Sunday, December 22, 2024
HomeKINH TẾBị phương Tây trừng phạt, kinh tế Nga trụ được đến đâu...

Bị phương Tây trừng phạt, kinh tế Nga trụ được đến đâu ?

Thu Hằng

09/08/2022 – 16:31

Kinh tế Nga tăng trưởng tốt hơn dự kiến của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Vào tháng 04/2022, IMF thẩm định GDP của Nga giảm 8,5% trong năm 2022 nhưng theo thẩm định ngày 26/07 thì chỉ còn 6% nhờ kinh tế trong quý II bị tác động ít hơn so với dự kiến, một phần do hoạt động xuất khẩu dầu lửa vẫn được duy trì tốt.

Trước đó, hôm 22/07, Ngân hàng Trung ương Nga giảm lãi suất chỉ đạo, từ 9,5% xuống còn 8%. Tỉ lệ này giảm nhiều hơn so với tính toán của thị trường, được Ngân hàng Trung ương Nga giải thích là “tỉ lệ tăng giá tiêu thụ vẫn thấp, điều này góp phần làm chậm tình trạng lạm phát hàng năm”. Tuy nhiên, “môi trường bên ngoài vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế Nga và hạn chế mạnh hoạt động”.

Theo tuần báo L’Express ngày 06/08, về mặt chính thức, có thể thấy cỗ máy kinh tế của Nga chống đỡ tốt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giá bán các loại nhiên liệu (dầu, khí đốt, than) tăng vọt đã bù lại khối lượng xuất khẩu bị hạn chế vì các biện pháp trừng phạt. Theo Matxcơva, chính phương Tây đang phải chịu “gậy ông đập lưng ông”.

Giáo sư Thierry Bros, chuyên về năng lượng và khí hậu trường Khoa học Chính trị Sciences-Po, nhận định với RFI ngày 03/08 rằng “ý tưởng trừng phạt không phải là không để tự bị tổn thương mà làm tổn thương cho Nga nhiều hơn là tổn thương gây ra cho chúng ta. Đó là mục đích của các biện pháp trừng phạt”.

Thị trường vận tải bị tê liệt ? 

Hiện rất khó để thống kê được thiệt hại kinh tế mà Nga phải chịu do các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì chính quyền Matxcơva ngừng cung cấp số liệu chính thức. Tuy nhiên ngành giao thông là một trong những lĩnh vực đang bị tác động nặng nhất. Ngành công nghiệp xe hơi của Nga đang rơi tự do vì các nhà sản xuất nước ngoài đã rời Nga, và giờ là thiếu phụ tùng, linh kiện vì bị cấm vận. Trả lời L’Express, ông Igor Yurgens, kinh tế gia kiêm chủ tịch hiệp hội các công ty bảo hiểm Nga, cho biết :

“Thị trường đã giảm mạnh 70% trong tháng 07 so với số liệu của tháng 07/2021. Theo thống kê tổng hợp của văn phòng Sia Conseil, số xe ô tô bán ra của các nhà sản xuất nước ngoài đã giảm sâu : -89% trong vòng 5 tháng đầu năm 2022 đối với Skoda, – 84% đối với Renault, – 91% đối với Volkswagen. Việc sản xuất tại các nhà máy ở Nga có lẽ cũng đã giảm 56% từ tháng 01 đến cuối tháng 04 so với cùng kỳ năm 2021. Việc này gây ra những hậu quả dây chuyền cho các nhà cung cấp và nhà thầu phụ”.

Hệ quả là cả một hệ thống nhập khẩu song song phụ tùng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Armenia hoặc Kazakhstan vừa được hình thành để phục vụ nhu cầu sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, giá thường quá đắt và phải chờ đến 2 hoặc 3 tháng. Từ một thị trường ô tô lớn thứ 8 trên thế giới, hiện giờ xe sản xuất tại Nga không đáp ứng đủ những tiêu chí về an toàn. Ông Jean Pierre Corniou, phó giám đốc của văn phòng Sia Conseil, giải thích :

“Hiện nay, các nhà máy hoạt động cầm chừng. Nhất là các loại xe mới “bị xuống cấp” đang được đưa đến các đại lý : vì không có linh kiện, nhiều ô tô mới không còn hệ thống phanh ABS hay túi khí, cũng như hệ thống chống trơn trượt và các bộ cảm biến chống ô nhiễm gắn trên ống xả. Những chiếc xe này không được phép bán trên thị trường châu Âu. Trong một nhà máy của Renault trước đây ở Matxcơva, đã bị nhượng cho thành phố, một thương hiệu cũ thời Liên Xô – Moskovitch – có thể được huy động để sản xuất xe điện. Nhưng kể cả trong trường hợp thuận lợi nhất, những xe này không thể xuất xưởng trước năm 2024”.

Tập đoàn Aeroflot là một nạn nhân khác. Ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina, Aeroflot đã bị cấm tại nhiều nước phương Tây. Trong quý II/ 2022, lưu thông quốc tế của hãng hàng không Nga đã giảm 57,8% và nội địa giảm 16,7%. Số lượng hành khách xuất phát từ các sân bay của Nga đã giảm 22% trong một năm. Chỉ riêng Aeroflot đã mất 66% hành khách trong một năm, và chỉ có 408.000 hành khách trong trong quý II. Trước những khó khăn của Aeroflot, điện Kremlin buộc phải tăng chi, đầu tư thêm 880 triệu euro để mua hơn 1,5 tỉ cổ phiếu mới phát hành của tập đoàn hôm 13/07.

Năng lượng : Nga bị Ấn Độ, Trung Quốc ép hạ giá

Lĩnh vực năng lượng, được coi là công cụ hữu hiệu để Nga trừng phạt Liên Hiệp Châu Âu, tạm thời là nguồn thu chủ lực của kinh tế Nga. Tuy nhiên, mất khách hàng lớn châu Âu, Nga không có nhiều cơ hội lựa chọn khách hàng. Giáo sư Thierry Bros giải thích :

“Điều mà Nga mất, đó là khả năng bán dầu lửa trên thị trường thế giới mà có sự cạnh tranh về người mua. Thực tế này khiến một số nước châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, cho rằng họ là những khách duy nhất hiện nay nên yêu cầu giảm giá. Đây là điểm mới. Như các nước sản xuất dầu khí lớn khác, Nga là một nước phụ thuộc vào việc bán nguyên nhiên liệu thô. Do đó, rất khó cho một nước như Nga làm gì khác ngoài khai thác dầu khí vì đó là những lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất, hơn tất cả những ngành nghề khác trong một đất nước kiểu như vậy.

Chất đốt là một lợi thế kinh tế. Vì vậy điều quan trọng không nhất thiết phải là khối lượng mà là giá bán. Liệu Nga có tiếp tục bán dầu lửa của họ với giá 100 đô la, hay chỉ bán với giá 70 đô la vì phải giảm giá. Hiện rất khó phân tích tất cả những điểm này, cũng như về khối lượng sản xuất”.

Một nghiên cứu dài 118 trang được đại học Yale của Mỹ cập nhật hôm 02/08 khẳng định những lời trấn an về việc chuyển hưởng xuất khẩu dầu khí sang châu Á cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một “huyền thoại”.

“Chưa đầy 10% khí đốt xuất khẩu của Nga liên quan đến khí hóa lỏng, cho thấy Nga phụ thuộc vào các đường ống dẫn khí để xuất khẩu, trong khi phần lớn những đường ống này hướng sang châu Âu. Những dự án đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu, được dự kiến từ lâu, hiện đang trong quá trình xây dựng nên không thể hoạt động được trong nhiều năm tới, đó là chưa kể tới nhiều dự án mới được vội vàng khởi động”.

Kinh tế sụp đổ trong tương lai ?

Nghiên cứu của đại học Yale khẳng định ngược lại, “trên thực tế, kinh tế Nga đang sụp đổ”. Đây cũng là nhận định của trang Investing.com ngày 02/08, “Nga có thể phải đối mặt với kinh tế sụp đổ trong tương lai dù vẫn có khả năng chống lại các lệnh trừng phạt trong ngắn hạn”. Khoảng 1.000 doanh nghiệp nước ngoài rời Nga khiến kinh tế Nga có nguy cơ bị tê liệt, tác động đến năng suất, vốn đầu tư và gây tình trạng “chảy máu chất xám”. Đó là những thiệt hại về lâu dài cho nền kinh tế Nga, song song với việc Nga bị hạn chế nhập khẩu công nghệ cao cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là chip điện tử và linh kiện cho ngành vận tải.

Theo ông Ian Bremmer, chủ tịch Tập đoàn Eurasia được trang Investing trích dẫn, “về lâu dài, các biện pháp trừng phạt làm giảm năng suất và tăng trưởng. Chảy máu chất xám dẫn đến việc giảm trực tiếp dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động năng suất cao, điều này làm giảm GDP”.

Chính quyền Nga cũng không ngừng tìm biện pháp đối phó với các trừng phạt của phương Tây và nỗ lực mở rộng mạng lưới đối tác kinh tế, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Iran, hay Miến Điện. Khí đốt của Nga được thanh toán bằng đồng rúp để giúp các nước khách hàng lách trừng phạt của phương Tây.

Các nhà đầu tư từ những nước được coi là “không thân thiện” bị cấm rút vốn khỏi một số dự án trọng điểm, như năng lượng (dầu lửa, khí đốt, than và nickel), ngân hàng, cho đến cuối năm 2022. Sắc lệnh ngày 05/08 của tổng thống Putin bao trùm gần như toàn bộ các dự án tài chính và năng lượng lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài có cổ phần, trong đó có dự án khai thác dầu khí Sakhaline-1. Có thể quyết định này sẽ mở đường cho việc quốc hữu hóa dự án dầu khí Sakhaline-1, như tổng thống Putin từng làm trước đó khi kí sắc lệnh kiểm soát hoàn toàn dự án dầu khí Sakhaline-2 ở Viễn Đông Nga.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular