiên cứu, trao đổi, tiếp xúc với cử tri.

Trao đổi với RFA tối ngày 9/6, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng những đề xuất thường xuyên được nhắc đến trong mỗi kỳ họp thực chất chỉ mang tính bề nổi. Ông lập luận:

“Thực tế trong một nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng và đảng lãnh đạo toàn trị, trực tiếp lãnh đạo về tổ chức, giá trị tư tưởng, quốc phòng an ninh thì chuyện làm quốc hội, chính phủ, hay công tác đảng cũng chỉ là sự phân công nên không có gì mới. Nhiều vấn đề đã đưa ra quốc hội để tham khảo nhưng khi quyết thì đảng quyết chứ không có gì làm trái ý kiến của đảng được. Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng thì cơ cấu đại biểu quốc hội nhìn vô thì 90-95% là đảng viên, đảng viên sao trái ý kiến của đảng được? Nên cải cách thực tế là người ta mong muốn đại biểu quốc hội cải cách đầu vào, cơ cấu thành phần khác để nghe tiếng nói khác thì may ra tốt hơn, chứ bây giờ quốc hội chỉ là diễn mà thôi.”

Vẫn theo Luật sư Thuận, Quốc hội phải giải quyết cốt lõi vấn đề tức là thành phần cơ cấu đại biểu, ngoài ra còn có dư địa để người ta phát biểu và tiếp thu. Quốc hội không thể tiếp tục làm theo những đề xuất mà đảng đã quyết định hết, rồi quốc hội mới vờ quyết định lại thì thật sự chưa thấy mở ra được hướng giải quyết.

“Tôi cho rằng những ý kiến đổi mới người ta đang chờ là phải đổi mới đầu vào để có những tiếng nói khác, phản biện tốt thì tự nhiên tình hình có nhiều tích cực hơn.”

Dưới góc nhìn cá nhân, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội cho rằng việc thay đổi nhân sự có thể cho thấy Quốc hội đã thể hiện muốn hình thức dân chủ phần nào, nhưng thực tế như Luật sư Trần Quốc Thuận đã nói, phần lớn do các đại biểu quốc hội là đảng viên, cơ cấu nhân sự của chính phủ quốc hội do đảng chỉ đạo nên không thay đổi được gì.

Không chỉ riêng nhân sự cho quốc hội, mà nhân sự đảng cũng đang là vấn đề được động đến trước kỳ đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.

Trong đó, vấn đề nhân sự trong Bộ Chính trị đang là điểm nóng mà người dân quan tâm nhiều nhất hiện nay, theo lời Nhà hoạt động Lã Việt Dũng:

“Bây giờ họ đang lăn tăn việc số lượng Ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi là bao nhiêu đang là vấn đề khá đau đầu cho đảng cộng sản Việt Nam.”

Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng để có thể giải quyết tốt vấn đề nhân sự tại quốc hội hay chính phủ thì trước hết nhân sự đảng phải được thay đổi:

“Ngay cả di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong đó có đoạn nói về đảng thì đảng phải thực hiện dân chủ thật rộng rãi trong đảng nhưng trong đảng bây giờ chưa thật sự có dân chủ, đảng chưa ứng cử, bầu cử cho nội bộ đảng mà cơ cấu do ở trên chỉ xuống thì làm sao không chạy chức chạy quyền được. Nên dân chủ trước hết phải mở trong đảng.”

Cơ cấu tổ chức

Bên cạnh cơ cấu nhân sự, cơ cấu tổ chức tại các bộ máy cũng gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong những cuộc họp thảo luận của các cấp chính quyền mà ngay cả trong dư luận.

Điển hình như vào ngày 7/6, Tỉnh ủy Quảng Ninh đưa ra đề nghị mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội.

Mới đây nhất, báo trong nước loan tin ngày 9/6 dẫn nội dung cuộc họp chính phủ về việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng chung theo Nghị quyết 580/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với tư cách công dân, Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cho hay ông ủng hộ quyết định tinh giảm bộ máy nhà nước này. Ông giải thích quan điểm cá nhân như sau:

“Bộ máy của họ khá cồng kềnh và cũng vô tác dụng rất nhiều nên theo mình việc hợp nhất theo mình có những tích cực: giảm tiền thuế dân, tinh gọn bộ máy. Cơ chế của Việt Nam thật ra từ trước đến nay tham nhũng rất nhiều, cứ qua mỗi cửa sẽ sinh thêm một tham nhũng nên họ giảm mình nghĩ đó là điều tốt.”

Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa khóa XI lại không tán thành với việc sáp nhập 3 văn phòng theo Nghị quyết 580 do ông cho rằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức khác nhau:

“Qua thực tiễn cho thấy khó khăn, độ vênh của nó vì quốc hội, hội đồng thực hiện chức năng giám sát Ủy ban Nhân dân. Bây giờ nhập cả văn phòng thì lẫn lộn cả cơ quan giám sát và cơ quan chịu giám sát chung một văn phòng phục vụ, sẽ không minh bạch trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lẫn lộn nên khó điều hành.”

Từ thực tế vừa nêu, ông Lê Văn Cuông cho rằng đối với những thay đổi về nhân sự, cơ cấu, cơ quan chức năng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trước khi ban hành thành luật.

“Trong thực tế có những bất cập, được mặt này nhưng vướng mặt khác nên cần thời gian thử nghiệm, thí điểm để sau đó thấy những gì rõ, đúng rồi mới quyết. Còn những gì chưa rõ cần phải tiếp tục theo dõi, thí điểm chứ không nóng vội, không bảo thủ trì trệ khi thấy bộ máy cồng kềnh, hiệu quả kém, đầu mối nhiều, biên chế phình to mà cứ để như cũ cũng không phù hợp.”

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, phương thức làm việc của Việt Nam hiện nay đều tập trung vào sự chỉ đạo của Đảng nên nhiều khía cạnh hạn chế chưa thể giải quyết được. Do đó, ông đề ra giải pháp:

“Người ta nói Việt Nam tam quyền phân lập, làm gì có vì chỉ có một đảng không thể tam quyền phân lập. Nếu tam quyền phân lập thì đảng ngồi ở đâu và đứng ở đâu? Nên người ta đặt ra cần phải làm luật về đảng để coi quyền của đảng tới đâu, được gì và quyết gì, nếu quyết sai thì trách nhiệm thế nào. Có những câu rất chung, rất nguyên tắc như đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội và đảng chịu trách nhiệm do vấn đề mình quyết nhưng trách nhiệm thế nào thì chưa thấy.”

Còn theo ông Lê Văn Cuông, trong thời buổi Việt Nam đang hòa nhập với thế giới thì Việt Nam cần sửa đổi pháp luật, đổi mới mô hình cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhưng cũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam chứ không thể máy móc áp dụng hoặc bảo thủ không chịu thay đổi!

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular