Monday, December 23, 2024
HomeBLOGBộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng có thành ‘Hội Cờ...

Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng có thành ‘Hội Cờ Đỏ’?

Blog VOA

Việt Nam lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng để làm gì?

Phòng chống khủng bố trên mạng? Tổ chức hoạt động tình báo xâm nhập vào máy chủ của “thế lực thù địch” và cả những tập đoàn thương mại lớn trên thế giới? Hay phòng chống “diễn biến hòa bình” trên mạng?

Từ “Lực lượng 47” đến Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng

Động thái Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng vào ngày 8/1/2018 đã ngay lập tức làm dấy lên những dấu hỏi về mục đích thực sự của tổ chức quân sự này. Tuy nhiên như một não trạng cùng thói quen hành xử luôn giấu diếm những vấn đề được xem là “bí mật quốc gia”, buổi công bố quyết định lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng dù được truyền đi trên toàn bộ hệ thống báo đảng, nhưng điểm ấn tượng nhất của nó lại là… chẳng có nội dung cụ thể nào của quyết định này.

Tình trạng quá trống vắng thông tin về mục đích, nhiệm vụ, phương thức hoạt động… của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng đã khiến dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ đây là một tổ chức bí ẩn, thậm chí bí mật và thiếu tính chính danh.

Dư luận xã hội cũng buộc phải liên hệ giữa tổ chức Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng với một tiết lộ – ngay trước thời điểm công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng – của Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng về một lực lượng có tên là “Lực lượng 47” – được thành lập theo Chỉ thị số 47 của Bộ Chính trị, mà theo báo cáo của quan chức Tổng cục Chính trị thì có quân số lên tới 10.000 người.

Có ít nhất một nội dung giống hệt nhau của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng và “Lực lượng 47”: đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mạng.

“Lực lượng 47” được xem là một hệ thống theo chiều dọc và theo bề ngang trong quân đội, được triển khai ở tất cả các cấp từ Bộ Tổng tham mưu đến cấp đại đội, bao gồm rất nhiều quân nhân “thấm nhuần tính đảng” để thực hiện nhiệm vụ không cho các lượng tư tưởng và sự kiện của “diễn biến hòa bình” tác động vào nội bộ quân đội.

Là một cơ cấu thuần túy thuộc về quân đội, “Lực lượng 47” rất có thể khác với cơ cấu của đội ngũ dư luận viên của Ban Tuyên giáo trung ương và các ban tuyên giáo thành ủy/tỉnh ủy cùng khối dư luận viên của ngành công an. Nếu lực lượng dư luận viên của tuyên giáo và công an đã lộ diện từ những năm 2011 cho đến nay, thì chỉ vào cuối năm 2017 “Lực lượng 47” mới hiện ra và thậm chí còn thu hút mối quan tâm của báo chí quốc tế.

Tuy nhiên, vài hé lộ hiếm hoi trong buổi công bố thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cho thấy tổ chức này sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Thông tin và truyền thông, cho thấy một trong những chức năng trọng yếu của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là không khác với “Lực lượng 47”, nhưng có thể sẽ được triển khai quy mô và có chiều sâu và do đó sẽ tốn kém ngân sách hơn, là hướng chủ yếu vào hoạt động “viết bài phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc và thù địch”, mà có lẽ sẽ ưu tiên phản bác những vấn đề liên quan trực tiếp đến quân đội, từ lịch sử như “chiến tranh hai miền Nam – Bắc Việt Nam”, “chiến dịch Mậu Thân 1968”, đến hiện tại như “quân đội chỉ trung với nước hay trung cả với đảng” “quân đội có nên làm kinh tế hay không”…, và dĩ nhiên sẽ “nói lại cho rõ” về những luồng dư luận cho rằng trong quân đội đang tồn tại nhiều vụ tham nhũng cùng tài sản ngồn ngộn của giới quan chức quốc phòng.

Việc Bộ Quốc phòng thành lập lực lượng tác chiến trên mạng ở cấp bộ tư lệnh cho thấy tầm quan trọng của điều được giới học giả quốc phòng Việt Nam đánh giá về không gian mạng là một lại “chiến địa” và phải được đặc biệt chú ý.

Có liên đới APT32 và OceanLotus?

Không hiểu vô tình hay hữu ý, ngay trước khi xuất hiện những thông tin về “Lực lượng 47” và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ở Việt Nam, ông Steven Adair, người sáng lập và Giám đốc Điều hành công ty an ninh mạng Volexity, đã công bố việc một nhóm hacker có liên hệ với chính phủ Việt Nam hoặc từng phục vụ các lợi ích của Hà Nội đã đột nhập máy tính của các nước láng giềng và của ASEAN.

Công ty an ninh mạng Volexity cho biết trong một phúc trình rằng nhóm hacker đã xâm nhập trang web của các bộ, cơ quan chính phủ Lào, Campuchia và Philippines và tải mã độc vào máy tính của các nạn nhân.

Mã độc sau đó sẽ chuyển nạn nhân tới một trang Google yêu cầu cho phép truy cập tài khoản Google của họ. Nếu nạn nhân đồng ý, hacker sẽ truy cập được toàn bộ danh sách địa chỉ liên lạc và email có trong máy tính.

Tại Campuchia, các mục tiêu bị tấn công gồm Bộ ngoại giao, Bộ môi trường, Bộ dịch vụ dân sự và xã hội, cũng như cảnh sát quốc gia. Ở Philippines, nhóm tin tặc xâm nhập vào trang web của lực lượng vũ trang và cả Văn phòng Tổng thống.

Tương tự, ba trang web của Hiệp hội ASEAN, và các trang web của hàng chục nhóm phi chính phủ, các cá nhân và báo chí Việt Nam, cũng là mục tiêu bị tấn công. Nhóm tin tặc còn cài mã độc vào các trang web của một số công ty dầu mỏ Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 5/2017, công ty an ninh mạng FireEye báo cáo nhóm tin tặc còn được gọi là APT32 hay OceanLotus, đang tích cực nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia và các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Công ty FireEye nói các hoạt động của nhóm tin tặc có liên hệ tới “các lợi ích của đất nước Việt Nam”.

Một phiên bản của “Hội Cờ Đỏ”?

Ở một giác độ mổ xẻ khác, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam lại có thể là một dạng “sao y bản chính” của Trung Quốc với độ trễ 2 năm.

Bởi vào ngày 1/1/2016, Quân Ủy trung ương Trung Quốc đã chính thức thành lập lực lượng tác chiến mạng – theo South China Morning Post.

Tổng tư lệnh PLA (chỉ huy trung ương đối với các lực lượng mặt đất) đã phát triển một chiến lược được gọi là “Chiến tranh Điện tử mạng Tích hợp” định hướng cho việc triển khai CNO và các công cụ chiến tranh thông tin liên quan. Chiến lược này được đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các công cụ tác chiến mạng và các vũ khí tác chiến điện tử chống lại các hệ thống thông tin của đối thủ ngay trong giai đoạn sớm nhất của một cuộc xung đột.

Chỉ có điều khác là trong khi ở Trung Quốc, Tập Cận Bình và Bộ quốc phòng nước này mới chỉ đơn giản cho thành lập “lực lượng tác chiến mạng”, thì ở Việt Nam lại đặt cho lực lượng này một cái tên dài và “hoành tráng” hơn hẳn, cùng nâng cấp lên “bộ tư lệnh” – tương đương với cấp quân đoàn hoặc quân khu, vô hình trung khiến cho bản danh sách tướng lĩnh “quân đội nhân dân Việt Nam” bị kéo dài thêm vài ba dòng, bất chấp đã có quá nhiều bức xúc của dư luận nhân dân về việc quân đội Việt Nam “lạm phát tướng” với gần 500 cầu vai chỉ có sao không có gạch.

Còn tương lai của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sẽ ra sao? Tổ chức này sẽ chuyên tâm vào mục tiêu chống khủng bố như tiêu chí của các cơ quan tác chiến mạng quốc tế, hay sẽ trọng tâm hóa vào “phòng chống diễn biến hòa bình” và do đó có thể dính dáng, thậm chí dính sâu vào hoạt động “tình báo tung mã độc”?

Vào nửa cuối năm 2017, ở Việt Nam đã hiện hình “Hội Cờ Đỏ” – một lực lượng mang tính kiêu binh và cực đoan y hệt Hồng vệ binh thời “Cách mạng văn hóa” những năm 60 của thế kỷ XX ở Trung Quốc. Liệu Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của Việt Nam có bị biến thành một thứ phiên bản của “Hội Cờ Đỏ”?

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular