Nguyễn Lan Anh
Dazai Osamu
“Sống, dù chỉ là một vai hề, cũng phải đi đến tận cùng đày ải.
Sống, nhiều khi không bằng chết nhưng phải nghiến răng đi tiếp, nhiều khi chưa chắc gì vì hai chữ ngày mai…”
Ai Sẽ Đánh Thức Những Người Đang Ngủ Say Trong Thời Đại Mới?
Có một chuyến tàu đi đến một nơi vô định, chở những người đang điềm nhiên say ngủ. Không có ai biết được lúc nào sẽ đến nơi, mọi người thậm chí còn không biết họ muốn đi đâu. Trong cơn mê, họ thậm chí không nhận ra đây có phải là thân thể của chính mình hay không. Tuy nhiên, vẫn còn có một hy vọng, đó chính là đứa bé con vừa thức dậy. Cho dù chỉ có thể chỉ tay để biểu đạt điều nó muốn, thì nó cũng không muốn bỏ cuộc. Nó thậm chí còn muốn khóc to lên để có thể nhờ vậy mà đánh thức những người đang ngủ say…
Đoạn văn này giống như một đoạn trong cổ tích, hay có thể nói là một câu chuyện ngụ ngôn. Nó không thể không làm tôi phải nhớ lại chuyện giáo sư Quách Ô Hoa ở Đại học Thanh Hoa đã từng có một bài nói chuyện vô cùng thẳng thắn:
“Tôi không có khả năng đánh thức những người xung quanh, tôi chỉ có thể đấu tranh để chính mình không ngủ mê đi mất; Tôi không có năng lực đạp đổ bức tường chắn, nhưng mà tôi nhất định không thể góp cho bức tường đó thêm một viên gạch nào; Số phận của tôi là không thể thay đổi được quyền thế, tôi chỉ chiến đấu để quyền thế không thay đổi tôi; Tôi có thể cả đời mình cũng không nhìn thấy được tương lai, nhưng tôi vĩnh viễn khắc sâu vào tim mình chính niệm và phương hướng”.
Trong sâu thẳm linh hồn của chúng ta, mỗi người đều có một hạt giống, có người thì lựa chọn vứt nó đi, có người lại đem gieo nó ở vùng thổ nhưỡng.
Hôm nay, khi đối mặt với thực tế, chúng ta chỉ có thể bất lực không tìm ra lựa chọn hoặc là trù trừ không quyết điều gì, hoặc là chỉ bàn chuyện cũ của Trung Quốc 100 năm trước mà thôi. Kim Mãn Lầu trong “Đế quốc điêu linh: 10 năm cuối cùng của Mãn Thanh” có nói, điều cốt lõi vào 10 năm cuối của Mãn Thanh là cuộc chiến giữa “cấp tiến và bảo thủ”, cuối cùng “cấp tiến” đã chiến thắng “bảo thủ” và thành lập chính quyền lập hiến, đã dùng bạo lực vũ trang để bức hoàng đế phải thoái vị, Trung Quốc được tiến về phía trước một bước lớn. Trên thực tế, sau khi Mãn Thanh tiến hành cải cách chính trị, căn bản không hề tồn tại câu chuyện bảo thủ, 10 năm cuối cùng của Mãn Thanh thay vì nói là cuộc chiến giữa “cấp tiến và bảo thủ”, thì nên nói là cuộc chiến giữa “cách mạng và cách tân”, cuối cùng chính là “cách mạng” chiến thắng “cách tân”.
Lật đổ hoàng đế cũng không thay đổi được chế độ chuyên chế độc tài. Cuộc cách mạng này cuối cùng chỉ là cuộc cách mạng về hình thức. Khi nói về cách mạng Tân Hợi, những người thuộc đảng cách mạng đều có cái nhìn rất lãng mạn về “dân chủ cộng hòa”, nhưng chỉ có giá trị về thẩm mỹ chứ không có giá trị gì thực tế. Công tích lớn nhất của cách mạng Tân Hợi chính là hạ bệ được hoàng đế, nhưng mà nó cũng để lại rất nhiều khiếm khuyết. Bởi vì mục đích của cách mạng vốn là lật đổ chế độ chuyên chế, chứ không phải chỉ là nhằm đến hoàng đế người Mãn.
Năm 1904, khi Từ Hi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, có ký giả là Lâm Bạch Thủy viết một bài đăng trên tờ “Kinh Chung Nhật Báo” để mỉa mai Từ Hi, lúc đó báo chí cả nước tranh nhau đăng lại:
Hôm nay vui ở Tây Uyển, ngày mai vui ở Di Hòa, không biết ngày nào mới vui ở Viên Minh Viên (cung điện mùa hè đã bị quân Anh, Pháp đốt năm 1860).
400 triệu bộ xương khô hết, chỉ để cho một người vui vẻ.
50 mất Lưu Cầu (khu vực đảo giữa Nhật và Trung Quốc), 60 mất Đài Hải, 70 lại mất ba tỉnh phía Đông.
Mỗi lần đều tung hô vạn thọ vô cương!
Việc không ngờ là, lúc đó Từ Hi cũng rất bình hòa, không cho tra xét tòa soạn, cũng không truy cứu tờ báo, kẻ phạm thượng Lâm Bạch Thủy về sau vẫn an nhiên vô sự.
Trung Quốc một trăm năm sau, liệu có còn việc tốt như thế? Chỉ cần trên mạng Tencent xuất hiện một từ ngữ “phạm húy”, thì cả ban biên tập viên sẽ như ‘cá bị chiên giòn’. Mạng Weixin mặc dù nói là đã thay đổi văn hóa tiếp nhận thông tin của người ta, nhưng mà mỗi ngày hàng ngàn hàng vạn bài đăng bị chặn hay bị xóa. Người ta cũng vẫn giống như lúc trước, chỉ có thể mơ những giấc mơ tuân theo những quy định chặt chẽ của hoàng gia. Những giấc mơ lúc rõ lúc mờ, lúc làm người kích động, lúc làm người đau thương. Vô luận năm ngoái phát sinh sự việc ở Thiên Tân hay gần đây là sự việc ở Liên Vân Cảng, các báo chí công khai đều đồng loạt im lặng, và tiếng nói của nhân dân thật yếu ớt.
Hai thành phố ven biển phát sinh sự kiện trọng đại liên quan trực tiếp đến sức khỏe và an nguy của hàng chục triệu người, vậy mà có rất rất ít người trên Weixin đăng bài thảo luận. Ngoại trừ việc họ đã bị ma mị hay sợ hãi, thì càng nên nói đến việc giá trị quan và đạo đức quan của người ta hiện nay đều đã bị sứt mẻ hay bị bệnh. Người ta có thể biểu đạt ý kiến, đối với người khác, đối với xã hội, đối với hoàn cảnh, đối với sự việc chung miễn là không trực tiếp với những người hay sự việc ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân mình. Hay nói cách khác chính là thái độ lạnh lẽo “không quan tâm, không tham dự, không giúp đỡ”. Chúng ta ở tại nơi phồn hoa đô thị, văn minh vật chất phát triển cao độ mà đạo đức luân lý lại ngày càng suy thoái. Sự suy thoái này càng lúc càng mất kiểm soát, mà cái sự mất kiểm soát này đều bắt nguồn từ mỗi người chúng ta.
Sự méo mó của xã hội Trung Quốc bây giờ càng lúc xuất hiện càng nhiều. Có bạn trên mạng của tôi nói là: Ở đâu cũng là củi khô, không dùng bạo lực để dập lửa thì liệu có cách nào để kết thúc không? Nhưng mà, sử dụng bạo lực để duy trì có thể nào là kế lâu dài? Một loạt sự kiện diễn ra năm nay đều không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là có sự sắp xếp, mà là các vấn đề của thể chế xã hội đã chồng chất nhiều năm tích lũy lại mà thành, cũng là các mâu thuẫn xã hội đồng thời một lúc bộc phát và biến hình mà nên.
Mặc dù quyền lực và bạo lực có thể kiểm soát dư luận và áp chế sự phẫn nộ của nhân dân, nhưng mà trong thời đại Internet này, trên thế giới không tồn tại bức tường nào mà gió không thể thổi qua. Quyền lực và bạo lực cũng không có cách gì ngăn chặn được sức mạnh của sự suy thoái và đổ vỡ kinh tế. Thuế má nặng nề vẫn y như trước, thu nhập không đủ bù cho chi tiêu. Tầng lớp trung lưu thành thị làm việc quần quật trong áp lực sinh hoạt nặng nề, chỉ nhìn thấy thực trạng của Trung Quốc mỗi ngày mỗi vấn đề phát sinh. Với họ, cuộc sống tốt đẹp đúng chỉ là huyễn ảnh xa vời.
Nhìn thấy thành phố ven biển kia xảy ra vụ nổ, và gần đây nhân dân Liên Vân Cảng vì môi trường sống của bản thân đã đấu tranh, cái giới gọi là tinh anh thành thị lại càng lạnh lẽo tuyệt vọng. Trong bầu không khí chính trị ngột ngạt, trong làn sương mù thành thị làm cho người ta phải cay mũi mờ mắt, không rõ liệu còn có bao nhiêu người trong thời đại mới này có thể nhìn thấy rõ được tương lai? Có một vài người từ trong giấc mộng đã bừng tỉnh nhưng họ có lẽ hoặc là đang quay cuồng với bản thân hoặc là đang kêu những tiếng ai oán: Giấc mơ tiếp theo của Trung Quốc, có ai biết là cái gì, có ai biết là ở đâu không?
[Thái Thận Khôn]
Nguồn bài, ảnh: Net.