Wednesday, February 5, 2025
HomeBIỂN ĐÔNGTÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ PHILIPPINES VÀ SỰ QUAN HỆ GIỮA CHÍNH PHỦ...

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ PHILIPPINES VÀ SỰ QUAN HỆ GIỮA CHÍNH PHỦ DUTERTE VỚI TRUNG QUỐC

Người Đà Lạt Xưa

Bài viết này hy vọng sẽ đóng góp với các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu thêm về tình hình chính trị hiện nay tại Philippines, một quốc gia láng giềng có quyền lợi kinh tế chung trên một vùng biển đảo với chúng ta.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2020 tới đây, bởi vì phần lớn đến từ hậu quả của chính sách quan hệ giữa chính phủ của ông và nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Người dân Filipinos ngày càng cảm thấy ông Duterte trở thành một kẻ bù nhìn cho Tập Cận Bình.

Ông Duterte nhiệm chức tổng thống vào ngày 30/06/2016. Chưa đến hai tuần, ngày 12/07/2016, ông Duterte được thừa kế một di sản thắng lợi từ chính phủ tiền nhiệm. Tòa Trọng tài thường trực, Permanent Court of Arbitration (PCA) tại The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Tuyên bố của tòa là “không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố có quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực biển nằm trong phạm vi đường chín đoạn.” Phán quyết của tòa Trọng tài đã cho Philippines ưu thế thuận lợi để đòi hỏi sự tuân thủ của Trung Quốc vốn là thành viên của Công ước Luật biển UNCLOS.

Gần 4 tháng sau, ông Duterte đã công du Bắc Kinh, được trải thảm đỏ với đầy đủ lễ nghi quân cách danh dự và gặp gỡ họ Tập tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 20/10/2016. Từ sau cuộc họp đó, tân Tổng thống Duterte đã luôn tìm cách hạ thấp mọi tranh chấp hàng hải với Trung Quốc để đổi lấy mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuối tháng 11 năm 2016, bên lề hội nghị thượng đỉnh Asia-Pacific Economic Cooperation tại Peru, trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Duterte công bố: “Trong lịch sử, tôi được xếp vào thế giới phương Tây. Thật tốt, nó đã kéo dài đến hết rồi.” Đến tháng 5 năm 2017, ông Duterte đã sang Nga để gặp gỡ chính thức với ông Putin.

Hai tuần lễ trước chuyến đi Moscow, chính phủ Duterte đã được Trung Quốc cho vay 500 triệu Mỹ kim để mua cơ giới quân sự và nhận được viện trợ 3.000 khẩu súng với 3 triệu viên đạn để chống lại quân khủng bố IS ở khu vực miền Nam Philippines. Điều này khiến cho ông Duterte ngỡ rằng Trung Quốc sẽ đến Philippines để giúp cho ông “xây cất, xây cất và xây cất” hàng loạt những công trình và hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế.

Từ ngày nhiệm chức tổng thống, về mặt đối nội, ông Duterte đã nhanh chóng ra lệnh triệt hạ các đường dây và phần tử buôn bán ma túy; về mặt đối ngoại, ông đã tìm kiếm những đối tác mới trong quan hệ đồng minh để thay thế Hoa Kỳ. Tháng 10 năm 2016, Duterte trả lời phóng viên của hãng thông tấn Reuter rằng ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Nga và Trung Quốc khi ông phàn nàn với họ về Hoa Kỳ.

Nhìn ở một khía cạnh khác, người ta có thể nhìn thấy sự rạn nứt trầm trọng giữa ông Duterte với chính phủ Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Barack Obama nêu lên mối lo ngại về cuộc chiến chống ma túy được khởi động bởi tân chính phủ Duterte. Ông Duterte đã cho phép cảnh sát thẳng tay giết chết tại chỗ những người buôn bán ma túy.

Các vấn đề nhân quyền đã trở thành một trở ngại lớn giữa hai ông Duterte và Obama. Để áp lực chính phủ Duterte thay đổi cách thức giải quyết tệ nạn ma túy tại Philippines, chính phủ Obama đã trì hoãn việc triển khai vũ khí cho Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), đồng thời đình hoãn gia hạn gói tài trợ “Millennium Challenge Grant” trị giá 434 triệu Mỹ kim. Hai quyết định này của Hoa Kỳ khiến cho lực lượng an ninh quốc gia Philippines bị kém đi hiệu quả trong việc chống trả lại quân khủng bố Hồi giáo trong nước.

Sự rạn nứt liên minh với Hoa Kỳ đã cho chính phủ Duterte thêm lý do tìm kiếm đồng minh ở một nơi khác. Trung Quốc là một nước đang có tham vọng bành trướng kinh tế toàn cầu. Cộng hòa Nga là một nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới, có thể là nguồn vũ khí thay thế, từ súng nhẹ đến xe tăng, máy bay không người lái, máy bay trực thăng, tàu ngầm và các thiết bị quân sự lớn khác. Đó là hai nơi mà ông Duterte đã tìm đến.

Ngoài ra, ông Duterte còn muốn dựa vào Nga và Trung Quốc, với hai ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để có được sự hỗ trợ ngoại giao, chống lại sức ép quốc tế ngày càng gia tăng trước sự vi phạm nhân quyền của chính phủ Duterte với nguy cơ có thể bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Chính sách của ông Duterte nhằm mở rộng đối tác với Trung Quốc khiến cho Philippines phải trả một giá quá đắt. Mặc dù Philippines đã thắng kiện ở tòa Trọng tài thường trực (một vụ kiện lịch sử do chính phủ Aquino tiền nhiệm nộp đơn khởi tố), nhưng ông Duterte đã làm ngơ trước sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên vùng biển Tây của Philippines. Về phía Hoa Kỳ, chính phủ Obama cũng làm ngơ trước diễn biến Trung Quốc thổi cát, cải tạo đất để nâng cấp các rạn san hô đã chiếm đóng.

Trong khi đó, thay vì tuân thủ phán quyết của tòa Trọng tài để từ bỏ dã tâm chiếm đoạt tài nguyên trong phạm vi đường 9 đoạn, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng thủ đoạn mua chuộc người thắng kiện Philippines, hứa hẹn sẽ viện trợ trị giá đến 24 tỷ Mỹ kim cho chính phủ Duterte. Ba tháng sau đó, Trung Quốc đồng ý ký kết với chính phủ Duterte một dự án đầu tư trị giá 3,7 tỷ Mỹ kim vào 30 công trình tại Philippines.

Cùng thời điểm, công ty dầu khí quốc doanh CNOOC của Trung Quốc đã giành được 51% sở hữu của dầu khí trong vùng biển Calamian rộng 7.120 cây số vuông nằm về phía Tây của Philippines. Trong khi Calamian nằm ngay trên thềm lục địa, công ty Dầu Khí Quốc Gia Philippines chỉ có được 28% (và phần còn lại của Jadestone Energy của Singapore). Bắc Kinh đã thúc giục chính phủ Duterte chấp thuận cho công ty quốc doanh CNOOC được bắt đầu thăm dò.

Chưa hết, lực lượng tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng gia tăng tại vùng biển tranh chấp này. Nhiều ghe thuyền đánh cá của ngư dân Filipinos đã bị tàu biển của Trung Quốc đánh chìm và hải sản bị cướp đi. Thêm vào đó, Bắc Kinh đã liên tiếp xây dựng những căn cứ quân sự, đường bay và hệ thống tên lửa trong các hòn đảo chiếm đóng ngay trước thềm nhà của Philippines. Chính phủ Duterte đã khiến người dân nhìn thấy rõ hai bộ mặt tương phản: cứng rắn với dân trong nước, nhưng mềm nhũn trước thế lực ngoại xâm.

Về phương diện kinh tế, mặc dù mức tăng trưởng GDP của Philippines là 6,2% vào năm 2018, nhưng mức độ phát triển kinh tế đã ở mức chậm nhất trong ba năm qua. Một khi nhiệm vụ của chính phủ là phải làm giảm đi số người dân đang sống với 2 Mỹ kim mỗi ngày (hiện lên đến khoảng 40% dân số, dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc) thì đó là một thất bại mà chính phủ không muốn đối mặt với cử tri.

Về phương diện chống tham nhũng, khi chính phủ Aquino tiếp quản chính quyền, Philippines bám đuôi Nigeria ở vị trí 134 trong bản xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Khi ông Benigno Aquino III trao quyền tổng thống lại cho Duterte, chỉ số nhận thức tham nhũng đã được cải thiện lên thứ hạng 95. Hôm nay, sau ba năm dưới quyền của Duterte. Philippines rơi xuống vị trí thứ 99.

Nhưng hai yếu tố kinh tế và chống tham nhũng vẫn chưa đủ tồi tệ để cử tri muốn lật đổ chính phủ Duterte. Ông Duterte sẽ bị rơi xuống thảm hại bởi vì yếu tố Trung Quốc.

Vào một đêm trời tối 9/6/2019, khi một thuyền đánh cá của Philippines mang số hiệu FB GEM-VER đang bỏ neo ở gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa, thì bất ngờ một con tàu sắt của Trung Quốc đâm vào mạn sườn. Khi chiếc thuyền đánh cá bắt đầu chìm, tàu Trung Quốc lóe lên ánh đèn pha sáng, rọi vào cho thấy 22 ngư dân Philippines đang tuyệt vọng cố gắng bơi nổi giữa đống đổ nát. Tàu Trung Quốc tắt đèn, quay lại và nhanh chóng bỏ đi. Vài giờ sau, một chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam đã giải cứu các thủy thủ mắc kẹt. Và kể từ đó, nó đánh dấu mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã bị chìm mất trên biển.

Một sự ngẫu nhiên, ngày 9/6 cũng là ngày Hữu nghi Filipino-Chinese, khi ông Duterte phải đọc một bài diễn văn ca ngợi những đóng góp của Trung Quốc cho vay nợ để xây dựng hạ tầng cơ sở tại Philippines, người dân Filipinos đã không còn cảm thấy thu hút giống như trước kia.

Ngày 13/6, Bắc Kinh tuyên bố đó là một “tai nạn giao thông hàng hải bình thường”; đến ngày 14/6, Bắc Kinh lại đưa ra một tuyên bố khác khẳng định rằng “tàu Trung Quốc đã bị bao vây bởi bảy hoặc tám chiếc thuyền của Philippines”. Lập luận của Bắc Kinh đã mâu thuẫn với kết quả điều tra chung giữa Philippines và Trung Quốc, kết luận vụ việc là một tai nạn hàng hải rất nghiêm trọng, trong đó tàu Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định của Công ước Luật biển UNCLOS.

Ông Duterte đã phá vỡ sự im lặng của mình vào ngày 17/6, tức là 7 ngày sau khi các ngư dân của FB GEM-VER sống sót trở về. Trong bài phát biểu, ông Duterte đã lặp lại tuyên bố của Trung Quốc, mô tả sự kiện này là “một tai nạn hàng hải nhỏ” và cảnh báo công chúng đừng làm cho nó tồi tệ hơn.

Trong những tuần sau bài phát biểu của Duterte, công chúng Philippines ngày càng kích động. Nhiều người Philippines đã chỉ trích vị trí của chính phủ trên mạng truyền thông xã hội, gọi tổng thống là “Duterte Duwag” có nghĩa là “Duterte Hèn Nhát”. Cái nhìn của người dân về Duterte thay đổi rất đáng kể. Richard Heydarian, một nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, đã nhận xét rằng: “Duterte thực sự trông giống như một con rối Trung Quốc trong mắt rất nhiều người ở Philippines và còn tệ hơn thế nữa.”

Quả thật là một con rối. Trong cùng một tuần lễ vừa qua, ông Duterte đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Philippines không có khả năng để thực thi phán quyết của tòa án Trọng tài bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp dựa trên chính sách đường 9 đoạn”. Vài ngày sau, Duterte lại tuyên bố chính phủ của ông sẽ viện dẫn Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau, Mutual Defense Treaty (MDT), nếu người đồng minh lâu đời là Hoa Kỳ tuyên chiến với Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm lăng của Bắc Kinh ở Biển Tây Philippines. MDT là một hiệp ước cam kết bảo vệ lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Philippines trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương được hai bên thỏa thuận và ký kết vào năm 1951.

“Tôi hứa. Nếu Hoa Kỳ nói chúng ta cùng đánh. Tôi muốn nói với Trung Quốc ngay lúc này, nếu Hoa Kỳ khởi động chiến tranh, tôi sẽ gia nhập với Hoa Kỳ, với điều kiện Hoa Kỳ cho tôi vũ khí. Đệ thất hạm đội nên có mặt ở đó”. Ông Duterte nói thêm: “Tôi đang đề nghị. Tôi đang xin lỗi Trung Quốc, tôi phải cầu cứu đến hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân. Nếu Trung Quốc nói đó là một cuộc xâm lược, thì tôi muốn nói với Trung Quốc, các anh mới là một kẻ xâm lược.”

Quả thật là một con rối… đang chạy về với người Mỹ.

Một số nhà phê bình chính phủ, bao gồm Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao, ông Antonio Carpio, đã đòi hỏi Tổng thống Duterte phải tìm cách để thực thi phán quyết của tòa Trọng tài. Phát biểu tại diễn đàn Stratbase của Viện Albert del Rosario (ADRI) ở thành phố Taguig, ông Carpio nói rằng: “Lập luận cho rằng việc thi hành phán quyết trọng tài có nghĩa là gây chiến với Trung Quốc, một cuộc chiến mà Philippines chắc chắn sẽ thua, đó là một lập luận hoàn toàn sai lầm được dựng ra để đe dọa người dân Philippines phải tuân theo ý muốn của Trung Quốc.”

Cựu ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, chỉ trích chính phủ Duterte đã “kiên trì trong việc cho phép Bắc Kinh tước quyền của người dân về những gì đất nước này sở hữu.” Ông nói: “Chúng tôi không chịu khuất phục trước các mối đe dọa vũ lực bao gồm cả mối đe dọa chiến tranh” từ phía Trung Quốc.

Trích dẫn bài viết của học giả Amitav Acharya của American University, ông Del Rosario nói rằng “gây ra một cuộc chiến cũng sẽ gây bất tiện cho Trung Quốc”.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu, bao gồm cả nguồn cung cấp nhiên liệu, cần các tuyến vận chuyển mở như Eo biển Malacca và Ấn Độ Dương, nơi bị chi phối bởi sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ. Ông Del Rosario nhấn mạnh: “Với định nghĩa bảo đảm an ninh rõ ràng hơn gần đây do Mỹ cung cấp, do đó có thể không cần thiết phải thu hẹp lại mối đe dọa chiến tranh với Trung Quốc.”

Nhiệm kỳ tổng thống của Duterte sẽ chấm dứt vào năm tới. Đã đến lúc Duterte phải bàn giao chiếc ghế nguyên thủ quốc gia cho một lãnh đạo sáng suốt và có thành tín với các quốc gia đồng minh trong thế giới tự do.

Fb Người Đà Lạt Xưa
(viết thay cho Selena Zen)

July 15, 2019

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular