Thanh Hiếu Bùi
Ban chỉ đạo 35 được thành lập khi có Nghị Quyết 35 của Bộ Chính Trị ban hành vào khoá 12, ngày 22 tháng 10 năm 2018.
Mục đích của nghị quyết là bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái , thù địch trong tình hình mới.
Thế lực thù địch được nhận diện trong nghị quyết 35 này là
– Những người nghiên cứu lý luận ( có thể là người nước ngoài ở nước của họ ) phản đối chủ nghĩa xã hội.
– Các tổ chức chống đối cực đoan người Việt ở nước ngoài.
– Một số đảng viên ( từng giữ chức vụ cao, trung cao cấp ) có tư tưởng suy thoái, diễn biển, phản bội lý tưởng.
Nội dung chống phá.
– Phủ nhận chủ nghĩa Mác -Lê. Phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Chống phá chủ trương, đường lối, chính sách trên mọi lĩnh vực. Phủ nhận thành quả lịch sử to lớn của đảng.
Phương thức là lợi dụng internet, hãng truyền thông Việt Ngữ hải ngoại, tổ chức hội thảo xem xét các vấn đề liên quan đến lịch sử, kích động tấn công quá khứ.
Lực lượng nòng cốt để thực hiện nghị quyết 35 là ban tuyên giáo trung ương, trưởng ban chỉ đạo là thường trực ban bí thư ( Võ Văn Thưởng).Ông Thưởng đến khi làm chủ tịch nước vẫn là trưởng ban, sau khi mất chức về vườn, chức trưởng ban chỉ đạo 35 được bàn giao cho thường trực ban bí thư Lương Cường. Ông Nghĩa là phó ban.
Từ khi ông Cường làm trưởng ban đến nay, cùng với cấp dưới là ông Nghĩa trưởng ban tuyên giáo, ông Quyết tổng cục chính trị quân đội, chỉ đạo 35 được thực hiện quyết liệt và rầm rộ trên toàn quốc, trên mọi lĩnh vực. Tất cả đoàn thể, bộ ngành, địa phương đều có nhân lực tham gia đấu tranh phản bác tư tưởng sai trái, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn..mỗi đơn vị phải xây dựng lực lượng , kế hoạch đấu tranh phù hợp với tổ chức của mình.
Để tăng cường sức mạnh cho nghị quyết 35, Ban Bí Thư còn ra quy định 85 vào tháng 10 năm 2022. Quy định này nhằm đột phá thúc đẩy nghị quyết 35, theo quy định thì các đảng viên sử dụng mạng xã hội phải có nhiệm vụ
– theo dõi đồng đội, phát hiện đảng viên nào có tư tưởng lệch lạc trên mạng xã hội như viết bài, bình luận, chia sẻ, like những bài viết có vấn đề, báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.
– dùng trang cá nhân của mình, đăng những tin tốt, tích cực có lợi cho đảng và nhà nước
– tuỳ vào vị trí công tác, năng lực, trình độ tham gia đấu tranh phản bác quan điểm thù địch, sai trái.
Trong sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của ban chỉ đạo 35, được khẳng định là có nhiều kết quả tốt và sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, đặc biệt là thúc đẩy sát sao quy định 85, đưa tất cả các đảng viên tham gia nghiêm túc và quyết liệt.
Một trong những kết quả tốt đẹp của ban chỉ đạo 35 vừa qua là đưa ra dư luận để xử lý cháu Chu Ngọc Quang Vinh ở Yên Bái.
Cháu Vinh bị phát hiện có tư tưởng lệch lạc khi đăng một câu cảm thán không tin vào lịch sử được dạy, có 16 bạn đọc được, trong đó có 1 đoàn viên đã chụp màn hình và báo cáo, sau đó tất cả các lực lượng tham gia chỉ đạo 35 đã vào cuộc lên án cháu Vinh.
Trường hợp đại học Fulbright bị cáo buộc là âm mưu làm cách mạng màu khi ông hiệu trưởng trường này phát ngôn về một tinh thần không sợ hãi.
Trường hợp nhà sư Thích Minh Tuệ bị vu khống là âm mưu phá hoại chính sách tôn giáo khi nhà sư này đi khất thực bộ hành.
Trong khi dịch covid, chiến tranh khu vực trên thế giới dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nền kinh tế đất nước đa phần gia công những sản phẩm không quan trọng, xuất khẩu tài nguyên thô, trông chờ vào bất động sản, đi vay mượn, xuất khẩu lao động chân tay…đang rất cần một sự trở mình mạnh mẽ, thay đổi về tư duy, làm ăn và bang giao với quốc tế như hiện nay. Thì việc tăng cường lực lượng hùng hậu , dưới chiêu bài đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái nào đó như việc cháu bé 17 tuổi, phát ngôn không chết ai của ông hiệu trưởng, việc đi bộ hành khất của một ông sư là quá phí phạm thời gian và nguồn lực.
Trên thực tế những đối tượng thù địch mà nghị quyết 35, quy định 85 chỉ ra là những người nghiên cứu lý luận phản bác chủ nghĩa xã hội trên thế giới chẳng còn mấy ai, những giáo sư nghiên cứu triết học, chính trị trên thế giới ngày nay chẳng ai còn bận tâm chỉ trích chủ nghĩa Mác Lê, bởi thực chất các nước CNXH ngày nay xây dựng mô hình thể chế đã khác xa nhiều nguyên bản.
Những tổ chức người Việt cực đoan đã già, thế hệ trẻ tiếp theo của lớp này không mấy quan tâm đến thể chế cộng sản ở Việt Nam.
Những đảng viên có cái nhìn lại giờ cũng không còn mấy nữa, không còn nhiều như chục năm trước với các tên tuổi lớn.
Trình độ đấu tranh, phản bác của những người tham gia thực hiện chỉ đạo 35 thấp, năng lực, trình độ không có. Dẫn đến phản bác một cách vô văn hoá, mang tính thoá mạ. Đôi khi còn tiện đâu nói đấy như trường hợp Minh Tiến của Thăng Long TV, đã giải thích lá cờ đỏ sao vàng rằng màu đỏ trên lá cờ là màu máu của kẻ thù. Như xác nhận giúp thế lực phản động hay gọi cờ Việt Nam là cờ máu. Gây nên cảm giác ghê sợ với lá quốc kỳ. Một thể chế mà lấy máu quân thù để làm lá cờ đại diện cho tổ quốc mình, thật chẳng biết nói gì nữa.
Các đối tượng để đấu tranh chẳng có ai đáng mặt, cuối cùng để thực hiện nhiệm vụ bằng mọi giá để có thành tích. Những người tham gia đấu tranh đã vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ , tìm cả những người bình thường lỡ sểnh câu gì để làm đối tượng đấu tranh. Biến những người chỉ ca thán bình thường thành kẻ thù không đội trời chung với chế độ.
Phương thức đấu tranh của cả một nghị quyết, quy định to lớn và ý nghĩa như vây, khi thực hiện được cụ thể bằng những ngôn từ.
-đm thằng ba sọc, đm thằng phản động, gặp tao đập chết, bọn đâm tổ quốc, chọc đồng bào, bọn Tây nội địa…
Đảng viên, đoàn viên, các chiến sĩ đấu tranh tư tưởng mà ăn nói, viết bài không bằng một thằng lưu manh chưa học hết cấp 3.
Đấu tranh phản biện kiểu ấy cần gì dùng đến đảng viên, đoàn viên. Vào nhà tù phát cho mỗi thằng lưu manh trong ấy một cái điện thoại, hàng ngày bảo lên mạng chửi phản động, thằng nào chửi nhiều được giảm giờ làm, giảm án có khi còn tốt hơn, đỡ lãng phí nhân lực và tiền của.