Nhắc chuyện buôn chè của mấy ông sinh viên giỏi buôn hơn học, lại bần thần nhớ hồi bu tôi buôn chè, xé rào, bươn chải bằng mọi cách để sống sót trong một nền kinh tế ngày càng lụn bại những năm thập niên 70 – 80 ở miền Bắc.
Nhà tôi làm ruộng, đất đai bị trưng thu, góp hết vào hợp tác xã (thực chất là cướp, rồi mấy chục năm sau HTX tan rã vẫn không được trả lại một mét nào). Sau năm 1975 nhà nước tiếp tục áp dụng cách cướp này ở nông thôn miền Nam, với tên gọi tập đoàn sản xuất (thay cho HTX đã quá nhiều tiếng xấu) để tiến lên nền nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. May mắn thay, nông dân miền Nam không mặn mà với trò hình thức nên nó bị chết yểu.
Không còn ruộng, chỉ làm công ăn điểm rồi quy ra thóc, mỗi vụ tính đầu người được vài chục ký thóc, xay thành gạo đủ ăn 2 – 3 tháng nên đói triền miên. Bu tôi tháo vát, ngoài việc cấy hái trên đồng, thường thức khuya dậy sớm làm hàng xáo, tranh thủ buôn bán lặt vặt, mở quầy hàng nho nhỏ nép gian đầu hồi, trông ra đường, giao cho thày tôi và con cái trông nom. Thày tôi học nho vụng việc cày bừa nên nhận lĩnh trọng trách cứu nhà, vừa lo cơm nước vừa trông coi “cửa hàng”, nhưng sự mua hàng thì vẫn phải bu tôi.
Hàng của cái quán xóm ven đường chủ yếu là chè và thuốc lá, về sau có thêm chút bánh kẹo, mì chính, giấy bút học trò, cái kim sợi chỉ. Đại loại thứ nào dân làng có nhu cầu thì mua về, bán khi người ta cần. Trong nền kinh tế tập trung, mọi thứ nhất nhất do nhà nước quản lý, thì bất cứ hàng hóa nào lưu thông ngoài hệ thống nhà nước đều là hàng lậu. Chè và thuốc lá cũng vậy, bị kiểm soát gắt gao. Bất cứ bến xe hoặc chiếc xe chở khách nào cũng bị phòng thuế, cán bộ nhân viên quản lý thị trường lục lọi từng khe ngách. Nửa ký chè cũng bị tịch thu, thuốc lá cũng vậy. Làm ăn, kinh doanh cá thể, kinh tế tư nhân hồi ấy không có đất sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người ta giải thích phải cấm như thế để có đủ hàng xuất khẩu cho Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, để trả ơn sự viện trợ vũ khí và hàng hóa khác. Ai cũng phải thắt lưng buộc bụng, dù chỉ ấm chè điếu thuốc, để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dân khi ấy đều nghĩ như vậy, nhưng chẳng mấy ai dám nói ra cái điều lăn tăn, rằng dân chúng bị cấm tiêu dùng để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước nhưng cán bộ lại được nhà nước công khai phân phối cho đủ loại, từ gói chè điếu thuốc tới cân đường hộp sữa, ký thịt, chiếc xe đạp, cái đồng hồ… Ông anh tôi có lần bảo chả nhẽ chỉ dân mới “bị” xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn các ông bà ấy được miễn, hay là họ xây xong rồi.
Dân uống nước vối, chè tươi, nhưng quan cán bộ hằng tháng đều có chè gói, cấp thấp thì Phú Thọ, Thanh Hương, cấp cao thì Hồng Đào, Tân Cương. Chè được chia thành loại 1, loại 2, loại 3, mà ngay cả loại 3 dân cũng không có tiêu chuẩn. Thuốc lá cũng vậy, dân hút thuốc lào, thuốc cuộn, còn cán bộ bét ra cũng được mấy gói Nhị Thanh, Trường Sơn, Đồ Sơn, khá hơn thì Tam Thanh, Tam Đảo, đẳng cấp cốp phải Thủ Đô, Điện Biên, Hồ Gươm, hạng cao sang hơn thì loại có đầu lọc. Những thứ những món ấy nếu dân thèm phải mua ở chợ giời, kể cả gói chè gói thuốc, thì cán bộ đã có hệ thống Nhà Thờ, Tôn Đản, Intershop bán rẻ như cho. Bộ máy cung cấp đặc quyền đặc lợi ngang nhiên coi chỉ cán bộ mới cần uống chè hút thuốc, còn dân không có quyền lợi. Chế độ miền Bắc trước 1975 và mươi năm sau đó mặc nhiên chia con người thành 2 hạng: cán bộ và dân, thậm chí phó thường dân.
Thói cư xử tệ hại ấy, cứ tưởng theo dòng lịch sử sẽ bị xóa bỏ hoặc thay đổi, nhưng không phải, thậm chí nó còn ngang ngược, lộ liễu hơn. Tình trạng đẳng cấp ngày càng tệ hại, những ông bà lãnh đạo được mặc nhiên cấp nhà cửa, xe cộ, người phục vụ, chế độ chăm sóc… theo tiêu chuẩn do chính họ đặt ra. Sống thì ở nhà cao cửa rộng, bệnh vào nhà thương riêng, chết cũng phải linh đình nghĩa trang lăng mộ, đều chi tiền ngân sách. Về nghỉ hưu cũng vẫn hưởng chế độ ông này bà nọ.
Làm quan lãnh đạo, đương nhiên phải được hưởng chế độ hơn người thường, kể cả ấm chè. Nhưng xin nhớ rằng lương quan cũng luôn cao hơn của người lao động thường, lương ấy để trả hậu hĩnh cho công việc mà họ gánh vác. Đòi gì mà đòi lắm thế. Không muốn làm thì xê ra để người khác thay. Đâu có cái thói tạo ra chế độ đãi ngộ riêng, đặc quyền đặc lợi để cướp đoạt quyền lợi của dân chúng. Cướp từ gói chè. Trong chén/tách nước chè có cả một xã hội. (còn tiếp)
Nguyễn Thông