Friday, December 27, 2024
HomeBLOGPHÂN LOẠI HẠNG NGƯỜI

PHÂN LOẠI HẠNG NGƯỜI

Ls. Luân Lê

Rõ ràng là nhu cầu đi lại của người dân không phải là một vấn đề cần lưu tâm của chính quyền, hoặc ít nhất là với Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khi ông ta có thể thách thức: ít tiền thì chịu khó đi xe đạp. Và như vậy, việc đổ lỗi cho xe máy và dành đặc quyền cho ô tô đã được khẳng định thêm một lần nữa.

Và giai cấp công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt của đảng cộng sản, lại bị đặt ra rìa và bị gạt bỏ một cách nhẫn tâm khỏi các sự hoạch định chính sách từ những kẻ mà họ luôn lớn giọng tuyên bố của dân, do dân và vì dân, trong đó là giai cấp công nhân và nông dân luôn được đứng hàng đầu về mức độ quan trọng. Vì đông đảo con người ở các giai tầng người này chỉ đều ở mức sống dưới trung bình của xã hội (về thu nhập, điều kiện sống và hạn mức chi tiêu).

Dân Việt Nam có được bao nhiêu người có mức sống đủ để sở hữu và duy trì một chiếc ô tô cá nhân? Hơn nữa, vấn đề của giao thông không phải chỉ riêng do xe máy, mà là lỗi của tổng các quy hoạch chung bao gồm quy mô dân số và cơ sở hạ tầng và sau đó là phương tiện như một hệ quả phái sinh của tệ trạng giao thông hiện tại. Trong khi đáng ra họ phải quan tâm và tính toán đầu tiên tới việc nếu thay thế xe máy thì phương tiện nào tốt hơn, tức là phù hợp và tiện lợi, kinh tế, ít ô nhiễm hơn so với việc sử dụng phương tiện xe máy cá nhân?

Đây là bài toán cân bằng lợi ích của người dân, trong đó là việc xác định các thiệt hại về kinh tế (tiền duy trì phương tiện, thời gian phải bù đắp thêm cùng chi phí đi lại thay thế) và tỷ lệ gây hại cho môi trường (kéo theo chi phí khắc phục, phục hồi hậu quả mà nó đưa tới) chưa được tính đến, trong khi nạn tắc đường (kẹt xe) nếu chỉ do phương tiện là xe máy gây ra, rõ ràng, tất cả xe đạp có thể giải quyết được vấn đề ngay lập tức mà không cần phải dùng đến ô tô để di chuyển. Nếu muốn cấm xe máy, vậy ngược lại, tại sao không cấm ô tô và chỉ sử dụng xe máy?

Tôi thấy hầu hết các cán bộ, quan chức đi làm việc không bằng phương tiện công cộng bao giờ. Và nếu có muốn đi thì đi bằng gì nếu không phải là xe buýt, mà nó vốn không một chút nào đảm bảo về tình trạng an ninh trên xe (trộm cắp, cướp bóc, quấy rối tình dục) và an toàn trong lưu thông. Nếu có tàu điện trên cao hoặc có metro, không hiểu là họ di chuyển kiểu gì trong cùng một thành phố mà chỉ vài đoạn đường hoặc vài tuyến phố lại phải loay hoay chuyển loại phương tiện để di chuyển.

Nói chung là, những cái khó và cái khổ thì đổ đầu dân, còn quan chức, cán bộ thì có chế độ xe ô tô riêng đưa đón và công tác. Nên chỉ cần cấm xe máy là đỡ phiền phức cho các ông tha hồ thưởng ngoạn phố xá. Có ai và có quốc gia nào chỉ chăm chăm đi giải quyết các chi tiết và bộ phận của một guồng máy mà không hiểu nguyên lý vận hành và trong sự cấu thành cái tổng thể của nó? Chắc hẳn họ hiểu tính đồng bộ trong sự vận động của một cấu thể phức hợp là quan trọng thế nào cho sự tồn tại của chính nó, như một con rết nhiều chân nhưng chân nào cũng cần phải linh hoạt và theo nhịp độ phù hợp của từng vị trí của chân và theo từng địa hình mà nó di chuyển.

Cũng như một quốc gia và xã hội, phải có đủ nền tảng các thiết chế phù hợp và có sự liên trợ, tương tác đủ sức mạnh để nó có thể thúc đẩy một hành động có lợi hoặc ngăn chặn kịp thời một hành động (đe doạ) gây hại nào đó. Nếu cứ mãi đi vào xử lý vấn đề theo một chiều và về một mặt thiên lệch, nó sẽ kéo sụp cả một chính sách và sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho con người, xã hội và đất nước.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular