Sunday, December 22, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIChủ tịch nước nhận ‘thẻ đỏ’: Sự cố chính trị lớn nhất...

Chủ tịch nước nhận ‘thẻ đỏ’: Sự cố chính trị lớn nhất của VN trong nhiều năm qua

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Tối ngày 13 tháng 1 năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được nhìn thấy có mặt tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội để cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong trận chung kết lượt đi Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á gặp Thái Lan. Mặc dù có vẻ ngoài vui vẻ, ông Phúc thực ra đang phải đối mặt với một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của mình. Trong một cuộc họp kín cùng ngày, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã lặng lẽ bỏ phiếu để phế truất ông khỏi chức chủ tịch nước.

Mặc dù tới sáng ngày 17  tháng 1 vẫn chưa có thông tin chính thức nào được đưa ra về quyết định này, nhưng các bài đăng trên mạng xã hội từ những Facebooker có nhiều thông tin đã ám chỉ về quyết định này. Chẳng hạn, trong một bài đăng sáng 14/1, Lê Nguyễn Hương Trà, người thường rò rỉ các thông tin đáng tin cậy về biến động nhân sự cấp cao trong ĐCSVN, đã dùng hình ảnh tấm thẻ đỏ để ám chỉ quyết định cách chức ông Phúc của Bộ Chính trị, khi viết rằng: “Căng thẳng và kịch tính đến tận những phút cuối cùng, ngôi sao CLB bóng đá Quảng Nam đã bị rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu. Anh chuẩn bị rời sân, chấm dứt sự nghiệp cầu thủ nhà nghề”. Ông Phúc có quê ở tỉnh Quảng Nam. Nếu thực sự như vậy, quyết định này sẽ là một điều chưa có tiền lệ vì ông Phúc sẽ trở thành chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên bị phế truất khi đang tại vị.

một bài đăng sáng 14/1, Lê Nguyễn Hương Trà

Đến sáng ngày 17/1, vẫn chưa rõ điều gì đã dẫn đến quyết định này.[1] Tin đồn trên mạng cho biết phu nhân ông Phúc bị cáo buộc dính líu đến vụ bê bối Việt Á, vụ việc mà tới tháng trước đã dẫn đến việc truy tố 102 người, bao gồm cả các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Vụ bê bối này cũng dẫn đến việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị cho thôi chức vào ngày 5 tháng Giêng.

Động thái này là ví dụ mới nhất về chiến dịch chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, người đã tuyên bố rằng không có “vùng cấm” trong chiến dịch chống tham nhũng của mình. Ngoài vụ Việt Á, Tổng Bí thư Trọng cũng đang giám sát việc điều tra một số vụ án tham nhũng cấp cao khác.

Đáng chú ý nhất trong số này là vụ bê bối hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài trong đại dịch Covid-19. Vụ bê bối này đã dẫn đến việc truy tố 40 quan chức, các nhà ngoại giao cấp cao và doanh nhân. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, người bị cho thôi chức vào ngày 5 tháng 1 cùng với ông Vũ Đức Đam, cho đến nay là quan chức cấp cao nhất liên quan đến vụ bê bối, nhưng người ta cho rằng có thể có thêm các nhân vật cấp cao khác có thể dính líu. Tuần trước, ông Mai Tiến Dũng, cựu chủ nhiệm văn phòng chính phủ, đã bị Ban bí thư Trung ương Đảng cảnh cáo, cho thấy ông có thể là người tiếp theo gặp rắc rối pháp lý.

Một vụ án cấp cao khác đang diễn ra liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và chủ tịch công ty Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vốn bị cáo buộc gian lận trong đấu thầu tại một bệnh viện công ở tỉnh Đồng Nai. Tháng trước, bà Nhàn, người vẫn đang bỏ trốn, đã bị xét xử vắng mặt và bị kết án 30 năm tù. Ba mươi lăm người khác, trong đó có nguyên bí thư và chủ tịch tỉnh Đồng Nai, cũng lãnh án tù dài hạn. Các vụ gian lận đấu thầu khác liên quan đến AIC tại các dự án khác vẫn chưa bị khởi tố hoặc xét xử. Do đó, nhiều quan chức cấp cao hơn có thể sớm phải đối mặt với sự trừng phạt.

Do nỗ lực chống tham nhũng đã dẫn đến những xáo trộn nhân sự lớn trong chính phủ Việt Nam trong hai năm qua, có thể có lo ngại cho rằng những thay đổi đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị, cuối cùng đe dọa chế độ của Đảng hoặc kìm hãm hoạt động kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy điều đó. Tổng Bí thư Trọng vẫn vững vàng kiểm soát bộ máy và không có dấu hiệu cho thấy việc thay đổi nhân sự gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng hay tạo ra bất ổn trong hệ thống chính trị.

Ngược lại, việc thanh trừng những lãnh đạo tham nhũng có thể mở đường cho những lãnh đạo trong sạch hơn và có năng lực vươn lên, giúp Đảng chống tham nhũng tốt hơn và nâng cao hiệu quả cầm quyền. Miễn là các thay đổi lãnh đạo cấp cao không dẫn đến những thay đổi lớn về mặt chính sách, thì tác động của chúng tới hoạt động kinh tế cũng sẽ không đáng kể. Trên thực tế, bất chấp những thay đổi nhân sự vừa qua, Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP 8% trong năm 2022, là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 25 năm qua.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là ai sẽ thay thế các nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm, và liệu họ có trong sạch hơn và có năng lực hơn những người tiền nhiệm hay không. Trong trường hợp của ông Phúc, một ứng cử viên hàng đầu có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Lâm dường như đã giành được sự tin tưởng của Tổng Bí thư Trọng vì lòng trung thành và vai trò quan trọng của ông trong việc thực hiện các cuộc điều tra chống tham nhũng. Là một ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ thứ hai và là người đứng đầu Bộ Công an đầy quyền lực, ông Lâm cũng nắm giữ lợi thế đáng kể so với các đối thủ còn lại. Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cũng có thể là một ứng cử viên tiềm năng do bà có hồ sơ trong sạch và hiện đứng đầu một ban Đảng quan trọng.

Tuy nhiên, các chính trị gia cấp cao khác như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng sẽ hưởng lợi từ sự ra đi của ông Phúc. Họ sẽ đối mặt với ít sự cạnh tranh hơn tại đại hội đảng tiếp theo vào đầu năm 2026 khi một ban lãnh đạo quốc gia mới sẽ được bầu. Họ cũng có thể nắm bắt cơ hội này để ủng hộ một ứng cử viên chủ tịch nước thuộc hoặc liên kết với phe mình. Với sự ra đi của ông Phúc, ông Huệ có thể trở thành ứng cử viên khả dĩ duy nhất thay thế Tổng Bí thư Trọng, đặc biệt là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính — ứng viên tiềm năng còn lại — cũng có thể gặp rắc rối trong thời gian tới do bị cho là có mối quan hệ thân thiết với chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tối ngày 13/1, ông Phúc đã chứng kiến đội tuyển Việt Nam ghi một bàn thắng vào phút cuối để cầm hòa 2-2 với đội tuyển Thái Lan, qua đó níu kéo hy vọng giành chức vô địch trong trận lượt về diễn ra tại Bangkok 3 ngày sau đó. Tuy nhiên, đối với ông Phúc, nếu quả thực ông đã bị Bộ Chính trị rút “thẻ đỏ”, thì có lẽ đó đã là tiếng còi kết thúc sự nghiệp chính trị của ông. Những người quan sát chính trị Việt Nam sẽ sớm biết khi nào ông sẽ chính thức bị cách chức và ai sẽ nổi lên như những người chiến thắng sau cùng trong biến cố chính trị lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết được đăng lần đầu sáng ngày 17/1/2023 trên Fulcrum.sg, chuyên trang bình luận của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Insitute), Singapore.

———————

[1] Cập nhật: Đến chiều tối ngày 17/1/2023, đã có thông báo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN về việc để ông Phúc thôi chức. Theo đó, lý do chính thức là ông phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu (trong thời kỳ ông còn làm Thủ tướng) “khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Nguồn : NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. Great blog here! Also your website rather a lot up very fast! What host are you using? Can I am getting your associate hyperlink in your host? I wish my web site loaded up as fast as yours lol

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular