Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Sau cuộc điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ về quyền tự do thông tin trong nước, 5 bloggers Việt Nam đến California, và ghé thăm ban biên tập nhật báo Người Việt, trước khi lên đường trở lại quê hương. Dù chưa hề gặp nhau ở bên ngoài những trang mạng xã hội, cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí hết sức gần gũi, thân thương, thường chỉ thấy giữa những người bạn tâm giao.
Tình cảm được biểu lộ bằng những cái xiết tay, bằng ánh mắt đầy thiện cảm, bằng nỗi băn khoăn “về nhà liệu có sao không?” và bằng cả những điều không hỏi. Ðáp lại ân cần đó là những nụ cười tươi, cái lắc đầu trấn an, và những lời tâm sự cởi mở.
Các blogger Việt Nam trong buổi gặp mặt cùng ban biên tập tại phòng họp nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Họ, kẻ Bắc, người Nam, là những người cách nhau xa về tuổi tác, từ 26 đến 72, theo đuổi những sự nghiệp khác nhau, từ nghệ sĩ đến giáo viên, nhưng chỉ thoáng nhìn 5 bloggers này, ai cũng thấy đó là những “người bạn đồng hành” gắn bó bởi một ưu tư chung cho đất nước.
Nhưng phải nghe họ thay phiên giới thiệu nhau, mới hiểu hết được sự khắng khít.
Giới thiệu blogger Ngô Nhật Ðăng, một nhà báo độc lập của nhóm, nghệ sĩ Kim Chi nói: “Ngô Nhật Ðăng, sau khi post lá thư của tôi, từ chối nhận bằng khen thưởng vinh danh của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên mạng, trong một bài viết kèm rất hay, thì đã là người lôi kéo tôi hẳn vào con đường đấu tranh rồi.”
Một blogger khác phụ họa: “Và ‘tội lớn’ của Ngô Nhật Ðăng là tội làm con trai của nhà thơ Ngô Xuân Sách.”
Blogger Nguyễn Ðình Hà, người trẻ nhất trong nhóm, 26 tuổi đời, nhưng đã có 6 năm đấu tranh, học luật nhưng không hành nghề luật, được giới thiệu là “có hai tội lớn, gồm huy động mạng lưới
Blogger Việt Nam phản đối điều 258, và là đảng viên Ðảng Dân Chủ.”
Tội lớn nhất của blogger Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ, nhà văn đến từ miền Bắc của nhóm, là “tội đồng hành cùng những người dân oan.”
Còn blogger Tô Oanh, giáo viên đã về hưu của nhóm, cũng theo lời giới thiệu của những người bạn đồng hành, thì tuy đã về hưu, nhưng càng ngày càng bận rộn, vì cứ “thích đạp xe đạp đi đến khắp nơi để sửa máy vi tính và gặp gỡ bạn trẻ, và tội to nhất là dám phanh phui sự tham nhũng của cán bộ Bắc Giang.” Và hậu quả của việc cha làm con chịu trong gia đình ông là việc ông “có người con gái vừa đẹp vừa giỏi, nhưng cứ muôn đời thất nghiệp, chẳng ai dám mướn.”
Cùng là những người đến Hoa Kỳ lần đầu tiên, sau khi đại diện nhật báo Người Việt trình bày vài nét về công ty, các blogger thay phiên nhau chia sẻ cảm nhận đầu tiên của họ về đất Mỹ.
Nữ đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi, được xem là người chị lớn, có danh xưng không chính thức là “trưởng đoàn,” cho biết trước khi đến Mỹ thì đã biết là Mỹ tự do và giàu có rồi, “nhưng đến đây thì mới thấy nó giàu có, và tự do ra sao.”
Nhưng nghệ sĩ Kim Chi không nói nhiều về sự giàu có của nước Mỹ. Ðiều gây cho bà nhiều ấn tượng hơn là “thấy xã hội không hề có sự kỳ thị,” và hình ảnh những người da đen chơi ở công viên, không ưu tư trên đường phố, “vừa đi vừa cầm quả táo ăn ngon lành” cho bà cảm nhận, một cách thấm thía, không khí tự do của nơi này.
Và bà chợt thốt: “Thật ra quý vị ở đây cũng phải cảm ơn Cộng Sản, vì có cộng sản mà quý vị mới đến đây, được sống trong một đất nước tự do như thế này.”
Sự trầm trồ của bà làm blogger Nguyễn Tường Thụy ngứa miệng, pha trò: “Tôi thì chỉ thấy nước Mỹ có nguy cơ … sắp mất rồi. Ðất nước gì mà lỏng lẻo chả có ai cai quản gì cả, ra đường chẳng thấy công an cảnh sát đâu.”
Rồi ông lại nói với người ngồi bên cạnh: “Tôi nói thật, đất nước Việt Nam có hai cái họa. Họa xâm lăng và họa cộng sản. Xâm lăng đến thì vài năm là đuổi ra được. Cái họa cộng sản mới kinh. Nó len lỏi vào mọi nơi, dai dẳng, không biết bao giờ mới có thể gột sạch.”
Blogger Nguyễn Ðình Hà chia sẻ thêm về kinh nghiệm của riêng mình: “Nhắc đến công an thì phải nói ở đây em thấy người mình nó như nhẹ đi, ra đường không phải ngó trước ngó sau, xem mấy thằng công an theo dõi mình nó đang làm gì.”
Lại chờ cho tràng cười dịu lại, blogger Nguyễn Ðình Hà nói về cảm nhận của mình: “Em thì thấy Mỹ rộng mênh mông. Rộng ở nhiều nghĩa. Ở Việt Nam người ta hay nói câu ‘một mét vuông, chín thằng ăn cắp’ ở đây con người thoải mái quá, đi đường lỡ đụng phải nhau, chẳng biết ai lỗi phải, hai bên cùng xin lỗi rốt rít.
Còn ở Việt Nam, đụng nhau là cứ chửi nhau cái đã. Thằng nào chửi lớn miệng hơn thằng đó thắng.”
Cuộc gặp gỡ càng kéo dài càng vui, câu chuyện càng lâu càng giòn, và hiển nhiên, trước sau gì cũng quay sang thảo luận về chính trị. Câu chuyện dần dà quay qua việc Trung Quốc mang máy khoan dầu vào thềm lục địa Việt Nam, và cuộc biểu tình chống Trung Quốc đang được nhà cầm quyền Việt Nam kêu gọi.
Trong số 5 bloggers, 3 người ủng hộ biểu tình, vì “dù sao cứ đi biểu tình đi cho thật đông” cũng là điều tốt. Còn 2 người thì tẩy chay, vì “họ [chính quyền Việt Nam] chỉ cho đoàn thanh niên đi biểu tình, còn những người thực sự đi biểu tình chống Trung Quốc, như blogger Ðiếu Cày, thì giờ này vẫn chưa được thả.”
Không khí trong phòng chợt chùn xuống khi người trưởng đoàn thông báo giờ chia tay đã đến. Những máy ảnh lách tách chụp vội những pô hình kỷ niệm. Lại những ánh mắt nhìn nhau lưu luyến, những vòng tay ôm vội vã. Lại băn khoăn “không biết về nhà liệu họ có sao không?”
Nhưng nghệ sĩ Kim Chi như đọc được nỗi băn khoăn của người ở lại, trấn an mọi người: “Chúng tôi không sao đâu. Mà dù có sao cũng phải trở về làm cho xong việc của mình.”
Nắng đã lên cao khi người blogger cuối cùng nói lời từ giã. Nắng đẹp và rực rỡ như hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước Việt Nam.
Cầu mong cho những cánh chim sắp bay trở về vùng trời quê hương được mọi điều an lành.
Liên lạc tác giả: Hagiang@nguoi-viet.com