Friday, December 27, 2024
HomeBLOGHai lần gặp Huy Cận

Hai lần gặp Huy Cận

Nguyễn Tường Thiết

Ở đầu giây:

–Thưa… tôi xin được tiếp chuyện với ông Huy Cận.

Ở cuối giây:

–Tôi đây.

–Thưa chú… cháu là con của nhà văn Nhất Linh. Cháu vừa từ nước ngoài về xin được đến thăm chú.

–À, anh có phải tên là Triệu không?

–Thưa không ạ… Cháu tên là Thiết, em của anh Triệu.

–Anh về hồi nào? Anh hiện ở đâu? Ở nhà hay ở khách sạn?

–Dạ… cháu đang ở khách sạn.

–Khách sạn nào? Buồng số mấy?

–Thưa chú, cháu hiện ở khách sạn Camélia, đường Luơng Ngọc Quyến, phòng số 6.

–Thế này nhé. Tôi đang rất bận. Tôi sẽ gọi lại ngay cho anh.

Ở đầu giây bên kia có tiếng đặt máy đánh “cạch”. Tôi chưng hửng. Chừng mười phút sau có điện thoại reng. Cái giọng Huế cấm cẳn và nặng chịch lúc nẫy bây giờ nghe nhẹ và mềm hơn:

–Anh Thiết hỉ… Ngày mai đúng hai giờ anh lại tôi.

Huy Cận cho tôi biết là mặc dầu có tuổi ông vẫn còn làm việc ở nhà Văn Hoá và thời gian đó là thuận tiện nhất cho ông. Năm ấy ông đã 79. Đó là một ngày mùa Thu của năm 1998. Lần đầu tôi gặp ông, và cũng là lần trở về Hà Nội thứ hai của tôi sau 45 năm.

Ảnh Khái Hưng tặng Huy Cận. (Hình: Tác giả cung cấp)
Ảnh Khái Hưng tặng Huy Cận. (Hình: Tác giả cung cấp)

Ba năm sau, năm 2001, chúng tôi lại có dịp đến thăm ông lần thứ nhì. Từ ở khách sạn trong khu phố cổ Hà Nội tôi gọi điện thoại xin gặp ông. Mẩu đối thoại ở trên được lập lại, gần như giống hệt:

–Khách sạn nào? Buồng số mấy?

–Thưa chú, cháu hiện ở khách sạn Prince đường Luơng Ngọc Quyến, phòng số 8.

–Tôi đang rất bận. Tôi sẽ gọi lại ngay cho anh.

Mười phút sau, điện thoại reng. Y như lần trước ông lại hẹn ngày giờ gặp nhau.

Lần trước, ở tuổi 79, Huy Cận kêu rất bận, tôi đã “nghi nghi”. Lần sau, ở tuổi 82, ông lại cũng rất bận, tôi càng “ngờ ngờ”. Óc tôi thoáng nghĩ tới cái passport màu xanh đậm của tôi đang nằm thoải mái trong tay cô thư ký của khách sạn. Một cú điện thoại đủ xác nhận lý lịch của tôi. Không chạy vào đâu được.

Cái nghi cái ngờ theo tôi ám ảnh… Óc tưởng tượng của tôi đã đi quá xa… hay quả thực thi sĩ đã quá bận rộn chăm lo cho nền văn học của nước nhà trong những ngày còn lại quí hiếm của cuộc đời ông… Tôi cứ ngờ ngợ…

*

Tối thứ bẩy tuần rồi chúng tôi mời mấy người bạn thân đến nhà nhậu chơi lai rai. Vừa đẩy cửa buớc vào một người bạn nói to cho cả đám: “Các ông biết không? Huy Cận chết rồi!”

*

Mấy năm trước tôi có viết một bài ký mang tên “Cây Bàng Lá Đỏ” tả về chuyến đi Hà Nội vào mùa Thu năm 2001. Có một vài người hỏi tôi những sự kiện nêu trong bài ký này là hoàn toàn thực hay có tưởng tượng ở trong. Tôi trả lời là tất cả sự kiện đều thực chỉ có thời gian là hư cấu. Chẳng hạn như đoạn tả về cuộc gặp gỡ Huy Cận tôi đã để độc gỉa hiểu như thể năm 2001 tôi mới gặp ông lần đầu. Thật ra đó là lần thứ hai. Nhưng khi viết “Cây Bàng Lá Đỏ” tôi đã hoàn toàn thu ống kính về lần gặp gỡ ba năm về trước, mùa Thu năm 1998, bởi vì chính lần gặp gỡ này mới cho tôi nhìn rõ hơn con người của Huy Cận.

Giây phút trước khi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi: “Việc gì anh ấy phải chết! Việc gì bố cháu phải chết!” (Trích Cây Bàng Lá Đỏ).

Đó là cái xúc động của ông già 79 tuổi, nói cho đúng ra.

Trong lần gặp thứ nhì năm 2001 khi Huy Cận bước vào tuổi 82, trong mắt tôi, tuồng như ông lại đóng khung trong cái vỏ cứng. Tôi không thấy ở lần sau này những biểu cảm tương tự. Lần này ông nói nhiều về chính trị và có đôi lúc dành quyền “phán xét” hành động chính trị của bố tôi, điều mà bố tôi không muốn: ông tự chết chỉ quyết là để không ai được quyền phán xét ông, ngoài “lịch sử”.

Ảnh bìa tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận ấn bản Đời Nay 80 đường Quan Thánh Hà-Nội. (Hình: Tác giả cung cấp)
Ảnh bìa tập thơ Lửa Thiêng của Huy Cận ấn bản Đời Nay 80 đường Quan Thánh Hà-Nội. (Hình: Tác giả cung cấp)

Hôm đó, như lần trước, chúng tôi cũng đứng chờ ông mở cửa trước cánh cổng sắt. Lần này tôi có thêm anh Việt đi cùng. Ba năm đi qua. Huy Cận trông có hơi khác, già đi. Ông vẫn mập mạp. Những nếp nhăn chồng lên trên khuôn mặt đầy đặn làm cặp mắt trước kia trông húp húp nay như ti hí. Khi Huy Cận cười miệng ông trông như móm, mặc dù răng cộ còn đủ. Giọng nói của ông vẫn mạnh và tóc của ông vẫn còn đen. Khác lần trước Huy Cận tiếp chúng tôi ở căn buồng trong. Căn buồng rộng hơn căn phòng khách phía ngoài nơi có treo mấy bức phác hoạ chân dung Huy Cận và Xuân Diệu. Ba chúng tôi ngồi hai bên chiếc bàn gỗ mun dài trên dẫy ghế nệm da. Huy Cận ngồi xuống ghế. Ông ngước nhìn anh Việt và tôi:

–Ai là anh, ai là em đây?

Tôi nói:

–Thưa chú, anh Việt là anh cả. Còn cháu là út trong nhà.

Huy Cận nhướng cặp mắt lươn:

–Anh mà trông trẻ hơn em!

Tôi quay qua anh Việt:

–Anh Việt hôm nay sướng nhé! Được chú Huy Cận khen trẻ…

Anh Việt nói:

–Chú khen cháu chẳng sướng đâu! Giá có cô nào trẻ trẻ nói thế cháu sẽ thích lắm…

Tôi chen vào:

–Chú Huy Cận ơi, anh Việt ăn gian đấy ạ! Anh ấy hơn cháu những mười tuổi nhưng vì anh ấy nhuộm tóc đen thui, còn cháu cứ để nguyên tóc bạc… Anh Việt này, anh nhìn tóc chú Huy Cận đây xem, còn đen nhánh, với cái tuổi tám mươi của chú, cháu ngờ lắm…

Nhân biết anh Việt sống rất nhiều năm bên Pháp, Huy Cận bắt đầu nói với chúng tôi về những kỷ niệm, những chuyến đi Tây của ông. Ông đi sang Pháp dự hội nghị rất nhiều lần như đi chợ. Câu chuyện đến một lúc nào đó chuyển dần về thời Tự Lực Văn Đoàn. Huy Cận nói với chúng tôi là nếu không xẩy ra cuộc cách mạng tháng Tám thì ông đã được vào Tự Lực Văn Đoàn rồi. Sau Xuân Diệu thì đến lượt ông. Điều này gần như chắc chắn. Ông nói. Trước đây Huy Cận đã từng nói đúng như thế với người con út của Thạch Lam. Ông nhắc lại chuyện này với một niềm tiếc làm tôi chạnh nhớ tới người bạn tâm giao của ông, nhà thơ Xuân Diệu, người đã có chân trong Tự Lực Văn Đoàn, nhưng sau này phủ nhận TLVĐ, xem việc mình là thành viện của TLVĐ là một cái nhục.

