Monday, January 6, 2025
HomeBLOGChuyện ăn độn (Phần 3)

Chuyện ăn độn (Phần 3)

Nguyễn Thông

19-5-2023

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, nhiều gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Độn vào bữa ăn chứ không phải chỉ riêng nồi cơm. Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những nhà xã viên khác, cơm chỉ 2 lưng bát mỗi người nên rau thành món độn. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết. Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (tập tàng là tên chỉ nhóm rau gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói. Thày tôi động viên “cơm không rau, ốm đau không thuốc”.

Lại nhớ sau khi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, được ít lâu thì có bài chế theo. Lời nguyên của nó là “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương xa/gió ngàn đưa chân ta về quê hương/quân về trong gió đang dâng triều lên” được chế thành “Ta lại đi và nấu cơm nồi nhôm/Rế mòn mà cái đít không mòn/Ta bắc nồi cơm lên/sắn nhiều hơn ngô/ngô nhiều hơn khoai/khoai nhiều hơn cơm/trông nồi cơm đó thấy sao mà ngán”, đứa nào cũng thuộc, ngồi dăm ba đứa lại hát inh ỏi cho vui và đỡ đói.

Khoai là một phần của cuộc sống người Việt, là bản sắc Việt, có khi còn hơn cả hoa sen, áo dài, những thứ gần đây được xưng tụng, tung hô thành quốc này quốc nọ. Khoai có nhẽ chỉ chịu xếp đứng sau rau muống và truyện Kiều. Hồi tôi mới vào Nam năm 1977, người ta gọi tôi là Bắc Kỳ rau muống. Nếu cần quốc hoa, tôn vinh hoa rau muống là xứng đáng nhất.

Suốt thời thò lò mũi xanh, quần đùi cởi trần đánh dậm, tới tận khi biết để ý gái làng, tôi rặt ăn khoai. Bữa chính khoai, bữa phụ cũng khoai. Sáng khoai, tối khoai, đến nỗi đùa nhau, nhà mày ăn cơm chưa, chứ nhà tao “khoái ăn sang” (sáng ăn khoai). Nồi cơm, gọi là cơm cho ra vẻ chứ thực ra một phần gạo bốn phần khoai. Đang dở bữa, thấy khách lạ tới, chị tôi kín đáo đậy vung nồi lại kẻo người ta nhìn thấy sẽ cười thày bu. Chị tôi bảo vậy. Chị thường giành ngồi đầu nồi, không phải để tranh ăn, mà chủ động nhặt nhạnh bới xới những chỗ có cơm rải rác dồn vào bát thày bu, sau đó là các em, khi tới phần mình chỉ rặt khoai là khoai. Ký ức về khoai, chị tôi và sự tử tế cứ theo mãi tới bây giờ.

Suốt bao nhiêu năm như thế, cái thời thiếu đói và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp nữa là chiến tranh “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, khoai với người nông dân miền Bắc chả khác gì người bạn thân thiết, như vị cứu tinh. Nhiều khi, ăn độn, ăn khoai ngán tận cổ, đám trẻ con chúng tôi thiếu điều kêu trời, đả đảo khoai, coi nó như quân thù quân hằn, buộc cho nó tội hành hạ, tra tấn mình, làm khổ mình, ác hơn cả quân Mỹ Diệm. Tới khi có miếng cơm trắng thường xuyên mới vỡ nhẽ mình tệ, mình bạc. Không có nó, lại chả xanh cỏ ở mả Đò, mả Vối (hai cái nghĩa địa làng) lâu rồi. Lại nhớ trong sách tập đọc lớp 2 hay lớp 3 gì đó, có câu “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.

Sau năm 1975, khi mới vào miền Nam mưu sinh, tôi lẩn mẩn hỏi các anh chị đồng nghiệp cùng lứa tuổi, rằng hồi xưa các bác trong này có phải ăn độn không, ăn khoai không. Nhiều người ớ ra, không biết “độn” là cái gì, có người còn hỏi độn là tên gọi của thứ củ gì. Còn khoai á, ăn hoài, đủ kiểu ăn chơi làm từ khoai. Khi tôi kể đám chúng tôi phải ăn khoai trừ bữa, thay cơm, thầy Long dạy lý cười hềnh hệch bảo mấy thầy nói giỡn hoài, miền Bắc xã hội chủ nghĩa giàu có, thiên đường, làm chi nghèo đói như vậy. Thầy Vy cười bảo thầy Long, thầy đừng tin, nó nói chơi đó, nói đùa thôi, chứ ngoải cơm trắng gạo tám thơm quanh năm xơi chả hết, làm gì có chuyện ăn khoai ăn độn. Nói xong, thầy Vy cấu cho tôi một nhát, kiểu như ai khảo mà xưng, xấu hổ, mặc dù thừa biết làm sao giấu được các bố ấy.

Nhưng chỉ vài tháng sau, cuối năm 1977, tôi và thầy Vy chẳng cần chứng minh nữa, mà thầy Long cũng không phải tìm hiểu thêm nữa. Khẩu phần 16 ký lương thực mỗi tháng chỉ còn 5 ký gạo, thậm chí suốt 3 năm 1978 – 1980 mỗi tháng chỉ còn 3 ký gạo. Còn lại là khoai lang, khoai mì (củ sắn), mì sợi, và nhất là đặc sản của thời đại xã hội chủ nghĩa vẻ vang: Hạt bo bo. Bo bo là tên gọi nôm na do người miền Nam đặt, chứ dân Bắc vẫn trịnh trọng gọi bằng cái tên hạt mạch, lúa mạch. Thứ mà người ta (Liên Xô, Đông Âu) dùng nuôi lợn nuôi bò, thì suốt hơn chục năm xứ ta dùng để nuôi người. Nhiều năm sau, cứ nhắc tới bo bo, người đời vẫn rùng mình. Ngay cả tôi, cũng không có cảm giác biết ơn nó như mình từng biết ơn khoai. Bo bo là thứ ký ức buồn, đau khổ, đen tối, căm giận.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular