Trong phiên xét hỏi ngày 9.1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không ngại ngần bày tỏ sự tri ân với bị cáo Đinh La Thăng đã tạo điều kiện để PVC trở thành doanh nghiệp mũi nhọn của ngành dầu khí.
Ngược lại, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, có lần bảo lãnh bằng “ghế” của mình để PVC được chỉ định thầu dự án lớn.
Ngày 9.1, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét hỏi các bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC).
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, thừa nhận giai đoạn 2009 – 2011 đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Trong giai đoạn này, mức vốn đầu tư cho các công ty con, các thành viên khác vượt vốn điều lệ của PVC gần 1.000 tỉ đồng.
Khi được hỏi: “Bị cáo thấy như thế nào khi đơn vị đang khó khăn, đầu tư vượt vốn điều lệ, năng lực không có nhưng vẫn nhận thực hiện dự án Thái Bình 2 với vai trò tổng thầu?”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời, nhận thức được PVC chưa đủ năng lực nhưng mong muốn được thực hiện dự án. “Tại thời điểm đó, nếu đơn vị xây lắp nhận được một dự án thì rất tốt vì tạo công ăn việc làm cho cán bộ, nâng cao năng lực, thêm nữa có dự án sẽ có lợi nhuận. Càng khó khăn, càng có công việc là điều mừng”, bị cáo Thanh nói và cho biết, khi được chỉ định thầu dự án này, bị cáo Đinh La Thăng rất mong muốn để giúp PVC vượt qua khó khăn. Đối với việc ký kết hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận do sức ép về tiến độ dự án nên đã không đọc kỹ hợp đồng, từ đó dẫn đến nhiều sai sót sau này.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định thời điểm chỉ định thầu, PVC có đủ năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm. “Về nguyên tắc, việc đồng ý chỉ định thầu trên cơ sở chất lượng, năng lực của đơn vị. Bị cáo cho rằng, PVC đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm thì có kiểm tra các báo cáo không?”, HĐXX hỏi. “HĐTV làm việc thì có bộ máy giúp việc của tập đoàn, căn cứ vào các tờ trình, báo cáo của chủ đầu tư thì đồng ý về mặt chủ trương, nên giao cho tổng giám đốc trực tiếp chỉ đạo”, bị cáo Đinh La Thăng trả lời.
Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài về vấn đề này, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định năng lực PVC đã được kiểm nghiệm qua một số dự án như Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2… “Có dự án đã giao cho liên doanh PVC và Lilama mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD. Bản thân dự án này khi có quyết định đấu thầu quốc tế rồi, bản thân bị cáo đã báo cáo, nếu Chính phủ cho phép bị cáo tìm nhà thầu trong nước triển khai, nếu không đạt được 100 triệu USD, bị cáo xin từ chức. Thực tế, dự án đó đã đạt được trên 100 triệu USD. PVC là nhà thầu có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để triển khai dự án này”, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định.
Ai chỉ đạo chuyển tiền tạm ứng cho PVC ?
Liên quan đến bản hợp đồng EPC số 33 và khoản tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đã ứng cho PVC thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai trước tòa chỉ đến lúc làm việc với cơ quan công an mới biết về hợp đồng đó. Bị cáo cũng khẳng định đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền cho dự án đúng với mục đích.
HĐXX đã cho gọi một số bị cáo có liên quan đối chất. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, khẳng định đã báo cáo nội dung hợp đồng EPC số 33 cho lãnh đạo PVN, trong đó có Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng. Trong khi đó, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN, khai chi tiết, tại cuộc họp ngày 31.3.2011, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng số 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể. “Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 không đúng với Nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định. Khi đó, anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, anh Khánh lên phòng để bàn thêm”. Đến lúc này, HĐXX hỏi bị cáo Đinh La Thăng suy nghĩ gì về lời khai của ông Chương?”. “Bị cáo tôn trọng lời khai của bị cáo Chương”, bị cáo Đinh La Thăng trả lời.
Nguyên tổng giám đốc PVN chối tội
Trả lời đại diện Viện KSND, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, cho biết mình không phạm tội cố ý làm trái và nếu biết sẽ không bao giờ làm, bởi trước thời điểm tháng 9.2011, bị cáo không hề biết hợp đồng EPC số 33 thiếu cơ sở pháp lý, không thể thực hiện. Bị cáo này cũng phủ nhận việc đã nhận được các văn bản cảnh báo từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, cụ thể là từ ông Vũ Hồng Chương, Trưởng ban quản lý dự án. “Khi bị cáo kiểm tra lại hệ thống lưu trữ, ông Chương nói gửi văn bản chỉ đích danh tôi, nhưng tôi không nhận được. Công văn thực tế tôi không nhận được”, bị cáo Thực nói.
Viện KSND tiếp tục gọi bị cáo Vũ Hồng Chương lên đối chất về các lời khai của ông này trước tòa vào chiều 8.1: “Bị cáo nói có văn bản ký gửi ông Thực. Vậy công văn này ký gửi cho ai?”. Bị cáo Chương tiếp tục khẳng định do biết rõ dự án chưa đầy đủ tài liệu, thủ tục nên đã ký Công văn 85 ngày 7.4 gửi đích danh bị cáo Phùng Đình Thực.
Khi được hỏi: “Là Tổng giám đốc PVN, quyền và nghĩa vụ của bị cáo thực hiện tại quy định nào?”, bị cáo Thực trả lời: “Bị cáo thực hiện theo quy định tại điều lệ 190 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND “nhắc nhở: “Nghĩa vụ đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật. Như vậy, liên quan dự án Thái Bình 2 thì chỉ đạo của bị cáo cũng phải tuân thủ quy định pháp luật”.
Đề cập đến bút phê của bị cáo Phùng Đình Thực trong một số văn bản chỉ đạo về thực hiện dự án trước thời điểm tháng 9.2011, đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo Phùng Đình Thực đã biết về tình trạng pháp lý của hợp đồng số 33. Tuy nhiên, bị cáo Thực tiếp tục phủ nhận và cho rằng trong bút phê của bị cáo là chỉ đạo cấp dưới rà soát để thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trịnh Xuân Thanh phủ nhận tham ô tiền tỉ
Trong phiên xét xử hôm qua (9.1), HĐXX thẩm vấn một số bị cáo để làm rõ về tội danh tham ô tài sản. Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho biết Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC, lập khống hồ sơ, rút trên 13 tỉ đồng từ Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh được chia 4 tỉ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo khác trong việc sử dụng chung số tiền 1,5 tỉ đồng.
Trình bày trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận đã nhận 4 tỉ đồng từ Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC. “Có một hai lần, anh Minh hỏi bị cáo có cần tiền đi chúc tết hay không. Bao giờ bị cáo cũng nói: Mày còn trẻ, mới lên. Tao không cho mày tiền thì thôi, mày đưa tiền gì cho anh”, bị cáo Thanh nói.
Khi HĐXX yêu cầu đối chất, bị cáo Nguyễn Anh Minh xác nhận việc bị cáo thực hiện chủ trương của chủ tịch HĐQT về việc chuyển tiền về PVC để lo tết. Bị cáo Minh cũng xác nhận việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh yêu cầu Minh lo cho mình 5 tỉ để chúc tết. Ngoài ra, bị cáo này còn tiết lộ có lần đến nhà bị cáo Thanh ăn tối còn nhìn thấy túi tiền để trong tủ. Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng chiếc tủ mà bị cáo Minh mô tả vốn là tủ giày. “Gần tết, nhà bị cáo rất nhiều người. Không ai để một đống tiền như thế trong tủ giày lại mỏng quẹt”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng liên tục phủ nhận việc đã nhận tiền cấp dưới thông qua tài xế riêng, bởi không có căn cứ nào rõ ràng chứng minh cho việc đó.
Khi HĐXX đề cập đến khoản tiền gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã nộp để khắc phục hậu quả, bị cáo này cho biết: “Sau khi làm việc với luật sư, bố mẹ tôi, tôi cảm thấy rằng với việc này có trách nhiệm của tôi là người đứng đầu PVC để xảy ra việc họ làm khống, lập quỹ mà tôi không biết”.
Bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Đinh La Thăng giãi bày dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong chiến lược phát triển PVN và chiến lược ngành điện VN. Trong đó, chiến lược PVN đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện. “Do dự án quan trọng, cấp bách nên chủ đầu tư PVN cũng như tổng thầu PVC đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ”, bị cáo Đinh La Thăng nói, đồng thời cho biết cũng do tính chất dự án nên đã được Chính phủ cho hưởng nhiều cơ chế đặc thù như: vừa thiết kế chi tiết, vừa thực hiện chủ trương về đầu tư. “Dự án này rất cấp bách, Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý 1/2009, tập đoàn tổ chức triển khai theo yêu cầu, nên HĐTV ép tiến độ các cơ quan các cấp của PVN bám sát tiến độ triển khai nhanh nhất”, bị cáo Đinh La Thăng nói. Trước câu hỏi của luật sư, việc ép tiến độ có phải là nguyên nhân làm phát sinh hệ lụy pháp lý?, bị cáo Đinh La Thăng trả lời: “Bây giờ, sau 10 năm nhìn lại dự án, sau khi làm việc với công an và HĐXX, bị cáo mới có đầy đủ các thông tin mà khi triển khai không nắm được. Bị cáo đã chỉ đạo rất quyết liệt và có sự nóng vội. Bản thân bị cáo cũng thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ điều kiện để làm đã dẫn đến vi phạm”. Ngập ngừng một chút, bị cáo Đinh La Thăng nói tiếp: “Giữa quyết liệt, năng động, sáng tạo và vi phạm khuyết điểm là hết sức mong manh. Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước, mô hình tập đoàn thí điểm giai đoạn đầu, tiến độ căng thẳng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện”. Hôm qua (9.1), bị cáo Đinh La Thăng đã nhiều lần nhận trách nhiệm về mình với tư cách là người đứng đầu PVN. Bị cáo này cũng nghẹn ngào nói trước HĐXX: “Đối với anh em trong tập đoàn, vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo đã dẫn đến anh em làm không đúng, vi phạm các quy trình, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các anh em”. |
Thái Sơn – Lê Hiệp