Friday, November 22, 2024
HomeNEWSNguồn tin: Iran đã cung cấp tên lửa cho Nga nhưng không...

Nguồn tin: Iran đã cung cấp tên lửa cho Nga nhưng không kèm bệ phóng

Iran không gửi kèm bệ phóng di động với tên lửa đạn đạo tầm gần mà Washington tuần trước cáo buộc Tehran đã chuyển giao cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, theo ba nguồn tin hiểu biết về vấn đề này cho biết.

Các nguồn tin – gồm một nhà ngoại giao châu Âu, một quan chức tình báo châu Âu và một quan chức Hoa Kỳ – nói rằng không rõ tại sao Iran không cung cấp bệ phóng tên lửa Fath-360, làm dấy lên câu hỏi về thời điểm và liệu vũ khí này có hoạt động hay không.

Quan chức Hoa Kỳ, cũng như các nguồn tin khác nói với điều kiện giấu tên, cho biết Iran đã không chuyển giao bệ phóng vào thời điểm Hoa Kỳ đưa ra thông tin về việc Iran chuyển giao vũ khí. Quan chức tình báo châu Âu cho biết họ không kỳ vọng Iran cung cấp bệ phóng nhưng không giải thích thêm.

Reuters là nơi đầu tiên đưa tin về kế hoạch chuyển giao tên lửa của Iran cho Nga.

Hai chuyên gia nói với Reuters rằng có thể có một số lý do khiến bệ phóng không được chuyển đi. Một là Nga có thể có kế hoạch sửa đổi xe tải để chở tên lửa, như Iran đã làm. Hai là bằng cách giữ lại bệ phóng, Iran đang tạo không gian cho các cuộc đàm phán mới với các cường quốc phương Tây về việc giảm căng thẳng.

Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận và Lầu Năm Góc cũng từ chối đưa ra bình luận.

Phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

Tehran phủ nhận việc cung cấp cho Moscow tên lửa hoặc hàng nghìn máy bay không người lái mà Kyiv và các quan chức phương Tây cho biết Nga đang sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả lưới điện của Ukraine.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 10/9 cho biết rằng Iran đã chuyển giao Fath-360 cho Nga và “có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần tới tại Ukraine”.

Tên lửa này sẽ đặt ra thêm một thách thức cho Ukraine, nước liên tục điều chỉnh hệ thống phòng không của mình theo các cải tiến của lực lượng Nga. Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran cho biết tên lửa di chuyển với tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh khi tiếp cận mục tiêu.

Ông Blinken nói rằng các tên lửa này đe dọa an ninh châu Âu và sẽ được bắn vào các mục tiêu tầm ngắn, cho phép Nga để dành được nhiều vũ khí hơn cho các mục tiêu ngoài tiền tuyến. Fath-360 có tầm bắn lên tới 121 km.

Hoa Kỳ, Đức, Anh và Pháp đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran và EU cho biết khối này đang xem xét các biện pháp mới nhắm vào lĩnh vực hàng không của Iran.

Điện Kremlin vào thời điểm đó đã từ chối xác nhận việc tiếp nhận các tên lửa nhưng thừa nhận rằng sự hợp tác của họ với Iran bao gồm “các lĩnh vực nhạy cảm nhất”.

Ông Blinken không nói Iran cung cấp bao nhiêu tên lửa Fath-360 cho Nga hoặc khi nào chúng được gửi đi.

Qua dữ liệu vận chuyển, Reuters xác định được rằng một tàu chở hàng của Nga bị Washington trừng phạt, Port Olya-3, đã thực hiện các chuyến đi giữa cảng Amirabad của Iran trên Biển Caspi và cảng Olya của Nga nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến ngày 12/9.

Fabian Hinz, một chuyên gia về tên lửa Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết ông không thể xác nhận rằng Tehran đã giữ lại các bệ phóng.

Tên lửa đạn đạo cần có bệ phóng được thiết kế riêng để có thể bắn đi.

Theo ông Hinz, một lý do khiến Iran không gửi bệ phóng có thể là do những chiếc xe tải dân dụng mà Iran đã cải tiến để phóng những tên lửa này và các tên lửa khác không đủ chắc chắn để hoạt động trên địa hình gồ ghề trong mùa đông khắc nghiệt của Ukraine. Vẫn theo nhà nghiên cứu này, Iran cải tiến những chiếc xe tải do Mercedes và các công ty khác sản xuất và biến chúng thành bệ phóng tên lửa dễ ngụy trang.

Điều này, theo ông Hinz, cho thấy Nga có thể cải tiến những chiếc xe quân sự của riêng mình.

“Một chiếc xe tải Mercedes thương mại không có sẵn trên thị trường không có khả năng chạy địa hình”, ông cho biết.

David Albright, cựu thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc, người đứng đầu Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cũng không thể khẳng định liệu Iran có chuyển giao bệ phóng hay không.

Nhưng ông lưu ý rằng tổng thống mới của Iran, Masoud Pezeshkian, và các quan chức Iran khác sẽ gặp gỡ các quan chức châu Âu bên lề Đại hội đồng LHQ vào tuần tới tại New York để thử thách tiềm năng ngoại giao về chương trình hạt nhân của Tehran, căng thẳng khu vực và các tranh chấp khác.

“Có thể là họ (Iran) đang giữ lại các bệ phóng để tạo ra một chút không gian cho các cuộc đàm phán này”, ông Albright nói. “Người ta có thể tưởng tượng rằng nếu có những tên lửa Iran rơi xuống (Ukraine) thì sẽ có sự lên án tại Đại hội đồng”.

Nhưng vị cựu thanh tra hạt nhân của LHQ tỏ ra nghi ngờ về bất kỳ tiến triển nào, nói rằng ông không tin là Iran sẽ đưa ra những thỏa hiệp cần thiết.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular