Friday, December 13, 2024
HomeBLOGBắt Lê Tấn Hùng: Điềm quá xấu với ‘bố già’ Lê Thanh...

Bắt Lê Tấn Hùng: Điềm quá xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải

VNTB

Thường Sơn

(VNTB) – Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể…

Sẽ khó có thể so sánh hai vụ Phạm Nhật Vũ – Phạm Nhật Vượng và Lê Tấn Hùng – Lê Thanh Hải với nhau bởi một điểm khác biệt rất đáng kể: dù Phạm Nhật Vũ đã bị tống giam vì dính đậm vụ ‘MobiFone mua AVG’, nhưng anh trai của Vũ là Phạm Nhật Vượng không bị liên lụy vì chưa có cơ quan pháp luật nào xác định Vượng liên đới vụ mua bán khống đó; còn vụ nhân vật Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải – từng một thời là chủ tịch và bí thư đầy tai tiếng và cả ‘tội ác’ ở đất Sài Gòn.

Nguyên do: bản thân Lê Thanh Hải cũng đang dính phốt nặng vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’, chưa kể quá nhiều đồn đoán về những vụ ‘ăn uống’ khác.

Vào tháng trước, sau hơn một năm trời co kéo, vụ Lê Tấn Hùng mới được chính quyền TP.HCM chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức vì “vi phạm rất nghiêm trọng” khi ông Hùng còn ngồi ghế tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI).

Ông Lê Tấn Hùng bị bắt giam

Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM.

Lực lượng Thanh niên xung phong lại là “cái nôi cách mạng” để từ đó “đi lên” của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được “bảo kê 100%” bởi ông Lê Thanh Hải.

Ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại và trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang đang báo hiệu một điềm rất xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải, cho dù mới đây Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện trong “Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh” do Thành ủy TP.HCM của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, với phát biểu đậm chất ‘lên lớp’: ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diển biến”, “tự chuyển hóa “, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…” – như một hành động tự che chắn cho bản thân.

Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng: danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm – một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.

Vào giữa năm 2019, tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018 khi cơ quan Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.

Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như “Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh?”, “160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào?”, “Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào?”…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra – cũng của Thanh tra chính phủ – được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’.

Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.

Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy TP.HCM sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào – xử lý kỷ luật đảng hay theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên ở tòa “Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”.…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular