Monday, December 23, 2024
HomeBLOGNhững cái nhìn lệch lạc của những người ủng hộ Tống thống...

Những cái nhìn lệch lạc của những người ủng hộ Tống thống Trump

Song Chi

Báo Tiếng Dân

Một số người ủng hộ Tổng Thống Trump với lý do chỉ có Trump mới diệt được Tàu Cộng, và Tàu Cộng chết thì Việt Cộng cũng… lung lay, và còn nói rằng sở dĩ Tàu cộng có được sự lớn mạnh để ngày càng hung hăng, ngang ngược như hiện nay chính là nhờ thời kỳ mấy mươi năm dưới sự lãnh đạo của các đời Tổng thống của đảng Dân Chủ như Bill Clinton và Barack Obama… Nhất là thời kỳ Obama “ôn hoà, thậm chí nhẫn nhục” để Tàu cộng ngang nhiên xâm chiếm biển Đông và tiến hành quân sự hoá các đảo. Các nhiệm kỳ của 2 vị Tổng thống Dân Chủ đã để lại nhiều di sản rất bất cập mà thời kỳ ông Trump hiện nay phải “ dọn dẹp “ một cách vất vả!

Tôi xin trả lời chung một lần như sau:

Thứ nhất, Trung Cộng trước đây khác với Trung Cộng bây giờ. Khi Mỹ vì muốn tập trung đánh Liên Xô nên đã bắt tay với Trung Cộng, đổi lại đã mở cửa về kinh tế cho Trung Cộng (một bước đi sai lầm dẫn tới sự lớn mạnh của Trung Cộng ngày hôm nay), lúc đó trong mắt Mỹ và phương tây, Trung Cộng chưa là cái gì cả dù là một nước lớn về diện tích, về dân số nhưng Liên Xô mới là mối đe dọa chính.

Sau đó thập niên 80, cho tới cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì họ Đặng tập trung vào chuyện cải cách kinh tế Trung Quốc, hướng TQ tới một nền kinh tế thị trường, kết quả Trung Quốc đã hội nhập được vào nền kinh tế thế giới.

Còn về đối ngoại, chính sách của họ Đặng là là tiếp cận khiêm tốn và thận trọng, “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời), tránh những đụng chạm, tránh can thiệp vào những vấn đề chung của thế giới. Công thức đó được Đặng Tiểu Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 1978, và sau đó được những người kế nhiệm tiếp nối và điều chỉnh.

Một khi Trung Cộng đi theo con đường như vậy thì Mỹ và thế giới đâu có lý do gì để phải lo sợ, ngăn chặn? Chỉ có người Việt chúng ta vì đã có những kinh nghiệm cay đắng trong lịch sử với Tàu nên bao giờ cũng cảnh giác với Tàu, chứ Mỹ và phương Tây lúc đó họ chỉ tập trung đánh gục Liên Xô trước cái đã.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì Trung Cộng cũng chưa lộ mặt nhiều. Đó là thời của Bill Clinton (1993 –2001). Nên không thể trách Bill Clinton được.

Đến khi lên làm Tổng thống (2001-2009) thì ông George W. Bush cũng vẫn chưa quan tâm nhiều đến Trung Cộng mà lại tập trung hơn vào khối Hồi giáo, vào những việc như trả đũa vụ 11/9, cuộc chiến tranh với Afghanistan, Iraq.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, khi Tập Cận Bình lên nhậm chức vào năm 2012 thì họ Tập đã chuyển khỏi chính sách “giấu mình chờ thời” và hướng tới một chính sách đối ngoại thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đó là khi Tổng thống Barack Obama lên 2009 – 2017. Cái nhìn của Mỹ về Trung Cộng cũng bắt đầu thay đổi. Chính Hillary Clinton khi làm Ngoại trưởng và tiếp xúc với các quan chức Tàu đã nhận ra tham vọng của họ và Trung Cộng có thể là mối nguy hiểm tiềm tàng như thế nào.

Hãy đọc lại bài viết từ năm 2011 của bà Hillary Clinton “America’s Pacific Century” (thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ”, Foreign Policy, “Clinton declares “America’s Pacific century”, Reuter), và sau đó chính bà Hillary Clinton đã cùng với TT Obama xoay trục về châu Á như thế nào. Hiệp định TPP (The Trans-Pacific Partnership, còn gọi là the Trans-Pacific Partnership Agreement) chính là chiến lược để chính quyền Obama đoàn kết các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và gạt Trung Quốc ra ngoài nhưng tiếc rằng, Trump vì luôn muốn đảo ngược mọi chỉnh sách của Obama nên đã rút lui và Trung Quốc liền có cái thay thế ngay, sáng kiến “Một vành đai, một Con đường” (Nhất đới, Nhất lộ).

Đến nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2017, khi phát biểu tại đại hội đảng Trung Quốc tháng 10.2017 thì Tập Cận Bình đã công khai nói về việc Trung Quốc muốn vươn lên thành siêu cường, muốn tham dự sâu hơn vào những vấn đề quốc tế, thậm chí cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn đưa ra “Giấc mơ Trung Hoa” để thay cho “American Dream”, được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược,

Như vậy tham vọng của Trung Cộng đã quá rõ ràng, và bây giờ thì Mỹ và phương Tây đã thấy rõ.

Trên đây tôi đã giải thích khi chính sách của Tàu thay đổi, Tàu lộ mặt thì mới có lý do để Mỹ và các nước thay đổi chính sách.

***

Về những lập luận cho rằng Obama yếu đuối, chỉ có Trump mới diệt được Tàu, rằng phải bầu tiếp cho Trump vì đảng Dân chủ mà lên thì Tàu lộng hành?

Thứ nhất, ông Trump không diệt Tàu và ngay cả có muốn cũng không dễ gì diệt được ngay. Trung Cộng sẽ sụp nhưng cũng như Liên Xô trước kia, cần phải có một thời gian dài và nếu muốn làm được như vậy thì Mỹ và các nước đồng minh phải đoàn kết, bao vây, ngăn chặn Tàu bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Trong 3 năm qua những trò chiến tranh thương mại của Trump có làm cho chế độ của Bắc Kinh sụp không? Hay cả 2 bên đều bị thiệt hại về kinh tế nhưng cuối cùng người nghèo ở Trung Quốc hoặc nông dân Mỹ mới bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cuối cùng thì hai bên lại ngồi vào bàn thương lượng với nhau như chúng ta thấy.

Khoan hãy nói chuyện gia đình Trump cho tới con gái, con rể đều có mối quan hệ làm ăn bao lâu nay với Tàu nên khó có chuyện Trump đánh Tàu mà không vướng mắc về lợi ích kinh tế riêng, cứ cho là Trump thực sự muốn đánh Tàu, nhưng chiến lược của Trump ra sao?

Chỉ đánh thuế, đánh vào kinh tế Tàu không chưa đủ. Mà phải tích cực đoàn kết với tât cả các nước đồng minh, có chiến lược lâu dài bao vây Tàu về mọi mặt, ngăn chặn Trung Cộng vươn vòi gây ảnh hưởng trên thế giới, ngăn chặn Trung Cộng tìm cách mua chuộc, thao túng các tổ chức, quốc gia theo hướng có lợi cho mình v.v…

Nhưng đường lối ngoại giao của Trump trong những năm qua như thế nào? Công kích đồng minh từ Âu sang Á, công kích NATO, làm sứt mẻ các mối quan hệ với đồng minh, dẹp bỏ TPP, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cắt viện trợ cho WHO… là củng cố hay làm yếu đi ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, là làm hại hay lợi cho Tàu?…

Đó là chưa nói Trump không quan tâm về vấn đề nhân quyền, không lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm nhân quyền ở các quốc gia độc tài nên chỉ riêng VN thôi, 3 năm qua nhà cầm quyền VN chùn tay hơn hay mạnh tay đàn áp những người bất đồng ý kiến, hoạt động dân chủ hơn? Số người bị bắt, bị cầm tù có giảm đi hay càng tăng với những bản án nặng nề hơn?

Còn về Trung Cộng, 3 năm qua Mỹ có ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông không hay là chúng vẫn tiếp tục không ngưng nghỉ một ngày nào quá trình biến các đảo thành căn cứ quân sự, hải quân, và chuẩn bị thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông?

