Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo nói hôm 26/12 rằng báo chí đang đứng trước nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.
… truyền thông xã hội rất là nhanh nhạy bởi vì nói không bị ai điều khiển cả … Báo chí chính thống không nhanh nhạy bởi cái gì họ cũng tự kiểm duyệt, sợ trách nhiệm thế này thế kia.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại một hội nghị về báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bảo lưu ý đến thực tế là mạng xã hội ngày càng có khả năng truyền thông tốt hơn, nhờ liên tục có các công cụ, tính năng công nghệ mới. Điều đó đã khiến cho báo chí mất dần vị thế “độc quyền” trên phương diện này, ông Bảo nói.
Báo chí dẫn lời ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng thậm chí có những lúc mạng xã hội “lấn át” báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
Việt Nam có hơn 1000 cơ quan báo chí in và điện tử, tất cả đều phải gắn với một cơ quan hay tổ chức nhà nước. Về lý thuyết, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ, nói với VOA ông không thấy “lạ” về tình trạng báo nhà nước đang mất dần tầm ảnh hưởng so với mạng xã hội:
“Có một mảng gọi là truyền thông xã hội rất là nhanh nhạy bởi vì nói không bị ai điều khiển cả. Cho nên nó càng có sức mạnh hơn trong thị trường cung cấp tin. Báo chí chính thống không nhanh nhạy bởi cái gì họ cũng tự kiểm duyệt, sợ trách nhiệm thế này thế kia”.
… người dân đói sự thật, đã bị lừa dối rất lâu rồi, và bây giờ người ta nhận được cái sự thật đấy bằng truyền thông xã hội, thì tác động của nó còn mạnh hơn rất là nhiều.
Một lý do khác làm cho mạng xã hội thu hút hơn đối với công chúng, theo tiến sĩ Quang A, là phần lớn thông tin không bị “bóp méo theo định hướng” như trên báo chí nằm dưới quyền kiểm soát của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Ông nói:
“Do một đảng độc quyền, cho nên nó phải xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật. Thực sự là người dân đói sự thật, đã bị lừa dối rất lâu rồi, và bây giờ người ta nhận được cái sự thật đấy bằng truyền thông xã hội, thì tác động của nó còn mạnh hơn rất là nhiều”.
Tuy nhiên, một vấn đề của truyền thông xã hội mà cả tiến sĩ Quang A lẫn Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cùng cảnh báo là “tin tức giả mạo”, hay ở một cấp độ khác là “thông tin thiếu kiểm chứng”.
Tại hội nghị về báo chí, Thứ trưởng Bảo nhận định rằng thông tin trên mạng xã hội có những lúc được đưa lên với “mục đích không rõ ràng”, thậm chí là với mục đích “xuyên tạc, lừa đảo”, tung tin giả để “lôi kéo sự chú ý”. Theo ông, báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật.
Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, được báo chí dẫn lại lời phát biểu tại hội nghị rằng tin giả đã có từ lâu, như một dịch bệnh khủng khiếp, nhờ mạng xã hội lan truyền nhanh hơn nhiều lần.
Gợi ý về giải pháp cho vấn đề này, tiến sĩ Quang A nói:
“Người dân phải ý thức được chuyện đấy, và các tổ chức xã hội dân sự phải vận động, nêu gương để cho người ta kiểm chứng thông tin. Tôi nghĩ có thể tổ chức khá dễ dàng ở trên mạng một sự cộng tác với nhau để mà phân biệt cái nào là giả cái nào là thực, và tìm mọi cách để bảo nhau loại bỏ tin giả”.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói sự phổ cập mạng internet đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thật sự ở Việt Nam. Trên internet, mạng xã hội đã và đang phát triển nhanh chóng, theo vị thứ trưởng, và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.
Các con số thống kê cho thấy Việt Nam đã có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đây là tỉ lệ cao hơn mức trung bình của thế giới.
Mạng xã hội được cho là phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook. Tính đến mùa thu năm 2017, 64 triệu người có tài khoản Facebook ở Việt Nam, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu, đưa Việt Nam xếp thứ 7 trên toàn cầu về lượng người dùng mạng xã hội này.