DÂN LÀM BÁO
Danlambao (Cập nhật 20.11.2018)
Vào sáng thứ Hai ngày 19.11.2018 blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã gặp ông Lester Holt tại văn phòng của ông trong trụ sở của đài truyền hình NBC. Lester Holt là một ký giả kỳ cựu nổi tiếng và đang là người đảm trách chương trình NBC Nighly News, Dateline NBC.
Trong buổi gặp mặt này ông Holt đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với những nỗ lực tranh đấu của Mẹ Nấm cho nhân quyền, môi trường tại Việt Nam và chia sẻ mối quan tâm đến tình trạng đàn áp các blogger, nhà báo độc lập và tình trạng tự do báo chí bị bóp nghẹt tại Việt Nam.
Trong dịp này, Mẹ Nấm đã trình bày về tình trạng nhà cầm quyền CSVN gia tăng đàn áp, kết án nặng nề những người hoạt động tại Việt Nam. Cô cũng đã đề cập đến nỗ lực tranh đấu cho tự do của tù nhân lương tâm Trần Thị Nga.
Lester Holt và Mẹ Nấm (Ảnh Danlambao)
Lester Holt, Mẹ Nấm, thành viên MLBVN
và ông Steven Butler của CPJ phụ trách Á Châu (Ảnh Danlambao)
và ông Steven Butler của CPJ phụ trách Á Châu (Ảnh Danlambao)
Tại phòng thu hình của chương trình NBC Nightly News
(Ảnh Danlambao)
Buổi tiếp tân của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists – CPJ)
Tối thứ Hai ngày 19.11.2018 tại trụ sở chính của Thông tấn xã Reuters, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã đến tham dự buổi tiếp tân theo lời mời của CPJ nhằm giới thiệu những người nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2018 sẽ được trao tặng vào tối thứ Ba. Những người được trao giải thưởng gồm có bà Amal Khalifa Idris Habbani, một nhà báo độc lập người Sudan; Luz Mely Reyes – nhà báo người Venezuela; Anastasiya (Nastya) Stanko – nhà báo và thành viên của phong trào “Ngưng Kiểm Duyệt” của Ukraine; bà Maria Ressa của Phillippines, Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – đồng sáng lập viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Mẹ Nấm và những người nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí Quốc Tế 2018
và những năm trước (Ảnh Danlambao)
Mẹ Nấm và những người nhận giải thưởng (Ảnh DLB)
Blogger Mẹ Nấm viết poster tham gia chiến dịch
đòi công lý cho nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh DLB)
(Ảnh Danlambao)
Time Square sau buổi tiếp tân
Gặp gỡ thân mật với đồng hương Washington D.C.
Vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 17.11.2018 Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có một buổi ra mắt, gặp gỡ thân mật với một số đồng hương do Nhóm Thân Hữu Mẹ Nấm tổ chức. Buổi họp mặt với sự tham dự của hơn 150 người đã diễn ra trong không khí thân mật và ấm cúng. Mẹ Nấm đã chia sẻ với mọi người về những cảm nhận của mình khi bị tuyên án tù 10 năm, tình trạng tù đày và cảm ơn sự đón tiếp nồng ấm mà đồng bào người Việt hải ngoại đã dành cho cô. Một lần nữa cô cho biết sẽ tập trung chăm sóc cho 2 con và mẹ Tuyết Lan sau 2 năm xa cách nhưng khẳng định sẽ tiếp tục cùng với các thành viên của MLBVN và các bạn trong nước tranh đấu.
(Ảnh Danlambao)
Clip phóng sự của VOA
Trước đó, blogger Mẹ Nấm và con gái là bé Nấm – Nguyễn Bảo Nguyên đã ghé thăm trường Việt ngữ Thăng Long và có buổi tâm sự cùng phụ huynh và học sinh tại đây.
Các thầy cô trường Việt ngữ Thăng Long cùng các em học sinh đã từng đồng hành cùng bé Nấm bằng việc gửi thiệp mừng Lễ Tạ Ơn và thiệp Giáng Sinh đến Tòa Bạch Ốc để kêu gọi tự do cho blogger Mẹ Nấm.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí ấm cúng. Mẹ Nấm đã gửi lời cám ơn đến các em học sinh và phụ huynh của trường Việt ngữ Thăng Long vì đã luôn đồng hành vì tự do của cô và gia đình. Sau trả lời những câu hỏi của những người có mặt về đời sống tù đày, Mẹ Nấm cũng mong muốn tất cả mọi người có mặt tiếp tục cùng lên tiếng cho tự do của nhà hoạt động Trần Thị Nga với mong muốn hai cháu Phú và Tài sớm được đoàn tụ trong vòng tay của mẹ.
Bé Nấm cùng các bạn mới quen đã tiếp tục cùng nhau ký tên lên thiệp mừng Lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng sinh năm nay để gửi đến Tòa Bạch Ốc.
Các anh chị trong nhóm Viet Toon, phụ huynh và học sinh trường Việt ngữ Thăng Long đã gửi đến gia đình blogger Mẹ Nấm những món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Ngày 4 – 16/11/2018:
Buổi họp với văn phòng Thượng Nghị sĩ James P. McGovern
(Ảnh Danlambao)
Trong một tuần lễ vận động chính giới Hoa Kỳ cho chị Trần Thị Nga nói riêng và tình trạng nhân quyền tại VN nói chung, ngày cuối cùng, thứ sáu, 16/11/2018 Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có buổi trao đổi với Thượng Nghị Sĩ James P. McGovern, đồng chủ tịch của Tom Lantos Human Rights Commission.
Mẹ Nấm và TNS McGovern (ảnh Danlambao)
Sau khi lắng nghe Mẹ Nấm trình bày chi tiết về tình trạng của chị Trần Thị Nga, Thượng Nghị sĩ McGovern và phụ tá của ông, Dr. Kimberly Stanton cho biết trong danh sách của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc Hội vẫn chưa có tên của chị Trần Thị Nga, và ông sẽ đặc biệt lưu tâm can thiệp cho trường hợp của chị và các con sớm được tự do và đoàn tụ. Ông cũng cho biết thêm Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ có chiến dịch bảo trợ các tù nhân lương tâm và sẽ cho thêm tên của chị Trần Thị Nga vào danh sách hiện có.
Mẹ Nấm cũng trao đổi với vị đồng chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền về tình trạng tham nhũng, vi phạm nhân quyền của các viên chức cao cấp của nhà cầm quyền VN và tình trạng tẩu tán tài sản quốc gia ra nước ngoài.
Mẹ Nấm yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ qua dự luật, Global Magnitsky Human Rights Accountability Act, ngăn cấm, không cho phép những cán bộ cao cấp CSVN và con cháu họ được hưởng những lợi ích của Hoa Kỳ, không cấp visa nhập cảnh của thân nhân gia đình họ được vào Mỹ du học, và có biện pháp chế tài các trương mục ngân hàng chuyển ngân tài sản thu nhập bất hợp pháp của họ.
Thượng Nghị Sĩ Mc Govern cho biết Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận danh sách tên họ, chức vụ và nhất là chi tiết các bằng chứng vi phạm nhân quyền của các quản giáo, quan tòa, cán bộ lãnh đạo cao cấp do Mẹ Nấm thu thập trong những ngày tới.
Chấm dứt phần trình bày của mình, Mẹ Nấm cũng đã đặc biệt yêu cầu TNS McGovern ủng hộ cho quyền tự do mạng tại VN và yểm trợ gầy dựng sức mạnh xã hội dân sự, phát triển kiến năng cho những nhà đấu tranh nhân quyền và các trang mạng độc lập.
*
Những điểm trình bày của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong cuộc vận động tại Washington D.C.
Trong hai năm qua đã có hơn 20 người hoạt động bị kết án tại Việt Nam vì liên quan đến những hoạt động bảo vệ môi trường và lên án nhà máy sản xuất thép Formosa sau biến cố xả thải làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Chúng tôi tin rằng việc xả thải không phải là một tai nạn như chính phủ VN và Formosa công bố mà đây là một hành động cố tình bởi những công ty thầu dự án của Trung Quốc nhằm tiêu diệt môi trường và vô hiệu hoá những hoạt động của ngư dân VN trên vùng biển của VN mà TQ muốn tranh chấp chủ quyền.
Do đó, bên cạnh vấn nạn đàn áp nhân quyền, tự do dân chủ, người dân Việt Nam đối diện với hiểm hoạ môi trường mà phần lớn đến từ các công trình của Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng việc gia tăng kết án nặng nề những người hoạt động tại VN trong 2 năm qua đều do áp lực của Bắc Kinh lên Hà Nội.
Gần đây Dự luật Đặc Khu nhằm luật hóa việc cho thuê Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong 99 năm là chủ trương dọn đường cho TQ vào khai thác và chiếm đóng 3 địa bàn chiến lược nằm tại 3 miền khác nhau ở VN. Đây là phiên bản thôn tính mà TQ đã áp dụng ở nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó là Luật An Ninh Mạng đã được thông qua. Đạo luật này không phải chỉ để kiểm soát hay tấn công vào thành phần hoạt động nhân quyền mà sâu rộng hơn là để tạo khó khăn cho các công ty Hoa Kỳ từ đó thay thế các hệ thống mạng xã hội của các công ty này bằng các sản phẩm của TQ nhằm kiểm soát mọi hoạt động, dữ kiện trên internet của 90 triệu người dân VN.
Sự việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người trung thành tuyệt đối với Bắc Kinh trở thành Chủ tịch nước sau cái chết đầy mờ ám của ông Trần Đại Quang cũng sẽ làm Việt Nam lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc.
Từ đó, vấn nạn mà VN đối diện ngày hôm nay không chỉ giới hạn trong vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền mà còn là nguy cơ mất chủ quyền chính trị và độc lập quốc gia.
Những vấn đề này đan chặt với nhau vì chúng tôi tin rằng một trong những quyền con người quan trọng nhất là quyền công dân được lên tiếng nói, bày tỏ nguyện vọng của mình để bảo vệ an ninh của tổ quốc, trong đó có an toàn về môi trường và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày 10 tháng 10 năm 2016 tôi bị bắt và sau đó bị tuyên án 10 năm tù cũng vì thể hiện quyền công dân trên. Sau tôi, hàng loạt các công dân VN khác cũng bị kết án nặng nề vì những hoạt động tương tự. Nhân dịp này, tôi xin kêu gọi sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ về tình trạng của bà Trần Thị Nga, một người phụ nữ với 2 con còn nhỏ đã bị bắt giam và kết án 9 năm tù giam vì những hoạt động bảo vệ môi trường, phản đối hoạt động của Formosa. Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho chúng tôi tranh đấu đòi tự do cho bà Trần Thị Nga.
Chúng tôi tin rằng chính sách đối đầu với Trung Quốc của Hoa Kỳ là cần thiết và có lợi cho đất nước và người dân Mỹ. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sự quan tâm của Hoa Kỳ tại biển Đông, ngăn chận sự bành trướng trái phép của Trung Quốc cũng đem lại những chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền của người dân VN tại vùng biển này. Từ đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy xem 90 triệu người dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Quốc gia tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ là những đồng minh, là đối tác cần được quan tâm trong những chính sách, thương thảo và ký kết với chính phủ Việt Nam.