Mùa đông, rét như mùa đông năm nay Quý Mão 2023 ở miền Bắc chẳng hạn thì uống chè là một cái thú. Đám sinh viên nghèo chúng tôi hồi xưa, trừ mấy tiết học bắt buộc phải trên lớp, thì thời gian cắm quán có khi còn nhiều hơn ở trong căn phòng chật chội khoảng 20 mét vuông nhét tới 6 cái giường tầng vị chi chứa 12 “tù khổ sai” ký túc xá Mễ Trì. Có những đứa, mua chén chè 5 xu khề khà ngồi nửa buổi. Nhiều thằng chúa chổm, vài xu cũng không tiền trả, uống xong ghi nợ. Chủ quán biết bọn này mặt dày này chẳng qua nghèo mới vậy nên thường hỉ xả, thể tất cho.
Phải nói rằng chè chén quán ven đường ngon hơn hẳn mấy thứ chè mậu dịch Thanh Hương, Phú Thọ, có nhẽ ngang ngửa với loại Hồng Đào chỉ phân phối cho mấy ông bà cao cấp, cả đời tôi được nếm đúng một lần ở nhà ông bác chị dâu tôi, ông làm cục trưởng cảnh vệ. Chè chén quán ven đường chỉ pha từ chè móc câu, do con buôn đưa lậu từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang về. Chuẩn chè móc câu là phải xoăn tít nhưng không nát, được xao thủ công gia truyền, đạt 8 chữ vàng “nước xanh, cánh nhỏ, hương thơm, vị đượm”. Mấy bà chủ quán ven đường tàu điện bến Thanh Xuân hoặc lối vào trường tổng hợp, trường ngoại ngữ khá chiều khách. Chén chè luôn nóng hổi, sóng sánh, đậm đà, ngào ngạt. Mấy bác khoa Sử cán bộ, bộ đội đi học có lương, có phụ cấp nên chơi sang, đòi phải pha đặc, gọi là “chè cắm tăm” (đặc đến mức nếu cắm cái tăm vào chén nước chè nó không… đổ). Buổi chạng vạng sau bữa cơm, nhấp chén chè nóng cắm tăm, nhâm nhi chiếc kẹo lạc, hết hào rưỡi, thần tiên cũng chỉ sướng đến thế là cùng.
Lớp tôi có anh Ma Duy Giang, người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên. Chả hiểu gien lấy từ đâu mà cao to như tây, tôi và nhiều đứa đứng bên mấp mé vai. Chất phác, hiền lành nhất mực. Cả phòng khoái nhất yếu tố Thái Nguyên, hồi ấy gộp chung với Bắc Cạn thành Bắc Thái. Người dân tộc thiểu số, nên anh Giang được ưu tiên hơn so với đám con em bần nông Kinh. Thoắt cái lại ngược, mò về quê. Cứ tưởng y mang tâm trạng của “nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” nhưng té ra không phải. Y tranh thủ buôn. Buôn chè, chè Thái móc câu nổi tiếng, thứ chè Tân Cương bây giờ. Tôi lần đầu tiên được nghe nhắc tới cái danh Tân Cương, được nhấp môi chè Tân Cương là nhờ lão Ma. Có nhẽ y còn rủng rỉnh, khá giả hơn cả mấy ông cán bộ, bộ đội đi học, những Lê Tài Thuận, Nguyễn Ngọc Xuân, Bùi Trọng Cường, cả nhóm Lê Xuân Sang, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh băng xứ Thanh nữa. Giang là vua chè. Vua tất nhiên phải hơn mọi người, dù học có kem kém. Đám Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Vương, Xuân Ba, Phạm Văn Bích, Nguyễn Sĩ Đại dù học giỏi nổi tiếng cũng chỉ hạng xách dép cho Giang Ma, còn bọn lau nhau như tôi, Lương Ngọc Bính… thì Ma không thèm liếc.
Nhưng có đầu óc con buôn, nhạy làm ăn như Trần Ngọc Hồng thì khác. Y nhìn ra tiềm năng thế mạnh của Ma, lại tháo vát tinh thông mưu mẹo hơn Ma (dân xứ Nghệ đứa nào chả vậy) nên cứ dăm bữa nửa tháng hai gã lại mò ra ga Trần Quý Cáp bắt tàu ngược Thái. Trên đó đã có cơ sở chuẩn bị sẵn hàng, giống như những băng buôn ma túy thời nay vậy. Cuộc làm ăn kinh tế thị trường có đuôi chui lủi diễn ra mấy năm liền. Khá khen cho liên minh kinh tế xã hội Hồng – Giang nhìn xa hơn người cùng thế hệ mấy tầm. Lớp tôi học văn nhưng thành phần sĩ nông công thương đủ cả. Doanh nhân thành công nhất là Trần Ngọc Hồng, về tầm cỡ thời đại có thể so với Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương bây giờ, ha ha. Tôi chỉ thắc mắc, với hai lão ấy thì chè Thái đã là sự thành công, tốt nghiệp xuất sắc, nhưng gái Tuyên không thấy kể, cứ nín thinh tới bây giờ.
(còn tiếp)
Nguyễn Thông