Câu ca dao của vùng Phú Yên nhắc đến một địa danh có trong nhiều sách lịch sử. Đó là núi Đá Bia hay còn gọi Thạch Bi Sơn. Núi Đá Bia thuộc đèo Cả, là tảng đá cao nhất nằm trên dãy hoành sơn đổ ra biển này.
Câu ca dao ấy đầy đủ như sau:
– Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm.
Hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi, “cái đầu chôm bôm” nghĩa là gì? Vì đây là phương ngữ nên các vùng miền khác khó mà biết được. “Cái đầu chôm bôm” là cái đầu tóc xù, do bị mất chồng nên người phụ nữ phải chạy lên, chạy xuống rồi chạy ngược chạy xuôi tìm chồng nên tóc rối lên.
Quay lại núi Đá Bia, trong rất nhiều sách sử viết rằng, sau rất nhiều lần biên cương phía Nam bị quân Chiêm Thành quấy phá, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã xua quân đi chinh phạt và thắng trận vẻ vang. Ngay tại dãy Đại Lãnh, vua đã cho quân lính đẽo khắc vào tảng đá cao 80m trên đỉnh núi để phân định cương vực Đại Việt-Chiêm Thành. Tương truyền câu được khắc vào tảng đá là: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong – An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”- Nghĩa là :”Chiêm Thành vượt qua, binh bại nước mất – An Nam vượt qua, tướng chết quân tan”. Tảng đá ấy gọi là Đá Bia, và ngọn núi nơi tảng đá tọa lạc gọi là núi Đá Bia. Tuy nhiên, người dân ở vùng này, nhất là với người dân ở Vũng Rô thì gọi là Núi Ông.Nếu ngồi xe máy hay trong xe hơi khi đi đến Đèo Cả dễ dàng thấy tảng đá bia nằm trót vót trên đỉnh núi (Chỉ trừ những ngày nhiều mây). Trong tín ngưỡng của người Chăm, tảng đá ấy nhìn giống như Linga (sinh thực khí của người nam). Có lẽ chính vì vậy mà có giả thuyết nói rằng, trong tiếng Chăm gọi là Lingaparvata (có chữ Linga ở trong đó), hiện trưng của thần Shiva.
Nói dài dòng văn tự như vậy để hiểu thêm chút về ngọn núi có bề dày lịch sử này.
Cách đây vài năm, một nhóm bạn của tôi đã thử trèo lên Đá Bia xem thử trên đó có đúng như những gì lịch sử tương truyền hay không. Quá ư là thất vọng, vì trên đó chẳng khắc gì hết. Đã vậy, đường sá lại rất khó đi, lại bị mây mù che phủ, cho dù đỉnh cao nhất của núi chỉ là 706m. Do đó, nhiều khi đọc lịch sử, hay những gì tương truyền, truyền thuyết, dân gian cũng đừng có vội tin. Hoặc cũng có thể cùng với thời gian, mưa gió thú vật đái bậy nên những chữ viết ấy bị phai mòn đến nay không còn dấu tích?
Tôi có khá nhiều bạn Chăm và họ cho rằng, quốc gia Việt Nam ngày nay bị Cộng Sản cai trị, hoặc Trịnh-Nguyễn phân tranh, Quốc-Cộng nồi da xáo thịt là do vi phạm lời nguyền mà Lê Thánh Tông để lại. Có khi cũng có lý lắm, chứ vì cớ gì Cộng sản khắp thế giới đã bị tự vong, hàng trăm triệu người hớn hở hân hoan thì hơn 90tr dân Việt Nam vẫn còn trong vòng tăm tối, phải chịu sự trả thù, đày đọa của Cộng Sản?
Ôi! Có khi là cộng nghiệp.—
Vốn là người theo “chủ nghĩa xê dịch” nên khá nhiều lần qua lại nơi này, cả ngồi xe Hoa Kỳ, xe ca hay xe máy, kể cả xe ba lua (poids lourd) cũng có luôn. Nhưng với tôi, đi xe máy ngoạn cảnh Đèo Cả là thú nhất. Vì trên Đèo Cả, không chỉ là sơn thủy hữu tình, kia là ngọn núi, xa xa là biển cả, dưới chân đèo là hỏa xa, mà trên đèo còn có cả gà. Gà ở đây nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, gà trên Đèo Cả được vài hộ dân ở đây nuôi nhưng họ không làm chuồng, con gà nhỏ như gà rừng đến tối tự bay lên cây để ngủ. Còn ven theo đèo Cả là không biết bao nhiêu những căn nhà lụp sụp, nơi đó có những cô gái mắt xanh, mỏ đỏ, eo nhỏ xinh tươi luôn hân hoan mời chào các anh ghé chơi. Cánh xe tải rất thích ghé nơi này, vì ngoài việc họ tắm rửa cho xe, lại còn được ăn thịt gà thơm ngon giá rẻ—
Cách đây gần 7 năm (Năm 2012), một vụ án chính trị đã được công an tỉnh Phú Yên triệt phá, một người có tên là Phan Văn Thu (sn 1948) đã bị bắt và tòa án chính quyền CSVN đã tuyên tù chung thân đối với ông này. Ông Thu đã cho mở khu du lịch núi Đá Bia để kinh doanh. Vậy nhưng trong con mắt của công an Phú Yên đây là địa bàn, cơ sở để ông Thu cùng những đồng sự của mình tổ chức chống đối chính quyền. Công an đã ập vào bắt giữ khá nhiều người, rất nhiều ở các tỉnh thành khác cũng bị bắt giữ sau đó. Tang vật mà công an thu được là mấy chục kg thuốc nổ được dùng để khai thác đá mở phục vụ việc mở rộng khu du lịch. Cũng cần phải nói thêm, tại khu Hảo Sơn ngay sát núi Đá Bia rất nhiều người dân sinh sống bằng nghề khai thác đá, nên việc sử dụng thuốc nổ là điều không tránh khỏi.
Vụ án đó cho đến nay vẫn là vết nhơ của công an Phú Yên trong con mắt người dân, vì ông Thu rất được lòng người dân không chỉ ở Phú Yên mà còn rất nhiều nơi khác. Tuy nhiên, đối với công an thì đó lại là chiến công vẻ vang. Điều này cũng như công an Trà Vinh bắt hai người đàn bà U60 bán dâm và chiến công hiển hách ấy được tương lên trên báo để ghi công vậy.