Friday, December 27, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGCó hai “đòn cân não” quanh Bãi Tư Chính

Có hai “đòn cân não” quanh Bãi Tư Chính

Chiến Thành
2019-08-29

Thứ nhất, đó là cuộc đối đầu (stand-off) giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh khủng hoảng Bãi Tư Chính, từ nay đang bước sang tháng thứ ba. Thứ hai, đó một đợt sóng ngầm khác, trầm trầm mà cương quyết không kém “đòn cân não” Trung – Việt, đó là cuộc đối đầu giữa xã hội dân sự Việt Nam với nhà nước cộng sản toàn trị của nó[1]. Hai stand-off này tuy “hai là một”, đang hội tụ một số đặc điểm gợi nhớ lại “cuộc chiến kỳ quặc” (strange war) từ thế kỷ trước[2]

___________________________

Hai trong một

Cả hai sự đối đầu đều có cùng một xuất phát chung, đó là cuộc đấu trí kỳ lạ đang diễn ra giữa những “người anh em thù địch” Việt – Trung (brother enemy)[3], cũng như giữa những người Việt với nhau. Lịch sử ghi nhận giai đoạn đầu của thế chiến hai (sau khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan tháng 9/1939 và trước khi chiếm Pháp tháng 4/1940) là một “cuộc chiến cuội” (phoney war) – “cuộc chiến nhập nhèm” (twilight war). Winston Churchill gọi như thế là để nhấn mạnh sự vắng bóng các hoạt động vũ trang trong một thời điểm kế hoạch xâm lược trên thực tế đã được khai triển.

Lần này cũng vậy! Sau hai tháng dè chừng, quần thảo, thậm chí có lúc rượt đuổi nhau, các tuyển thủ Hà Nội vẫn “vững tay lái”. Phía “bạn vàng” tăng sức ép tối đa và mong sao cho Việt Nam nổ súng. Ngay đến màn diễn “bắt mắt” giữa những vòi rồng khủng phun nước vào nhau hay cậy thế dùng tàu to súng lớn để chèn, húc hoặc va đập vào các tàu cảnh sát biển Việt Nam (như hồi HD-981) chưa thấy xẩy ra. Các quán bia hơi ở thủ đô và các thành phố lớn vẫn chật ních khách nhậu. Ai đó sẽ cười vào mặt người hỏi nếu “nhỡ” nêu vấn đề Biển Đông trong những ngày này. Phải chăng không chỉ quanh Hồ Gươm, mà ngay trong lòng Hà Nội hay xung quanh Hà Nội cũng chẳng mấy ai bàn đến câu chuyện Bãi Tư Chính?

Một số giới tinh hoa từ xã hội dân sự buộc phải thảng thốt: “Tổ quốc có bao giờ nhục như thế này chăng?” Thật ra thì chẳng có gì là nhục nhã cả! “Rất đỗi tự hào” nữa là đằng khác! Đó là “niềm tự hào” không dấu diếm của đảng và nhà nước. Sau bao nhiêu năm, giờ đây chính quyền đã thành công trong việc liên tục “dội” nhiều gáo nước lạnh vào “các bếp than hồng” ủ lòng yêu nước, biến một bộ phận “không nhỏ” các thần dân của mình thành “những người ngoài hành tinh”. Họ dường như đến từ sao Hoả, sao Kim. Chuyện Bãi Tư Chính đã có đảng và nhà nước lo, hơi đâu dây vào cho mệt xác, lại còn bị xếp vào hàng ngũ lực lượng chống đối!

Nhưng xin thưa, quý vị chớ có nhầm! Cái hiện tượng đang đánh lừa cái bản chất đấy. Cả cái vắng lặng lẫn đô hội mà bạn đang cảm nhận, ẩn chứa trong cả hai là sự yên tĩnh trước cơn bão, đồng thời đó cũng là sự sôi sục kìm nén trước giờ phát lệnh. Thậm chí “cơn bão” ngoài Bãi Tư Chính hiện đang tiến rất gần bờ, thậm chí những “vòng xoáy” đầu tiên của bão có thể đổ bộ ngay vào đất liền, nếu đảng và nhà nước tỏ các dấu hiệu “nhường” Tư Chính cho Trung Quốc.

Trên thực tế, nếu như “cuộc chiến kỳ quặc” thứ nhất đang diễn ra giữa hai nhà nước cộng sản với nhau thì trớ trêu thay, “cuộc chiến kỳ quặc” thứ hai lại đang âm ỉ ngay trong lòng xã hội Việt Nam, giữa các tổ chức dân sự với nhà nước toàn trị của nó. Sở dĩ hai “đòn cân não” này thực chất chỉ là một, vì nó đều do chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc gây ra! Có chính quyền nào lại cản phá công dân mình tham gia vào cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo? Ấy vậy mà VTV1 vừa mở ra một chương trình ngay trong “giờ vàng” để cho các dư luận viên xỉ vả, kể cả bằng thứ ngôn ngữ chợ búa, bôi nhọ các lực lượng dân chủ, lực lượng chống Trung Quốc, tôn vinh sức mạnh và tính ưu việt của quân đội nhà nghề Trung Quốc, với tần suất dữ dội như trong những tuần lễ gần đây[4]. Đến mức một FB đã phải đặt câu hỏi: “Tình báo Hoa Nam đang lãnh đạo báo chí Việt Nam?”[5]

Bước ngoặt lịch sử – Khi nào?

Tâm bão hiện nay nằm ở đâu? Tâm bão đang nằm trên lằn ranh giữa những kẻ rắp tâm đầu hàng Trung Quốc với những con người quyết tâm giữ Bãi Tư Chính. Hẳn nhiên là cả hai lực lượng này đều nằm ở mọi cấp, cả bên trong lẫn bên ngoài quân đội (đặc biệt là hải quân, lực lượng chính được cho là đang trấn giữ biển đảo) và cả ở trong lẫn ở ngoài chính quyền (nhưng đặc biệt là giới hoạch định chính sách). Năm nay khi Trung Quốc leo thang áp chế ép Việt Nam từ bỏ các hoạt động kinh doanh xung quanh Bãi Tư Chính (như các năm 2016 và 2017 Việt Nam đã nhượng bộ), chắc chắn Bắc Kinh theo dõi rất sát cái “hàn thử biểu” đo sức chịu đựng của thần dân đôi bờ lằn ranh ở “thuộc quốc”.

Vào năm 2014 trước đây, Trung Quốc rút giàn khoan khủng HD-981 về nước trước một tháng (so với tuyên bố) không chỉ vì Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu bồi đắp, cơi nới 7 thực thể địa lý trên Biển Đông, mà chủ yếu là vì Trung Quốc “ngợp” trước làn sóng chống Tàu nổi lên dữ dội từ Bắc chí Nam. Trung Quốc buộc phải tổ chức các cuộc phản-biểu tình khá lộ liễu ngay trên đất Việt Nam để vô hiệu hoá những làn sóng yêu nước có thể cuốn phăng mọi thứ, kể cả những kẻ “nằm vùng” trong chính quyền “thân địch”. Hẳn nhiên, Trung Quốc thừa gian hùng để dừng bước trước “khúc quanh ngoặt lịch sử ấy”.

Còn lần này? Cả hai “stand-off” nói trên đang diễn ra trong bối cảnh cùng lúc, Hà Nội vừa phải đối mặt để xử lý các âm mưu tranh giành quyền lực nội bộ (vấn đề thừa kế tại Đại hội 13), vừa phải lo gấp rút cải thiện môi trường quốc tế (thúc đẩy bang giao với Mỹ) để hoá giải cả hai “đòn cân não” nói trên. “Cái khó bó cái khôn”. Trong cả hai trách vụ này, tay chân của Tàu đã thọc quá sâu, nắm giữ quá nhiều “át chủ bài” khiến ông Trọng và phe cánh phải nhìn trước nhìn sau rất lâu trước khi lấy quyết định cuối cùng. Trong khí đó, như người Mỹ từng nhiều lần nhắc nhở: “Thời gian và thuỷ triều chẳng chờ ai cả” (Time and Tide Wait for None).

Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)

Theo một nguồn tin ngoại giao, Mỹ đã gợi ý với Việt Nam, năm 2019 này cần nâng quan hệ song phương lên cấp “đối tác chiến lược”. Các quan chức Lầu Năm Góc cũng yêu cầu Hà Nội tạo điều kiện cho các chuyến thăm hàng năm của hàng không mẫu hạm nguyên tử của Hải quân Mỹ. Từ 20/8 đến nay, Mỹ đã liên tục nhiều lần lên án mạnh mẽ thái độ bắt nạt và can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam vốn đã có từ lâu. Nếu ông Trọng thăm Nhà Trắng và gặp Tổng thống Trump vào tháng 10 tới, đấy sẽ là thời điểm thuận lợi cho cả đôi bên đẩy mạnh quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác về an ninh biển[6].

Nếu việc hoá giải cả “hai đòn cân não” nói trên suôn sẻ, Việt Nam chắc chắn sẽ giữ được Bãi Tư Chính. Giữ được Bãi Tư Chính là không chỉ giữ được một trong những “yết hầu” của Hà Nội trên Biển Đông, Việt Nam sẽ có thời cơ tốt hơn để thực hiện một cuộc bẻ lái “con thuyền không bến” hiện nay, một mặt vẫn giữ được an ninh biên giới trên biển và trên bộ với “bạn vàng”, mặt khác, môi trường quốc tế sẽ “hanh thông” hơn nhờ các thoả thuận đa phương mới (với AOIP cũng như với EU) cũng như nhờ các nền tảng song phương vững chắc hơn với khối dân chủ và tiến bộ./.

—————

[1] Khủng hoảng bãi Tư Chính: Bước ngoặt mới cho VN | Nguyễn Quang Dy

[2] Phoney War (Wiki)

[3] Brother Enemy – The War After The War (Anh em Thù địch), Tác giả: Nayan Chanda (nhà báo Ấn Độ), Collier Book, New York, 1986

[4] https://vtv.vn/video/doi-dien-nhung-thu-doan-gay-bat-on-xa-hoi-388175.htm

[5] Tình báo Hoa Nam đang lãnh đạo báo chí Việt Nam? | rfavietnam

[6] Ba khả năng nếu Chủ tịch Trọng thăm Mỹ tới đây

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular