Saturday, December 21, 2024
HomeBLOGCampaign: Việt Nam đang giam giữ 244 tù nhân lương tâm

Campaign: Việt Nam đang giam giữ 244 tù nhân lương tâm

Theo NOW! Campaign, một chiến dịch nhằm vận động trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam của 14 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam, chính phủ Việt Nam đang giam giữ ít nhất 244 tù nhân lương tâm so với 165 tù nhân lương tâm vào tháng 11 năm 2017, khi chiến dịch được phát động. Điều này biến Việt Nam trở thành nơi giam giữ người bất đồng chính kiến lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.

Con số trên bao gồm 224 người đã bị kết án, với các cáo buộc điển hình như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “phá hoại chính sách đoàn kết,” và 20 người bị giam giữ trong giai đoạn điều tra hay chờ ngày xét xử. Ngoài ra, tám người tham gia biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 năm 2018 đã bị kết án với bản án tù treo từ năm tháng đến hai năm.

Nhiều blogger, luật sư, công đoàn, người hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính trị và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký đã bị bắt giữ và giam giữ chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp Việt Nam và nhiều công ước quốc tế như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo hoặc niềm tin. Danh sách này không bao gồm các cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.

Năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 27 nhà hoạt động nhân quyền và kết án 40 nhà hoạt động với tổng số án tù là 300 năm và 69 năm bị quản thúc tại gia. Ngoài ra, 64 người biểu tình ôn hòa đã bị kết án liên quan đến các cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu vào giữa tháng 6, nơi hàng chục ngàn người biểu tình phản đối hai dự luật về Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Những người biểu tình này đã bị kết án tổng cộng 121 năm và năm tháng tù giam và chín năm tù treo.

Ba mươi hai trong số 244 tù nhân lương tâm là nữ. Với một ngoại lệ, tất cả những người phụ nữ này đến từ dân tộc Kinh. Một ngoại lệ, Rmah Hruth, là một phụ nữ dân tộc Jarai, đã bị kết án năm năm tù vào tháng 3 năm 2014. Tổng cộng, 186 người, hoặc 76,6% trong danh sách, là người dân tộc Kinh. Nhóm dân tộc lớn thứ hai trong danh sách là người Thượng, bao gồm nhiều sắc tộc thiểu số và nhóm tôn giáo sống ở vùng núi của Tây Nguyên. Họ chiếm 24,2% những người trong danh sách. Mười bảy trong số những người trong danh sách là người H’Mông và hai người thuộc dân tộc thiểu số Khmer Krom.

Hầu hết các tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án về các cáo buộc theo các Điều 109, 116.117, 318 và 331 trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (Điều 79, 87, 88, 245 và 258 của BLHS 1999):

– 45 nhà hoạt động bị kết án về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của BLHS 1999 hoặc Điều 109 trong BLHS 2015;

– 23 nhà hoạt động bị kết án và năm người bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 của BLHS 1999 hoặc Điều 117 của BLHS 2015;

– 53 người dân tộc thiểu số bị kết án vì cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của BLHS 1999;

– 13 nhà hoạt động bị kết án hoặc bị buộc tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của BLHS 1999 hoặc Điều 331 của BLHS 2015;

– 78 cá nhân bị kết án hoặc bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của BLHS 1999 hoặc Điều 318 của BLHS 2015). Năm mươi hai người trong số họ đã bị cầm tù vì tham gia biểu tình ôn hòa hoặc bị nghi ngờ có kế hoạch tham gia vào các cuộc biểu tình giữa tháng Sáu.

– 16 cá nhân bị bắt giữ hoặc giam giữ nhưng cơ quan chức năng không/chưa công bố cáo buộc hay tội danh chống lại họ.

Lưu ý rằng 25 cá nhân trong báo cáo quý của Now!Campaign vào ngày 01/10/2018 đã bị đưa ra khỏi danh sách tù nhân lương tâm vì thông tin về họ quá sơ sài cho dù họ được đưa vào danh sách tù nhân lương tâm của tổ chức nhân quyền khác (Human Rights Watch).

Bối cảnh xã hội năm 2018

Để duy trì chế độ độc đảng, chính phủ cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp mạnh mẽ chống lại giới bất đồng chính kiến bằng cách bắt giữ và kết án nhiều người chỉ trích chính phủ, blogger, người dùng Facebook, người tham gia biểu tình ôn hoà, người bảo vệ môi trường và nhà hoạt động xã hội.

Để ngăn chặn sự bất mãn xã hội ngày càng tăng, làm câm lặng các nhà hoạt động và người phản biện, chính phủ Việt Nam đã sử dụng các điều luật mơ hồ trong phần an ninh quốc gia của BLHS để bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền và kết án họ bằng những bản án nặng nề. Nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ môi trường Lê Đình Lương đã bị kết án 20 năm tù và 5 năm quản chế, bản án tù nặng nhất dành cho một nhà hoạt động trong 5 năm qua.

Chế độ cộng sản đã sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên đường phố và sử dụng cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của BLHS 2015 để giam cầm hàng chục người biểu tình ôn hòa.

Làn sóng bắt giữ lớn nhất trong hai thập kỷ

Năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 27 nhà hoạt động và blogger. Hai mươi trong số họ đã bị buộc tội theo quy định của BLHS trong khi các cáo buộc chống lại năm người còn lại chưa được công bố.

– Sinh viên đại học Huỳnh Đức Thanh Bình bị buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của BLHS 2015.

– Năm nhà hoạt động Hoàng Thị Thu Vang và 4 thành viên của nhóm Hiến Pháp Ngô Văn Dũng,Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Thị Hồng và Hồ Đình Cường đã bị bắt vào đầu tháng 9 và buộc tội “phá rối an ninh” theo Điều 118 của BLHS 2015. Lực lượng an ninh đã bắt cóc 5 người này vào các ngày 1-4/9 mà không thông báo cho gia đình họ về các vụ bắt giữ và nơi giam giữ họ. Họ đang phải đối mặt với án tù cao nhất lên tới 15 năm nếu bị kết án.

– 5 nhà hoạt động đã bị bắt và bị buộc tội làm, lưu trữ hoặc truyền bá thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm với mục đích chống lại nhà nước theo Điều 117: Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Đình Thành, Huỳnh Trường Ca, Nguyễn Trung Linh và Nguyễn Văn Quang.

– Chín nhà hoạt động đã bị bắt và bị buộc tội lạm dụng quyền tự do dân chủ, theo Điều 331 của BLHS 2015: Đỗ Công Dương, Lê Anh Hùng, Nguyễn Văn Trường, Đoàn Khánh Khánh Quang, Bùi Mạnh Đồng, Nguyễn Hồng Nguyên, Trương Đình Khang, và Lê Minh Thể. Năm người trong số họ đã bị kết án và bị kết án từ 1 đến 5 năm tù trong khi bốn người khác đang bị giam giữ trước khi xét xử.

– Các cáo buộc chống lại Huỳnh Đức Thịnh, Trần Long Phi, Đỗ Thế Hoá và Trần Thanh Phương chưa được công bố. Công an vẫn chưa giao lệnh bắt giữ cho gia đình họ.

Tất cả những người bất đồng chính kiến này đã bị giam giữ trong thời gian điều tra mà không được phép gặp luật sư của họ, và gia đình họ không được phép đến thăm họ và chỉ được cung cấp thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cá nhân khác dành cho người bị giam giữ.

Ngoài ra, Việt Nam đã bắt hàng trăm người tham gia biểu tình ôn hòa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương và các địa phương khác vào ngày 10-11/6. Hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố để biểu tình nhằm phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Dự luật đầu tiên được cho là không đếm xỉa đến chủ quyền của đất nước mà đưa ra các điều kiện có lợi cho nhà đầu tư Trung Quốc trong khi dự luật thứ hai được coi là một công cụ hà khắc để làm im lặng các nhà phê bình trực tuyến. Trong bản báo cáo chung gửi Liên Hợp quốc (LHQ) nhân dịp Việt Nam báo cáo việc thực thi Công ước Chống Tra tấn vào giữa tháng 11 năm 2018, BPSOS và một số tổ chức nhân quyền và dân sự đã tố cáo việc Việt Nam sử dụng bạo lực để giải tán biểu tình ôn hoà trong tháng 6 năm 2018.

Lực lượng an ninh Việt Nam Việt Nam đã sử dụng các đặc vụ mặc thường phục để bắt cóc những người bất đồng chính kiến và giữ họ trong nhiều tháng mà không công bố cáo buộc chống lại họ hoặc thông báo cho gia đình họ về việc họ bị bắt và các cáo buộc chống lại họ. Ít nhất mười nhà hoạt động đã bị cảnh sát giam giữ vào đầu tháng 9, và họ vẫn bị giam giữ để điều tra về các cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm “phá rối an ninh” trong phần an ninh quốc gia của BLHS. Trong số đó có các blogger Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Trần Thanh Phương, Hưng Hùng, Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng và Đỗ Thế Hoá của nhóm Hiến Pháp, một nhóm chưa đăng ký hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân quyền thông qua việc phổ biến Hiến pháp 2013.

Trong bản Nhận xét Kết luận của Uỷ ban Chống Tra tấn của LHQ sau khi Việt Nam báo cáo việc thực thi Công ước Chống Tra tấn và các hình phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác ở Geneva vào giữa tháng 11, Ủy ban Chống Tra tấn kêu gọi Việt Nam cho phép người bị bắt giữ và giam giữ được tiếp cận với luật sư và quyền được thông báo ngay lập tức về cáo buộc chống lại họ, được thông báo cho người thân, được kiểm tra y tế từ bác sỹ độc lập, và việc bắt giữ, giam giữ phải được lưu vào hệ thống chung của công an.

Giam giữ kéo dài trước khi xét xử

Trong nhiều trường hợp, một số nhà hoạt động đã bị giam giữ tới 28 tháng trước khi xét xử. Chẳng hạn, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà đã bị giam giữ trước phiên tòa từ ngày 16/12/2015 cho đến phiên tòa của họ vào ngày 5/4/2018. Trong thời gian bị giam giữ trước phiên tòa, họ không được phép gặp luật sư hoặc người thân của họ. Trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ được gặp luật sư để chuẩn bị cho việc bào chữa của họ một vài ngày trước khi bị xét xử.

Trường hợp của blogger Nguyễn Danh Dũng cần được quan tâm đặc biệt. Vào ngày 16/12/2016, chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ anh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”theo Điều 88 của BLHS 1999. Không có thông tin về anh ta kể từ đó. Không rõ liệu anh ta đã bị xét xử hay được trả tự do hay vẫn đang bị giam giữ trước khi xét xử.

Trong Nhận xét Kết luận của mình, Ủy ban Chống tra tấn của LHQ đã bày tỏ sự lo ngại về việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử mà các nhà bảo vệ nhân quyền phải đối mặt và khuyên Việt Nam nên bảo đảm rằng những người bị giam giữ cần được hưởng các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản như tiếp cận luật sư hoặc trợ giúp pháp lý, quyền thông báo cho gia đình họ về việc họ bị giam giữ; và rằng các điều kiện giam giữ và đối xử đối với họ không thua kém những người khác cũng bị tước quyền tự do.

Những bản án nặng nề

Năm 2018, Việt Nam đã kết án 40 nhà hoạt động, 32 người trong số họ bị bắt năm 2015-2017 và tám người trong năm 2018.

– Có đến 16 nhà hoạt động đã bị kết án về tội danh lật đổ. Họ gồm tám thành viên của Hội Anh em Dân chủ(HAEDC): Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Phạm Văn Trội,Trương Minh Đức, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc, và Lê Thu Hà; nhà bảo vệ môi trường và hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng, thầy giáo đã nghỉ hưu Đào Quang Thực và năm cá nhân được cho là có liên quan đến Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết: Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung. Họ đã bị kết án với những bản án nặng nề từ 7 đến 20 năm tù và quản chế từ 1năm đến 5 năm.

– Bảy nhà hoạt động đã bị kết án về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”theo Điều 88 của BLHS 1999 hoặc “làm, lưu trữ hoặc truyền bá thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm cho mục đích chống lại chính phủ”theo Điều 117 của BLHS 2015: Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc, Bùi Hiếu Võ, Nguyễn Việt Dũng, Huỳnh Trường Ca và Nguyễn Đình Thành. Họ bị kết án từ 4,5 năm đến 8 năm tù. Ông Thuận bị bản án cao nhất (8 năm) và Bùi Hiếu Võ, một blogger trực tuyến tại thành phố Hồ Chí Minh, bị án nhẹ nhất.

– Bốn nhà hoạt động đã bị kết án vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”theo Điều 331 của BLHS 2015: Trương Đình Khang, Nguyễn Hồng Nguyên, Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng. Họ đã bị kết án lần lượt là 1 năm, 2 năm, 27 tháng và 30 tháng tù.

– Đỗ Công Dương, một nhà hoạt động chống tham nhũng và nhà báo độc lập ở tỉnh Bắc Ninh, đã bị bắt khi đang quay phim cưỡng chế đất vào tháng 2 năm 2018. Sau đó, ông bị kết án với cáo buộc “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 và “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của BLHS 2015. Ông bị kết án trong 2 phiên tòa riêng biệt với 5 năm tù cho tội danh đầu tiên và 4 năm tù cho tội danh thứ hai.

– Chín nhà hoạt động và 64 người biểu tình ôn hòa vào giữa tháng 6 đã bị kết án với tội danh “gây rối trật tự công cộng” và bị kết án từ 8 tháng đến 6 năm tù giam.

Bị đàn áp, ngược đãi trong tù

Vào tháng 7 – 8, các nhà hoạt động nhân quyền bị giam cầm Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là blogger Mẹ Nấm) được cho là đã bị ngược đãi trong tù. Cô Nga bị một tù nhân đánh đập và đưa ra lời đe dọa đánh cho đến chết. Vào ngày 29 tháng 9, Nga đã bị từ chối không cho gặp gỡ với gia đình cô. Lần cuối cùng cô gặp gia đình là ngày 26 tháng 7. Gia đình cô lo lắng đến sự an toàn của cô. Cô Quỳnh cũng bị một tù nhân đe dọa và bị cung cấp thức ăn kém phẩm cấp.Cô đã tiến hành một cuộc tuyệt thực 17 ngày kéo dài từ ngày 7 tháng 7 đến ngày 23 tháng 7 để phản đối sự đối xử vô nhân đạo của nhà tù.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù tại Trại tù số 6 ở tỉnh Nghệ An, đã tiến hành một cuộc tuyệt thực từ ngày 14 tháng 8 để phản đối sự đối xử tồi tệ của chính quyền nhà tù, nhằm mục đích ép buộc ông đưa ra lời thú tội sai. Cuộc tuyệt thực kéo dài đến ngày 16 tháng 9.

Vào ngày 16/8/2018, xuất hiện với tư cách nhân chứng tại phiên tòa của Lê Đình Lương, Nguyễn Văn Hoá và Nguyễn Viết Dũng đã tố cáo rằng họ bị buộc đưa ra những lời khai bất lợi cho ông Lượng vì đã bị tra tấn. Ngay sau đó, cả hai được đưa đến một phòng khác, nơi Hoá lại bị đánh bởi phó giám thị trại tạm giam của Sở Công an tỉnh Nghệ An.

Bộ Công an thường chuyển tù nhân lương tâm đến các trại giam xa gia đình của họ như là hình phạt bổ sung cho những người từ chối thừa nhận tội. Ví dụ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga đã đưa đến các nhà tù nằm cách 1.000 km đến 2.000 km. Các trường hợp được ghi nhận khác được liệt kê trong bảng dưới đây.

Mãn hạn tù, phóng thích

Mười nhà hoạt động đã được trả tự do năm 2018. Nguyễn Hữu Quốc Duy, Đinh Nguyên Kha, Trần Thị Thuý, Giàng A Vàng và Vàng A Long đã thi hành xong bản án của họ. Ba người đầu tiên vẫn bị quản chế – họ chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương trong thời gian này. Sau nhiều năm trong tù, sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn; được chẩn đoán mắc một số bệnh nặng, họ cần điều trị y tế khẩn cấp để phục hồi một phần sức khỏe.

Ba người khác, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thu Hà và Nguyễn Văn Đài được phóng thích nhưng buộc phải rời khỏi Việt Nam để sống lưu vong. Vào ngày 7 tháng 6, ông Đài, cùng vợ và cô Hà rời Việt Nam đi Đứctrong khi cô Quỳnh cùng mẹ và hai con đi sang Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng 10.

Phản ứng quốc tế về đàn áp của Việt Nam

Cuộc đàn áp của Việt Nam chống lại giới bất đồng chính kiến đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức và Vương quốc Anh cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế như các tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists).

Cùng với việc kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Việt Nam tôn trọng các hiệp ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi Luật An ninh mạng, tmột công cụ nhằm hạn chế hơn nữa quyền tự do ngôn luận.

Trong bản Nhận xét Kết luận ngày 28/12/2018 đã nhắc ở trên, Ủy ban Chống Tra tấn của LHQ kêu gọi Việt Nam chấm dứt ngay lập tức mọi hành vi tra tấn và các hình thức đối xử tệ bạc với những người bị tước đoạt tự do, đặc biệt là tù nhân lương tâm.

————————————-

Thuật ngữ tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience – POC) được Peter Benenson đưa ra vào những năm 1960. Nó đề cập đến bất kỳ cá nhân nào bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc lương tâm, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tình trạng kinh tế, sinh sản, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác mà không sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực hoặc thù hận.

Now! Campaign là một chiến dịch chung do Boat People SOS (BPSOS) khởi xướng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện. Chiến dịch được hỗ trợ bởi 14 tổ chức phi chính phủ:

Boat People SOS (BPSOS)
Front Line Defenders (FLD)
Civil Right Defenders (CRD)
Christian Solidarity Worldwide (CSW)
Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders – DTD)
Stefanus Alliance International
Asian Parliamentarians for Human Rights (APHR)
The 88 Project
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam -IJAVN)
Progressive Voice-Burma
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Women for Human Rights – VNWHR)
Campaign to Abolish Torture in Vietnam (VN-CAT)
World Organisation Against Torture (OMCT)
Montagnard Human Rights Organization (MHRO)

Nguồn Mạch Sống

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular