VOA
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đã có những lúc thất thủ và đương nhiên là thất thu trong những ngày đầu tháng Mười Hai. Do quá nhiều tài xế không mua vé khi qua trạm này hôm 3/12, chủ đầu tư đã phải để tất cả các xe đi qua mà không thu phí từ 18:30 tới 23:00 cùng ngày. Tình trạng tài xế phản đối không mua vé còn xảy ra trong những ngày sau đó dù không tới mức phải xả trạm.
Các tài xế không muốn mua vé khi qua trạm thu phí cho đoạn đường 14 km từ An Sương tới An Lạc vì cho rằng thời hạn thu phí ở đây chỉ từ 2/1/2015 tới 31/1/2017. Họ hoặc thẳng thừng từ chối mua vé hay lấy lý do xe hỏng để gây tình trạng tắc nghẽn giao thông tại trạm thu phí.
Một video được đưa lên YouTube hôm 7/12 cho thấy các nhân viên công quyền hùng hổ xông tới thách thức những người quay phim cảnh hỗn loạn ở trạm BOT. Dù biết đang bị quay phim, một trong những nhân viên này sừng sộ, văng tục “đ.m. mày” và đập vào xe của các tài xế không muốn mua vé. Những người quay phim cáo buộc các “dân phòng” có hành vi “côn đồ” và dùng luật rừng để bảo vệ công ty IDICO, tức Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng, chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc. Ở phút thứ ba trong video, cảnh quay cho thấy các dân phòng dàn hàng ngang trước xe ô tô mà từ đó người ta quay phim nhằm không cho ống kính thấy những gì đang xảy ra với các tài xế khác cũng không chịu mua vé. Trong khi đó ở phút 4’30, dường như đã có người bị đánh giữa đám đông có cả một cháu nhỏ có lẽ chỉ chừng hai tuổi.
Video khác được đưa lên mạng một hôm sau khi xảy ra việc xả trạm cho thấy có người sẵn sàng đôi co với nhân viên thu phí cả tiếng đồng hồ mà không mua vé. Một hành khách trong xe không mua vé khi qua trạm đưa ra cáo buộc anh đã bị đánh tại trạm và bị đưa về công an phường gần khu vực có trạm thu phí để tiếp tục đánh và bị doạ “cho đi tù”. Các tài xế và hành khách khác có video tố cáo xe của họ bị đập phákhi dừng tại trạm thu phí. Họ cũng đòi phải trả lời câu hỏi vì sao vẫn tiếp tục thu phí dù thời hạn đã hết từ lâu.
Báo Lao Động nói dù hợp đồng ban đầu cho thu phí đến năm 2017, chủ đầu tư IDICO đã đầu tư thêm các công trình khác nên tiếp tục được thu phí đến năm 2033 và nhận xét:
“Đây là một tiền lệ không tốt và không nên khuyến khích nhân rộng vì có nguy cơ tạo sự không công bằng giữa người dân và chủ đầu tư BOT.”
Tờ Lao Động cũng nói hợp đồng đầu IDICO ký với Bộ Giao thông Vận tải còn hợp đồng sau trị giá 2.000 tỷ để xây thêm bốn cầu vượt được ký với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau khi đoạn đường 14 km được bàn giao lại cho uỷ ban vì về bản chất đây là đường đô thị chứ không phải quốc lộ.
Giám đốc IDICO Nguyễn Hồng Ninh nói với báo Người lao động rằng doanh thu từ trạm BOT An Sương – An Lạc là hơn 900 triệu đồng mỗi ngày. Như vậy doanh thu mỗi năm ở mức gần 330 tỷ và sau 16 năm lên tới hơn 5.000 tỷ cho bốn cầu vượt được đầu tư ban đầu 2.000 tỷ. Lý giải về sự khác biệt lớn giữa vốn đầu tư và doanh thu, ông Ninh nói: “Lãi suất ngân hàng cùng việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành, tiền nhân công…, đều là các chi phí trong doanh thu dự án.” Ông nói thêm riêng lãi suất ngân hàng đã là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên không thể kiểm chứng được con số này thể hiện trên giấy tờ thực tế ra sao.
Báo Lao Động trong khi đó dẫn lời Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn, một kiến trúc sư và chuyên gia quy hoạch, nói: “Trạm thu phí mới nên đặt tại các hạng mục được đầu tư thêm theo nguyên tắc đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Không nhất thiết phải để nguyên trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc cũ để thu phí các hạng mục mới.”
Ông Sơn cũng nói thêm với Lao Động về chuyện nên tách dự án đầu tư thêm bốn cầu vượt về sau này thành dự án hoàn toàn mới: “Khi làm một dự án mới thì thủ tục đấu thầu, quy trình đầu tư cũng hoàn toàn mới, không phụ thuộc vào dự án cũ.
“Chủ đầu tư dự án này có thể là một công ty khác trúng thầu, không nhất thiết phải là công ty IDICO đầu tư đoạn An Sương – An Lạc trước đây.”
Nhưng đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Khi quan hệ của chủ đầu tư với chính quyền đang tốt vì nhiều lý do khác nhau, họ việc gì phải lập dự án mới để phải thêm việc làm mà chắc gì đã được hưởng lợi như hiện tại. Khi lý giải về việc họ được phép thu phí trong nhiều năm tới đây, công ty IDICO và các nhân viên đều nói đã được chính quyền cho phép mà không hề nói tới luật pháp.
Công cuộc đốt lò hiện nay cho thấy đã có bao quan chức từ uỷ viên Bộ Chính trị tới tướng, tá công an và quân đội đều ngồi xổm lên luật cả nên không thể cứ ông quan này nói làm được là được làm nếu xét theo khía cạnh pháp lý. Chính sách ngu dân lâu nay của chính quyền biến nhiều khái niệm từ trắng thành đen nhưng khi người dân bị móc túi nhiều quá họ sẽ khôn ra. BOT đâu phải là cái bùa kiếm bộn tiền cho cả các công ty có quan hệ hữu hảo với cán bộ và các ông quan mà nhiều ông bụng đã bự mà tài khoản ngân hàng còn bự hơn nhiều.