Monday, December 23, 2024
HomeBLOGPhỏng vấn Nguyễn Văn Đài tại Praha

Phỏng vấn Nguyễn Văn Đài tại Praha

Vietinfor

Cách đây hơn một năm, báo chí Séc đã biết đến luật sư Đài như là một người tù nhân bị giam 600 ngày ròng rã mà không được ra tòa. Với người Việt vốn là những người chỉ nhìn thấy công an là chột dạ và sợ hãi, thì “được ra tòa” có lẽ là một khái niệm khó hiểu. Ở các nước phương Tây, “được ra tòa”, đó là được có cơ hội được phân xử một cách công mình và nói cho cùng, cơ hội cho một người cũng chính là cơ hội cho mọi người trong xã hội, và vì thế đấu tranh cho cơ hội ấy, âu cũng là lẽ thường.
Và ngày 6.10. vị luật sư ấy sẽ có một buổi gặp gỡ cộng đồng tại Praha.

Rất cám ơn luật sư đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn dưới đây – để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt với cộng đồng ngày sắp tới.

Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị Việt Nam kết án hai lần. Lần đầu là 2007 và lần thứ hai là 2018. Thưa luật sư, hai lần tù tội cách nhau 11 năm, luật sư có thấy điều kiện cơ sở vật chất cũng như cách đối xử của các quản tù đối với tù nhân lương tâm có gì thay đổi không?

Thưa chị, tôi hai lần bị bắt nhưng bị tạm giam ở hai trại tạm giam khác nhau, nên không thể biết điều kiện cơ sở vật chất của nơi tôi bị tạm giam trước đây có thay đổi hay không.

Tôi chỉ có thể nói rằng điều kiện tạm giam tại trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội, nơi tôi bị tạm giam năm 2007 là khủng khiếp. Chúng tôi không có nước sạch để uống và tắm giặt. Nước họ cung cấp cho chúng tôi hằng ngày là nước bơm trực tiếp từ giếng khoan, bằng mắt thường có thể nhìn thấy bùn, cát trong nước. Chúng tôi phải dùng tất, khăn mặt để lọc qua nhiều lần thì mới bớt những cặn bùn đất to, rồi sau đó phải dùng liều.

Chúng tôi thường mắc bệnh tiêu chảy do uống nước bẩn. Không được cạo râu, mà phải tự nhổ râu, tự cắn móng tay khi nó quá dài.

Quản giáo ở đó thì chỉ vì tiền, những người bị tạm giam ở đó muốn có điều kiện sống tốt thì gia đình phải hối lộ cho quản giáo từ 500 ngàn đồng tới 3 triệu đồng tuỳ theo điều kiện sống mà người bị tạm giam mong muốn.

Khi tôi bị bắt lần thứ hai và bị tạm giam ở trại B14, điều kiện cơ sở vật chất ở đây tốt hơn ở trại tạm giam số 1. Nhưng quản giao ở B14 thì nham hiểm và độc ác hơn ở trại tạm giam số 1 Thành phố Hà nội rất nhiều. Hàng ngày họ luôn nghĩ và tìm cách nào đó làm cho những người bị tạm giam ở đây tức giận hoặc lo lắng.

Ví dụ: họ cho ăn cơm sống, canh thiu, hoặc cho xà phòng vào canh, nước uống luôn có mùi khó chịu, ban đêm khi chúng tôi đang ngủ thì họ gọi dậy để phát thuốc, thỉnh thoảng thì không cho đọc báo, nghe radio,…

Thái độ của các tù nhân khác đối với người hoạt động có gì thay đổi?

Rất may mắn là hầu hết các tù nhân thường phạm đều tôn trọng những người tù nhân lương tâm, nếu có điều kiện và cơ hội thì họ sẵn sàng giúp đỡ cho các tù nhân lương tâm.

So với các nhà hoạt động ở trong nước dễ bị rình rập, bắt bớ, những người ở nước ngoài thường thoải mái, ung dung hơn nhiều. Và hiệu quả của các nỗ lực của họ cũng là hạn chế. Là một người từ trong nước đi ra nước ngoài, luật sư đánh giá ra sao về các hoạt động ở ngoài? Về sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước?

Theo tôi đánh giá thì những người hoạt động dù ở trong hay ngoài nước thì đều quan trọng như nhau. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi người ở mỗi vị trí, hoàn cảnh, môi trường khác nhau, làm sao mọi người đều phải tận dụng thật tốt khả năng của mình để hoạt động hiệu quả.

Ví dụ: Người hoạt động trong nước có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với mọi từng lớp người dân, cần khéo léo vận động, tổ chức cho các người dân hình thành lên các tổ chức, các nhóm xã hội dân sự hoạt động phi chính trị. Từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức về các quyền con người, dân chủ. Giúp họ kỹ năng tổ chức và hoạt nhóm, liên kết nhóm để thực hiện việc bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình và của người khác.

Những người hoạt động bên ngoài thì cùng đóng góp tài chính, vận động quốc tế cho những người hoạt động trong nước. Liên kết, bảo trợ cho các cá nhân, nhóm hoạt động trong nước.
Nếu những người hoạt động ở cả trong và ngoài nước mà liên kết, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau thì công cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam mới có cơ may thành công.

Năm 2014, khi Cù Huy Hà Vũ được nhà nước Việt nam thả ra để đi chữa bệnh tại Hoa kỳ, luật sư Đài cho rằng đây là một ‘nỗi buồn’ và một thiệt thòi cho cuộc đấu tranh vì dân chủ, tự do và nhân quyền ở trong nước. Vậy ông đánh giá ra sao về sự ra đi của chính mình trong tháng 6.2018? Phải chăng điều kiện quốc tế thay đổi đã làm luật sư thay đổi suy nghĩ? Có phải là luật sư đã thay đổi suy nghĩ?

Đúng là khi anh Cù Huy Hà Vũ ra đi thì tôi có đánh giá như vậy. Việc ra đi của tôi cũng là một điều đáng tiếc, nếu được tự do ở trong nước để tiếp tục hoạt động thì là một mơ ước. Nhưng bản án 15 năm tù và 5 năm quản chế là quá dài. Nếu tôi tiếp tục ở trong tù thì những kinh nghiệm, kiến thức mà tôi có được sẽ mãi mãi chôn vùi trong lao tù. Tôi không thể làm gì cho phong trào đấu tranh dân chủ. Trong khi còn làm khó cho chính gia đình của mình.

Đồng thời toàn bộ các thành viên lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị bắt. Nếu tôi không ra ngoài sớm để khôi phục lại hoạt động của Hội thì Hội AEDC sẽ bị tan rã.

Bởi vậy tôi quyết định ra đi để tiếp tục có cơ hội hoạt động.

Và thực tế bước đầu đã chứng minh quyết định ra đi của tôi là đúng đắn. Vì sau khi tôi ra ngoài, tôi đã khôi phục lại hoạt động của Hội. Tạo dựng và khôi phục lại được các quan hệ quốc tế để vận động hỗ trợ cho phong trào dân chủ trong nước.

Xin luật sư mô tả tóm tắt bối cảnh mà chính quyền Việt nam đã trả tự do cho luật sư. Liệu luật sư có cơ hội trở về Việt nam?

Ngay từ ban đầu thì mục đích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt tôi là để đổi chác với quốc tế rồi. Nên khi quốc tế gây áp lực với họ thì họ chỉ trả lời rằng tôi chỉ có thể được tự do và phải rời khỏi Việt Nam.

Và trong thời gian tôi bị tạm giam thì đã có chính phủ Australia, Hoa Kỳ và CHLB Đức sẵn sàng nhận tôi đi tị nạn. Cuối cùng thì gia đình chúng tôi chọn CHLB Đức. Từ ngày 30.10.2016, chính phủ Đức thông báo sẽ nhận gia đình tôi nếu chúng tôi quyết định chọn nước Đức. Tháng 1 năm 2017, gia đình tôi thông báo với Sứ quán Đức là chúng tôi đã quyết định chọn nước Đức.

Ngày 3.11.2017, Đại diện Đại sứ quán Đức vào trại giam B14 gặp tôi để xác nhận việc tôi đồng ý tới tị nạn tại Đức. Và ngày 7.6.2018 tôi được đưa từ nhà trại giam B14 ra thẳng sân bay Nội Bài và sang Đức.

Bản án 15 năm tù và 5 năm quản chế của tôi chỉ được tạm đình chỉ thi hành. Tôi có thể trở về Việt Nam nhưng sẽ đi thẳng từ sân bay về nhà tù.

Người Việt tại các nước Đông Âu nói chung và cộng hòa Séc nói riêng, phần lớn đều là người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc XHCN. Cũng như luật sư, họ đã và đang được sống trong một xã hội tự do, mặc dù cuộc ra đi của họ nhiều phần không phải vì sự khác biệt trong ý thức hệ. Khác với luật sư, nhiều phần họ không lộ ra các suy nghĩ của mình.
Nếu được gửi đến họ một thông điệp, luật sư sẽ nhắn nhủ điều gì tới họ?

Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam, đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi với quê hương, Tổ quốc nơi chúng ta đã sinh ra.

Bất hạnh cho dân tộc chúng ta là bị cai trị bởi đảng cộng sản và chế độ cộng sản. Hơn nửa thế kỷ đã qua, họ đã gây ra biết bao đau khổ cho Nhân dân. Hết chiến tranh thì lại đến đói khổ.

Khi cuộc sống khấm khá hơn thì môi trường bị huỷ hoại, tài nguyên, khoáng sản, rừng bị khai thác cạn kiệt; hàng hoá, thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng tràn ngập thị trường đe doạ sức khoẻ, tính mạng của cả dân tộc.

Tham nhũng, sự hủ bại về đạo đức của chế độ cộng sản đã phá huỷ truyền thống đạo đức tốt đẹp mà tổ tiên chúng ta để lại. Cái tốt trở nên hiếm hoi, cá biệt. Cái xấu trở nên quen thuộc và thống trị xã hội,….
Bởi vậy tất cả con dân Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu, làm gì thì đều nên cùng gánh vác trách nhiệm đấu tranh giải thể chế độ độc đảng cộng sản, xây dựng lên nước Việt Nam tự do, dân chủ, văn minh, thịnh vượng cho muôn đời con cháu chúng ta.

Thanh Mai- vietinfo.eu

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular