HomeBình Luận-Quan ĐiểmBàn về di sản cố TBT Nguyễn Phú Trọng. (bài 1)

Bàn về di sản cố TBT Nguyễn Phú Trọng. (bài 1)

(Phản biện các ý kiến của chuyên gia trên BBC News Tiếng Việt)
Ông Trọng đã có đóng góp gì cho đất nước và dân tộc ?
Khi nói về “công lao” của một chính trị gia vừa qua đời là người ta nói tới những thành quả của các chính sách “kinh bang tế thế” (chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục…) của vị này đối với đất nước và nhân dân. Đại khái là ông này đã “đóng góp gì cho đất nước và dân tộc” trong suốt thời gian ông lãnh đạo đất nước ?
Vấn đề là ông Trọng không phải là một “chính trị gia” hiểu theo nghĩa bình thường. Từ “chính trị gia” chỉ xuất hiện trong các chế độ dân chủ Tây phương. Ông Trọng là một “lãnh tụ cộng sản”. Ông Trọng, cũng như tất cả các đảng viên khác, đều được “đảng phân công” để nhận lãnh một phần vụ nào đó, trong đảng hay trong các cơ quan nhà nước.
Lãnh tụ cộng sản do đảng “phân công”. Còn “chính trị gia” là người được nhân dân lựa chọn qua lá phiếu, trong các cuộc bầu cử tự do và dân chủ.
Câu hỏi đặt ra là ông Trọng đã có những đóng góp nào cho đất nước và dân tộc ?
Câu hỏi thật là khó. Một lãnh tụ cộng sản, với trách nhiệm tổng bí thư đảng CSVN. Ông Trọng đã có những đóng góp nào cho đất nước và dân tộc ?
Về kinh tế. Tôi có nói rồi hôm trước, về di sản kinh tế của ông Trọng. Chỉ số tăng trưởng GDP của VN thời ông Trọng không có gì là “hoành tráng” cả. Chỉ số GDP thời ông Trọng thua kém chỉ số thời ông Mạnh và ông Mười.
Về vấn đề biển đảo tôi cũng có nói rồi, trong phần nói về di sản “ngoại giao cây tre”. VN đã phải nhượng bộ cho TQ trên tất cả những vấn đề về Biển Đông, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển.
Về quốc phòng ? Khi mà VN nhượng bộ cho TQ về mọi mặt ở Biển Đông để đổi lấy hòa bình thì đó là gì nếu không phải là bằng chứng cho thấy quốc phòng của VN đã đánh mất vai trò “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” ?
Quốc phòng VN đã mất tính răn đe.
Điều này càng rõ rệt nếu ta nhìn về phía Tây. Đối với Lào, ta phải nhìn nhận một thực tế là nước này đã lọt vào quĩ đạo của TQ rồi! TQ đã làm chủ, đã nắm hết những yếu điểm chiến lược của Lào, như về năng lượng và hạ tầng cơ sở. Đối với Campuchia. Ta phải nhìn nhận là nước này từ phương vị của một quốc gia “mang ơn VN” nay đã chuyển hướng thành “đối thủ trực diện” của VN. Campuchia không còn là một đối thủ tiềm tàng nữa rồi. Campuchia đã lệ thuộc vào TQ về kinh tế lẫn quốc phòng. Tôi có một số bài viết gần đây về dự án kinh đào Techo-Funan, trong đó đã nói khá đủ về những đe dọa kinh tế, quốc phòng và khả năng đảo lộn môi sinh đối với VN mà điều này có thể làm cho xã hội VN xáo trộn lớn.
Ông Trọng mất đi nhưng đã để lại di sản là “hai cây dao găm” chực chờ cơ hội để đâm sau lưng VN.
Về các phương diện khác, qua hai vụ Việt Á và “các chuyến bay giải cứu”. Tất cả các đảng viên cộng sản được đảng phân công đều rớt mặt nạ. Tất cả đều là những tên tội phạm.
Ông Trọng đã đóng góp cái gì cho đất nước và dân tộc ?
Đốt lò là “ta đánh ta”, là đảng viên cộng sản “đánh” đảng viên cộng sản.
Nhưng công cuộc đốt lò lại hữu ích. Loại ra khỏi bộ máy quản trị nhà nước những con sâu bọ, những con ký sinh trùng, những tên tội phạm… là hết sức cần thiết.
Đó là công lao duy nhứt của ông Trọng (đã đống góp cho đất nước và dân tộc).
Vấn đề là đốt lò đến khi nào thì sẽ diệt trừ hết những con sâu bọ, những ký sinh trùng trong đảng CSVN ?
Vô phương phải không ? Cái “cơ chế” nó đẻ ra tham nhũng, nó biến con người lương thiện thành những tên tội phạm.
Cái “cơ chế” đó rõ ràng là cái khốn nạn, là kẻ thù của đất nước và dân tộc VN.
Cái “cơ chế” đó là cái gì ? Cơ là “máy móc”.
Không biết bao nhiêu lần rồi tôi kêu gọi ông Trọng hãy giải tán đảng. Đốt lò vô ích. Vì cái “máy” đẻ ra bọn sâu bọ, ký sinh trùng, bọn “ăn của dân không từ một thứ gì”… là gì nếu không phải là cái đảng CSVN mà ông Trọng làm TBT ?
Kẻ thù của đất nước và dân tộc VN là “đảng” chớ không phải là TQ.
(27-7-2024).
Di sản Nguyễn Phú Trọng: Ngoại giao cây tre.
Nền “ngoại giao cây tre” của VN bắt nguồn từ đâu ? Người ta có thể phân tích dông dài để có thể có câu trả lời. Nhưng nếu cho rằng nền “ngoại giao cây tre” là sáng kiến riêng của ông Trọng, như ý kiến của nhiều chuyên gia đăng trên báo chí quốc nội lẫn quốc tế, kiểu BBC, RFA… Kết luận này theo tôi là sự phủ nhận lịch sử và “bẻ cổ” thằng tên gọi là logic.
Theo tôi, nguồn gốc của nền “ngoại giao cây tre” đến từ hai tư tưởng: “lạt mềm buộc chặt” của Hồ Chí Minh và chính sách “đu dây” của Lê Duẩn trong thời kỳ chiến tranh Quốc-Cộng 1954-1975. “Lạt mềm” nói về sự mềm dẻo của cây tre cũng như tính “ngả qua, ngả lại” của cây tre trong chính sách “đu dây”.
Hôm kia tôi có nói về di sản Biển Đông của ông Trọng. “Ngoại giao cây tre” của ông Trọng đã không giúp cho VN giữ được quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông như bình luận của các chuyên gia. Chính sách của ông Trọng về Biển Đông thay đổi 180° dưới thời 10 năm “quyền lực nhà nước lấn lướt quyền lực đảng” của TT Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trọng, chỉ 10 tháng sau khi lên ngồi ghế TBT, đã ký kết với TQ văn kiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, tháng 10 năm 2011.
Văn kiện này qui định rằng mọi tranh chấp của hai bên về Biển Đông sẽ được giải quyết bằng thương lượng tay đôi. VN cam kết không thực hiện bất kỳ hành vi đơn phương nào làm thay đổi lập trường về Biển Đông mà không có sự đồng ý của TQ.
Văn kiện này nguy hiểm, có hại cho VN vì hiệu quả của nó là loại trừ mọi khả năng của VN về giải pháp giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài, đúng theo các qui định của Luật biển 1982.
Hệ quả của văn kiện này, qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông của VN đệ trình LHQ ngày 17-7-2024. VN buộc phải ghi hồ sơ được thành lập vào tháng tư năm 2009. Điều này trước quốc tế công pháp rõ ràng là vô lý. Anh làm đơn ngày nào thì phải gởi đơn đi tức khắc ngày đó. Ngày giờ trên con dấu bưu điện là bằng chứng. Việc chậm trễ làm cho đơn từ mất giá trị (do hệ quả ratio temporis). VN làm vậy vì lo ngại TQ qui kết VN “bội ước”.
Tôi có viết hôm kia, thời ông Trọng, VN nhượng bộ “toàn diện” cho TQ trên những yêu sách phi lý của họ về Biển Đông. VN phải rút các giàn khoan (đặc biệt giàn khoan của Repsol) theo yêu cầu của TQ, bất chấp phải bồi thường cho các chủ giàn khoan hàng trăm triệu đô la. Ông Trọng có ký “Tuyên bố chung”, cam kết khoản “khai thác chung” với TQ ở các vùng tranh chấp (đặc biệt vùng Tư chính)…
Rõ ràng những nhận định của các chuyên gia là “bẻ cổ thằng logic”, đổi trắng thành đen. Cái gọi là “ngoại giao cây tre” không hề giúp VN bảo vệ lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, trước các yêu sách ngang ngược của TQ.
Về công lao cho đất nước, các chuyên gia quốc tế và quốc nội đặt ông Trọng dưới ông Hồ và Trường Chinh nhưng ngang tầm Lê Duẩn, như bài báo trên BBC News Tiếng Việt.
Đây là một nhận định “sổ toẹt” vào lịch sử.
Lý do hiện hữu của Đảng Cộng sản VN (trước đó là Đảng Lao động và Đảo CS Đông dương) là gì ?
Xin thưa với các chuyên gia hàng đầu, lý do hiện hữu của đảng CSVN là thực hiện mục tiêu “độc lập dân tộc và thống nhứt đất nước”.
Ai đã thực hiện được mục tiêu “độc lập dân tộc” và ai đã thành công mục tiêu “thống nhứt đất nước” ?
Xin thưa là Ông Hồ đạt được mục tiêu “độc lập dân tộc” và ông Lê Duẩn đã đạt được mục tiêu “giải phóng miền Nam và thống nhứt đất nước”.
Theo tôi, đứng trên phương diện phán xét của sử gia, công lao của Lê Duẩn lớn hơn công lao của ông Hồ.
Công cuộc “đánh Pháp giành độc lập” của ông Hồ tuy khó khăn nhưng không thể khó hơn công cuộc “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”.
Từ tọa độ này ta so sánh chính sách “đu dây” của Lê Duẩn với cái gọi là “ngoại giao cây tre”. Rõ ràng “ngoại giao cây tre” không là “cây đinh” gì so với chính sách đu dây của Lê Duẩn. Ngả qua TQ lấy tiền và vũ khí của TQ. Ngả qua LX lấy tiền và vũ khí của LX. Ngay cả lúc hai bên TQ và LX cơm không lành canh không ngọt, VN vẫn lấy tiền và vũ khí đều đặn của cả hai bên.
“Ngoại giao cây tre” đã đem lại lợi ích gì cho VN ? Không có gì cả!
Việc nâng tầm ngoại giao với Mỹ và các quốc gia Úc, Nhật v.v… đã có từ thời Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng đoạn tuyệt với di sản của Nguyễn Tấn Dũng trên nhiều mặt, như về ngoại giao hướng Tây và hòa giải hướng nội.
Ông Trọng đã làm mất thời gian 15 năm để VN tiến gần với Mỹ.
Điều quan trọng hơn hết là ông Trọng đoạn tuyệt với di sản hòa giải quốc gia của Nguyễn Tấn Dũng. Ta nên biết là hồ sơ chủ quyền biển đảo của VN dựa trên sự liên tục quốc gia, qua thủ tục kế thừa di sản VNCH. Mà việc kế thừa di sản VNCH chỉ có thể thực hiện qua chính sách “hòa giải quốc gia”. Chuyện này tôi đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần.
Anh gọi người ta là “ngụy” thì lấy tư cách gì để kế thừa người ta ? Đây không phải là câu nói của tôi mà là của học giả Joëlle Duy Tan Nguyen, một giáo sư Quốc tế công pháp lỗi lạc bên Pháp.
Theo tôi, di sản lớn nhứt của ông Trọng là công cuộc đốt lò. Nhân cách của ông Trọng vượt trội lên trên ông Hồ. Cá nhân tôi đề cao công cuộc đốt lò của ông Trọng. Tôi cũng kính trọng nhân cách của ông Trọng, trên cương vị một lãnh đạo tối cao. Theo tôi di sản “đốt lò” của ông Trọng cần được kế thừa và phát huy. Không có quốc gia nào phát triển mà nạn tham nhũng tràn lan hết cả. Tôi cũng đề cao di sản ngoại giao “hướng Tây” và chính sách “hòa giải quốc gia” của ông Dũng. Nếu các di sản này được tiếp nối và phát huy, VN sẽ phát triển mạnh về mọi mặt. Không bao lâu VN sẽ có thể đạt mức “tự lực tự cường”.
(26-7-2024)
Di sản Nguyễn Phú Trọng: Kinh tế.
BBC điểm báo nước ngoài đánh giá di sản của ông Nguyễn Phú Trọng. Kết luận là : “Kinh tế Việt Nam khởi sắc dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng”.
Theo tôi, không phải “quốc tế” nói cái gì cũng đúng.
Nếu ta đọc kết quả thăm dò của VN (năm 2023) về mức lương bình quân của công nhân thì ta sẽ có nhận định khác. Báo Thanh niên ngày 9-8-2023 có đoạn viết:
“Qua khảo sát, rất đông NLĐ tiền lương, thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu, sinh hoạt. Chỉ có 24,5% NLĐ cho hay, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% NLĐ trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu”…
Tức là trung bình có 75% nhân công VN có lương không đủ sống.
Theo cách tính toán của các chuyên gia kinh tế VN thì 1 đô la ở VN có trị giá (mua) gấp 3 lần giá chính thức.
Không biết chuyên gia lấy “điểm chuẩn” ở đâu để tính toán ?
Nếu lấy giá vàng làm chuẩn thì sức mua 1 đồng đô la ở VN đôi lúc chỉ còn 60 cents.
Tôi cũng thấy giá nhu yếu phẩm, kiểu xăng dầu, điện, nước… ở VN không kém giá bên Mỹ, bên Pháp. Giá nhà cửa ở VN trung bình đắt hơn bên Pháp (ngay cả bên Mỹ).
Chuyên gia quốc tế nghĩ sao khi lương công nhân VN nhịn ăn, nhịn mặc… suốt 200 năm vẫn không đủ để mua một căn hộ ?
GDP tăng 8% trong khi điện tăng 11%. Hàng tháng các báo cáo ghi nhận số xí nghiệp giải thể nhiều hơn số xí nghiệp mở cửa.
Kết luận của chuyên gia quốc tế là “có vấn đề”.
Hôm qua tôi coi hội luận trên VOA thì TS Nguyễn Hữu Liêm có nói là dân Quảng Trị quê ông dân bây giờ giàu lắm, có cả tiền qua du lịch bên Mỹ. Ông Liêm còn nói VN có số triệu phú gia tăng đứng đầu thế giới. Thiệt tình chúc mừng dân Quảng Trị quê hương ông Liêm và giàn triệu phú mới của VN. Vấn đề là các sự kiện này không thể giải thích được hai làn sóng “xuất khẩu lao động” và trốn ra nước ngoài của dân nghèo VN ngày càng đông đảo.
Không phải khơi khơi mà lãnh đạo VN nhiều lần cảnh báo “VN chưa giàu đã già”.
********
Vấn đề công nhân rẻ của VN.
Trong lúc TQ bước qua giai đoạn mới, từ giã “xã hội tiểu khang” (1980) để bước qua cái gọi là “cộng đồng phú dụ” (2020). Thì VN vẫn đang “tự hào” với các chính sách gà què ăn quẩn, kiểu “vắt kiệt sức lao động” của dân nghèo.
Tập đoàn Lego (nghe nói) sẽ đầu tư vào VN, mở nhà máy ở Bình dương. Nhiều người tán dương xem đó là sự “thành công” của chính sách “ngoại giao cây tre”. Trước đó vài tháng, lúc các cửa khẩu vào TQ đóng cửa (do Covid-19), có lãnh đạo VN đã rất “tự hào” vì đã thành công thuyết phục hải quan TQ mở cửa cho sầu riêng của VN nhập qua TQ.
Tôi không biết trí thức VN sẽ nghĩ gì về sự thành công của “ngoại giao cây tre” VN cũng như sự “tự hào” của VN khi xuất được vài xe sầu riêng qua TQ. Cá nhân tôi thì chưa bao giờ bị “sốc”, bị “chấn động tâm lý” khi đọc những dòng chữ như vậy. Sốc, bởi vì khi có những cán bộ như vậy, khi có tập thể trí thức như vậy, tương lai dân tộc VN sẽ “đen như mõm chó”, kiểu “trai muôn đời làm nô, gái muôn đời làm nô tì”…
Nếu ta có đọc lịch sử về các mô hình phát triển ở các quốc gia Châu Á, từ mô hình “Saemae-Eul” thập niên 60 của Hàn quốc cho đến “xã hội tiểu khang” của Đặng Tiểu Bình đầu thập niên 80, nay bước qua “cộng đồng phú dụ” của Tập Cận Bình năm 2020. Tất cả các chính sách phát triển kinh tế của Nam Hàn, của TQ, của Đài loan (và trong chừng mực ở các quốc gia Đông Nam Á) đều thành công. Nam Hàn, Đài loan đã trở thành các quốc gia phát triển có mức sống tương đương với Mỹ và EU.
Còn TQ, ta phải nhìn nhận rằng họ đã thành công, vì họ đã đưa dân số trên tỉ người, từ mức 165 đô la/ năm thời Đặng Tiểu Bình, lên tới 11819 đô la/ năm (GDP danh nghĩa, 18931 đô la sức mua PPP) năm 2021. Ngay cả khi có sự bất bình đẳng rất lớn. Có khoảng 350 triệu người TQ có mức thu nhập bình quân từ 15 ngàn đến 75 ngàn đô một năm. Đa số còn lại (khoảng trên 1 tỉ người) chỉ ở mức 1600 đô một năm.
Nhưng nền tảng sự phát triển của TQ hiện thời ta thấy rất “ấn tượng”. TQ sản xuất các mặt hàng “made in China” có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng tối tân nhứt của Mỹ và Tây phương. Họ có chương trình không gian độc lập (trạm không gian Thiên cung), có hệ thống xe lửa cao tốc không thua Đức, Nhật, Pháp… Có tập đoàn điện hạt nhân bề thế hơn cả Pháp. Có các mặt hàng xe cộ, đồ điện tử áp đảo cả thế giới…
Đảng CSTQ ít nhiều gì cũng đạt được sự chính danh trong lãnh đạo.
Từ lâu họ đã nói rằng mục đích sự hiện hữu của đảng CSTQ là vì hạnh phúc của nhân nhân. Mọi chính sách của họ là phục vụ cho nhân dân. Vì vậy họ có quan niệm về sự lãnh đạo của đảng là “qui luật”. Họ có chính danh là vì họ thành công. Họ đã thực hiện được những gì họ đã nói.
Theo tôi, đại đa số các chính sách phát triển của TQ đều “lấy hứng” từ cách chính sách phát triển của TT Phác Chánh Hy, Nam Hàn. Chính sách “cộng đồng phú dụ” của Tập, mọi người cùng giàu, kiểu nước biển dân lên thì mọi chiếc thuyền cũng đều được nước dâng lên. Thực tế lấy hứng từ chính sách Saemae-Eul, Chaebols của cố Tổng thống Phác Chánh Hy. Chính sách Saemae-Eul khá tương đồng với Ấp chiến lược của TT Diệm, có mục đích giúp đỡ nông dân nghèo. Khác nhau ở chỗ Ấp chiến lược của cố TT Diệm áp dụng cho quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh. Các Chaebols lớn của Hàn quốc phụ trách việc đỡ đầu cho các làng quê nghèo, giúp dân ở đây nâng mức sống, bằng sản phẩm của chính họ.
Còn “cộng đồng phú dụ” của Tập thì buộc các tập đoàn lớn của TQ “kết nghĩa” với các huyện nghèo, giúp các huyện này phát triển.
Nam Hàn thành công là nhờ viện trợ của Mỹ, khoảng 1 tỉ mỗi năm. Còn VN ? Kiều hối từ nước ngoài gởi về VN là bao nhiêu ? Không cần biết nhưng lượng vốn này chắc chắn cao hơn bất kỳ viện trợ của một quốc gia nào.
VN từng bước bắt chước TQ, TQ thành công bao nhiêu VN thất bại bấy nhiêu.
Có nhều lý do khiến VN thất bại. Điều cốt lõi là VN luôn áp dụng phương pháp “đấu tranh”, từ đấu tranh giai cấp cho mọi thành phần dân chúng trong nước. Cho tới đấu tranh ý thức hệ đối đầu với số người Việt nước ngoài.
TQ đối đầu với một cộng đồng dân Hoa hải ngoại và Đài loan. Họ luôn có đối lập về ý thức hệ. Nhưng TQ không coi họ là kẻ thù mà luôn coi họ là người Hoa. TQ chỉ cô lập các thành phần chủ trương lý khai”, như ở hong Kong và Đài loan. Lịch sử TQ không hề bêu xâu “ngụy” họ Tưởng hay bọn “phản quốc” Đài loan. TQ kế thừa toàn bộ di sản của Tôn Dật Tiên (Trung hoa dân quốc). Đảng CSTQ tranh giành với Quốc dân đảng (ở Đài loan) về công lao đánh Nhật giành độc lập. Nhưng CSTQ không coi Quốc dân đảng là kẻ thù cần phải tiêu diệt.
Đảng CSTQ tự cho là họ có chính danh lãnh đạo TQ. Vì họ đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học v.v… đã đặt ra. Họ không áp dụng các phương pháp “đấu tranh giai cấp” trong lòng dân tộc, không áp dụng “đấu tranh ý thức hệ” để tạo mâu thuẩn “địch ta” trong khối dân tộc. Về văn hóa giáo dục họ không chủ trương “ngu dân” để dễ cai trị.
Đảng CSVN áp dụng tất cả các chính sách sắt máu của Lê nin (và Stalin) kiểu “đấu tranh giai cấp” và đấu tranh ý thức hệ nhằm gây mâu thuẩn “địch ta” trong khối dân tộc với mục đích triệt tiêu mọi tiếng nói đối lập. Họ chủ trương ngu dân để kéo dài sự cai trị của đảng.
Ta có thể tranh luận về tính chính danh của đảng CSTQ. Nhưng dứt khoát đảng CSVN không hề có chính danh để lãnh đạo đất nước và dân tộc.
Khi bắt chước TQ, đảng CSVN đã mất chính danh rồi. Huống chi đảng CSVN liên tục thất bại mọi chính sách phát triển quốc gia (công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2020). Điểm cốt lõi trong chính sách phát triển của VN từ khi “mở cửa” (1987) đến nay là “công nhân rẻ”.
35 năm sau yếu tố “công nhân rẻ” vẫn còn là trụ xương sống cho sự phát triển của VN. Trong khi Nhật, từ 1945 đến 1970, Nam Hàn, từ 1960 đến 1980, TQ, từ 1980 đến 2022… Cứ cho là tương đồng với VN về thời gian phát triển. Ngoại trừ VN là con giun sống ký sinh, các quốc gia khác không thành rông cũng thành cọp.
6-12-2022)
***********
Ông Trọng nói lời “dao to búa lớn”.
Ông Trọng nói rằng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay… cuộc sống bây giờ rất khác, ra đường phố Hà Nội ô tô không có chỗ đỗ, nhiều nhà có vài ba cái ô tô mà đều ô tô sang”.
Đảng CSVN (mà ông Trọng là người đứng đầu) có toàn quyền quản lý gia sản VN, bao gồm lãnh thổ, đất đai, núi non, biển đảo, quặng mỏ, rừng rú… Ngay cả những thửa ruộng, những vườn cây trái, những ao hồ nuôi cá… của nông dân, ông Trọng cũng là người đại diện quản lý tất cả.
Gia sản đó trị giá bao nhiêu ?
Nếu chỉ tính giá đất Hà nội, Sài gòn, các mỏ dầu hỏa ngoài khơi Vũng tàu, những cây rừng trên rừng núi Tây nguyên… trị giá gia sản đó lớn không thể tưởng tượng được. GDP của tất cả các quốc gia tiên tiến Mỹ, Nhật, EU, TQ… cộng lại cũng không thể lớn bằng.
Đứng đầu một tập đoàn có quyền quản lý một tài sản khổng lồ như vậy, ông Trọng đã xây dựng được gì cho đất nước ?
Ông khoe rằng Hà nội bây giờ ô tô nhiều không có chỗ đỗ.
Xin thưa với ông Trọng rằng “Hà nội nhiều ô tô không có chỗ đỗ” không nói lên được điều gì. Nhưng vấn đề “không có chỗ đỗ xe” đã nói sự tồi tàn thiếu tầm nhìn của những người quản trị đất nước.
“Phồn vinh thực sự hay phồn vinh giả tạo” ?
Bọn Nhật, Hàn… có thể “cho không” mỗi năm hàng trăm chiếc ô tô hạng sang để cán bộ CS ngồi chơi cho sướng đít. Điều kiện trao đổi là gì, nếu không phải là “mở cửa tối đa” cho họ nhập xe ô tô vào VN ?
Hệ quả dân VN nhà nào có chút tiền đều mua xe. Xe chạy được bao nhiêu năm ? Không quan trọng. Vấn đề là VN không còn khả năng vốn liếng để phát triển kinh tế quốc dân. Ngay cả việc đầu tư cho giáo dục. Tiền đem mua xe thì tiền đâu lo cho con cái học hành ?
Kinh tế quốc dân và giáo dục đại chúng là hai điều cơ bản để các quốc gia Nhật, Đài loan, Nam hàn, Tân gia ba… phát triển bền vững thành rồng.
Xe ô tô ào ạt đổ vô trong khi hạ tầng cơ sở thị thành thì do Pháp xây dựng để lại từ 100 năm trước. Hà nội, Sài gòn… ra đường là kẹt xe. Vừa ô nhiễm, vừa phí phạm tài nguyên lẫn nhân lực.
Các quốc gia như Nhật, Đài loan, Nam Hàn hay các quốc gia Châu u Anh, Pháp, Đức… không hề có vụ “mỗi nhà hai ba xe ô tô” như ông Trọng khoe khoang. Họ hạn chế xe ô tô trong thành phố vì “sức chứa” của đô thị. Không phải đô thị của họ “nhỏ” hơn VN mà vì họ không muốn phung phí của cải của quốc dân, phung phí tài nguyên của quốc gia… vào các việc mà họ có phương tiện khác rẻ hơn để thay thế. Nhìn hệ thống métro của các đô thị Châu u, các hệ thống đã làm từ trên 100 năm trước…
Sài gòn, Hà nội… về đêm lấp lánh ánh đèn. Tài phiệt nước ngoài “rót tiền” cho cán bộ, để bôi trơn con đường vào VN. Họ xây dựng nhà máy, họ mướn các văn phòng, họ đầu tư vào khách sạn, sòng bạc, các nơi du hí hạng sang. Họ nịnh nọt cán bộ cấp tỉnh cấp trung ương. Mục đích là họ “lột sạch” túi dân VN.
Tất cả các đầu tư của họ đều có mục tiêu dài lâu. Họ vừa “vỗ béo” dân VN, vừa ủng họ đảng CSVN quản trị đất nước VN. Có vậy họ mới “móc túi” nhân dân VN lâu dài.
Lãnh đạo VN đi tới các quóc gia này đều được tiếp đón “hoành tráng”. Lãnh đạo VN tưởng mình quan trọng lắm. Và điều chắc chắn, các quốc gia Nhật, Hàn… tìm mọi cách để lãnh đạo VN thấy họ luôn là “nhân vật quan trọng”.
Quản lý một tài sản kinh khủng như vậy VN hiện thời không thể chế tạo được con vít cho điện thoại Samsung. Không phải VN không có khả năng làm chuyện này mà VN không thể làm. Xí nghiệp VN vì sợ “chết thảm” nên không ai dám làm. Không phải Samsung hay các tập đoàn khác cản trở. Mà do cán bộ CSVN làm theo lịnh của tài phiệt.
Đường xá, cầu cống, hệ thống giao thông đo thị (métro, bus…)… của VN đến nay đã có gì thưa ong Trọng ? Đại đa số là do vay nợ.
Tức là ông Trọng đã tiếm quyền các thế hệ tương lai của VN để ký giấy nợ.
Tài sản của VN là tài sản của tất cả mọi người VN, thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.
Cái cách quản lý đất nước của đảng CSVN mà ông Trọng là người đứng đầu tương tự cái cách quản lý của một người “phá gia chi tử”.
Ông Trọng cứ tiếp tục hãnh diện. Uy tín và vị thế của VN ngày càng tăng thêm. Ông Trọng càng “sướng” thì tài phiệt cũng “sướng” theo. Tài phiệt quốc tế sẽ làm mọi cách để VN càng có “vị thế” và “uy tín”. VN muốn mượn nợ bao nhiêu cũng được. Có vậy họ mới làm giàu.
Tiếm quyền của các thế hệ tương lai là chuyện duy nhứt chỉ có ở VN. Mọi thứ nợ nần mà lãnh đạo CSVN ký kết đều sẽ do các thế hệ VN nai lưng ra trả. Khi tài nguyên cạn kiệt, con người trở thành tài nguyên. Giáo dục không được đầu tư, từ cơ bản ở tầng lớp nông dân, lao động… thì tài nguyên con người trở thành tài nguyên “thô thiển”, ít có giá trị. Trai làm nô, gái làm tì, mọi nguyên nhân là do đảng.
(21-11-2022)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here