Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGVOICE - TRỊNH HỘI VÀ SỰ MẪU MỰC TRONG VIỆC TRỢ GIÚP...

VOICE – TRỊNH HỘI VÀ SỰ MẪU MỰC TRONG VIỆC TRỢ GIÚP NGƯỜI TỊ NẠN

Bạn làm việc trong một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho người tị nạn, bạn nghi ngờ một người tị nạn khai báo gian dối, bạn quyết định loại hồ sơ của người đó ra khỏi sự hỗ trợ của bạn. Nếu bạn từng có hành động này, quan điểm của tôi là: Bạn nên nghỉ việc vì bạn đi ngược lại các tiêu chuẩn tối thiểu khi hoạt động nhân quyền.

Ngay cả khi sự nghi ngờ là hợp lý, thì bạn cũng không được phép loại một hồ sơ của người tị nạn ra khỏi sự hỗ trợ của bạn vì (1) bạn không có thẩm quyền hay đủ khả năng tiến hành điều tra xác minh, và (2) nhiệm vụ công việc của bạn không cho phép bạn cản trở một người đang trong tiến trình thực hiện quyền xin tị nạn của họ.

Sự đối xử công bằng ở đây là, tất cả người tị nạn tìm đến với bạn, đều được bạn tư vấn và hướng dẫn tận tâm. Không một sự phán xét hay định kiến nào của bạn được đưa ra đối với người tị nạn. Nhiệm vụ cao cả của bạn là, hãy đưa tất cả những người đang tìm kiếm tị nạn đều có cơ hội gõ cửa cơ quan di trú để được phỏng vấn. Còn sau đó, đánh giá người tị nạn này như thế nào, có hội đủ điều kiện để đi định cư hay không sẽ do chính cơ quan di trú quyết định.

Các quốc gia tiếp nhận người tị nạn đều có những quy định khác nhau về điều kiện người tị nạn được tái định cư. Công việc của một người hỗ trợ người tị nạn là cần vận động giới chức ở các quốc gia này nới lỏng các điều kiện tiếp nhận, để càng nhiều người tị nạn có được cơ hội đi định cư. Thậm chí đối với các trường hợp khó, tức khó hội đủ điều kiện theo quy định được đặt ra, bạn không nên bỏ cuộc, mà cần kiên trì và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để hoàn thiện hồ sơ giúp người tị nạn tái định cư thành công.

Người làm công việc hỗ trợ tị nạn cũng là người bảo vệ nhân quyền trong công việc chuyên môn của họ, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn là người bạn đồng hành với người tị nạn. Sẽ là một sự khôi hài nếu ai đó hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ người tị nạn mà đi soi mói các trường hợp “không đủ điều kiện” tái định cư, rồi nêu quan ngại về hệ thống di trú có lỗ hổng hay đang bị lợi dụng.

Hãy luôn nhớ rằng, tất cả mọi người, ai ai cũng đều có quyền mưu cầu tự do và hạnh phúc. Tất cả những người đi tị nạn đều có lý do riêng của họ, có thể vì lý do kinh tế, chính trị, tôn giáo, để chạy trốn sự khỏi trừng phạt, hay bất kể lý do gì. Sẽ không một ai chấp nhận đánh đổi rủi ro cho số phận để tìm đường tị nạn nếu họ đang sống trong tình trạng được thụ hưởng sự tự do và hạnh phúc. Vì vậy có thể nói rằng, tìm đường tị nạn là một nhu cầu tự nhiên rất cơ bản của con người hầu mong hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một quốc gia khác.

Sự lo ngại về một người “không đủ điều kiện” nhưng được tái định cư sẽ tước mất đi cơ hội của một người tị nạn “đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn hơn”, chỉ là một nhận định thiếu hiểu biết về chính sách tị nạn và định cư. Vì (1) chẳng có một tiêu chuẩn thống nhất nào được đặt ra giữa các quốc gia tiếp nhận người tị nạn; (2) đánh giá việc người này hội đủ điều kiện hơn người kia chỉ là quan điểm riêng của mỗi cá nhân trong cách tiếp cận, và (3) việc cho định cư có thể thực hiện ngay cả khi một người không hội đủ tiêu chuẩn được xem là người tị nạn theo luật định.

Thí dụ, ông A ở Việt Nam bị cáo buộc tham nhũng và trốn qua quốc gia X, quốc gia X từ chối dẫn độ ông A về Việt Nam với lý do được đưa ra là “ông A sẽ không được đảm bảo quyền xét xử công bằng tại Việt Nam” hoặc “ông A có khả năng sẽ phải chịu án tử hình khi dẫn độ về lại Việt nam (trong khi quốc gia X đã bãi bỏ hình phạt tử hình)”. Như vậy với việc từ chối dẫn độ vì lý do nêu trên, ông A gần như sẽ được định cư tại quốc gia X khi không thể đi sang một quốc gia nào khác, dù ông A không được xem là người tị nạn được bảo vệ theo Công ước Người tị nạn của LHQ.

Thí dụ này đã mở ra một vấn đề đáng quan tâm hơn dành cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền đặc biệt trong công tác hỗ trợ người tị nạn, đó là, chuyện đúng hay sai về mặt pháp lý là không quan trọng, mà quan trọng là bạn đang hành động với một tâm thức vì quyền con người. Đây là một chuẩn mực tối thiểu mà những người hoạt động nhân quyền, trợ giúp cho người tị nạn cần phải có.

Chẳng hạn, một nhóm người vượt biên tị nạn hay di dân bất hợp pháp vì lý do kinh tế đang bị cảnh sát săn lùng đã trốn vào khu vườn của bạn. Cảnh sát gõ cửa hỏi bạn có thấy nhóm người này không, nhưng bạn không chỉ điểm mà còn che giấu cho họ, vì bạn thấy họ rất đáng thương và bạn không muốn họ bị trả về nơi có cuộc sống khó khăn mà họ đã trốn chạy. Trong hoàn cảnh cụ thể này, hành động che giấu của bạn có thể đã vi phạm luật quốc gia, nhưng trong tình huống này bạn đã trở thành một người bảo vệ nhân quyền – bảo vệ cho người tị nạn hay di dân ngoài chuyên môn của bạn.

Từ các lập luận đã nêu, đối chiếu với vấn đề mà dư luận trong và ngoài nước đang quan tâm gần đây, là việc tổ chức Voice và luật sư Trịnh Hội đang bị một số người cáo buộc “đưa lậu người vào Canada” hay “đưa những người không đủ điều kiện để đi tái định cư tại Canada”… rõ ràng là những cáo buộc hồ đồ, thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực vận động quyền cho người tị nạn, và đi ngược lại giá trị phổ quát về nhân quyền khi cho rằng nhóm người tị nạn này không xứng đáng được tái định cư hơn nhóm người tị nạn kia.

Những người bị cáo buộc “không đủ điều kiện” để tái định cư là những ai? Những người này có thể tìm kiếm tị nạn vì lý do kinh tế hay bất kể lý do nào khác, nhưng rõ ràng họ chưa từng bị cáo buộc cho các tội ác hay một hành vi phạm tội nào khác. Đặc điểm chung của tất cả người tị nạn là họ ra đi để mưu cầu một cuộc sống an toàn, tự do và hạnh phúc hơn thực tại mà họ đang đối mặt. Khi đứng trước một nhu cầu chính đáng và một quyền cơ bản như vậy, một người bình thường cũng sẽ không cho phép mình có các hành động ngăn cản tiến trình này, vậy mà vẫn có người đang nhân danh bảo vệ người tị nạn – là người bảo vệ nhân quyền lại chộp lấy cái “quy định điều kiện” để áp đặt vào những người tị nạn này, rồi chỉ trích những người giúp đỡ cho họ, thì quả thật thật đáng hổ thẹn.

Canada là một quốc gia có chính sách nhập cư cởi mở cho di dân. Từ chính sách này có thể không đòi hỏi sự khắc khe trong quy trình đánh giá, phỏng vấn khi tiếp nhận người tị nạn. Những người vận động cho người tị nạn sẽ luôn hoan nghênh chính sách cởi mở này, và tận dụng tối đa nó để hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn càng nhiều càng tốt. Nhưng đối những người có xu hướng kỳ thị chủng tộc, chống di dân, hay vì động cơ cá nhân mới đi xăm soi và tìm cách vá lấp đi chính sách cởi mở như vậy.

Trong câu chuyện này có thể thấy, Voice – Trịnh Hội đã theo đuổi một tiêu chuẩn mẫu mực trong hoạt động bảo vệ nhân quyền nói chung, và quyền cho người tị nạn nói riêng. Họ đã mang cơ hội cho tất cả những ai đang tìm kiếm tị nạn mà không cần xét đoán hay định kiến về tình trạng trước đây của người tị nạn. Hơn hết, việc hỗ trợ tái định cư thành công cho các trường hợp “khó nuốt” (mà theo cáo buộc là đưa cả những người “không đủ điều kiện” đi tái định cư) càng cho thấy đây là một tổ chức rất có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao và sự kiên trì không mệt mỏi trong quá trình vận động của họ, để đưa được hàng trăm người đi định cư tại Canada sau hàng chục năm phải sống vất vưởng trong tình trạng không được thừa nhận tại Thái Lan.

Cuộc điều tra của một số cá nhân và tổ chức nhắm vào những người tị nạn mà họ cho là “không hội đủ điều kiện để được tái định cư” là rất đáng lên án. Nó không những không giúp được cho người tị nạn nào mà họ cho là xứng đáng hơn, mà trái lại hành động này như là một sự phá bĩnh cho chính sách đón nhận di dân cởi mở của Canada, có thể buộc giới chức nước này sẽ tiến hành một quy trình thanh lọc gắt gao khi tiếp nhận người tị nạn trong tương lai. Người tị nạn giờ đây phải đối diện với cuộc điều tra như chiến dịch “săn đuổi phù thủy” đến từ một số cá nhân và tổ chức này…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular