VOA
Hơn một ngàn người biểu tình tuần hành đến các lãnh sự quán của các nước lớn ở Hồng Kông hôm thứ Tư 26/6, kêu gọi các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới hãy giúp hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Mang theo biểu ngữ “Xin hãy giải phóng Hồng Kông” bằng nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Nga và tiếng Đức, những người biểu tình tuần hành đến lãnh sự quán của các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn tại Nhật Bản vào cuối tuần này.
Hàng triệu người ở Hồng Kông đã biểu tình trong những tuần gần đây chống lại dự luật dẫn độ có nội dung cho phép dẫn độ các cá nhân, kể cả người nước ngoài, đến Trung Quốc đại lục để đưa ra xét xử tại tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Bà Carrie Lam, lãnh đạo Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm, rốt cuộc đã nhượng bộ sau khi xảy ra một số vụ bạo lực tồi tệ nhất trên đường phố Hồng Kông trong hàng chục năm qua, trong đó, cảnh sát đã bắn lựu đạn hơi cay và đạn cao su.
Nhưng bà Lam không hoàn toàn đáp ứng yêu sách của người biểu tình là hủy bỏ dự luật, bà chỉ nói rằng dự luật sẽ bị đình hoãn vô thời hạn.
“Chừng nào chính quyền chưa rút lại dự luật, và họ còn từ chối hồi đáp, thì chúng tôi sẽ còn tiếp tục chiến đấu”, Aslee Tam, 19 tuổi, một sinh viên đại học tham gia tuần hành, cho biết.
Tại lãnh sự quán Hoa Kỳ, những người biểu tình trao một bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Donald Trump “hậu thuẫn Hồng Kông tại Hội nghị thượng đỉnh G20”. Họ kêu gọi rằng khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump hãy ủng hộ việc rút lại toàn bộ dự luật và tiến hành điều tra độc lập về hành động của cảnh sát Hồng Kông chống lại người biểu tình.
Những người biểu tình, trong đó có một số người mặc áo in chữ “Hãy giải phóng Hồng Kông”, cũng tuần hành đến lãnh sự quán Anh. Tại đó, một người đàn ông giơ lên biểu ngữ “Hãy giải thoát Hồng Kông khỏi thực dân Trung Quốc”.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Anh không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Những người biểu tình chia thành ba nhóm và tuần hành ôn hòa xuyên qua thành phố tới 16 cơ quan ngoại giao, bao gồm Văn phòng Liên hiệp châu Âu và các lãnh sự quán của Argentina, Úc, Canada, Ý, Nhật Bản, Nam Phi, Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà hoạt động Hồng Kông quyên góp được hơn 5 triệu đô la Hồng Kông (640.606 đô la Mỹ) nhờ một chiến dịch gây quỹ để đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông lớn như báo New York Times trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh để thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Một số nhà hoạt động Hồng Kông cũng lên đường đi đến Osaka.