Saturday, December 21, 2024
HomeBLOG28/11 SINH NHẬT EM TÔI

28/11 SINH NHẬT EM TÔI

Nó được sinh ra khi tôi đã lớn, tốt nghiệp xong cấp 3 và đi làm ở Công ty Xây dựng 4 Nghệ Tĩnh. Hồi đó, mẹ tôi mang thai nó khi 6 anh em đã lớn là cả một chuyện khá thú vị. Mặc dù khi mang thai nó, mẹ tôi mới có 40 tuổi. Nhưng với chúng tôi thì tuổi đó cũng đã là cao niên.

Ở quê tôi thời đó, con gái lấy chồng sớm và khi con đầu đã lớn, mẹ còn mang thai là một vấn đề bởi sự trêu chọc của xóm làng, nhất là mấy đứa bạn học của những đứa lớn chúng tôi. Vì thế mà nhiều người rất ngại ngùng khi lớn tuổi mà vợ vẫn mang thai. Người ta có thể hỏi thăm bằng một câu móc máy, một cái cười…

Nông thôn chúng tôi là vậy.

Câu chuyện ông Diệm trong xóm, khi con đã lớn mà vợ mang thai, gặp người thường hay trêu chọc người khác, chưa để họ hỏi thăm hoặc trêu chọc, ông nói ngay:
– Này, mình may quá ông ạ.
– Có gì mà may mắn thế ông? – Người kia hỏi lại.
– May, không thì mình để sót một đứa trong bụng mẹ nó. Sắp đẻ rồi ông ạ.
Thế là hòa cả làng. Cho đến giờ người ta vẫn nhắc lại như một câu chuyện vui một thời.

Tất nhiên, không phải ai cũng vui tính và biết hóa giải như ông Diệm.

Thầy tôi thì khác, là một cán bộ, kỹ sư thời đó hiếm hoi, suốt ngày đi làm việc cơ quan, sạch sẽ và lịch sự, nhưng chưa khi nào ông thấy xấu hổ hoặc ngại ngùng khi có bà vợ là nông dân. Trái lại, ông luôn tự hào mình có một người vợ nông dân nhưng thông minh và đảm đang mọi việc lo cho cả gia đình chồng con học hành.

Mẹ tôi có thai nó, ông đạp xe đạp chở bà đi khám, anh em trong cơ quan hỏi bà bị bệnh gì? Ông hóm hỉnh: “Bệnh cũ tái phát”.

Ngày nó ra đời, sáng 28/11, tôi đang ở nhà và khi mẹ tôi sinh nó, tôi đạp xe lên cơ quan thầy tôi. Trong giờ làm việc, bao nhiêu người đang có mặt nên tôi nghĩ ông cũng ngại nên không nói gì. Chờ đến khi hết người trong phòng, tôi mới nói:

– Thầy ơi, mẹ đẻ rồi.

Tưởng ông xấu hổ, không ngờ ông la toáng lên và đi dọc hành lang dãy nhà văn phòng công ty thông báo:

– Mình về chút đã, vợ đẻ rồi.

Ngày tôi ra Hà Nội đi học Đại học, nó đã biết chạy theo và ai có hỏi anh đi đâu, nó nói: “Anh Vinh đi Hà Nội bán lạc, bán bánh chưng”. Chỉ là vì tôi mỗi lần về hè, về tết thì khi ra đi món quà có thể mang đi là lạc, đậu và bánh chưng ăn dần.

Thế rồi nó lớn lên, cá tính, gan góc và khá lỳ lợm, tự chủ qua những ngày gian nan. Mới mấy tuổi đã làm đủ mọi việc như anh em chúng tôi ngày nhỏ, những ngày của thế hệ không biết mình có một tuổi thơ. Nó đen cháy và nhỏ con, suốt ngày lăn lóc với chăn bò, làm việc nhà.

Ngày thầy tôi ra đi, nó mới hơn 14 tuổi, gầy nhẳng và ngơ ngác. Nó là nỗi day dứt nhất của thầy tôi khi từ giã cõi đời vì nó còn quá nhỏ. Tiếng khóc của nó xé lòng xé ruột không chỉ anh em, gia đình tôi mà tất cả mọi người.

Thế rồi nó cũng lớn lên, tôi đưa nó ra Hà Nội ở với vợ chồng tôi, học hành ở đó xong thì về quê. Có lẽ cuộc đời nó vui nhất, ý nghĩa nhất là những ngày nó sinh hoạt giới trẻ của Giáo hạt dưới thời cha Pet. Nguyễn Văn Vinh.

Rồi nó tự thi công chức và vào làm ở bệnh viện.

Rồi nó lấy chồng, con cái và lại có những lo toan mới.

Một lần, khi nói chuyện với tôi, nó nói:

– Có lẽ em phải bỏ nghề anh ạ. Không sống nổi với nghề này.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Tại sao thế, người ta bỏ ra cả mấy trăm triệu để chạy thi công chức, chạy vào chỗ bệnh viện để kiếm việc làm. Vậy sao mình lại bỏ?

Nó ngồi ứa nước mắt và chậm rãi nói:

– Nhiều người vẫn chạy, vẫn làm và vẫn sống. Có điều là không biết nên nghĩ như thế nào cho đúng. Ngay cả trong công việc cũng vậy.
Em đi làm mỗi tháng mấy triệu tiền lương không đủ để nuôi đàn con của em, tiền sinh hoạt, tiền học hành và đủ thứ. Chồng là giáo viên cấp 3, dạy xa nhà thì tiền lương chắc cũng chỉ nhiều hơn tiền xăng đi về đôi chút.
Thường khi đi điều trị cho bệnh nhân, họ đút vào túi mình vài ba chục khi mình tiêm cho họ, châm cứu hoặc làm gì đó theo nhiệm vụ của mình, số tiền này cả ngày góp lại cũng vài ba trăm. Đó là một khoản thu nhập thêm mà nhiều người cho là chính đáng, thậm chí nhiều khi mong chờ vào đó.

Thế nhưng, ở bệnh viện ngày nay, nhất là chỗ em, khi mọi người đã vào đến đó là đã qua một quá trình điều trị dài, kiệt quệ cả sức khỏe và tiền bạc. Thế nên em không thể nỡ lòng nào lấy những đồng tiền đó của họ. Mà chỉ có mấy triệu tiền lương thì không đủ sống. Thậm chí, nhiều bệnh nhân mình không nhận tiền đó, họ lại cho là mình khó tinh… Họ đâu hiểu hết những suy nghĩ của mình.

Tôi hỏi lại:

– Vậy thì có những tay y tá, thậm chí học vài ba tháng sơ sài rồi cũng hành nghề, cũng làm ông thầy thuốc như thường và giàu có thì nghĩa là sao?

Nó cười bảo:

– Cũng có, nhưng dân mình lạ lắm. Cũng cùng một chai nước chuyền cho họ, mình mua 22 ngàn, công truyền mình chỉ lấy dăm ngàn đồng, vì họ khó khăn đau ốm, mình vừa giúp vừa làm thêm. Nhưng họ không hiểu, trái lại họ tuốn nhau đến chỗ mấy ông thầy đó, cũng chai nước đó, họ lấy mấy chục ngàn tiền công, thì lại đua nhau. Thuốc men thì họ cứ cho bừa, chữa mãi không xong thì đi bệnh viện.
Với lại chuyện chữa bệnh không thể theo cách làm liều được nên em không thể cứ vậy là làm, dù nhiều người vẫn nhờ em.

Tôi chỉ biết im lặng mà không thể nói với em bỏ nghề. Bởi đó là một quá trình học tập và phấn đấu của nó. Tôi cũng không thể nói với em cứ nhận những đồng tiền từ máu xương người dân, hay bóp nặn họ khi có dịp.

Nhưng, tôi mong nó sẽ kiên cường vững vàng vượt qua mọi khó khăn, sống đúng với bản chất của một người làm nghề y để tích lại phúc đức cho con cháu.

Thế mà đã ba mươi mấy năm qua kể từ ngày nó ra đời. Anh em tôi đã sang tuổi lớn, mỗi đứa một cuộc sống riêng… Nhưng hình như trong tôi mỗi đứa em vẫn luôn quấn quýt và mọi chuyện cứ như mới hôm qua vậy.

Giờ này, tôi vẫn như khi tôi vội đạp xe lên Thị xã rồi thầm thì với thầy tôi: “Thầy ơi, mẹ đẻ em rồi”.

Giờ đây, 7 anh em tôi, nhưng nó là đứa thay chúng tôi chăm sóc mẹ già. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nó cũng luôn là trung tâm đoàn kết và bảo vệ các anh em, con cháu.

Hãy cố gắng, em nhé, nơi Thiên Đàng, Thầy sẽ luôn bầu cử cho chúng ta, em ạ.
28/11/2018
Anh của em
J.B Nguyễn Hữu Vinh

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular