Hoàng Thủy Ngữ
7-1-2020
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Iran – Hoa Kỳ đã đi từ đóng băng sang bùng nổ dữ dội sau khi tướng Qasem Soleimani của Iran và một số nhân vật quan trọng của dân quân được Iran hậu thuẫn, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, tại phi trường quốc tế Baghdad ở Iraq.
Ngũ Giác Đài đã xác nhận Soleimani bị giết “theo lệnh của tổng thống” và gọi cuộc không kích là “hành động tự vệ”. Tổng thống Trump đã tweet ngay sau đó hình lá cờ Mỹ nhưng không chú thích gì thêm.
Trong số 11 người khác bị chết trong cuộc ám sát có cả Abu Mahda Al-Muhandis, lãnh đạo phó Ủy ban Huy động Nhân dân, một tổ chức tập hợp 40 nhóm dân quân Iraq, gồm cả Hồi giáo Shiite và Sunni, Ki–Tô Hữu và Dòng Tên trong hàng ngũ của họ.
Qasem Soleimani là thiếu tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và từ năm 1998, ông ta là chỉ huy trưởng lực lượng Quds. Đây là một bộ phận của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng có vai trò và trách nhiệm chủ yếu trong các hoạt động quân sự bí mật bên ngoài biên giới Iran.
Kể từ khi thành lập năm 1979, Quds được coi là một trong những lực lượng quân sự quan trọng nhất của Iran, dùng để tấn công các đối thủ ở Trung Đông. Quads là chuyên gia trong cái gọi là “chiến tranh có cường độ thấp”, với mục đích xây dựng mạng lưới gián điệp, thao túng và xâm nhập các cộng đồng xã hội khác nhau.
Soleimani sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, ông gia nhập Lực lượng Bảo vệ Cách mạng trước khi thực sự bắt đầu sự nghiệp quân sự trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Mặc dù không được đào tạo chính quy, Soleimani đã chứng tỏ khả năng xuất sắc trong việc huấn luyện và chỉ huy. Ông ta được nhanh chóng biết đến do sự dũng cảm trong cuộc chiến giành lại các khu vực bị lực lượng Saddam Hussein chiếm đóng. Cuối cùng Soleimani được chỉ huy một sư đoàn riêng trong quân đội Iran, dù lúc đó chỉ mới 20 tuổi.
Soleimani là một trong những tướng lãnh có nhiều quyền lực nhất trong khu vực. Phương Tây gọi ông là “The Shadow Commander” vì ông cầm đầu các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Ông ta là nhân vật trọng tâm ở cả Iran và Trung Đông và rất nổi tiếng trong giới bảo thủ ở Iran. Năm 2011, Soleimani được nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran Ayatolla Ali Khamenei thăng cấp thiếu tướng. Hai người này thân nhau đến mức có lần Khamenei gọi Soleimani là “người tử vì đạo sống”.
Là người chịu trách nhiệm về tình báo và các hoạt động quân sự bí mật của Iran, ông ta không chỉ là một trong những viên chức quân sự độc lập và xảo quyệt nhất của Iran mà còn là một nhà lãnh đạo đầy tiềm năng của quốc gia này trong tương lai.
Tướng David H. Petraeus , người lãnh đạo lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq và nhà ngoại giao Mỹ Ryan Crocker trong bộ phim tài liệu “Iran’s Military Mastermind” đã nói về ảnh hưởng của Qasem Soleimani trong khu vực. Người Mỹ mô tả ông ta là người lôi cuốn, hiểu biết, rất chuyên nghiệp và độc ác. Ryan Crocker viện dẫn nhân vật phản diện trong bộ phim Star Wars-Universe: ”Chúng tôi xem ông ta là Darth Vader trong chính trị Trung Đông đương đại”.
Theo The Guardian, Soleimani đã góp phần định hình khu vực sau chiến tranh Iraq vào thập niên 1980 và cuộc cách mạng ở Syria trong những năm 2010. Trong một bài báo, The New Yorker viết rằng, Hoa Kỳ và Iran đã hợp tác không chính thức trong một thời điểm để chống lại Taliban. Lý do hợp tác là sự hỗn loạn xảy ra sau khi Al-Qeada tấn công tòa tháp đôi ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ngay sau cuộc tấn công, một số đặc vụ Iran, dưới sự chỉ đạo của Soleimani, đã gặp và giao cho các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Geneve tấm bản đồ đánh dấu các căn cứ của Taliban cần phải ném bom phá hủy. Mục đích của cuộc họp mặt là để thảo luận một mặt trận chung chống lại Taliban.
Việc hợp tác chấm dứt khi tổng thống George W. Bush tuyên bố vào tháng Giêng 2002 Iran là một quốc gia trong “trục ma quỷ”. Tòa Bạch Ốc khẳng định Iran là kẻ thù chính trong khu vực.
Soleimani giật dây từ hậu trường các sinh hoạt chính trị và hoạt động quân sự của Iran, Iraq, Syria và Lebanon.
Trong cuộc chiến Iran-Iraq, Soleimani có quan hệ với nhiều nhóm dân quân, trong đó có cả các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq chống lại Saddam Hussein.
Soleimani được coi là nhân vật chính trong cuộc chiến gia tăng ảnh hưởng của người Shiite và Iran ở Trung Đông. Soleimani cũng tác động một phần đến việc thiết lập bộ máy nhà nước Iraq bằng cách ủng hộ cuộc bầu cử của cựu thủ tướng người Shitte Nouri al-Maliki.
Soleimani được nhiều người mô tả là khối óc chiến lược quân sự của Iran ở Trung Đông trong những năm gần đây. Chiến lược này nhằm xây dựng các nhóm dân quân hùng mạnh, như Hezbollah ở Lebanon, hoặc liên minh trực tiếp với các quốc gia như Syria của Bashar Al-Assad.
Năm 2000, ông ta có được chiến thắng đầu tiên khi Israel rút khỏi miền nam Lebanon sau 16 năm chiếm đóng. Đến lúc đó, nhờ được Iran huấn luyện, Hezbollah đã trở nên quá mạnh đối với lực lượng Israel.
Theo những người trốn thoát khỏi Syria, Soleimani đã nhúng tay vào cuộc nội chiến ở Syria vào nửa cuối năm 2012. Vào thời điểm này, Iran lo chế độ Al-Assad không thể một mình đương đầu với các nhóm phiến quân và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tờ The New Yorker cho biết, Soleimani đã lãnh đạo cuộc chiến từ một căn cứ tại Damacus ở Syria. Gần đây, một số người nhấn mạnh đến vai trò của Soleimani trong việc tổ chức và huấn luyện các nhóm phiến quân thân chính phủ. Đây là lý do chính tại sao Bashar Al-Assad vẫn duy trì được quyền lực ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Hoa kỳ và Iran đã từng có một kẻ thù chung ở Trung Đông: Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong cuộc chiến chống IS, năm 2014, khi đã chiếm được phần lớn miền bắc Iraq, IS tiến công như vũ bão về thành phố Erbil, cửa ngõ dẫn vào Bagdad, hàng trăm ngàn binh lính Iraq phải chạy trốn. Monsul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, lọt vào tay chiến binh IS. Họ thu được rất nhiều vũ khí của Mỹ.
Hoa Kỳ ngưng viện trợ vũ khí cho lực lượng người Kurd mặc dù đã được báo động. Quân đội Iraq lúc đó chỉ có vũ khí lỗi thời của Nga. Trong cơn tuyệt vọng, thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki (2006 – 2014) phải cầu cứu Iran. Chính Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho lực lượng Kurd và chính phủ Iraq để chặn đứng cuộc tiến công của IS. Trên ý nghĩa nào đó, người Kurd đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi và khi tái tham chiến, liên quân cũng là đồng minh không chính thức với Soleimani.
Reuters trước đây cho biết, Soleimani đã tới Nga vào tháng 7/2015 để thuyết phục Nga hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chế độ Al-Assad. Những tháng kế tiếp, ông ta trực tiếp có mặt trong các cuộc đụng độ lớn với IS. Khi lực lượng Iraq mở cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát Tikrit năm đó, lực lượng đặc nhiệm Iran đã có mặt trên chiến trường trong khi không quân Mỹ ném bom các cứ điểm của IS trong thành phố. Soleimani đã chỉ huy một phần cuộc tấn công từ một ngôi làng cách đó khoảng 50 km.
Mohammed Marandi, người đứng đầu trong việc nghiên cứu chính sách Mỹ tại Đại học Tehran, nói với đài truyền hình Al Jazeera: “Nếu không có những người như ông ta, chúng ta sẽ thấy nhiều lá cờ đen hơn trong khu vực“.
Vào sáng thứ Sáu 3/1/2020, “Darth Vader của Trung Đông”, người đàn ông có thể sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Iran, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad.