VNTB-Thảo Vy
(VNTB) – Có vẻ rất rối rắm về chữ nghĩa, khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ‘dạy dỗ’ hôm chiều 16-9 tại lễ khai giảng niên khóa mới của khoa Y: “Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường đại học Y Dược TP.HCM, chưa thể gọi là ‘Đại học’ được. Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã góp ý rồi. Nhà trường phải đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Trường đại học Y Dược TP.HCM phải đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM.
Có gì khác nhau giữa “Trường đại học” và “Đại học”?
Luật Giáo dục đại học có giải thích như sau: “Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.
Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.”. (Trích Điều 4.2, 4.3, 4.7, luật đã dẫn).
Cũng theo Luật Giáo dục đại học, thì “Cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm: a) Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (sau đây gọi chung là hội đồng trường); b) Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (sau đây gọi chung là hiệu trưởng trường đại học); phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (sau đây gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học); c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); d) Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; đ) Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học”. (Điều 14.1)
“Cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm: a) Hội đồng đại học; b) Giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); d) Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; đ) Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học”.
Có nghĩa nếu viết theo quy định của Luật Giáo dục đại học cùng với ‘mặc định’ phải viết hoa cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” lâu nay trên các văn bản hành chánh, thì chỉ phạm luật khi viết: “Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh”, vi phạm ở chuyện viết hoa chữ “Trường”, nhưng lại đúng ở “Thành phố Hồ Chí Minh”.
Rối vì không muốn ‘bắt chước’ giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa?
Giải quyết những rối rắm ‘chữ – nghĩa’ nói trên khá đơn giản qua việc cứ mạnh dạn ‘tiếp thu’ cách vận hành chung của cả thế giới, trong đó có miền Nam Việt Nam trước tháng 4-1975.
Viện đại học là tên gọi của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa; ví dụ: Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh. Đây là mô hình tương tự như “university” của Hoa Kỳ và Tây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ.
Mỗi viện đại học bao gồm nhiều phân khoa đại học (thường gọi tắt là phân khoa) hoặc trường hay trường đại học. Trong mỗi phân khoa hay trường có các ngành; mỗi ngành tương ứng với một ban (tương đương với đơn vị khoa hiện nay).
Giáo dục Việt Nam thời Liên bang Đông Dương có một cơ sở giáo dục theo mô hình viện đại học là Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) thành lập vào năm 1907; sau 1945 đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội.
Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 còn có mô hình viện đại học bách khoa. Đây là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành và đa lĩnh vực tương tự như mô hình viện đại học, nhưng chú trọng hơn đến các ngành thực tiễn. Năm 1973, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức được thành lập dựa theo mô hình ‘polytechnic university’ ở California, Hoa Kỳ.
Đây là viện đại học bách khoa duy nhất từng tồn tại ở Việt Nam. Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có các trường đại học chuyên về nông nghiệp, kỹ thuật, giáo dục kỹ thuật, khoa học tự nhiên và nhân văn, kinh tế và quản trị, và thiết kế đô thị; ngoài ra còn có trường đào tạo sau đại học. Các trường này được gom chung lại trong một khuôn viên rộng lớn, tạo một môi trường gợi hứng cho tri thức suy luận, với một cảnh trí được thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập trung để tăng hiệu năng và giảm chi phí.
Trên mọi cách hiểu của ‘chữ – nghĩa’, khi nhắc đến một giai đoạn trong đời người, người Việt hay nói “Thời tôi học đại học…”, chứ ít khi nói “Thời tôi học ở viện đại học…”, hay “Thời tôi học trường đại học…”. Với ý tương tự, trong tiếng Anh – Mỹ người ta nói “When I was in college…”, chứ ít khi nói “When I was at university…”.
Quyền uy lần chót của bà bộ trưởng?
Gọi là lần chót vì trong kết luận công bố hôm 16-9 của Thanh tra Chính phủ do… phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký, thì người đứng đầu Bộ Y tế được cho là liên quan đến đường dây nhập khẩu thuốc giả quy mô lớn nhất Việt Nam “Việt Nam Pharma”.
Giờ là chuyện nội dung của từ ‘sức khỏe’ theo yêu cầu của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Có ý kiến ngờ vực rằng bà Nguyễn Thị Kim Tiến đang ra sức thể hiện quyền lực trong những thời gian còn lại của mình trên chính trường.
Hôm 12-9, bà Bộ trưởng Y tế đã ‘mượn tay’ thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn để trao quyết định bổ nhiệm tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Cường, phó Trung tâm đào tạo, phó Phòng kế hoạch tổng hợp Viện Pasteur TP.HCM, làm phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Ông Hoàng Quốc Cường là con trai của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Thời gian ông Nguyễn Trường Sơn làm giám đốc liên tiếp gần 3 nhiệm kỳ ở bệnh viện Chợ Rẫy, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã ‘đứng tên chung – ăn theo’ ở nhiều bài báo và đề tài khoa học của ông Nguyễn Trường Sơn cùng nhóm cộng sự của bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 của trường Đại học Y dược TP.HCM vào chiều ngày 16-9, bà Tiến cho biết Bộ Y tế rất ủng hộ chủ trương thành lập Đại học Sức khỏe TP.HCM, đề nghị trường sớm có đề án đổi tên trường. “Nếu không làm ngay thì chúng ta sẽ tụt hậu hơn cả Lào, Campuchia”, Bộ trưởng nói.
“Đại học Sức khỏe TP.HCM sẽ gồm nhiều trường y, trường dược, trường nha, trường điều dưỡng… Hiện nay chúng ta chưa được gọi là ‘Đại học’ mà chỉ là ‘trường Đại học’ vì dưới trường này chỉ có khoa chứ chưa có trường”, bà Tiến lập luận.
“Có lẽ làm quan chức lâu năm nên bà quên mất chuyện lâm sàng. Mới đây thôi mà, ngày 30 và 31-08-2019, ở bệnh viện Bình Dân đã tổ chức khóa huấn luyện đào tạo nội soi tiết niệu cho các bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện thuộc khu vực Châu Á. Tham gia khóa huấn luyện tiết niệu vùng châu Á nâng cao có 19 bác sĩ đến từ các nước Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Philippines và 5 bác sĩ niệu khoa trong nước. Giảng viên là các giáo sư chuyên ngành Niệu học của các bệnh viện uy tín trên thế giới như bệnh viện Klinikum Sindelfngen Böblingen, Đức; bệnh viện Đại học Quốc gia, Seoul, Hàn quốc và các bác sĩ là chuyên gia về Niệu khoa của bệnh viện Bình Dân đảm trách.
Nhiều bệnh nhân người Campuchia, Lào vẫn hay chọn bệnh viện Bình Dân để chữa trị về Niệu, Tiêu hóa. Nếu có chuyện tụt hậu so Campuchia, Lào đó là về các lãnh vực khác nào đó chứ không thể là y khoa”. Một nhà báo chuyên trách mảng y tế tại Sài Gòn, nhận xét.
Theo nhà báo này, bà bộ trưởng cần coi lại cách hiểu trong y tế về thế nào là ‘sức khỏe’. Theo định nghĩa về sức khoẻ của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO – World Health Organization), thì “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”.
Hoàn toàn thoải mái về mặt thể chất là như thế nào? Đó là hoạt động thể lực, hình dáng, ăn, ngủ, tình dục,… tất cả các hoạt động sống trên đều ở trạng thái tốt nhất phù hợp với từng lứa tuổi.
Hoàn toàn thoải mái về mặt tâm thần là gì? Câu trả lời theo WHO: Bình an trong tâm hồn. Biết cách chấp nhận và đương đầu với các căng thẳng trong cuộc sống.
Hoàn toàn thoải mái về mặt xã hội được hiểu ra sao? WHO nói rằng đó là nghề nghiệp với thu nhập đủ sống. An sinh xã hội được đảm bảo.
Không có bệnh tật hay tàn phế là như thế nào? Đó là không có bệnh về thể chất, bệnh tâm thần, bệnh liên quan đến xã hội và sự an toàn về mặt xã hội. [Nguồn: https://www.who.int/bulletin/archives/80(12)981.pdf; https://www.who.int/governance/eb/who_constitution_en.pdf]
Theo một chia sẻ cá nhân của bác sĩ chuyên khoa 2 về thần kinh Lê Quốc Nam, thì ở tầm quản lý vĩ mô như bà bộ trưởng, cần quan tâm đến ‘sức khoẻ xã hội’.
“Sức khỏe xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa các thành viên: gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan… Nó thể hiện ở sự được tán thành và chấp nhận của xã hội. Càng hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khỏe xã hội tốt và ngược lại. Cơ sở của sức khỏe xã hội là sự thăng bằng giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hoà nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.
Tất cả những điều trên dường như có giềng mối rất lỏng lẻo, trong một xã hội thiếu sự tin cậy cả với chính quyền. Đây mới là những điều mà những vị bộ trưởng phải đặc biệt quan tâm, chứ không phải ngồi đó để xét nét, hoạch họe nhau lúc hoàng hôn nhiệm kỳ…”. Bác sĩ Lê Quốc Nam nhận định.