Câu chuyện đã mấy năm rồi, nhưng hôm nay lại rộ lên. Tôi thích hình ảnh này quá nên không thể không chia sẻ. Người phụ nữ mặc áo dài trắng ngồi giữa toà, đơn độc một mình để chống lại sự bất công, chống lại sự lạm quyền, hành vi vô pháp và thấp hèn của đồng nghiệp.
Câu chuyện này nói lên sự câu kết bẩn thỉu của một bộ phận khá lớn trong ngành giáo dục và đây là câu chuyện có hậu. Cô giáo đã thắng kiện nhưng tôi băn khoăn hiện giờ cuộc sống của cô thế nào? Có nhiều khó khăn không? Nếu khó khăn, chúng ta sẽ chung tay giúp đỡ.
Tôi thích những con người kiêu hãnh. Khi dường như cả thế giới quay lưng lại cũng là lúc con người có cơ hội chứng tỏ bản lĩnh, vẻ đẹp tinh thần bất khuất của mình. Cho nên, đừng sợ lúc đơn độc, đừng sợ lúc cô đơn bởi chính khi ấy ta sẽ được đối diện một cách thẳng thắn nhất với mình, với xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh nên tự hào về việc mình làm và chúng ta nên ủng hộ hết lòng những con người thế này.
Các bạn đã xem phim Một Mình Giữa Bầy Sói chưa?
CÂU CHUYỆN CỦA CÔ GIÁO CÔ ĐƠN
(theo FB của LS Võ An Đôn)
Đúng 08 giờ ngày 07/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Cô giáo kiện hiệu trưởng vì bị trù dập”. Vụ án này kéo dài hơn ba năm nhưng đến nay mới đem ra xử phúc thẩm.
Nội dung vụ án như sau: Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ tốt nghiệp khoa hóa Trường đại học sư phạm Sài Gòn năm 1980, cô Đệ là một giáo viên có trình độ chuyên môn cao nên được phân bổ về giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
Năm học 2006 – 2007, cô Đệ phát hiện nhiều giáo viên Tổ hóa thường xuyên ra đề sai, có nhiều việc làm khuất tất, gây áp lực đối với học sinh để dạy thêm, cô Đệ có ý kiến với bà Đinh Thị Tuyết – Tổ trưởng tổ hóa và ông Nguyễn Tấn Hào – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nhưng không được giải quyết.
Sau đó, cô Đệ viết đơn tố cáo chống tiêu cực gửi đến Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Phú Yên, yêu cầu giải quyết và xử lý tiêu cực nhưng không được giải quyết, mà ngược lại còn chỉ đạo ông Hào và bà Tuyết xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.
Từ tháng 4/2011 đến tháng 8/2012, ông Hào đã chỉ đạo kế toán cắt toàn bộ các khoản lương, phụ cấp đứng lớp, bảo hiểm y tế của cô Đệ suốt 17 tháng liền, trong khi hoàn cảnh cô Đệ rất khó khăn túng thiếu, chồng chết sớm, một mình phải bươn chải nuôi hai con nhỏ còn đang lứa tuổi đến trường.
Dù bị đuổi dạy nhưng vì yêu nghề mỗi ngày hai buổi cô Đệ vẫn đến trường, nhưng không được bố trí đứng lớp. Trong một thời gian dài ông Hào nhiều lần ra lệnh cho bảo vệ, tạp vụ xúc phạm nhân phẩm và xâm hại thân thể của cô Đệ ngay tại trường.
Trước toàn thể Hội đồng sư phạm, ông Hào ra lệnh cấm các đồng nghiệp giao tiếp với cô Đệ, một lần cô Đệ vào dự họp thì ông Hào chỉ đạo nhân viên tạp vụ bế cô Đệ ném ra ngoài đường khiến cô Đệ hết sức đau đớn và tủi nhục…
Qua 7 lần mở phiên tòa, ngày 01/12/2015 Tòa án thành phố Tuy Hòa xử sơ thẩm và tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cô Nguyễn Thị Minh Đệ, buộc Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trả cho cô Đệ 61.874.624 đồng phụ cấp đứng lớp và bồi thường tổn thất tinh thần 4.600.000 đồng.
Dưới đây là hình cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ tại phiên tòa sơ thẩm ngày 01/12/2015 và lịch xử phúc thẩm.
CÔ GIÁO MINH ĐỆ ĐÃ THẮNG KIỆN
Kết quả phiên toà phúc thẩm ngày 7/6: Tòa án chấp nhận phần lớn yêu cầu khởi kiện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, buộc Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh phải trả cho cô giáo 17 tháng lương và tất cả các khoản phụ cấp cộng với tiền lãi; đồng thời nâng mức bồi thường tổn thất về tinh thần từ 04 tháng lương cơ bản lên 10 tháng lương cơ bản (Đây là mức bồi thường cao nhất theo qui định của pháp luật).
Sau khi Tòa tuyên án, cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ đã bước ra khỏi phòng xử án với niềm vui thắng kiện, bù đắp lại khoảng thời gian gần 10 năm đau khổ vì bị trù dập.
Nghề giáo viên giống như người đưa đò qua sông, cô giáo Đệ có thâm niên giảng dạy trên 30 năm, đã dạy hàng ngàn học sinh ra trường, học sinh của Cô đa phần thành đạt, có mặt khắp các ngành nghề của xã hội, trong đó có học trò giữ chức vụ lớn trong cơ quan nhà nước, có học trò là chủ doanh nghiệp giàu có và cũng có nhiều học trò đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Từ khi cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ bị trù dập đến khi khởi kiện ra tòa, tôi chỉ thấy cô giáo lủi thủi đi một mình, không có một học trò nào dám lên tiếng bênh vực hoặc đi theo Cô để hỗ trợ về tinh thần.