Con người, khi đã nằm bất động trên giường bệnh, “tương lai” của họ chính là quá khứ. Nhiều phát hiện khoa học nói rằng khi cận kề cái chết, một phép nào đó đã đưa người hấp hối trôi về quá khứ, thấy mình bay trong một đường ống tối mờ, cuối đường ống là một vùng sáng chói lòa, và từ đó con người đi đến hiện tại.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong số đó. Ba bốn năm trước, khi biết không còn sống được bao lâu nữa, ông bắt đầu viết tự truyện. Tự truyện của ông là một dạng hồi ký mang đậm tính văn học với những phân tích, cảm xúc, liên tưởng sau mỗi sự kiện được đề cập trong cuộc đời. Phần đầu của tự truyện, ông kể qua về xuất thân. Tiến sĩ ra đời trong một gia đình bề ngoài là phong lưu, êm ả và Tây học thời thuộc địa, nhưng bên trong trái ngược, ít nhất với riêng ông và thân mẫu. Đó một gia đình lớn có nhiều mâu thuẫn giữa ba người mẹ, nhiều anh em cùng cha khác mẹ, một mẫu gia đình đặc trưng thời kỳ phong kiến “năm thê, bảy thiếp…” Tuổi ấu thơ của ông có hai quê hương, nhưng không có nơi nào “để mà hoài niệm”
Tự truyện, ông viết:
” Tôi không có một nếp nhà, một góc phố, một xóm nhỏ gắn với cả tuổi thơ để mà hoài niệm…” .
Tại sao vậy?. Tại vì thân phụ ông làm việc và sống tại Hà Nội với người vợ thứ hai đã vượt lên chiếm lĩnh vị trí thứ nhất nhờ trẻ trung, nhan sắc và giọng ca, mà ông bắt buộc phải gọi là “má”, còn ông sống với mẹ đẻ ở Thanh Hóa. Cuộc sống thân-mẫu tác động đến sự học của ông. Để việc học của ông tốt hơn, thân phụ ông đưa ông ra Hà Nội. Nhưng rồi ở Hà Nội với người “gì ghẻ con chồng” ông lại trở về Thanh Hóa với mẹ đẻ. Về việc học ông kể:” Riêng đọan học trình để có được tấm bằng Tiểu học. Tốt nghiệp ( Certifica d’etues primaires elementaires Indochinoses) tôi đã phải học qua 5 trường và đi một vòng từ Thanh Hóa ra Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội trở về Thanh Hóa”.
Nhưng chiến tranh mới là nhân tố chính đưa đẩy đại gia đình của ông ly tán. Từ Hà Nội, thân phụ ông đưa vợ con tản cư về Thanh Hóa, vùng đất của Việt Minh; rồi từ Thanh Hóa, sau một thời gian sống ở vùng “tự do” thân phụ ông lại đưa gia đình “dinh tê” về Hà Nội, vùng đất được cho là ” không có tự do” vì bị người Pháp chiếm đóng. Đối với thân phụ ông căn nhà ở Thanh Hóa bị Pháp ném bom cháy, gia đình không có nơi ở cho nên phải hồi cư Hà Nội chỉ là nguyên nhân bề ngoài. Nhưng với ông, nguyên nhân ông trốn bố, ở lại Thanh Hóa với mẹ được minh định:
” … Tôi được anh họ Vũ Văn Kính và chú ruột Nguyễn Đại Đồng là những đảng viên Cộng sản khuyên nên ở lại kháng chiến. Một phần được giác ngộ, nhưng có lẽ phần chính do tôi muốn từ bỏ bà dì ghẻ hay đánh chửi nên tôi quyết định ở lại…”.
Khi biết ông không phải ngã từ cano xuống sông mà trốn lại Thanh Hóa có chính kiến, trong một lá thư gửi đi từ vùng “tạm chiếm” qua người quen,Thân phụ ông viết: ” Giang con. Không ngờ con là đứa con bất hiếu, phút cuối cùng con lại bỏ ba…”
Nhưng ở lại cũng chẳng hơn gì. Văn hóa giáo dục bằng đòn roi thời phong kiến ở vùng Việt Minh còn nặng hơn ở vùng người Pháp chiếm đóng, và nỗi hận đời về tình duyên của người mẹ đổ lên đầu cậu bé Giang tội nghiệp. ” Tôi không được đi học, lại bị sống như đọa đầy. Trên người tôi suốt từ cổ đến bắp chân không lúc nào không có lằn roi. Ăn không đủ no, người tôi gầy rớt. Quần áo không đủ mặc. Chín mười tuổi nhưng trên người tôi lúc nào cũng chỉ có một chiếc áo cộc và cái xi-líp. Hàng xóm nhiều người gạt nước mắt thương tôi. Người dúi cho tôi bắp ngô, người củ sắn, miếng chè lam Phú Quảng… Các bạn trai, bạn gái thấy tôi đi xách nước thì xúm lại xách giùm…”
Cái việc xuất thân trong gia đình phong lưu mà bản thân không được phong lưu cùng việc quyết định không theo bố hồi cư về Hà Nội đã tạo nên một Nguyễn Thanh Giang khắc hẳn số đông đương thời. Ông bộc bạch:
“ Sự cực khổ khiến con người có sức bật mạnh ghê gớm. Đầu năm 1947, ba tôi từ Hà Nội chạy về. Tôi được đi học. Hồi ở Hà Nội tôi mới học hết lớp nhì đệ nhất… vậy mà năm ấy ba tôi xin được cho vào thẳng học kỳ 2 lớp Nhất, rồi tôi thi đỗ bằng Primaire. Thi bằng tiếng Pháp hẳn hoi…”.
Cái quyết định ở lại Thanh Hóa cũng giúp Nguyễn Thanh Giang trở thành tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang (Viết hoa) ngày nay, dù sau này nếu theo bố vào Nam, rồi sang Mỹ tị nạn ông sẽ có học vị cao hơn. Nhưng chắc chắn, khi tìm lại được bố và gia đình thứ hai, Ông được kính trọng về học vị và nhân cách của những thân nhân bên “ thua cuộc”.
“ Măm 1989, khi biết tôi được mời sang dự hội nghị Địa chất quốc tế lần thứ 28 tại Washington, sắp rẽ về thăm nhà. Má (ghì gẻ) tôi xem đấy là một vinh dự lớn ngoài sức tưởng tượng. Bà ăn vận chỉnh tề, bắc ghế ra cửa ngồi chờ tôi. Thấy tôi bà như luống cuống đứng lên, lại ngồi xuống. Tôi chạy lại ôm chầm. Bà nép vào tôi, nước mắt đầm đìa. Không! Tôi không đóng kịch. Trong niềm vui tái ngộ, tôi đã quên hết những đọa đầy ngày xưa, chỉ còn nhớ những ngày nào bà cũng đã từng tắm táp, kỳ cọ cho tôi, xúc cho tôi những thìa cháo ngày tôi ốm… Mấy hôm sau bà tâm sự: Sang đến Mỹ này má mới thấy đã đối xử với con một cách phạm pháp. Má xin lỗi con. Giá ngày ấy con đừng giận, cứ đi theo Ba Má thì cuộc đời con đâu đến nỗi khổ ải như những năm qua. Con không đi Má cũng khổ lây. Nhiều khi nhớ và thương con Ba con lại trách móc mắng chửi Má. Dẫu sao con cũng thật là có chí. Nếu con đi với Ba Má thì con đã dìu dắt được các em của con. Ba Má rất tự hào về con. Người ta bảo rằng đây là cuộc hội ngộ đặc biệt chưa từng có trên đất Mỹ. Không phải đoàn tụ theo kiểu HO… mà là của một cán bộ Cộng sản về với gia đình lánh nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ.
Đêm 28/7/2019.
Hình: Bản thảo cuốn tự truyện, năm 2016 Ts sĩ gửi cho tôi đề nghị đọc trước
( còn nữa)