Sunday, July 20, 2025
HomeBình Luận-Quan ĐiểmDi sản Nguyễn Phú Trọng: Lò cháy thế nào dưới thời Tổng...

Di sản Nguyễn Phú Trọng: Lò cháy thế nào dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm?

Ba cựu lãnh đạo chủ chốt cùng hai cựu phó thủ tướng bị cách hết các chức vụ trong Đảng; cựu bộ trưởng Y tế bị khai trừ Đảng… Ông Tô Lâm đang tiếp nối công cuộc “đốt lò” của cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra sao, một năm ngày ông Trọng qua đời?

Chính trường Việt Nam vừa chứng kiến những sự kiện chấn động. Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 12 – diễn ra trong hai ngày 18 và 19/7 – đã đi đến quyết định tước bỏ hết các chức vụ trong Đảng của ba cựu thành viên Tứ Trụ: cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Quyết định được đưa ra tại hội nghị này cũng bao gồm việc cách tất cả các chức vụ trong Đảng của cựu Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, khai trừ ra khỏi Đảng cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho thôi chức ủy viên Trung ương Đảng đối với ông Đỗ Đức Duy, người đang bị đình chỉ chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ủy viên dự khuyết Võ Chí Công cũng bị cho ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Việc cách hết các chức vụ trong Đảng đối với các ông Phúc, Thưởng, Huệ và Khái được áp dụng cho các chức vụ trong quá khứ, do những người này hiện đã nghỉ công tác.

Hình thức kỷ luật này vốn đã được triển khai dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng và được tiếp nối dưới thời ông Tô Lâm. Vào tháng 4/2025, cựu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng, sau khi đã nghỉ hưu từ tháng 7/2021.

Có thể thấy, các cựu thành viên Tứ Trụ gồm các ông Phúc, Thưởng và Huệ đều đã bị cho thôi chức liên quan đến các vụ việc tiêu cực bị phanh phui dưới thời ông Trọng.

Điểm khác biệt là khi ông Trọng còn nắm quyền, những người này cùng cựu Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chỉ bị cho thôi chức mà không nhận bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Các nhà phân tích chính trị đánh giá việc ông Trọng nhẹ tay với các đồng chí cấp cao là để bảo vệ uy tín của Đảng, theo phương châm “ném chuột nhưng không làm vỡ bình”.

Giờ đây, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, họ đã bị Đảng trừng trị bằng các bản án kỷ luật chính thức.

Đây là cách mà ông Tô Lâm tách mình ra khỏi di sản “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng, tương tự việc quan chức và báo chí dưới thời ông Tô Lâm ít nhắc đến cụm từ “đốt lò” – vốn đã gắn liền với ông Trọng – khi nói đến chống tham nhũng, tiêu cực.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc nói với BBC News Tiếng Việt rằng động thái tước hết chức vụ của ba cựu lãnh đạo chủ chốt nói trên là một bước đi rất quyết liệt, mở rộng trách nhiệm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông Tô Lâm thực hiện việc kỷ luật mạnh tay hơn với những người vốn đã bị xử lý dưới thời ông Trọng.

“Có lẽ Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc để các lãnh đạo được rút lui trong danh dự là chưa đủ để thực thi kỷ luật Đảng, cần phải có một hình thức kỷ luật. Khi Trung ương họp để chuẩn bị công tác cho Đại hội 14, việc kỷ luật ba lãnh đạo từng ở trong Tứ Trụ là thông điệp rõ ràng về một tiêu chuẩn mới với các đảng viên vi phạm, ngay cả những lãnh đạo cao nhất cũng không là ngoại lệ,” Giáo sư Thayer nói.

Việc trừng trị những nhân vật thăng tiến dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông Trọng trên cương vị tổng bí thư và trưởng tiểu ban nhân sự các kỳ đại hội Đảng trước (12 và 13).

Tước ‘kim bài miễn tử’ Đinh La Thăng

Cân nhắc giữa công và tội, nên đặc xá cho ông Đinh La Thăng là nhan đề một bài viết trên mạng xã hội đang được chia sẻ nhiều ở Việt Nam thời gian gần đây. Hàng loạt các bài viết khác cũng đang muốn “xét lại” bản án của cựu Bí thư Thành ủy TP HCM, rằng ông có công nhiều hơn tội.

Đó là một chiến dịch trên mạng xã hội nhân dịp một năm sau khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đời.

Việc khởi tố, bắt giam, xét xử và bỏ tù ông Đinh La Thăng được coi là hành động tước “kim bài miễn tử” của chức danh ủy viên Bộ Chính trị.

Chỉ ở trên chức vụ ủy viên Bộ Chính trị 16 tháng, và 15 tháng làm bí thư Thành ủy TP HCM, ông Đinh La Thăng đã bị “cảnh cáo” vào ngày 7/5/2017 do những vi phạm thời làm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Rồi chiếc ghế ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương sau khi bị kỷ luật cũng bị tước nốt khi cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng vào ngày 8/12/2017 vì những sai phạm trong vụ thiệt hại 800 tỉ đồng khi PVN góp vốn vào Oceanbank.

Ông trở thành bị cáo trong 4 vụ án hình sự xảy ra thời còn là chủ tịch PVN và bộ trưởng Giao thông vận tải.

Các vụ liên quan đến dầu khí xảy ra khi ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng còn ông Nguyễn Phú Trọng là chủ tịch Quốc hội. Vụ liên quan đến đường cao tốc, ông Thăng làm bộ trưởng khi ông Trọng đã là tổng bí thư, còn ông Dũng vẫn là thủ tướng.

Và các vụ án chỉ được khởi tố, điều tra khi ông Dũng đã về hưu và khi ông Thăng đã bước lên một nấc thang quyền lực cao hơn.

Ông Đinh La Thăng, một người được đánh giá là thân với ông Nguyễn Tấn Dũng, đã nhận tổng cộng 30 năm tù giam, mức án cao nhất dành cho người bị kết án tù có thời hạn.

Đó cũng là biểu tượng và cũng là di sản của chiến dịch chống tham nhũng, dưới cái tên “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng đã phất cao ngọn cờ.

Cho đến nay, ông Đinh La Thăng vẫn là ủy viên Bộ Chính trị duy nhất phải đối diện với pháp đình và vẫn đang ngồi tù.

Liệu điều này có thay đổi dưới thời ông Tô Lâm?

‘Củi tươi cũng cháy’

Hình ảnh một nhà lý luận với mái tóc bạc trắng “cầm những thanh củi tươi” cho vào lò đã trở thành một biểu tượng của cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài trong suốt hơn 13 năm tại vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Kiên, thường được biết đến là Bầu Kiên, ở Ngân hàng ACB vào năm 2012 báo hiệu một sự khởi đầu không khoan nhượng.

Một quan chức cấp cao là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã bị truy tố, nhưng được tạm đình chỉ do mắc “bệnh hiểm nghèo”.

Vụ án đáng chú ý hơn xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chiều 21/7/2015, Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam để điều tra về vụ án liên quan đến khoản tiền gửi 800 tỷ đồng ở Ocean Bank.

Chỉ mới khoảng vài tuần trước đó, ông Sơn còn có mặt trong đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Ông Sơn bị tòa sơ thẩm kết án tử hình, y án ở phiên phúc thẩm và về sau được giảm án còn chung thân do khắc phục được hậu quả.

Đấy cũng là vụ án mà sau này ông Đinh La Thăng trở thành bị cáo.

Ngọn lửa của chiến dịch đốt lò, với sự phối hợp của ba cơ quan là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính và Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, đã lần đầu tiên soi rọi những góc khuất nhất của các cơ quan quyền lực như công an, quân đội.

Vụ án “Vũ Nhôm” (khởi tố từ năm 2017, tuyên án năm 2020) đã khiến cho ba tướng công an, gồm hai cựu thứ trưởng Bộ Công an là Thượng tướng Trần Việt Tân và Trung tướng Bùi Văn Thành, cùng với Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, phải ra tòa và bị phạt tù. Một loạt tướng công an khác cũng bị kỷ luật trong các vụ khác nhau.

Quân đội cũng không là ngoại lệ khi nhiều sĩ quan cấp cao bị kỷ luật và dính vòng lao lý. Nổi bật trong đó là cựu Tư lệnh Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị khởi tố, sau đó lãnh án tù.

“Không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”… là những cụm từ được giới chức chống tham nhũng liên tục nhắc đến trong thời đó.

“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 31/7/2017.

Đấy cũng là lời mà nhà lãnh đạo Đảng tâm sự ông “hay nói” khi tiếp xúc với cử tri, rằng “củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được…”

Lửa lò khiến “củi tươi cũng phải cháy” này đã thiêu rụi sinh mệnh chính trị của rất nhiều quan chức chính quyền địa phương và trung ương, trong đó nổi bật với việc kỷ luật hàng loạt các ủy viên đương nhiệm và cựu ủy viên Bộ Chính trị, kể cả những lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Ông Trọng gọi chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” và hệ thống Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã được thành lập ở các cấp tỉnh/thành.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông Trọng có lẽ tin rằng tình trạng tham nhũng mang tính hệ thống ở Việt Nam “bắt nguồn từ một nền kinh tế nửa kế hoạch hóa, nửa thị trường”.

“Trong đó, các quan chức chính phủ và cán bộ Đảng nắm quá nhiều quyền kiểm soát đối với việc phân bổ nguồn lực – từ đất đai, tiếp cận vốn, thăng tiến, cho đến những yếu tố đầu vào quan trọng khác. Ông Trọng thực sự lo sợ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế càng nhanh thì càng tạo cơ hội cho tham nhũng trong bộ máy.”

“Và ông tin rằng tham nhũng là một mối đe dọa đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản,” Giáo sư Abuza đánh giá.

Chống tham nhũng hay triệt hạ đối thủ chính trị?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được coi là đối thủ chính trị số 1 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tháng 5/2007, khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng và ông Nông Đức Mạnh là tổng bí thư, Ban Nội chính Trung ương – cơ quan tham mưu về phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp của Đảng – đã bị sáp nhập vào Văn phòng Trung ương Đảng.

Cũng thời gian đó, Văn phòng Trung ương Đảng đã tiếp nhận Ban Kinh tế Trung ương.

Lĩnh vực kinh tế và phòng chống tham nhũng chính thức đều nằm trong tay Chính phủ.

Đến năm 2012, ông Nguyễn Phú Trọng sau khi lên làm tổng bí thư đã tái lập hai ban này để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực chủ chốt mà ông tin rằng đang làm xói mòn lòng tin của người dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng chính thức chuyển từ Chính phủ qua Trung ương Đảng vào năm 2012 và đến năm 2013 do tổng bí thư làm trưởng ban.

Đó cũng là lúc quyền lực xoay chiều khi lần đầu tiên trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là tổng bí thư thay cho thủ tướng.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam, đánh giá rằng cải cách kinh tế dẫn đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và sự ra đời của các tổng công ty lớn và dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.

“Trong khi những tiến bộ đã được thực hiện kể từ đầu những năm 1990 nhằm hiện đại hóa hệ thống lập pháp và xây dựng ‘nhà nước pháp quyền’ thì đảng bộ các cấp và tất cả các cơ quan đều nắm giữ quá nhiều quyền lực.”

Một nhà quan sát giấu tên nói với BBC rằng chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một phần trong chiến dịch lớn hơn – nhằm xây dựng Đảng theo khuôn mẫu mà ông Trọng cho là lý tưởng vì mô hình xã hội chủ nghĩa bị đe dọa khi Việt Nam mở cửa kinh tế.

Nhà quan sát này cho rằng nền chính trị Việt Nam, cụ thể là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “có dấu hiệu ly khai” thành các nhóm gồm: chính phủ, quân đội, công an và các thế lực chính quyền địa phương, tức bí thư thành ủy/tỉnh ủy.

Sự phân mảnh và cát cứ này tạo ra nguy cơ đổ vỡ trật tự quyền lực của Đảng và “đó mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng”.

“Như vậy, dễ hiểu vì sao ông Nguyễn Phú Trọng lại khai hỏa một chiến dịch với quy mô và cường độ chưa từng thấy trước đó và kết quả là các quan chức chính quyền địa phương và trung ương đến các tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội trước đó được miễn trừ đều bị đưa vào lò của ông,” người này đánh giá.

Chưa có tiền lệ
Những nhân vật trở thành tiền lệ chưa từng có dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngọn lửa của cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng đã quét qua mọi lĩnh vực và địa phương, thực hiện những điều chưa từng có trong tiền lệ.

Đầu tiên, như đã đề cập, một ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị xử lý, bị đưa ra pháp đình, và chịu mức án 30 năm tù giam là ông Đinh La Thăng.

Lần đầu tiên công chúng cũng làm quen với khái niệm cách chức vụ trong quá khứ.

Mở màn cho sự kiện lạ lẫm này là câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2011-2015 vào hồi tháng 11/2016.

Ông Hoàng là bộ trưởng Công thương hai nhiệm kỳ, từ 2007 đến 2016, dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.

Đây là lần đầu tiên Đảng kỷ luật bằng hình thức này đối với một người khi người đó không còn giữ chức vụ nữa.

Thông thường, quy trình sau xử lý kỷ luật Đảng sẽ là xử lý về chính quyền. Quốc hội đã cảm thấy lúng túng khi ông Hoàng đã một lần bị miễn nhiệm chức vụ khi về hưu hồi tháng 4/2016, và nay lại nhóm họp để cách chức vụ ông một lần nữa khi ông không còn là bộ trưởng.

Tiền lệ Vũ Huy Hoàng đã được áp dụng cho rất nhiều vụ cách chức về sau.

Tháng 11/2017, Trung ương Đảng đã ra một quy định mới – Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm – chính thức hóa việc kỷ luật các đảng viên đã nghỉ hưu. Ngay cả các quan chức trong Đảng đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng.

Các quan chức về hưu cảm thấy rủi ro khi hạ cánh không còn an toàn nữa.

Một cựu ủy viên Bộ Chính trị khác đã về hưu từ năm 2016 là ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP HCM (2006-2016), cũng đã hai lần chịu kỷ luật cách chức. Lần đầu tiên vào năm 2020, ông Hải bị cách chức bí thư thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Lần thứ hai, ông này bị cách toàn bộ chức vụ trong Đảng vào tháng 5/2024. Cả hai lần đều dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.

“Nạn nhân” mới nhất của quy định này, dưới thời ông Tô Lâm làm tổng bí thư, là cựu ủy viên Bộ Chính trị Trương Hòa Bình, người từng giữ chức phó thủ tướng trong chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc.

Kỷ luật ông Trương Hòa Bình

Nhiệm kỳ đại hội Đảng khóa 13 khởi đầu với những tình tiết nóng bỏng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam có tên trong danh sách 500 đại biểu Quốc hội trúng cử trong kỳ bầu cử tháng 5/2021 với số phiếu đạt 80,88%.

Nhưng ông Nam đã không được xác nhận là đại biểu Quốc hội vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ông đã có một số vi phạm trong Đảng.

Ngày 6/7/2021, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Văn Nam đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng từ ba nhiệm kỳ, gồm 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025.

Cùng ngày hôm đó, ông Vũ Huy Hoàng, người đã bị cách chức vụ trước đó, và bị kết án 11 năm tù trong vụ án xảy ra tại công ty Sabeco, cũng nhận quyết định khai trừ ra khỏi Đảng.

Việc xử lý ông Trần Văn Nam, một ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, từ kỷ luật Đảng đến khởi tố và bắt giam trong một vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã mở đầu cho một nhiệm kỳ lửa lò nóng bỏng đối với các quan chức.

Vào đầu khóa 13, Trung ương Đảng có 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Tính đến nay, đã có hơn 30 người bị kỷ luật, thôi chức, không ít người vướng vòng lao lý.

Đại án Việt Á trong đại dịch Covid-19 đã khiến ba ủy viên Trung ương Đảng phải vào tù, gồm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (18 năm tù), Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (3 năm tù) và Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng (3 năm tù).

Một loạt bí thư, cựu bí thư tỉnh ủy đã hầu tòa trong thời gian qua trong vụ án Phúc Sơn và sắp tới là Tập đoàn Thuận An.

Dưới thời ông Trọng, rất nhiều quan chức các địa phương cấp chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở… cũng ngã ngựa.

Ở cấp cao hơn, chiến dịch đốt lò của ông Trọng cũng kết liễu sinh mệnh chính trị của bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13.

Đáng chú ý, có ba lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt rời ghế.

Ba lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt rời ghế.

Một nhân vật được cho là xếp thứ 5 (sau Tứ Trụ) là Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng bị cho thôi chức dưới thời ông Trọng, sau đó bị kỷ luật khiển trách dưới thời ông Tô Lâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cũng chung số phận vì trách nhiệm liên quan đến đại án chuyến bay giải cứu.

Sau này, khi ông Trương Hòa Bình bị cảnh cáo và cách tất cả chức vụ trong Đảng, toàn bộ dàn lãnh đạo Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đều bị kỷ luật dưới thời hai tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm.

Sau lần thất bại kỷ luật “đồng chí X” vào năm 2012, khóa 13 đã kỷ luật thành công bảy “đồng chí trong Bộ Chính trị”.

Ở khóa 12, ba ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm cũng đã bị kỷ luật, trong đó ông Đinh La Thăng bị khởi tố hình sự.

Hai người còn lại là các ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông Bình trước đó là thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Hoàng Trung Hải là phó thủ tướng phụ trách về kinh tế trong nội các của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Khóa 12 (2016-2021) cũng chứng kiến hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 27 ủy viên đương nhiệm và cựu ủy viên.

Đa số các chuyên gia, nhà quan sát chính trị đều nhận định với BBC rằng ông Trọng thành công trong việc khởi phát và duy trì chiến dịch đốt lò một phần là nhờ vào con người cá nhân.

Ông Trọng được đánh giá là một lãnh đạo liêm khiết, không vụ lợi, vì thế có thẩm quyền về đạo đức của một người sống vì lý tưởng cộng sản. Con cái ông không theo con đường chính trị, trái với người được coi là đối thủ của ông – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Giáo sư Edmund Malesky nhận định với BBC rằng khi nói đến chiến dịch “đốt lò”, mọi người thường chỉ tập trung số người bị bắt giữ hay số tiền mà các quan chức tham nhũng.

Theo ông, chiến dịch này cũng đẩy lùi tình trạng tham nhũng vặt, thể hiện qua hai chỉ số qua trọng là Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI, “có sự sụt giảm rõ rệt về tình trạng tham nhũng vặt mà các doanh nghiệp gặp phải, bắt đầu từ năm 2016”.

“Tôi cho rằng chiến dịch của ông Trọng đã đạt được kết quả to lớn trong vấn đề giảm tham nhũng vặt. Còn chiến dịch này có làm giảm việc tham nhũng cấp cao hay không thì khó đánh giá hơn. Dù có nhiều quan chức cấp cao bị bắt do nhúng chàm nhưng về mặt tổng thể, tình trạng tham nhũng ở cấp cao có giảm hay không thì chưa rõ,” ông Malesky nói.

Con đường khác của ông Tô Lâm
Tổng Bí thư đương nhiệm Tô Lâm đang chọn một con đường khác với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng

Khác với người tiền nhiệm, Tổng Bí thư Tô Lâm được nhận định là một nhà lãnh đạo thực dụng hơn là mang nặng ý thức hệ và bị ràng buộc bởi tư tưởng cộng sản như ông Trọng.

Kế thừa di sản đốt lò, ông Tô Lâm đẩy mạnh thêm một bước: kỷ luật các lãnh đạo chủ chốt sau khi những vị này đã được “thôi chức” dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.

Đó là trường hợp các cựu Tứ Trụ – Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ – đã đề cập ở trên.

Ông Vương Đình Huệ còn được nhắc đến một cách gián tiếp hai lần trong Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, và trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.

Đấy là những việc làm chưa có tiền lệ.

Nhưng động thái này cũng được một số nhà quan sát cho rằng đó là một bước thị uy đối với những người vốn đã ngã ngựa.

Giáo sư Zachary Abuza cho rằng ông Trọng là người rất quan tâm đến thể diện của Đảng Cộng sản nên đã tạo ra một con đường tự nguyện xin từ chức, hay còn gọi là “hạ cánh an toàn” cho các lãnh đạo cấp cao.

Nhưng dưới thời ông Tô Lâm, việc hạ cánh đã không còn an toàn nữa.

Dẫu vậy, không có nhiều lãnh đạo cấp cao, nhất là những người đương nhiệm, trở thành củi của chiến dịch chống tham nhũng từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.

Ông Tô Lâm chủ trương cân bằng hơn trong việc xây dựng Đảng và phát triển đất nước, với phương châm không vì chống tham nhũng mạnh mẽ mà cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội.

Chiến dịch đốt lò của ông Tô Lâm dường như đang tập trung hơn đối với vấn đề “lãng phí”, điều mà ông cho rằng là một dạng “giặc nội xâm”. Kỷ luật khai trừ Đảng đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – liên quan đến vụ án thất thoát, lãng phí trong việc xây dựng hai cơ sở y tế công – là một ví dụ.

Ưu tiên của nhà lãnh đạo xuất thân từ ngành an ninh này là cuộc cách mạng tinh gọn, phát triển kinh tế, và phía trước là Đại hội 14, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.

“Thời ông Trọng thường được nhận định là ‘chống’ nhiều hơn xây nên tất cả những điều ông Tô Lâm đang cố tâm thực hiện là tạo ra một viễn cảnh mới cho Việt Nam. Ông ấy muốn trở thành một lãnh đạo tương tự như Tập Cận Bình, vừa có thể ‘đả hổ diệt ruồi’ nhưng điều quan trọng hơn là ‘giấc mộng Trung Hoa’ cho Việt Nam,” nhà quan sát giấu tên từ Việt Nam nhận định.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular