BBC
Việt Nam lại bị chỉ trích đích danh trong báo cáo năm 2019 của tổ chức nhân quyền ‘Amnesty International’ (Ân xá quốc tế).
Ân xá quốc tế nêu bật vấn đề quyền tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm, bị chết trong khi bị giam giữ hay việc lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khi đó báo cáo công bố trung tuần tháng 1 của ‘Front Line Defenders’ thì nhận đình rằng, việc các nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công trên mạng là những thách thức với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Ân xá quốc tế: VN siết tự do ngôn luận
Báo cáo “Quyền con người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Nhìn lại năm 2019” được tổ chức nhân quyền Ân xá quốc tế công bố hôm 30/1 tại Bangkok, Thái lan, nêu ra một loạt các vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam gồm việc gia tăng số lượng các lương tâm tù nhân; đàn áp quyền con người căn bản; ban hành luật an ninh mạng; các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa…
Liên quan đến tự do ngôn luận, báo cáo cho hay, trong năm 2019, chính quyền đã bắt và truy tố ít nhất 23 người.
Hầu hết những người này chỉ thể hiện quan điểm của họ liên quan đến những vấn đề như tham nhũng, môi trường và nhân quyềnv và sử dụng Facebook như một nền tảng để thể hiện các quyền trên. Có người trong họ sau đó đã bị kết án tù lên đến 11 năm.
Theo Ân xá quốc tế, chính quyền cũng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi ấn hành những cuốn sách thể hiện những quan điểm không ‘vừa ý’ chính quyền.
Theo tổ chức này, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên toàn quốc do nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản nói trên.
Về vấn đề tù nhân lương tâm, báo cáo của Ân xá quốc tế cho rằng, việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó, tiến hành các vụ bắt giữ đã dẫn đến gia tăng số lượng tù nhân lương tâm của Việt Nam.
Theo đó, đến tháng 5, tại Việt Nam có 118 tù nhân. Một vài tù nhân lương tâm đã được thả tự do sau thời gian thụ án, nhưng bù lại, số tù nhân lương tâm bị bắt cao hơn.
Báo cáo viết rằng, các thành viên gia đình và các nhóm nhân quyền cho thấy, trong năm 2019, tù nhân lương tâm tiếp tục chịu đựng nhiều hình thức đối xử tệ hại trong tù, kể cả biệt giam, không được tiếp cận với dịch vụ y tế, bị lạm dụng tinh thần và thể chất…
Nhiều giám thị trại giam còn khuyến khích các tù nhân bị giam giữ vì các tội hình sự khác hăm dọa, hành hung tù nhân lương tâm. Thậm chí, thành viên gia đình hai tù nhân lương tâm còn nói rằng, thân nhân của họ bị dọa giết.
Sau khi bị kết án, tù nhân lương tâm thường bị chuyển đến các cơ sở giam giữ xa địa phương nơi gia đình họ đang sống, khiến các thành viên gia đình khó khăn nếu muốn đến thăm họ.
Báo cáo cũng viện dẫn trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất.
Ông Nhất đã mất tích tại Bangkok, Thái Lan, khi đang tìm cách xin tị nạn tại đây. Các nhân chứng nói rằng, vụ mất tích của ông Nhất liên quan đến lực lượng an ninh Việt Nam. Sau đó, chính quyền thừa nhận đang giam giữ ông Nhất ở Hà Nội với cáo buộc tham nhũng.
Báo cáo cũng nói là trong năm 2019, có Ít nhất 11 người tại Việt Nam đã thiệt mạng trong khi đang bị giam giữ. Và chính quyền vẫn ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập với những trường hợp tử vong như vậy.
FLD: Rủi ro với các nhà nhân quyền trên mạng
Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019, đầu tháng 1/2020, báo cáo của tổ chức nhân quyền “Front Line Defenders” (FLD) đưa việc Việt Nam đưa Luật An ninh mạng vào hiệu lực trong năm 2019 như một mối nguy cho những người hoạt động về nhân quyền.
Theo tổ chức này, Luật An ninh mạng được sử dụng nhằm buộc những nhà hoạt động nhân quyền phải im lặng.
FLD cũng viện dẫn Việt Nam bên cạnh nhiều nước khác như Algeria, Bahrain, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Lebanon mà tổ chức này cho rằng, là những nơi mà những người hoạt động nhân quyền đối mặt với nhiều rủi ro do các tấn công trên mạng.
Các hình thức tấn công trên mạng phổ biến nhất nhắm vào họ là phỉ báng, quấy rối và truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội của họ để lấy cắp thông tin, sau đó dùng những thông tin này để phá hoại danh tiếng và sự an toàn của họ.
Ở một số nước, mà theo báo cáo này là có Việt Nam, chính quyền còn tổ chức chiến dịch khiếu nại lên các công ty truyền thông xã hội để khóa tài khoản của các nhà hoạt động nhân quyền.
FLD cho biết năm 2019, có 304 nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại tại 31 quốc gia. Việt Nam không có tên nằm trong danh sách các quốc gia này.
VN xếp hạng thấp về dân chủ, nhân quyền
Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, xếp Việt Nam thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng, với 3.08 điểm.
Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.
Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.
VN: Sai lầm về phương pháp luận
Việt Nam luôn cho rằng, việc dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.
Trong bài viết “Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam” đăng trên tờ Quân đội nhân dân, TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, “không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân…
“Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội”, ông Thái viết.