Tản mạn chừng nửa giờ, như sực nhớ ra chuyện gì, Huy Cận đứng lên. Ông lê thân hình nặng nề đi vào phòng trong. Cùng lúc ấy cửa trước mở một người đàn bà đứng tuổi đi vào, nhìn chúng tôi, rồi bước lên cầu thang. Người đàn bà ấy trông rất trẻ so với Huy Cận. Không được giới thiệu chúng tôi không biết sự liên hệ. Trong lúc Huy Cận không có mặt, anh Việt lôi trong túi xách tay một cái máy quay phim video. Lát sau Huy Cận trở ra, tay ôm khệ nệ một bọc lớn. Anh Việt xin phép Huy Cận được quay phim buổi nói chuyện. Huy Cận lấy ra từ trong bọc một cái phong bì. Trong phong bì là một bức ảnh đen trắng ông đưa chúng tôi xem. Đó là bức ảnh chụp hai mẹ con. Bà Nguyễn Thị Vinh và cô Trương Kim Anh. Ảnh chụp ở Sài Gòn, đâu đó trong thập niên 60. Huy Cận mở ra một tờ giấy gấp tư đọc chúng tôi nghe bài thơ của ông. Ông nói bài thơ này ông sáng tác ở Hà Tiên có nhan đề Tiếng sáo đưa Linh, tiếng sáo của nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh trong nhà xác bệnh viện Đồn Đất, trước thi thể của nhà văn Nhất Linh. Nghe xong bài thơ tôi nói với Huy Cận: “Thiên hạ chỉ khéo thêu vẽ. Người thổi sáo là Kim Anh chứ không phải cô Vinh”.

Huy Cận lấy ra từ trong bọc một tập bản thảo dầy. Mặt ông hướng về phía anh Việt lúc ấy đang thu hình. Ông nói:

–Đây là tập hồi ký dầy cả ngàn trang của tôi. Trong tập này tôi dành 15 trang để nói về hai ông Nhất Linh và Khái Hưng. Tôi sẽ đọc cho các anh nghe 15 trang đó. Nhưng trước khi tôi nói về cái kỷ niệm thắm thiết và ca ngợi hai ông tôi phải nói về chính trị trước…

Tiếng anh Việt ngắt lời:

–Cái không tránh được hả chú?

–Không không… đương nhiên… đó là … sự thật lịch sử. Đây là trang đầu tôi nói Nhất Linh và Khái Hưng là hai nhà văn có tinh thần dân tộc và có tinh thần yêu nước sâu sắc và chống Pháp… cho nên… anh đã ghi chưa?

–Ghi rồi! Đang ghi đấy ạ…

–Đang ghi rồi à… cho nên thực dân Pháp nó bắt hai anh và nhiều người khác cùng chí hướng đầy đi Vụ Bản là một nơi ma thiêng nước độc ở Hoà Bình, sau đó lại đầy đi một chỗ gọi là Trụ cũng là nơi ma thiêng nước độc ở Bắc Giang. Điều ấy là khẳng định đầu tiên… Nhưng mà tiếc rằng hai vị này và nhất là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có sai lầm về chính trị. Cái nhầm đầu tiên là tưởng dựa vào Nhật để mà có thể độc lập thì cái sai lầm này lớn lắm… Cha ông ta thời Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ, cả cụ Phan Bội Châu cũng đã nhầm trong phong trào Đông Du thì Đông Kinh Nghĩa Thục hay Đông Du là bị nhầm… Đế quốc Nhật là đế quốc… Điểm thứ hai tôi nói nặng hơn và không thể nhầm được là theo đuôi quân Tưởng Giới Thạch, quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc để chống lại cách mạng, để chống lại Việt Minh mà Việt Minh là cách mạng…

–Thế nhưng mà không chống thì cũng bị giết…

Huy Cận nhướng người phía trước, khum bàn tay đặt sau vành tai:

–Hỉ?

–Cháu nói nếu hồi đó không chống thì cũng bị Việt Minh giết thôi.

–Không, anh khoan nói… Việt Minh sẵn sàng hợp tác với tất cả. Đây là tôi thay mặt Việt Minh. Hồ Chủ Tịch và tôi và một số người… trong bảo tàng viện Hồ Chí Minh có ghi chữ ký của tôi ở dưới; Hồ Chí Minh ở trên, tất nhiên, Việt Minh chân thành hợp tác… tinh thành hợp tác… với các đảng phái để dành độc lập… Có cả một bản in…

–Nhưng nói là một chuyện, còn làm hay không lại là chuyện khác…

–Anh khoan bàn với tôi… tôi đang nói cái hồi ký của tôi mà… Cái đó là tai hại, cái đó không phải là nhầm lẫn… Cái đó là… tôi dùng một chữ nặng, đó là phản cách mạng…

–Nhưng chắc chú nói như thế mới được in…

–Không… Không…Tôi là nhân vật… nhân chứng lịch sử tôi phải biết chứ! Tôi rất biết Việt Minh bởi vì tôi ở trong Việt Minh, tôi ở trong đảng cộng sản Việt Minh mà, tôi biết quá đi chứ, là Việt Minh muốn hợp tác, nhưng người ta phá, nó phá từ khi ở biên giới… từ khi mà quân Tưởng Giới Thạch vào… Không phải chỉ có ông Nguyễn Tường Tam với Nguyễn Hải Thần mà còn nhiều người khác nữa… Trong khi đó Việt Minh tạo điều kiện để hợp tác… Sau cùng thì có cái Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến thì cũng có tham gia nhưng mà… rồi thì…

Trong lúc Huy Cận hăng hái nói, cánh cùi trỏ tay phải của ông lâu lâu hích vào vai tôi, như thể để thăm dò, chắc vì thấy tôi từ lúc nẫy vẫn ngồi im không nói gì (nhất là không nói “móc họng” kiểu anh Việt). Tôi bèn nhẩy vào cuộc tranh luận:

–Chú cho cháu ngắt lời một chút xíu. Trước khi mất bố cháu có để lại di chúc. Cũng là ý nguyện của bố cháu: “Đời tôi để lịch sử xử” . Chỉ có lịch sử về sau mới có thể phán xét đúng, sai. Hiện tại chúng mình là người trong cuộc, không nên phán xét.

Huy Cận quay qua tôi:

–Thôi được rồi… tôi cũng ý như thế… Tôi cũng biết cái câu ấy chứ… nhưng mà tôi vẫn có ý định của tôi… dựa vào đế quốc Nhật… nhầm lẫn quá trễ. Phan Bội Châu đã lầm mà Nguyễn Tường Tam lầm thì không thể được…

–Nhưng thưa chú thế nào là lầm cơ chứ? Hoá ra tất cả những người đi khác con đường chú chọn đều lầm hết sao? Vả lại cháu không tin bố cháu dựa vào một thế lực ngoại bang nào. Bố cháu chủ trương Tự Lực, cả văn hoá lẫn chính trị. Người ta cứ nói bố cháu đi theo con đường thân Nhật, có bằng chứng nào không?

–Các anh không biết, nhưng chúng tôi, chúng tôi biết…

–Thì cứ giả thiết như thế đi thì cái lầm đó cháu nghĩ sẽ không tai hại cho đất nước bằng con đường của những người tự cho là mình đi đúng đường…

–Thôi… thôi… đó là chuyên khác. Tôi nói ông Nhất Linh cái đã… Tôi nói ông Nhất Linh cái điểm nhầm thứ ba đi đến chỗ chống một phong trào cách mệnh thực sự, chống phong trào Việt Minh, chính phủ độc lập rồi mà còn chống, thì cái đó không thể tha thứ được. Tôi phải nói cái ý của tôi. Còn những người cùng lịch sử có đồng ý, không đồng ý là chuyện khác…

Sau đó là một cuộc độc thoại. Huy Cận nói nhiều về ông. Về cách mạng. Tôi có cảm giác buồn ngủ. Cho đến khi chia tay. Trước khi ra về Huy Cận viết tặng cuốn sách “Huy Cận – Đời và Thơ” với lời đề nơi trang đầu: Thân tặng hai cháu Nguyễn Tường Việt & Thiết, Huy Cận, Thăng Long Hà Nội 5-2001 (Tân Tỵ).

Về lại Mỹ cuốn băng video dài cả tiếng do anh Việt gửi, tôi chỉ mở ra xem được đúng năm phút, rồi cho lại vào hộp gửi cho anh Triệu tôi ở bên Montréal. Tôi chán nghe cái giọng bài bổn…

*

Trước khi dứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: “Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên Bèo Giạt đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được.”

Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:

–Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?

Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: “Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” (Trích “Cây Bàng Lá Đỏ”)

Lá thư của nhà văn Võ Phiến gửi tác giả Nguyễn Tường Thiết sau khi đọc bài "Hai Lần Gặp Huy Cận" (đầu năm 2005). (Hình: Tác giả cung cấp)
Lá thư của nhà văn Võ Phiến gửi tác giả Nguyễn Tường Thiết sau khi đọc bài “Hai Lần Gặp Huy Cận” (đầu năm 2005). (Hình: Tác giả cung cấp)
Trang tiếp theo của lá thư nhà văn Võ Phiến gửi tác giả Nguyễn Tường Thiết. (Hình: Tác giả cung cấp)
Trang tiếp theo của lá thư nhà văn Võ Phiến gửi tác giả Nguyễn Tường Thiết. (Hình: Tác giả cung cấp)

*

Huy Cận đã chết.

Hai lần gặp ông. Hai hình ảnh trong tôi.

Huy Cận, trong hình ảnh lần gặp đầu, đưa tôi đến lần gặp sau.

Huy Cận, trong hình ảnh lần gặp sau, kéo tôi xa ông mãi mãi.

Khi ông còn sống, tôi đã nghi nghi ngờ ngờ…

Nay ông chết đi, tôi chỉ còn vương một thắc mắc rất nhỏ: Huy Cận có đọc “Cây Bàng Lá Đỏ” của tôi trước khi ông nhắm mắt?

Nguyễn Tuờng Thiết

2/24/2005

(nguồn: Nguyệt san Thế Kỷ 21 số đặc biệt về Huy Cận, March 2005)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular