SAIGONNHO
VŨ ĐÌNH TRỌNG tổng hợp
Sáng ngày 6 Tháng Năm, 2020 TANDTC Việt nam đã mở phiên Giám Đốc Thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) năm 2008.
Chủ tọa phiên Giám Đốc Thẩm là Chánh Án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.
Bị cáo Hồ Duy Hải không được tham dự phiên xét xử này.
Vụ án Hồ Duy Hải – Kỳ 1: Phiên Giám Đốc Thẩm sẽ có công lý?
Tử tù Hồ Duy Hải có thoát khỏi tay Chánh Án Nguyễn Hòa Bình?
Theo Báo Mới, phiên Giám Đốc Thẩm có sự hiện diện của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC, Viện Kiểm Sát, các cơ quan tố tụng các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tỉnh Long An, TP.HCM, các cơ quan Trung Ương và luật sư Trần Hồng Phong tham gia bào chữa vụ án.
Những người quan tâm theo dõi vụ án này đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Ông Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó Trưởng phòng PC06, Công an Long An); Các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi được tòa mời đến đều có mặt. Đặc biệt có mặt ông Lê Quang Hùng, Thẩm phán phiên tòa sơ thẩm.
Bản tin không nói lý do vắng mặt của ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải). (1)
Luật sư Trần Hồng Phong trình bày chứng cứ mới
Mở đầu, Chánh Án Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008, khiến hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong.
Vẫn theo ông Chánh Án, nhiệm vụ của phiên Giám Đốc Thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của VKSNDTC.
Phần giờ đầu của phiên tòa, sau khi VKSNDTC trình bày toàn văn quyết định kháng nghị Giám Đốc Thẩm, luật sư Trần Hồng Phong được phép trình bày ý kiến trong vòng 30 phút. Theo lời luật sư Phong sau đó, ông đã đưa ra một số chứng cứ mới mà trong hồ sơ vụ án không thể hiện, hoặc được diễn giải không đúng. Trả lời phỏng vấn Báo Sạch sau khi ra về, luật sư Phong nói rằng phía gia đình Hồ Duy Hải và ông đã gửi ba lá đơn: Đơn đề nghị giám đốc thẩm, đơn tố giác nghi can Nguyễn Văn Nghị (bạn trai của một trong hai nạn nhân – PV) và đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Những đơn này đã có phiếu nhận, chuyển và theo quy định là sẽ giải quyết, trả lời. Chính vì vậy cần thiết được Hội Đồng Giám Đốc Thẩm xem xét. Nghe vậy, chánh án TAND Tối cao – chủ tọa phiên tòa nói: “Tôi đã đọc các lá đơn này”.
Luật sư Phong cũng trình bày với Hội Đồng Thẩm Phán rằng việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm không mời hai nhân chứng đã có lời khai là anh Lê Phụng Hiếu và Đinh Vũ Thường tham gia các phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Việc CQĐT có mời làm việc nhưng trong quyết định kháng nghị lại nói: “Không có lời khai ban đầu của anh Lê Phụng Hiếu, không cho anh Thường nhận dạng…”, tức là có dấu hiệu đã rút tài liệu khỏi hồ sơ vụ án.
Luật sư Trần Hồng Phong rất bất ngờ khi không được tham dự đầy đủ ba ngày phiên Giám Đốc Thẩm như trong giấy mời. Ông tiếp tục làm đơn đề nghị được tham dự nhưng bị ông Chánh Án từ chối. Ông Phong nói:
“Buổi làm việc sau giờ giải lao, ông Chánh Án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói ngay là đã nhận được đơn của tôi, Hội Đồng Thẩm Phán đã hội ý và thấy tôi không cần phải tham gia, vì bây giờ bước vô phần ‘xem xét nội bộ’ (chữ ông Nguyễn Hòa Bình dùng) nên tôi đã xong trách nhiệm của mình rồi.”
Đại diện VKS Long An nhận khuyết điểm “sơ suất”
Đề cập đến việc bị cáo Hồ Duy Hải có nhiều lời khai không nhất quán, không phù hợp với hiện trường vụ án, ông Lê Thành Trung (điều tra viên tham gia vụ án lúc đó, này là Trưởng Công An huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết giai đoạn đầu vụ án, do sợ bị mức án cao, Hồ Duy Hải lúc khai thiếu, lúc khai thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra. Đến các bản hỏi cung ngày 27-6, 7-7, 11-7-2008, có điều tra viên và kiểm sát viên tham gia, Hải đã khai toàn bộ tình tiết sự thật. (2)
Trả lời câu hỏi của đại diện VKSNDTC về kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân căn cứ vào đâu, ông Trung cho biết Hải đã khai như thế, và lời khai này cũng phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường.
Thế nhưng tại hiện trường lại không thu được cái thớt, mà sau đó, công an yêu cầu cô Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng. Ông Trung nhận khuyết điểm do sơ suất, “nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt.” (!)
Cuối cùng, đại diện VKSND tỉnh Long An cho rằng việc thay đổi lời khai của Hồ Duy Hải đã được làm rõ, có đủ cơ sở, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với các chứng cứ khác.
VKSNDTC đề nghị hủy toàn bộ bản án, điều tra lại
Sau phần lý giải của đại diện VKS Long An, đại diện VKSNDTC cho rằng bản án sơ và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, có nhiều điều mâu thuẫn như thời gian sau khi gây án, việc tiêu thụ tài sản, hành vi hiếp dâm bị hại… Kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khi bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Từ những nhận định trên, VKSNDTC đề nghị Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Trước những nội dung trình bày kháng nghị nêu trên, chủ tọa phiên họp – Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác từng vấn đề.
Nhận định
Tuy đại diện VKS Long An Lê Thành Trung nhận khuyết điểm về sơ suất, do “nhận định của điều tra viên còn hạn chế” nên có những hành động mua chứng cứ mới,… thế nhưng ông vẫn giữ vững lập trường về quyết định của VKS Long An, không muốn thay đổi kết quả vụ án. Việc này trước đây (năm 2011) đã được sự đồng tình của ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện Trưởng VKSNDTC khi quyết định không kháng nghị vụ án.
Nhiều người theo dõi vụ án nhiều năm cho rằng năm nay, trong phiên Giám Đốc Thẩm, với cương vị Chánh Án TANDTC, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ có cái nhìn khác về vụ án này. Không nói đến việc Hồ Duy Hải có tội hay không, việc tòa án cấp dưới cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án cũng đủ điều kiện cho ông ra quyết định hủy bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, để điều tra lại từ đầu.
Tuy nhiên, nếu vụ án này “chằng may” có liên quan đến một vài nhân vật quan trọng trong chính phủ đương thời, mà quyền lực của họ có thể bao trùm sinh mạng chính trị của nhiều người, có thể ông Nguyễn Hòa Bình sẽ phải quyết định theo “tiền đồ” của mình.
Nguồn:
(1) https://baomoi.com/giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-mot-so-luat-su-kiem-sat-vien-vang-mat/c/34951753.epi?utm_source=dapp&utm_medium=browser&utm_campaign=share&fbclid=IwAR1HjZ-x28_QEoC-LbRySzzCuxrkSms4NyMpQ_Wyl7NJCKio7iCI-fraKT4
(2) https://plo.vn/phap-luat/dieu-tra-vien-ly-giai-loi-khai-mau-thuan-cua-ho-duy-hai-910781.html
(3) https://plo.vn/phap-luat/vien-toi-cao-de-nghi-gi-voi-hoi-dong-giam-doc-tham-ho-duy-hai-910729.html