Mới đây nhất, khi Tàu thông qua Luật An ninh Quốc Gia Hong Kong, chấm dứt mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong thì Mỹ làm được gì ngoài việc tuyên bố “Hong Kong không còn đủ sự tự trị với Tàu”, rút quy chế thượng mại đặc biệt dành cho Hong Kong, như thế có khác nào thừa nhận Hong Kong đã thuộc về Tàu rồi?

Nếu như Trung Quốc dưới thời Tập đang tìm cách mở rộng quan hệ, mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng trên thế giới thì Hoa Kỳ dưới thời Trump lại đang co cụm lại với chính mình, như thế là lợi hay hại? Mời đọc thêm “How China sees the World and how we should see China”, H. R. McMaster, The Atlantic. Đánh Tàu là phải có tầm nhìn như vậy.

Những người chỉ trích, phê phán Trump không phải vì “ông ta nói năng bộc trực, không có trình độ nghệ thuật ‘mỵ dân’ như ông Clinton và Obama mà thật ra là mồm lưỡi, xảo ngôn kiểu các nhà chính trị lươn lẹo không khác gì các chính trị gia CS” (?) Những người chỉ trích, phê phán Trump không phải vì Trump hành xử không theo kiểu “truyền thống” của các chính trị gia trước đây.

Những người chỉ trích, phê phán Trump cũng không chỉ vì những vấn đề về tư cách, nhân cách, đạo đức, mà cái chính là vì những lời nói, việc làm, chính sách của Trump đang gây hại cho nước Mỹ – đối nội thì làm cho xã hội Mỹ càng trở nên chia rẽ hơn bao giờ hết và những giá trị dân chủ, nhân quyền xây dựng từ bao đời bị xói mòn; đối ngoại thì làm cho vai trò, uy tín, sức mạnh mềm của Mỹ bị giảm sút trên thế giới.

Chỉ qua hai ví dụ là đại dịch cúm Vũ Hán và các cuộc biểu tình biến thành bạo lực vừa qua cũng đủ chứng minh Trump không có khả năng đối mặt và giải quyết những cuộc khủng hoảng, thay vào đó chỉ biết đổ lỗi, không nhận trách nhiệm “I don’t take responsibility at all”, chỉ biết công kích người khác, hăm dọa, đòi sử dụng quyền lực và vũ lực để trấn áp…

Cuối cùng, tôi cho rằng, sắp tới dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền thì cũng sẽ thay đổi chính sách với Tàu, cũng sẽ coi Tàu là đối thủ. Nhưng hãy hy vọng vào một TT có tài đức hơn Trump.

Còn số phận VN thì chỉ có người VN mới thay đổi được, không thể hy vọng, trông chờ vào bất cứ một thế lực bên ngoài nào hay bất cứ ai.

Lâu nay tôi vẫn tránh những cuộc tranh luận về Trump vì không đi đến đâu và rất mất thì giờ, mất bạn bè (!), nhưng hôm nay buộc phải nói vậy. Có những sai lầm của nước Mỹ phải mất hàng chục năm sau mới thấy được, như việc rút khỏi VN, phản bội VNCH chẳng hạn. Việc Trump lên làm tổng thống cũng vậy, những hậu quả để lại cho nước Mỹ trong nước cũng như việc xây lại hình ảnh cho Hoa Kỳ trên thế giới phải mất rất nhiều thời gian.

Đừng vì cảm tính hay vì quá tuyệt vọng về số phận của VN mà lại đi đặt hết niềm tin và sự hy vọng vào một tổng thống Hoa Kỳ như Trump. Thay vào đó hãy tìm đọc nhiều nguồn tin khác nhau trên báo tiếng Anh của các nước để thấy trong số những người lên tiếng phản đối Trump mạnh mẽ có rất nhiều nhân vật có tên tuổi, vị trí trong xã hội Mỹ, để thấy châu Âu và thế giới đánh giá Trump và nước Mỹ dưới thời Trump ra sao và khi đọc thì đối chiếu từ nhiều nguồn để kiểm tra sự thật (thậm chí nếu không đọc được tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức… thì trên internet này nhiều người giỏi ngoại ngữ, mỗi ngày vẫn dịch không công rất nhiều cho mọi người đọc) chứ đừng chỉ đọc báo tiếng Việt không có nguồn tin, không dẫn chứng, số liệu v.v…của những người cuồng Trump!

____

* Tựa đề do Tiếng Dân đặt

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular