Sunday, December 22, 2024
HomeCHỐNG THAM NHŨNGChống lãng phí: Có chống được không? (Kỳ 1)

Chống lãng phí: Có chống được không? (Kỳ 1)

Nguyễn Thông

3-11-2024

Ông Tô Lâm viết (hoặc ai viết giùm) khi nào thì tôi không rõ, chỉ biết chiều 13.10.2024 báo chí quốc doanh đồng loạt đăng bài “Chống lãng phí” đứng tên ông, ở cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hai vị trí cao vót trong “bộ tứ”. Điều này có nghĩa, đây là mệnh lệnh của quốc gia.

Kể từ khi ngồi ghế tổng bí thư, lúc kiêm luôn cả chủ tịch nước, ông Tô Lâm có những phát ngôn rất “đổi mới”, xé rào, tích cực, phá vỡ vùng cấm, được hầu hết dư luận xã hội, dân chúng đồng tình, đánh giá cao. Nhiều người bảo đó là tư duy, tinh thần kiểu Gorbachov, hiếm xuất hiện ở xứ này gần thế kỷ nay.

Suốt bao năm, nếu người nói không phải quan chức đứng đầu sẽ bị xử lý “tội” vạ miệng, chịu lên bờ xuống ruộng, nát đám cỏ gà. Những Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hồ Đức Việt… là ví dụ. Dân mà phát ngôn vậy có khi bị bắt, đi tù do tội “chống lại đảng, nhà nước”, “lợi dụng quyền tự do, dân chủ”.

Về sự “vạch áo cho người xem lưng”, ông Tô Lâm dũng cảm, thẳng thắn hơn nhiều so với ông “En nờ vê en nờ” Nguyễn Văn Linh thập niên 1980 – 1990. Ông Linh chỉ dám “Nói và làm” mon men những điều vụn vặt chứ không bao giờ dám đụng chạm tới thể chế, bộ máy thượng tầng, đến những thứ được coi là cấm kỵ có thể liên quan tới sự tồn vong của chế độ. Lâu nay người ta đã idol/ thần tượng hóa ông Linh quá đáng so với những gì ông ấy có.

Ông Lâm lại càng hơn hẳn người tiền nhiệm chỉ biết ngụp lặn trong mớ lý luận bùng nhùng, tự mãn “ôi, ta là ta mà ta cứ say ta”. Ông này tôi không cần biên thêm gì bởi thiên hạ đều biết cả rồi. Sau này lịch sử công bằng sẽ phán xét.

Nhưng, oái oăm thay đời luôn có chữ “nhưng”, giữa lời nói với việc làm luôn có khoảng cách, thậm chí tường thành vô hình không vượt qua được. Nói lời hay là một chuyện, mà cơ bản phải chứng minh được cái hay ấy trong thực tế. Nếu chỉ nói hay, thì ai bằng diễn viên, nghệ sĩ sân khấu. Và sân khấu chính trị xứ này hơn 2/3 thế kỷ qua đầy nghệ sĩ nói hay hàng đầu. Nhân dân từng thất vọng quá nhiều về họ nên ít lòng tin vào họ, lời họ nói.

Chỉ mong lần này ông Tô không phải nghệ sĩ. Dẫu hiểu làm chính trị rất cần lựa thời cơ để hành động chính xác, “dục tốc bất đạt”, nhưng sự mong đợi của dân, nhất là dân đã từng bị lừa, không cho phép thời cơ nằm mãi trong thời gian vô tận, trong tương lai mờ mịt.

Trong bài nghị luận chính trị xã hội đúng công thức đủ cả ba phần mở bài (đặt vấn đề), thân bài (giải quyết vấn đề), kết luận (kết thúc vấn đề) rất chi hàn lâm nói trên, ông Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế – xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước” (Trích nguyên văn).

Đoạn văn trích nguyên vẹn trên, có một “câu” thiếu chủ ngữ, không nói rõ ai/cái gì “gây suy giảm nguồn lực con người”. Thứ câu què cụt này rất phổ biến ở đội ngũ trợ lý, thư ký của các sếp to, trong các văn bản của nhà nước. Đó là mối nguy cho tiếng Việt. Thôi, sự này để bàn sau. (Còn dài…)

Chống lãng phí: Có chống được không? (Kỳ 2)

Chống lãng phí: Có chống được không? (Kỳ 3)
Chống lãng phí: Có chống được không? (Kỳ 4)
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular