VOA
Nhiều quý vị có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết không có trang truyền thông lâu đời nào ở Việt Nam hay hải ngoại là trang có nhiều fan nhất trên Facebook. Thay vào đó, trang Đại Kỷ Nguyên, vốn mới xuất hiện từ năm 2015, đã qua mặt toàn bộ những tên tuổi lớn và tổng số lượt fan từ các trang Facebook khác nhau của họ đạt gần 33 triệu.
Đây là số fan lớn hơn nhiều so với tổng số khoảng 13 triệu fan từ các trang Facebook chính của ba trang tin trong nước đông người hâm mộ và ba trang tin hướng về Việt Nam từ Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc với lượng fan lớn trên Facebook.
Trong số các trang tin trong nước, số fan của VNExpress đạt hơn 2,9 triệu, của Tuổi Trẻ là hơn 2,2 triệu và của Zing đạt gần 1,9 triệu.
Đứng đầu các trang tin hướng về Việt Nam từ hải ngoại là VOA Tiếng Việt với 2,5 triệu fan và người theo dõi tin, theo sau là BBC Tiếng Việt với gần 2,2 triệu và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc với hơn 1,9 triệu.
Trong khi đó chỉ riêng trang chính của Đại Kỷ Nguyên đã có gần 12,8 triệu fan. Trang này cũng có nhiều tin bài được chia sẻ hàng vạn lần. Video về tệ nạn bắt cóc trẻ emhôm 28/7 được hơn 21.000 lượt chia sẻ và đường dẫn tới video về những sinh hoạt hàng ngày của người đàn ông mất cả hai tay hôm 25/7 nhận được hơn 10.000 lượt chia sẻ.
Theo giới thiệu của chính Đại Kỷ Nguyên, họ là phiên bản tiếng Việt trong số 21 ngôn ngữ được Tập đoàn Truyền thông Đại Kỷ Nguyên, tên tiếng Anh là Epoch Media Group, “chính thức công nhận và uỷ quyền xuất bản” với ngày ra mắt là 1/1/2015.
Epoch Media Group được cho là do nhiều người theo Pháp Luân Công sở hữu và họ đã cho ra ấn bản tiếng Anh The Epoch Times ở New York từ hồi năm 2000. Theo chính lời những người chủ của The Epoch Times, họ ra báo và đăng tin trên mạng sau khi chứng kiến cuộc đàn áp ở Thiên An Môn cũng như sự đàn áp đối với những người theo Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Lời giới thiệu của Đại Kỷ Nguyên trên Facebook cũng có đoạn: “Với niềm tin tưởng mạnh mẽ những giá trị đạo đức đẹp đẽ sẽ là chìa khóa giúp độc giả tìm thấy lời giải cho những bề bộn và trăn trở về cuộc sống, Đại Kỷ Nguyên cố gắng đăng tải các bài viết hay nhất tìm về giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền từ ngàn năm – cội nguồn thuần khiết và đẹp đẽ nơi nhân loại bắt đầu; đề cao các giá trị đạo lý, nhân sinh, tín ngưỡng đối với Thần Phật – niềm tin bất tử để chúng ta luôn vững vàng và bình yên trong biển lớn đầy sóng gió của cuộc sống này.”
Đại Kỷ Nguyên cũng có nhiều bài viết về Pháp Luân Công như ‘Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học nói gì về Pháp Luân Công’, ‘Cảnh sát thế giới tập Pháp Luân Công trong khi đồng nghiệp Trung Quốc bắt bớ gần 20 năm’, hay ‘Vấn đề Pháp Luân Công, chủ trương của Việt Nam là gì’.
Hồi cuối năm 2017 đã xuất hiện bài viết cáo buộc những người điều hành ấn bản tiếng Việt của Đại Kỷ Nguyên bỏ tiền ra mua những trang Facebook đã nổi tiếng sẵn và biến chúng thành Đại Kỷ Nguyên. Thông tin từ Facebook cho thấy hai trang nhiều fan nhất của Đại Kỷ Nguyên đều từng có các tên khác không liên quan gì tới Đại Kỷ Nguyên.
Trang Đại Kỷ Nguyên chính với gần 12,8 triệu fan hồi tháng 8/2015 đổi tên thành Sơn Hồ Quốc Việt từ tên gốc Sơn Tùng M-TP, tên của một ca sỹ nổi tiếng ở Việt Nam, để rồi thành Hồ Quốc Việt trong cùng tháng. Hôm 1/9/2015, trang này đổi tên thành Hồ Quốc Việt Đại Kỷ Nguyên và sau đó chỉ còn là Đại Kỷ Nguyên từ 9/9/2015.
Một trang khác mang tên Đại Kỷ Nguyên -EpochTimes với hơn 9,4 triệu người theo dõi trên thực tế được thành lập từ tháng 9/2013, hơn một năm trước khi Đại Kỷ Nguyên ra đời, với tên ban đầu là Nhắn gửi yêu thương sau được đổi thành Lời Chưa Nói.
Tới tháng 10/2015, trang này có tên mới Lời Chưa Nói Đại Kỷ Nguyên 2 và một tuần sau là Đại Kỷ Nguyên-EpochTimes Vietnam.
Hiện cả hai trang này, vốn đều nhiều fan hơn con số 5,2 triệu người thích và theo dõi của trang tiếng Anh The Epoch Times, đều chưa trả lời tin nhắn trên Facebook hỏi về chuyện họ từng có các tên khác trước khi thành Đại Kỷ Nguyên.
Đại Kỷ Nguyên cũng còn sở hữu các trang Facebook khác trong đó có Đại Kỷ Nguyên – News với trên sáu triệu người thích và theo dõi và hai trang video khác nhau, một trang có gần 3,5 triệu fan và trang còn lại có gần 1,3 triệu người thích và theo dõi.
Dù hai trang chính với tổng số trên 22 triệu fan đều có các tên khác trước khi trở thành Đại Kỷ Nguyên, các trang còn lại với gần 11 triệu người theo dõi đều giữ nguyên tên ban đầu. Đại Kỷ Nguyên cũng dùng hai trang chính để quảng cáo cho các trang này.
Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/.