Vào khoảng 3h sáng 09/01/2020, nhằm ngày rằm tháng chạp Kỷ Hợi, xấp xỉ 3.000 lính gồm công an, cảnh sát cơ động, quân đội… trang bị dùi cui, gậy gộc, súng, khiên, lựu đạn cay, đã tràn vào làng Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), với đầy đủ dấu hiệu của một cuộc tấn công bất ngờ, đánh úp.
Xô xát bạo lực đã diễn ra trong đêm, khi cảnh sát sử dụng bộc phá đánh sập tường nhà cụ Lê Đình Kình, đồng thời, bắn súng và đạn hơi cay. Lực lượng chấp pháp còn chặn tất cả các ngõ ngách trong làng, dùng chó béc-giê săn tìm các “đối tượng”. Người dân đáp trả bằng gạch đá, bom xăng. Ngôi nhà của cụ Lê Đình Kình bị phá sập và hơn 30 người trong đại gia đình của cụ bị bắt đi biệt tích.
Đồng Tâm bị đặt trong tình trạng “nội bật xuất, ngoại bất nhập”. Không có tin tức nào lọt ra ngoài, cho đến khi các cơ quan báo chí (chịu sự quản lý của nhà nước) đồng loạt đưa tin, trích dẫn một nguồn duy nhất là Bộ Công an Việt Nam, cho rằng có một số chiến sĩ cảnh sát đã “hy sinh” trong khi làm nhiệm vụ, và một “đối tượng chống đối” chết.
Đến chiều tối 10/01, dân làng Đồng Tâm mới xác nhận được rằng cụ Lê Đình Kình, con trai thứ hai Lê Đình Chức, và cháu trai Lê Đình Quang, đã bị sát hại. Báo chí cũng đưa tin rằng có ba cảnh sát “hy sinh”.
* * *
Có lẽ chúng ta không cần nói thêm về tính chất đau thương và bi thảm của cuộc cưỡng chế đất này, khi mà cả hai phía – lực lượng cưỡng chế và người dân – đều có những sinh mạng đã mất đi.
Chúng ta cũng không cần nói nhiều hơn nữa về những nguyên tắc của pháp luật, như:
• Đất đai chỉ có thể được chuyển giao với sự đồng ý tự nguyện, từ trước của người dân, trên cơ sở được thông tin đầy đủ;
• Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện trong giờ hành chính, không được tiến hành vào ban đêm;
• Cơ quan hành pháp phải kiềm chế, không được phép sử dụng bạo lực, nhất là vũ khí, vượt quá mục đích hành pháp hợp pháp;
• Báo chí phải đưa tin chính xác, công bằng, khách quan, không thành kiến, không thiên vị…
Chúng ta đều hiểu rằng máu ai cũng là máu, da thịt ai cũng là da thịt, và sinh mạng nào cũng quý giá, dù đó là dân hay công an.
Thảm kịch ở Đồng Tâm ngày 9/1/2020 là thảm kịch chung của tất cả chúng ta – của một đất nước nơi chính quyền lúng túng, vụng về trong công việc điều hành vĩ mô, nơi người dân đã hoàn toàn mất lòng tin vào luật pháp, nơi bạo lực luôn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, không kiểm soát được, nơi sinh mạng mất đi thật dễ dàng…
Hãy hành động, để thảm kịch này phải chấm dứt và những thảm kịch tương tự không xảy ra nữa.
Hãy cùng lên tiếng yêu cầu chính quyền các cấp:
1. tiến hành điều tra công tâm, khách quan toàn bộ thủ tục, quy trình của vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm rạng sáng 09/1/2020; công khai, minh bạch tên các cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm; xử lý sai phạm đúng người, đúng tội, trên tinh thần “tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật”;
2. trong quá trình điều tra, trả tự do (tại ngoại hầu tra) cho những người bị bắt trong vụ cưỡng chế;
3. đền bù thỏa đáng những tài sản bị mất mát, thiệt hại trong vụ cưỡng chế.
Bên cạnh đó, hãy bày tỏ sự đoàn kết cùng nhau để bảo vệ tinh thần tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền con người, hành xử văn minh và phi bạo lực.
Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Việt Nam dành một tuần cầu nguyện cho Đồng Tâm, cho các nạn nhân của bạo lực trong vụ cưỡng chế Đồng Tâm. Tuần lễ cầu nguyện bắt đầu từ 8h sáng chủ nhật 12/01 đến hết ngày chủ nhật 19/01/2020.
Trong tuần lễ này, chúng ta hãy cùng cầu nguyện tại nhà, tại các cơ sở tôn giáo (nhà thờ, nhà chùa), để tang cho nạn nhân Đồng Tâm và thắp nến, thắp nhang, rung chuông, gõ mõ cầu nguyện…
Hãy mặc đồ đen.
Hãy treo avatar và ảnh Facebook thể hiện thông điệp: Đoàn kết, tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền con người, hành xử văn minh, phi bạo lực.
Hãy chấm dứt những lời nguyền rủa, mạt sát dành cho nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là người dân một nước – Việt Nam.
Những người ủng hộ nạn nhân Đồng Tâm