Monday, December 23, 2024
HomeDIỄN ĐÀNTrường chuyên và triết lý giáo dục

Trường chuyên và triết lý giáo dục

Thái Hạo

Để tạm gác lại câu chuyện trường chuyên, tôi xin chia sẻ lên đây ý kiến của TS Dương Bích Hằng (Đại học Minnesota, Mỹ) thuộc Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global); chị cũng là đồng tác giả của cuốn sách rất đáng đọc “Giáo dục Phổ thông Việt Nam – chuyển biến và sáng tạo”. Ý kiến này được chị viết trong phần bình luận dưới bài HOA KỲ KHÔNG CÓ TRƯỜNG CHUYÊN  mà tôi chia sẻ từ TS Andrea Hoa Pham.

“Mình đồng ý với ý này của Thái Hạo: trường “chuyên” ở Mỹ và VN “khác hẳn nhau về tính chất, tổ chức, cách thức vận hành và cả mục tiêu” – vậy tiêu đề post có lẽ nên chỉnh chút xíu sẽ rõ hơn, vd. “Hoa Kỳ không có trường chuyên như Việt Nam”.

Học sinh cần được cởi trói bớt áp lực học hành, cần được bố mẹ truyền động lực học tập

Thực tế có thể nhìn nhận thế này: chương trình chuẩn cấp tiểu bang (structured, standard curriculum) ở Mỹ hoặc một số quốc gia khác chỉ là một cái khung, từ đó các phòng GD địa phương, trường và các giáo viên có thể áp dụng một cách linh hoạt ví dụ như theo tiếp cận dạy học phân hóa hay cá nhân hóa – nhằm hướng tới đáp ứng cách học và nhu cầu học của từng học sinh. Theo đó, song song với chương trình khung, có khá nhiều chương trình thiết kế riêng dành cho học sinh “đặc biệt” (có thể là tài năng, có thể là khuyết tật, hoặc đơn giản là có nhu cầu thêm về khía cạnh nào đó). Từ đó, các đơn vị/NXB “đua nhau” phát triển học liệu giáo dục phục vụ cho các chương trình này vô cùng đa dạng… Bản chất của nền giáo dục công ấy (public education) là phát triển năng lực của từng cá nhân, khai sáng tư duy, giải phóng sức sáng tạo mạnh mẽ và từ đó đóng góp vào một xã hội đề cao sự đa dạng – chứ không phải tạo ra công cụ phục vụ cho phát triển kinh tế hoặc mục đích chính trị. Và kết quả là tạo ra những sản phẩm dập khuôn mang tư duy theo một định hướng” (hết).

Ý kiến trên đây của TS Hằng đã nêu ra vấn đề cốt lõi: Triết lý giáo dục, còn gọi giản dị hơn là Mục đích giáo dục. Về nội dung này xin xem thêm nhận định rất căn bản của TS Giáp Văn Dương trong bài “Con người tự do hay con người công cụ?” trên báo Tuổi trẻ:

“Giáo dục đang rẽ vào khúc ngoặt với đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục”. Vì thế, cần thiết phải nhìn nhận chân xác hơn những vấn đề lớn mang tính định hướng của giáo dục.

Một trong những vấn đề như vậy là: Tìm lối thoát cho giáo dục ở chỗ nào?

Tự do hay công cụ

Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về con người với những phẩm tính cụ thể, nhưng về đại thể có thể chia thành hai trường phái lớn: con người công cụ và con người tự do.

Con người công cụ là con người không có hoặc có rất ít bản sắc cá nhân, được coi như một bộ phận nhỏ bé trong cả một hệ thống lớn, hướng đến một mục tiêu lớn, thường là rất trừu tượng. Vì thế, cách đào tạo chủ yếu là nhồi nhét một chiều. Phương pháp đào tạo lấy giáo viên và giáo trình làm trung tâm, dạy và học theo kiểu đọc chép. Không có phản biện, không có sáng tạo, không có lật ngược vấn đề.

Các nội dung đào tạo cũng không cần phải là kiến thức khả tín, mà có thể cài cấy các nội dung ngoài lề, thường là tuyên truyền một chiều và thường nhấn mạnh vào đạo đức, trách nhiệm… thay vì khai mở khả năng phản biện, xử lý thông tin, tìm hiểu thế giới để tìm ra sự thật.

“Nếu nền giáo dục muốn có những con người công cụ thì không cần phải đổi mới toàn diện, triệt để, vì hệ thống hiện tại đã đáp ứng được những tiêu chuẩn này”. 

Ngược lại với con người công cụ là con người tự do, theo nghĩa họ được tự do lựa chọn các giá trị mà mình theo đuổi, hành động mà mình thấy phù hợp. Trong giáo dục thì đó là tự do học thuật, theo nghĩa: tự do học, tự do dạy và tự do nghiên cứu.

Tất nhiên khi đã tự do lựa chọn thì anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Vì thế con người tự do không chỉ tự định đoạt số phận của mình mà còn tự chịu trách nhiệm với chính nó nữa.

Cũng nhờ đó mà con người tìm ra ý nghĩa đời sống của mình, vì họ được sống thật với điều họ muốn, cái mà họ theo đuổi, thay vì sống theo các tiêu chuẩn áp đặt từ bên ngoài, dù các tiêu chuẩn đó được truyền tải trong hệ thống giáo dục chính quy đi chăng nữa.

Chỉ bằng cách đó con người mới có khả năng phát triển tốt nhất phù hợp các đặc điểm sinh học và văn hóa của riêng mình, và do đó hoàn thiện được mình ở mức cao nhất có thể. Thông qua đó, anh ta sẽ đóng góp cho xã hội ở mức lớn nhất có thể.

Nếu là con người tự do, anh ta cũng sẽ có xu hướng bảo vệ tự do của mình và tôn trọng tự do của người khác. Đây là một sự tương tác kiểu “có đi có lại”, vì chỉ có bằng cách đó tự do của anh mới được người khác tôn trọng. Trong trường hợp có xung đột, hai bên sẽ bàn thảo và thỏa hiệp để có giải pháp chung.

Bằng cách đó, gốc rễ của một xã hội văn minh được hình thành. Ở đó, con người cá nhân được tôn trọng và bảo vệ. Giải pháp thì được tìm thấy thông qua thảo luận. Hành vi được giám hộ bởi thỏa thuận, hoặc rộng hơn là pháp luật. Con người công dân được hình thành một cách tự động.

Từ đây con người văn minh, độc lập và sáng tạo – nguồn gốc của phát triển – sẽ được hình thành. Tập hợp những con người này sẽ tạo ra một xã hội văn minh, độc lập và sáng tạo, tức một xã hội phát triển. Bằng cách đó, chính giáo dục chứ không phải cái gì khác, đã trực tiếp định hình sự phát triển của một dân tộc.

Cần tạo ra con người tự do

Nếu hệ thống giáo dục được thiết kế để tạo ra con người tự do thì ngay lập tức toàn bộ cơ cấu và cơ chế của nó sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với mục đích này”.

Đọc bài đầy đủ tại đây: https://tuoitre.vn/con-nguoi-tu-do-hay-con-nguoi-cong-cu-575369.htm

Thái Hạo

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular